Ý nghĩa Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20-11

0:00 / 0:00

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Hôm nay, 20-11, cũng là ngày lễ Hiến Chương Nhà Giáo Việt Nam. Đây cũng là một ngày lễ hội của ngành giáo dục, được tổ chức rất rầm rộ ở khắp mọi miền, và cũng là ngày “tôn sư trọng đạo” nhằm để tôn vinh những ai hoạt động trong ngành này.

TeacherStudent150.jpg
AFP PHOTO

Theo đúng ý nghĩa, trong ngày này, các học sinh thường đến tặng hoa và biếu quà cho các thầy cô giáo để tỏ lòng biết ơn. Nhưng trên thực tế, cùng với thời gian, càng ngày, ý nghĩa của ngày 20-11 càng biến chất. Thậm chí, có phụ huynh còn mỉa mai, cho rằng các giáo viên chỉ chờ đến ngày này để kiếm chác thêm. Trong mục Câu Chuyện Hàng Tuần kỳ này, Phương Anh xin đề cập đến vấn đề đạo đức của thầy cô giáo hiện nay nhân ngày Hiến Chương Nhà Giáo Việt Nam.

Truyền thống và thực tế

Nếu theo đúng ý nghĩa truyền thống của ngày 20-11, thì trong ngày lễ này, các phụ huynh thường nhắc nhở con em của mình phải nhớ đến các thầy cô đã có công dậy dỗ mình, và thông thường chỉ mua hoa quả hay tí quà tượng trưng, cho con em của mình đem đến biếu thầy cô. Thế nhưng, trên thực tế, điều này đã chấm dứt từ lâu. Anh Hùng, một phụ huynh có hai con đang học cấp hai ở một trường phổ thông cơ sở tại Hà Nội nói:

“Ngày xưa, thời mình đi học, thì gọi là “hiến cam các nhà giáo”, tôi thường nói đuà như thế, có nghĩa là mình mua cân cam, cân đường, biếu các thầy cô, thế thôi…Nhưng bây giờ không phải thế, ngày Hiến Chương Các Nhà Giáo là ngày các nhà giáo “gặt hái”, kiểu như “máy gặt đập liên hợp” để gặt hái..

Ngày xưa đem quà đến thì các thầy cô giáo chối “đây đẩy”, nhưng bây giờ thì nhà giáo còn gạ đến tận nơi. Con tôi, hôm trước, ban Phụ Huynh đã trích qũy đem đến tận nơi, nhưng, khi đến nhà thì cô giáo còn bảo là “mới mất điện thoại di động”, kiểu như gạ vậy.” Một điều rất đáng buồn rằng, có một số thầy cô giáo, vì lợi nhuận trước mắt mà đã quên đi phẩm chất cao qúi của nghề giáo. Khi thấy phụ huynh nào năng thăm hỏi, quà cáp thì lại thiên vị với học sinh đó. Anh Hùng nói tiếp:

“Về nguyên tắc thì con mình chẳng làm sao cả, chẳng bị đuổi học, nhưng kém bạn thì cái chắc. Cùng ngang với bạn ngồi bên cạnh, nhưng cha mẹ bạn ấy có hơn một tí thì sẽ hơn. Bây giờ giáo viên khá rồi, nhất là những trường điểm, trường nổi thì kiếm ăn được. Ngày xưa thì “nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà nghèo” là họ hàng với nhau, nhưng bây giờ thì còn lâu!”

Ngày xưa, thời mình đi học, thì gọi là “hiến cam các nhà giáo”, tôi thường nói đuà như thế, có nghĩa là mình mua cân cam, cân đường, biếu các thầy cô, thế thôi…Nhưng bây giờ không phải thế, ngày Hiến Chương Các Nhà Giáo là ngày các nhà giáo “gặt hái”, kiểu như “máy gặt đập liên hợp” để gặt hái..

Có những phụ huynh, chấp nhận cho con em của mình rơi vào tình trạng bị thầy cô "thiên vị" chỉ vì muốn biết thực lực học của con mình ra sao. Chị Hoa, ở Sàigòn, cho biết rằng, khi con chị còn ở Mẫu Giáo và cấp 1 thì phải lo quà cáp cho các cô, nhưng khi con chị lên cấp hai, cấp ba thì chị chấm dứt chuyện này. Chị cho biết: "Chỉ có học mẫu giáo, hay từ lớp 1 đến lớp 5 thôi, chứ còn cấp hai, cấp ba thì bớt rồi, chỉ có một số phụ huynh cho thôi, đa số thì không cho. Vì mình cho như thế mình không biết học lực thật của con mình. Cho rồi thì mấy "ổng" chấm điểm lung tung, thà để tuị nó tự học, tự lực cánh sinh.

Nhưng thực chất, những đứa học sinh giỏi chưa chắc đã giỏi thật, thi rớt đại học hết vì thi đại học đâu có bỏ tiền mua được, phải bằng chính năng lực của mình. Còn điểm thầy giáo cho 9, 10 điểm thực chất chỉ là trá hình.”

Chị cũng cho biết rằng, bản thân chị hiện đang theo học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, trong ngày hôm nay, cũng tổ chức cho các thầy cô ăn mừng lễ Hiến Chương Nhà Giáo, chị nói: " Tổ chức ăn mừng, tiệc…cho mỗi thầy một món quà, coi như kỷ niệm ngày Hiến Chương. Thí dụ như mua quần aó..hoa là tượng trưng thôi, mỗi người một bó."

Một phụ huynh khác, tên Trâm, cũng ở Sàigòn, có con đang học lớp 2 cũng đồng quan điểm và cho rằng, nếu ai cũng nhân ngày 20- 11 mà đưa bì thư, hay gửi biếu thầy cô những tặng phẩm đắt tiền, như một hình thức mua chuộc, thì chẳng khác gì làm hại thêm cho các nhà giáo. Chị nói: "Riêng em thì nhớ đến thầy cô giaó cũng chỉ mua hoa để tặng thôi, chứ không "tiền' bạc. Hồi cháu học mẫu giáo thì phải biếu xén cô tiền, quà cho cô để cô để ý con mình kỹ hơn. Sau này, lên lớp 1, lớp 2, thì không nghĩ đến chuyện đó nữa, vì mình làm như vậy nhiều khi làm hư thầy cô giáo."

Cũng có ý kiến cho rằng, vì hoàn cảnh, đồng lương nhà nước thấp, và nhất là vào thời buổi kinh tế thị trường nên các thầy cô bây giờ cũng phải thực tế, và bớt lý tưởng hơn. Các giáo viên dậy môn khoa học xã hội thì còn gặp khó khăn, vì ít có học sinh học thêm. Do đó:

“Thầy giáo dậy môn Toán, Văn, Sinh Ngữ,Lý, Hoá, Sinh Vật thì giàu, vì đi dậy thêm ở mấy trung tâm, ở các “lò” luyện thi.”

Mang tiếng

Cũng theo lời anh Hùng ở Hà Nội, một trong những nguyên nhân sâu xa khiến cho giới giáo chức mang tiếng là việc dậy thêm này. Với những gia đình khó khăn, không đủ khả năng cho con đi học thêm thì các em sẽ chịu nhiều thiệt thòi vì ngay tại lớp, các thầy cô chỉ giảng dậy qua loa mà thôi. Điều này, có khá nhiều phụ huynh than phiền nhưng vẫn chẳng thay đổi được bao nhiêu, và cuối cùng anh Hùng chỉ còn biết than thở:

“Nhà giáo Việt Nam mang tiếng từ lâu rồi. Bố mẹ tôi là nhà giáo, nhưng mà chính bản thân bố mẹ tôi cũng nói bây giờ nhà giáo mang tiếng nhiều, chứ không như ngaỳ xưa.”

Có một dạo mang tiếng quá cho nên bỏ Ngày Nhà Giáo Việt Nam, nhưng laị khôi phục lại từ khoảng 5, 7 năm nay. Nói chung, bây giờ đời sống người ta cũng khá hơn rồi, nên chuyện đó là bình thường, không còn là gánh nặng của phụ huynh. Càng ngày càng trở nên có ý nghĩa vì đời sống vật chất khá hơn, không còn khốn khó như các năm trước. Cho nên, thực sự, Ngày Nhà Giáo cũng mang một ý nghĩa tinh thần.

Có lẽ cũng chính vì chuyện mang tiếng này nên cũng có một thời gian, ngày Nhà Giáo Việt Nam không được tổ chức rầm rộ, như lời cô giáo Thanh Hằng, trường Mẫu Giáo Sơn Ca, quận Phú Nhuận, cho biết: "Có một dạo mang tiếng quá cho nên bỏ Ngày Nhà Giáo Việt Nam, nhưng laị khôi phục lại từ khoảng 5, 7 năm nay. Nói chung, bây giờ đời sống người ta cũng khá hơn rồi, nên chuyện đó là bình thường, không còn là gánh nặng của phụ huynh. Càng ngày càng trở nên có ý nghĩa vì đời sống vật chất khá hơn, không còn khốn khó như các năm trước. Cho nên, thực sự, Ngày Nhà Giáo cũng mang một ý nghĩa tinh thần.

Ngày này, ngành Giáo Dục tổ chức các hoạt động cho các thầy cô giáo tham gia để người ta cảm thấy thoải mái, vui chơi. Đó là cái chủ yếu. Trong trường, có một qũy của ban đại diện cha mẹ học sinh, thì trong ngày 20-11 này sẽ trích từ qũi để cho các cô. Còn phụ huynh muốn thăm riêng giáo viên đó là chuyện riêng.”

Nhưng đối với cô giáo Ngọc Huệ, ở Kim Long, Huế, thì ngày lễ Hiến Chương Nhà Giáo Việt Nam năm nào cũng như nhau, chỉ ồn ào chừng một vài hôm rồi lại đâu vào đấy, một số giáo viên vẫn chẳng nghĩ đến danh dự nghề nghiệp. Bản thân chị cũng có 3 con đang theo học trung học, và chị cho biết kinh nghiệm của mình:

“Ồn ào vậy thôi, chẳng qua, phụ huynh năng tới thì con được điểm tốt. Phụ huynh ít tới thì con chỉ được điểm trung bình, kém…vậy thôi. Coi như phụ huynh ít quan tâm thầy cô thì thầy cô cũng ít quan tâm con cái của mình. Con cái của chị thì chỉ tặng hoa cho thầy cô cũ. Thí dụ như năm nay lớp 12 thì tặng hoa cho thầy cô lớp 11, chứ không tặng cho thầy cô đang dậy.

Theo suy nghĩ của tôi thì đúng là ngày của các nhà giáo, là ngày cao quí. Mình cũng là nhà giaó, nhưng đôi lúc đến nơi họp hành, thấy một số người so bì. Thí dụ như nói là” giá cả bây giờ mà phụ huynh chỉ cho gói mì tinh” hoặc là “ai cho mấy cái đồ đó là cũ xì”…mình không hiểu được, thấy khó chịu lắm!”

Bên cạnh những ý kiến tiêu cực về thầy cô trong ngày lễ Hiến Chương Nhà Giáo Việt Nam, thì cũng còn những tấm gương sáng đáng quí. Đó là những nhà giáo tình nguyện đi phục vụ ở vùng sâu, vùng xa, những vùng xa xôi hẻo lánh. Nơi đó, các phụ huynh đều nghèo, cuộc sống vất vả nên chẳng quà cáp gì cho các thầy cô được, như ý kiến của anh Hùng: "Những vùng nông thôn, vùng núi thì lấy đâu ra…Tôi thấy những giáo viên đó xung phong lên những vùng đó là những người nhiệt tình, ít ra họ còn có tâm huyết. Tôi cho rằng những người đó đáng trân trọng."

Qúi vị và các bạn vừa nghe một số ý kiến của phụ huynh và nhà giáo nhân ngày lễ Hiến Chương Nhà Giáo Việt Nam, 20-11. Hiện nay, ngành giáo dục Việt Nam đang có nhiều nỗ lực cải thiện trong việc giảng dậy. Phải chăng cũng đến lúc nên đặt lại vấn đề lương tâm và trách nhiệm cao qúi của nhà giáo hiện nay?

Mục Câu Chuyện Hàng Tuần xin chấm dứt nơi đây. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ sau.