Sách giáo khoa, vấn đề gây bức xúc cho các bậc phụ huynh
2006.08.07
Nhã Trân, phóng viên đài RFA
Niên học 2006-2007 tại Việt Nam còn gần một tháng nữa mới bắt đầu, nhưng giới phụ huynh từ nhiều tháng nay đã phải lo lắng, chuẩn bị cho vô số phí tổn về việc học của con. Một trong những vấn đề gây bức xúc nhất cho bậc cha mẹ là phí sách giáo khoa.
Giá sách quá cao, và sách thay đổi mỗi năm gây rất nhiều khó khăn cho gia đình học sinh. Người dân đã có nhiều phản ánh nhưng vấn đề lâu nay vẫn chưa được giải quyết. Nhã Trân tìm hiểu sự kiện và có bài tường trình.
Hàng năm cứ đến mùa nhập học tại Việt Nam những người có con đến trường lại thêm một lần khổ tâm vì phải bỏ ra bộn tiền để mua sách giáo khoa mới cho trẻ.
Dù muốn dù không, dù có sẵn tiền hoặc đã sạch túi, cha mẹ vẫn phải chi cho khoản này bởi tương lai con cái. Những người khá giả không đau xót nhiều, còn những người phải chạy ăn từng tháng, từng bữa thì thật sự não nề, khổ sở.
Giá sách quá cao
Người dân có lẽ không phải bức xúc nếu giá sách không quá cao và sách không thay đổi mỗi năm, để có thể mua cho con bộ cũ với giá rẻ hơn, hoặc dùng lại sách của niên khóa trước. Khổ nỗi, sách mọi bộ môn các cấp 1,2 và 3 được xuất bản lại mỗi niên khóa, dù nội dung giữ nguyên.
Khác biệt nếu có chỉ là sự thay đổi hình thức, như cách trình bày khác với sách vừa in mùa trước, và các chương được xoay đảo cho khác với trật tự của sách cũ, gây khó khăn cho học trò nếu muốn dùng lại sách của năm rồi.
Tiền sách của cháu mỗi năm khoảng 1 triệu rưỡi; so với đồng lương công nhân viên thì rất là khó khăn. Thường sách mỗi năm thay đổi một lần, đôi khi 2 năm một lần, nên không thể dùng lại. Nhưng có khó khăn lắm thì cũng phải cố gắng.
Đại đa số gia đình học sinh thuộc giới lao động công, nông với lợi tức ít ỏi; vì vậy đối với họ chi phí cho việc học của con là một gánh nặng lắm lúc không thể kham nổi. Khổ tâm nhưng không có sự lựa chọn nào khác, các bậc cha mẹ này phải cắn răng chịu đựng, chạy đôn đáo vay mượn hoặc nhịn ăn nhịn mặc hàng tuần, hàng tháng để kiếm cho ra tiền mua sách. Cảnh nhà vốn túng bấn dễ trở nên cùng quẫn.
Bà Trần Kim Anh ở quận Phú Nhuận, mẹ của hai học sinh cấp 2, than thở: “Từ đầu năm là phải sửa soạn để ra ít nhất là 1 triệu đồng, vì tiền học tất cả sẽ hơn rất nhiều. Đầu tiên phải đóng 1 triệu, sau đó còn 2, 3 đợt nữa, vì đủ thứ sách phải mua, linh tinh. Hầu như cha mẹ nào đầu năm học cũng vất vả. Phải chuẩn bị trước. Coi như 3 tháng hè là phải chuẩn bị rồi”.
Bà Đặng Thị Kim Tuyết ở quận Gò Vấp, có con học lớp 11, cho hay thêm: “Trường bán một bộ sách khoảng 200 ngàn tiền Việt Nam. Nhưng đây là sách của nhà trường thôi. Mình còn phải mua nhiều sách ở ngoài để tham khảo thêm. Cháu mua sách tham khảo nhiều lắm, nhiều khi lên đến gần bạc triệu, để học thêm ở bên ngoài”.
Ngay cả những gia đình có thu nhập tương đối cũng phải lên tiếng ta thán, cho biết tất cả phí tổn để một cháu đến trường chiếm khoảng 1 phần 4 lương của cha mẹ, trong đó sách giáo khoa là phần không nhỏ của toàn bộ phí học, khiến họ cũng rất khổ sở. Ông Nguyễn Lộc ở quận Ba, thành phố Hồ Chí Minh, cha của một cháu lớp 10, tâm sự:
“Tiền sách của cháu mỗi năm khoảng 1 triệu rưỡi; so với đồng lương công nhân viên thì rất là khó khăn. Thường sách mỗi năm thay đổi một lần, đôi khi 2 năm một lần, nên không thể dùng lại. Nhưng có khó khăn lắm thì cũng phải cố gắng”.
Ở các nước khác
Vấn đề sách giáo khoa tại các nước khác ra sao? Tại Úc sách được bán với giá rất hạ, theo lời bà Nguyễn thị Huyền ở thành phố Melbourne:
“Chúng tôi có hai cháu đang theo học lớp 5, và lớp 10. Tiền sách học các cháu mỗi năm tốn khoảng 500 đô la nếu là sách mới, còn nếu muốn tiết kiệm có thể mua sách cũ, chỉ tốn khoảng phân nửa. Tiền mua sách nguyên năm cho cả hai cháu chỉ bằng 1 phần trăm số lương của vợ chồng tôi một năm, nên tôi thấy cũng thoải mái”.
Giá sách giáo khoa ở Úc không trở thành một bận tâm cho phụ huynh học sinh. Vấn đề sách học ở châu Âu của bậc tiểu và trung học thì thế nào? Ông Nguyễn Đức Huấn tại Brussell, Bỉ, cho biết:
Nói một cách khác thì tôi nghĩ là chính phủ cung cấp và tạo môi trường thích hợp trong vấn đề giáo dục cho học sinh. Khi bắt đầu niên học các cháu được nhà trường cho mượn sách. Đến cuối niên học thì trả lại cho trường. Chúng tôi hoàn toàn không phải trả một phí tổn nào cả.
“Sách hoàn toàn miễn phí. Bên này hệ thống trường công không mất tiền, mà trường tư thì cũng không. Học trường nào cũng không mất tiền mua sách”.
Các nước Bắc Mỹ cũng quan tâm đến ngành giáo dục, tận tình giúp đỡ học trò. Ở Hoa Kỳ người dân không phải mua sách học cho con, như lời ông Nguyễn Thanh Liêm, thành phố San Jose:
“Hiện nay con tôi lên lớp 10. Cháu học không tốn tiền mua sách. Khi bắt đầu vào học cho đến lúc học xong, nhà trường hoàn toàn cho mượn sách, lúc học xong thì trả lại. Chúng tôi không phải trả một đồng nào cho tiền sách vở”.
Tương tự như Mỹ, Canada cũng có chính sách trợ giúp người dân, theo xác nhận của ông Nguyễn Thành Danh ở thành phố Ottawa:
“Chúng tôi có ba cháu. Trong thời gian các cháu học chúng tôi không phải bận tâm về việc mua sách hoặc tìm sách phù hợp với chương trình học của các cháu. Tất cả những điều này nhà trường có trách nhiệm.
Nói một cách khác thì tôi nghĩ là chính phủ cung cấp và tạo môi trường thích hợp trong vấn đề giáo dục cho học sinh. Khi bắt đầu niên học các cháu được nhà trường cho mượn sách. Đến cuối niên học thì trả lại cho trường. Chúng tôi hoàn toàn không phải trả một phí tổn nào cả”.
Lãng phí
Sách giáo khoa của Việt Nam thay đổi mỗi năm, viện lý do sách mới tốt hơn vì không bị lỗi. Sách học trong nước thật sự có được bổ túc và cập nhật mỗi năm hay không? Theo phản ảnh của phụ huynh cũng như giới sư phạm, nội dung sách mới không khác gì so với sách cũ, mà đôi khi lại có vô số điểm sai, thậm chí từng dẫn đến tranh luận trong ngành giáo dục về việc có nên viết lại toàn bộ cuốn sách chăng.
Lâu nay đã có rất nhiều phê bình của mọi giới trong cũng như ngoài nước về sự lãng phí do chủ trương in lại sách mỗi năm của Việt Nam hiện nay. Nhiều ý kiến nêu rõ ngay cả những nước tiến bộ vượt bực về khoa học, kỹ thuật cũng không thay đổi sách của bậc tiểu và trung học hàng năm, vì trên thực tế kiến thức của trình độ này thuộc loại căn bản, do đó không cần thiết phải cập nhật đều đặn như cho bậc đại học và hậu đại học.
Đã có biết bao gia đình phải cho một hay nhiều cháu thôi học tuy biết quyết định này gần như phá hỏng tương lai con, bởi không còn lo nổi tiền sách cho trẻ, bên cạnh đủ thứ chi phí khác cho việc học, mà thứ nào cũng vốn dĩ đã cao lại ngày càng tăng chứ không giảm.
Cho đến khi có sự thay đổi, cải thiện từ giới trách nhiệm, vấn đề sách giáo khoa ở Việt Nam sẽ tiếp tục là mối ám ảnh cho người dân, đặc biệt là thành phần lao động - giai cấp công, nông.
Những bài liên quan
- Trao đổi thư tín với thính giả (Ngày 3-8-2006)
- Tân bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đề ra mục tiêu cho năm học mới 2006-2007
- Ý kiến của phụ huynh trong vấn đề giáo dục hiện nay
- Gian lận thi cử đã trở thành một vấn nạn của nền giáo dục Việt Nam
- Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân với mục tiêu lập lại kỹ cuơng trong ngành giáo dục
- Thi tuyển đại học tại VN: 95% thí sinh có điểm dưới trung bình
- Kiến thức về lịch sử của học sinh đang ở mức báo động
- Trao đổi thư tín với thính giả (ngày 20-7-2006)
- Khoảng 1,000 học sinh huyện Ðức Trọng có thể không có không có lớp học
- Thầy Đỗ Việt Khoa: Hơi thất vọng về cách xử lý của tân Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân
- Đợt 1 tuyển sinh đại học 2006: gian lận thời @
- Ngành giáo dục Việt Nam sẽ thật sự đổi mới sau 10 năm tới
- Gian lận thi cử tại Việt Nam, căn bệnh trầm kha (phần 2)
- Làm gì để giải quyết tận gốc những tiêu cực học đường?
- Gian lận thi cử tại Việt Nam, căn bệnh trầm kha (phần 1)
- Giới trẻ Việt Nam ngày nay thiếu hiểu biết về giới tính và an toàn tình dục
- Việc dạy và học tiếng Anh tại Việt Nam chưa đạt hiệu quả
- Nạn gian lận thi cử ngày càng phổ biến ở Việt Nam
- Thí sinh không nhận được giấy báo hay lỡ bị mất vẫn sẽ được dự thi đại học
- IVCE sẽ tổ chức 6 kỳ hội thảo liên tiếp về du học tại Việt Nam
- Việt Nam sửa đổi một số điểm quan trọng trong quy chế tuyển sinh
- Quy mô phát triển của Đại học Cần Thơ
- Ý kiến của một sinh viên về nền giáo dục Việt Nam hiện nay
- Trao đổi thư tín với thính giả (Ngày 5-5-2006)
- Bi quan hay lạc quan trước tương lai giáo dục Việt Nam (bài 4)