Việc độc quyền xuất bản sách giáo khoa gây nhiều khó khăn cho người dân


2006.08.14

Nhã Trân, phóng viên đài RFA

Từ nhiều năm nay có vô số phản ánh về việc độc quyền sách giáo khoa trong nước. Cho rằng giá sách cao một cách không hợp lý, người dân than vãn đã nhiều, mong mỏi một sự cải tổ, hoặc hỗ trợ từ giới thẩm quyền. Sự độc quyền này ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và việc học tập ra sao?

EducationBook150.jpg
Học sinh đang tìm mua sách đã dùng rồi bày bán trên vỉa hè ở Bắc Ninh để chuẩn bị cho năm học mới. AFP PHOTO.

Hiện nay cả nước có trên 50 nhà xuất bản, nhưng việc in ấn sách của bậc tiểu học và trung học được giao khoán cho Nhà Xuất Bản Giáo Dục. Cơ sở này có toàn quyền xuất bản và phát hành sách giáo khoa từ Nam chí Bắc, với lượng sách mỗi năm chiếm gần 8 phần 10 tổng số sách được in trong nước.

Việc cung cấp sách cho toàn quốc đã khiến số ấn bản của Nhà Xuất Bản Giáo Dục lên đến khoảng trên dưới 200 triệu cuốn mỗi năm, trong khi mức in của các nhà xuất bản khác trung bình chỉ đạt tối đa 2 ngàn cho một đầu sách.

Bình thường ra, số ấn bản cao như thế phải khiến giá sản phẩm giảm rất nhiều, thế nhưng, sách học trong nước vẫn được bán với giá rất cao.

Đại đa số gia đình học sinh có lợi tức khiêm nhượng. Nhiều nhà sống giật gấu vá vai, kiếm không đủ ăn nên căng thẳng, mệt mỏi trước giá sách cao đến mức chóng mặt. Phải tiêu rất nhiều cho tiền sách học, món tiền đôi khi vượt quá khả năng khiến họ lo âu, không biết còn có thể cho con theo đuổi việc học đến lúc nào.

Về mặt kinh tế, lượng sách in to tát và đặc quyền phát hành đem lại cho Nhà Xuất Bản Giáo Dục gần 1 ngàn tỉ đồng doanh thu mỗi năm, trong khi những cơ sở xuất bản các loại sách khác chỉ có mức lợi nhuận hết sức khiêm nhượng.

Hiện tượng độc quyền này đã gây lắm thắc mắc cho mọi giới. Không ít câu hỏi đã được đặt ra, bắt nguồn từ bức xúc cao độ của người mua, của giới xuất bản và những quan chức lưu tâm đến cuộc sống của người dân, đến hướng đi của xã hội.

Dân chúng đã có một số góp ý với Bộ Giáo Dục, rằng sự thay đổi sách giáo khoa mỗi năm là một lãng phí quá lớn, đặt câu hỏi ngành giáo dục nghĩ sao khi hàng năm các gia đình lại phải mất tiền để mua sách mới trong khi mức sống thấp kém, giật gấu vá vai.

Phó Chủ Tịch kiêm Tổng Thư Ký Hội Xuất Bản Việt Nam Nguyễn Đình Nhã thì nói sự độc quyền xẩy ra và tồn tại vì yếu tố quan hệ, và nó là cả một hệ thống. Theo ông Nhã, giáo dục không phải là việc của một nhóm người, mà là của mọi người, và phải vì thế hệ tương lai. Ngoài ra ông còn đề nghị tình trạng độc quyền này cần phá bỏ, để xã hội được lợi.

Độc quyền trong việc in ấn, phát hành và định giá sách học trong nước có cần được xét lại không? Nhiều người xác quyết rằng như một định luật xưa nay, độc quyền có hệ quả xấu. Họ chứng minh trong trường hợp này hệ quả là giá sách cao đến mức chóng mặt và được tự do thả nổi mà người tiêu thụ vẫn phải mua vì không có sự lựa chọn nào khác.

Theo ông Nhã Việt Nam hiện là một trong ba nước duy nhất châu Á có chế độ độc quyền in sách giáo khoa, cùng với Lào và Bắc Hàn. Quả thật tại các nước khác sách được in và phát hành bởi nhiều nhà xuất bản tư nhân, từ đó nội dung được soạn thảo cẩn thận và giá cả hợp lý, không gây khó khăn cho dân hoặc ảnh hưởng đến bước tiến của xã hội.

Cho đến giờ tình trạng sách giáo khoa trong nước vẫn chưa thay đổi, và người dân đang mỏi mòn chờ sự cải thiện để có thể yên tâm nhìn con cái theo đuổi việc học đến cùng.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.