Các nhà đầu tư Thái Lan được khuyến cáo không cần phải liên kết với doanh nghiệp địa phương Việt Nam
2007.08.02
Lê Dân, phóng viên đài RFA
Một trong những nước ASEAN quan tâm đầu tư nhiều vào Việt Nam là láng giềng Thái Lan, hiện đứng hàng thứ 12 trong số những quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam. Hôm thứ Hai trên tờ Bangkok Post đã có bài nhận xét của một doanh gia Thái làm ăn tại Việt Nam nêu lên vấn đề liệu có cần kinh doanh chung với một đối tác Việt Nam nữa hay không ?

Lê Dân lược thuật và tìm hiểu thêm qua trao đổi với một giới chức cao cấp của bộ Thương mại Thái.
Bài báo của ký giả Aranee Jaiimsin viết rằng Các công ty Thái Lan không cần liên doanh với doanh nghiệp địa phương tại Việt Nam. Lý do là vấn đề xung đột trong các liên doanh là rất phổ cập, theo lời thuật lại của một nhà đầu tư Thái có nhiều kinh nghiệm tại thị trường hấp dẫn của Việt Nam.
Theo doanh gia Santhi Sakgumjorn, người đã làm ăn tại Việt Nam suốt 7 năm qua trong tư thế phó tổng giám đốc công ty Srithai Vietnam, thì luật Đầu tư mới được áp dụng kể từ mùng 1 tháng Bảy năm ngoái cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được quyền làm chủ 100% vốn của nhiều loại hình doanh nghiệp.
Theo ông Santhi thì những nhà đầu tư Thái đến Việt Nam hồi 10 năm trước thích liên doanh với đối tác địa phương vì có thể giảm bớt rủi ro khi làm ăn tại một môi trường xa lạ, dưới chế độ cộng sản. Họ đều tin là các dự án của họ sẽ được nhà cầm quyền Việt Nam thông qua mau chóng và thuận lợi hơn nhờ các mối quan hệ tại địa phương.
Gặp nhiều trở ngại
Tuy nhiên với thời gian, đã có nhiều trở ngại xảy ra trong hình thức liên doanh. Ông Santhi cho biết có thể kể ra ít nhất là 10 trường hợp các nhà đầu tư lớn của Thái gặp xung đột với đối tác và phải giải quyết bằng cách mua lại hết cổ phần của phía liên doanh Việt Nam. Thái độ làm ăn của phía doanh nghiệp Việt Nam đã là một trở ngại lớn.
Tự nhiên là các nhà đầu tư Thái muốn tự mình kinh doanh tại Việt Nam. Họ phần lớn không còn tin cậy các đối tác người Việt nữa vì có nhiều trường hợp, liên doanh ăn nên làm ra được vài năm, rồi đối tác Việt Nam lập doanh nghiệp riêng và cạnh tranh trở lại với liên doanh với Thái khi trước.
Điển hình như chính công ty Srithai khi vào Việt Nam đã liên doanh với một đối tác trong lĩnh vực ngân hàng có quan hệ tốt với những doanh nghiệp sản xuất nước tinh khiết. Ông Santhi cho biết vào lúc đó, việc cung cấp chai plastic cho nước uống tinh khiết đã phát triển nhanh chóng, trước khi nhu cầu bão hòa ít năm sau đó.
Công ty Srithai Vietnam dự định chuyển nhà máy nhựa của mình sang cung cấp phụ tùng plastic cho máy TV và xe gắn máy của các doanh nghiệp nước ngoài lớn tại Việt Nam như Panasonic, Sanyo, Suzuki và Honda.
Đối tác Việt Nam trong liên doanh không đồng ý, gây trì trệ trong vài năm cho đến khi luật Đầu tư và luật Doanh nghiệp mới được áp dụng, công ty Srithai mới mua lại hết cổ phần của đối tác Việt Nam.
Hiện nay công ty Srithai ở Việt Nam sản xuất mỗi năm trên 2,500 tấn phụ tùng plastic và vốn điều lệ đăng ký vào khoảng 16 tỷ Baht. Công ty dự định xây dựng xí nghiệp tại Việt Nam thành cơ sở sản xuất mọi mặt hàng Melamine cho thị trường toàn thế giới của hãng.
Khi tìm hiểu về tình hình vừa kể, chúng tôi được ông Pairoj Pathomvat, chuyên viên mậu dịch thuộc bộ Thương mại Thái Lan ở Bangkok, cho biết :
“Tự nhiên là các nhà đầu tư Thái muốn tự mình kinh doanh tại Việt Nam. Họ phần lớn không còn tin cậy các đối tác người Việt nữa vì có nhiều trường hợp, liên doanh ăn nên làm ra được vài năm, rồi đối tác Việt Nam lập doanh nghiệp riêng và cạnh tranh trở lại với liên doanh với Thái khi trước.”
Luật Doanh nghiệp và Đầu tư
Tuy nhiên, hiện nay tình hình đã có thay đổi, nhờ các luật Doanh nghiệp và Đầu tư mới được áp dụng tại Việt Nam. Ông Santhi Sakgumjorn cho biết đã minh bạch hơn và cởi mở hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, chẳng hạn như họ có thể làm chủ 100% cổ phần của một doanh nghiệp, yếu tố đồng thuận tuyệt đối tại các quyết định của hội đồng quản trị doanh nghiệp cũng được thay thế bằng một đa số cổ đông thấp hơn.....
Do đó các nhà đầu tư Thái Lan có thể yên tâm kinh doanh tại Việt Nam mà không cần phải chọn đối tác địa phương. Điều này được chuyên gia mậu dịch Pairoj Pathomvat thuộc bộ Thương mại Thái Lan ở Bangkok chia sẻ:
“Luật lệ Việt Nam hiện đã cởi mở hơn, nhất là từ khi xứ này trở nên thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, Việt Nam phải mở cửa nhiều thị trường của họ 100% cho các nhà đầu tư nước ngoài nên không còn nhu cầu phải liên doanh với đối tác địa phương nữa.
Tuy vậy, nhà cầm quyền Việt Nam tỏ ra cứng rắn với các doanh gia ngoại quốc nên các nhà đầu tư Thái cần phải nghiên cứu thật kỹ các luật lệ. Quan chức các cấp theo dõi doanh nhân nước ngoài rất kỹ lưỡng vì họ là nguồn lợi tức quan trọng cho các cấp chức quyền.”
Bài báo trên tờ Bangkok Post hôm thứ Hai kết luận rằng xuất nhập khẩu vẫn còn bị cấm đoán tại Việt Nam, dù rằng Hà Nội cho phép các nhà đầu tư trong và ngoài nước được xuất nhập khẩu, nhưng việc thanh toán phải được tiến hành bên ngoài nước.
Những người nước ngoài muốn kinh doanh xuất nhập khẩu vẫn còn phải liên doanh với đối tác Việt Nam có quyền phân phối. Một chuyên viên cao cấp của bộ Kế hoạhc và Dầu tư Việt Nam là ông Nguyễn Dzũng cho biết là đầu tư nước ngoài có thể làm chủ 49% cổ phần của các trung tâm phân phối đó và chính phủ sẽ cho phép họ làm chủ đến 99% vào năm tới và 100% vào năm 2009.
Theo người chuyên viên Việt Nam thì Thái Lan là nước đầu tư nhiều vào hàng thứ 12 trong năm ngoái với tổng trị giá 1 tỷ 530 triệu đôla với 151 dự án. Tuy nhiên trong nửa đầu năm nay, lượng đầu tư của Thái vào Việt Nam đã vươn lên hàng thứ 6 trong số các quốc gia đầu tư nhiều nhất.
Những bài liên quan
- Thị trường chứng khoán VN: các nhà đầu tư ngoại quốc ào ạt bán ra
- Luật Doanh nghiệp và Đầu tư mới: không còn cảnh đa số lệ thuộc thiểu số
- Thị trường chứng khoán Việt Nam loan báo một số thay đổi
- Nhiều loại cổ phiếu tiếp tục giảm giá
- Nhận định của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh về việc tập đoàn tài chánh Merrill Lynch rút ra khỏi Việt Nam
- Merrill Lynch muốn rút khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam
- Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài vào lãnh vực du lịch
- Nguyên nhân khiến thị trường bất động sản có cơ trở lại tình trạng đóng băng
- Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục tăng cao