Tình trạng bất ổn tại miền Nam Thái Lan (phần 1)


2005.10.18

Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA

Hơn một năm qua, miền Nam Thái Lan có nhiều biến động. Những vụ chạm trán liên tục xảy ra giữa các phần tử Hồi Giáo Ly Khai và quân đội chính quyền, đặc biệt nhất là những vụ bắn sẻ, giết người xảy ra hầu như mỗi ngày. Biên tập viên Nguyễn Khanh của Đài chúng tôi hiện đang có mặt tại đất Thái đã được gửi đến tận khu vực đang sôi động này và gửi về bản tường trình sau đây.

Đây là tường trình đầu tiên trong loạt 3 bài nói về rối loạn xảy ra ở miền Nam Thái Lan.

Không khí chiến tranh

Chỉ cần bước vào địa phận của tỉnh Patani, người ta đã ngửi thấy không khí chiến tranh. Người dân địa phương cho hay thành phố vẫn hoạt động nhưng không mấy sống động, vì mức độ sinh hoạt bây giờ kém hơn trước rất nhiều, trong khi hàng rào kẽm gai bao chung quanh các cơ sở của chính phủ mỗi ngày một chồng cao hơn, và số nút chận do quân đội dựng lên trên đường cũng mỗi ngày một dày đặc hơn trước.

Patani chỉ là một trong những tỉnh miền Nam nước Thái, khu vực kéo dài cho mãi đến tận biên giới của Malaysia. Cũng như các tỉnh khác thuộc mạn Nam, Pattani là nơi các vụ bắn sẻ, đặt bom giết người xảy ra hầu như mỗi ngày.

Sáng sớm thứ Sáu khi chúng tôi đến nơi, người dân địa phương cho biết có một vụ nổ ở chợ khiến hai người bị thương, đến tối Chủ Nhật khi chúng tôi đang trên đường về lại Bangkok, đài phát thanh Thái Lan loan tin quân khủng bố đột nhập vào ngôi chùa ở quận Ban Ko, giết chết nhà sư trụ trì và 2 chú tiểu.

Muốn được tự trị

Biến động xảy ra vì miền Nam Thái Lan là khu vực hầu hết dân cư là người theo Hồi Giáo, sống ở một quốc gia chọn đạo Phật là quốc giáo. Những người Hồi Giáo có mặt tại đây đã nhiều đời, ngoài xã hội họ nói tiếng Thái, nhưng về nhà họ nói với nhau bằng tiếng Mã Lai.

Một người dân địa phương còn cho chúng tôi hay đại đa số dân cư có hai chứng minh thư nhân dân, một do Mã Lai cấp và một do chính quyền Thái cấp.

Những điểm đó nói lên một sự thật không ai có thể phủ nhận: sự thật đó là họ sống trên đất Thái, hưởng các quyền lợi như công dân Thái nhưng họ không hề nghĩ rằng mình là người Thái.

Cũng từ đó, ý tưởng muốn tách ra để trở thành một vùng tự trị đã được manh nha từ lâu, và thật sự bùng nổ từ đầu năm ngoái, vàđến bây giờ con số người chết vì cuộc chiến cũng đã lên đến cả ngàn người.

Trung tá Surasant Kongsiri, Trưởng Ban An Ninh Quân Báo Trung Đoàn Bốn nói rằng công việc mà quân đội đang làm là một công tác đầy khó khăn, vì cuộc chiến mà Thái Lan đang phải đương đầu là cuộc chiến du kích, kẻ thù ẩn mặt trong rừng, bất ngờ xuất hiện, nổ súng giết người và rút thật nhanh:

“Chúng tôi thu thập tin tình báo bằng hai cách. Một là người dân địa phương có cảm tình với chính phủ cung cấp tin cho quân đội, kể cả tin do gia đình những người ly khai cung cấp, hai là làm việc với các chính quyền xã ấp, với những người thấy tin cẩn được và họ cho chúng tôi biết những tin họ nghe được. Từ đó, chúng tôi có thể dự đoán chuyện gì sẽ xảy ra.”

Mọi sinh hoạt đều bị xáo trộn

Càng đi sâu xuống miền Nam, không khí chiến tranh càng phủ dày. Tại tỉnh Naratiwat nằm sát biên giới với Malaysia, nơi tới 90% dân cư theo Đạo Hồi, ngày nào người dân cũng đọc được truyền đơn đe dọa sẽ có đặt bom, ngày nào cũng nghe thấy tin đồn bảo phải bãi thị, không được buôn bán với người Thái.

Ông Napong, phụ tá tỉnh trưởng Naratiwat cho chúng tôi biết từ khi quân đội đưa thêm binh sĩ về bảo vệ an ninh, tình hình đã khá hơn trước rồi, nhưng không thể nói là người dân đã sinh hoạt bình thường trở lại.

“Tôi không thể chối cãi là quả thật những vụ nổ súng giết người ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của dân chúng trong tỉnh. Đã vậy, nhân dân đọc báo, xem T.V., nghe đài thấy nơi này bị đặt bom, chỗ kia có người chết họ càng hoang mang hơn.”

Những lời đe dọa mà quân ly khai đưa ra đã có hiệu quả thấy rõ, có lúc mức sinh hoạt của dân chúng giảm xuống chỉ còn một nửa, khiến Naratiwat trước đây vẫn được coi là một trong những tỉnh nghèo nhất của nước Thái bây giờ lại trở nên nghèo hơn.

Mạng sống dân chúng bị đe dọa

Trong những giờ phút có mặt tại tỉnh này, người dân địa phương kể lại cho chúng tôi nghe là chợ búa sinh hoạt bình thường lại rồi, nhưng vẫn ở mức chừng 75% so với những ngày trước khi cuộc chiến xảy ra.

Điều này cũng thể hiện rõ vào buổi tối ngay sau khi mặt trời lặn, cả tỉnh chỉ có một vài cửa hàng mở cửa bán khuya, người dân ai nấy ngần ngại không muốn ra đường, và từ cửa sổ khách sạn nhìn ra, người ta thấy chỉ có bóng dáng những binh sĩ đi tuần đêm. Sáng sớm khi mặt trời đã bắt đầu mọc, cũng chẳng ai muốn trở thành người đầu tiên bước ra đường.

Dự đoán của các nhà quân sự, của các giới chức dân sự và ngay cả dân chúng mà chúng tôi có dịp tiếp xúc trong 36 giờ đồng hồ có mặt tại chỗ là số người chết vì cuộc chiến sẽ còn tăng cao hơn nữa, báo hiệu đây là một cuộc chiến khó tàn, và công tác bài trừ những phần tử Hồi Giáo ly khai hay ngăn chận các hoạt động của chúng là điều hoàn toàn không dễ làm, bất kể con số hàng chục ngàn binh sĩ đang được trải dọc ở 3 tỉnh miền Nam nước Thái.

Nguyễn Khanh, tường trình từ Naratiwat.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.