Cuốn sách hình "Những Người Bị Lãng Quên"


2005.10.04

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Vào ngày 26 tháng 9 vừa qua, hầu như tất cả các cơ quan truyền thông quốc tế, các hệ thống truyền thanh và truyền hình của người Việt ở hải ngoại đều loan tin về chuyến bay chở 229 thuyền nhân Việt Nam từ Manila đến định cư tại Hoa Kỳ.

TheForgottenOnescover200.jpg
Hình bìa cuốn sách The Forgotten Ones. Photo coutersy of www.theforgottenones.org >> See larger image

Đây là những người đã sống mòn mỏi suốt 16 năm qua tại trại tị nạn, hay lang thang trên các đảo của Philippines để chờ đợi ngày được đặt chân tới miền đất tự do mà họ hằng mơ ước.

Trên chuyến bay đó, có những em bé sinh ra và lớn lên ngay trong trại tị nạn. Có những người khi đánh đổi cả mạng sống mình trên biển cả, đặt chân tới trại tị nạn, hãy còn là một trung niên, giờ đây đã sắp đến tuổi về hưu. Nhưng tựu trung, ước mơ của họ đã biến thành sự thực.

Một trong những người giúp cho ước mơ ấy thành hiện thực chính là Brian Đoàn, người nhiếp ảnh gia trẻ tuổi, với cuốn sách hình The Forgotten Ones- Xin tạm dịch Những Người Bị Lãng Quên.

Bên cạnh những cuộc vận động, một phần nhờ vào những bức hình trắng đen thật xúc động này, những người có thẩm quyền đã động lòng trắc ẩn và quyết định thay đổi chính sách. Nhờ vậy, hơn 2000 thuyền nhân Việt Nam còn kẹt lại tại Philippines mới được tái cứu xét.

Tác giả Brian Đoàn

Thế còn Brian Đoàn là ai? Thưa quí vị, Brian cùng gia đình đến Mỹ định cư theo chương trình H.O vào năm 1991, khi ấy anh vừa tròn 21 tuổi. Sau khi tốt nghiệp tại trường Đại học Colorado ở Denver, anh có mơ ước làm một công trình về nghệ thuật: triển lãm những hình ảnh về người Việt lưu vong.

BrianDoan150.jpg

Trong khi chuẩn bị cho công việc của mình, anh nghe nói tới những người Việt còn lại ở Palawan, và anh quyết định tìm đến vùng đất đó. Anh kể lại: "Khi em bắt đầu đi chụp những loạt hình người Việt lưu vong, thì em muốn đi chụp những người Việt đang sống rải rác khắp thế giới, mà em biết là trại Palawan là cái trại cuối cùng còn người Việt ở đó, còn khoảng hai ngàn đồng bào.

Em cứ tưởng rằng đồng bào sống ở đó là hạnh phúc, sung sướng, có làng Việt Nam, nhưng không phải như vậy, em nhận ra rằng đồng bào đang sống ở đó rất là bấp bênh và không bình thường, sống mòn mỏi để chờ được cứu giúp ở một nước khác. Chính vì vậy mà em đã chụp và làm cuốn sách The Forgotten Ones."

Khi hỏi anh đã thực hiện cuốn sách hình này như thế nào, anh cho biết:

"Em có trình bày dự án này với hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ, gọi tắt là VALA, và cho họ thấy rằng chúng ta cần phải làm một điều gì đó, cần phải đưa những hình ảnh mà đồng bào đã bị quên lãng ở Phi, dùng cái hình để đưa lên các báo chí…

Sau đó thì VALA đã coi hình của em và quyết định làm một cuốn sách. Lúc đầu thì tính làm một cuốn sách rất đơn sơ, nhưng sau đó thì có sự tham gia của một số giáo sư, những chuyên viên… và nó trở thành một cuốn sách dầy hơn, và chu đáo hơn…

Số tiền bán sách được sẽ dùng vào việc vận động, hoặc giúp cho những gia đình nào không thể pass được cuộc phỏng vấn…Trong những lần ra mắt sách ở Cali, Houston, cuốn sách được đón nhận nồng nhiệt của đồng bào và số tiền bán sách được gửi thẳng qua cho bên Phi."

“Đời tị nạn tìm đâu ra hạnh phúc..."

Thưa quí vị và các bạn, khi thực hiện cuốn sách hình này, anh cũng đã gặp những khó khăn không ít, anh nói:

"Khi mà chụp hình đồng bào ở bên trại thì rất là dễ dàng… vì đồng bào muốn những hình ảnh của họ được đem ra khỏi đất nước Phi Luật Tân, đem đi tất cả thế giới để cho mọi người biết đời sống của họ như thế nào.. Cái vấn đề trở ngại là chính quyền địa phương họ không muốn những hình ảnh đó được đưa ra ngoài.

2kids200.jpg
Hai bé gái song sinh bên hàng kẽm gai. Photo coutersy of www.theforgottenones.org >> See larger image

Do đó, em bị trở ngại là lính họ giữ em lại..lúc đó em rất lo sợ… nên em cố gắng thuyết phục với họ em chỉ là khách du lịch và lấy những hình ảnh này về để làm kỷ niệm thôi…Cuối cùng thì họ thả em ra, trả máy và trả phim lại."

Ngay khi mở cuốn hình ra, đập vào mắt người xem, là tấm ảnh chụp bức tường đổ nát, hoang tàn, với dòng chữ nguệch ngoạc hai câu thơ của ai đó đã viết: “Đời tị nạn tìm đâu ra hạnh phúc, quốc gia nào ghi nhận dấu chân tôi”. Hai câu thơ đầy thương cảm ấy như mô tả tình trạng vô cùng đáng thương của những người Việt bị lãng quên này.

Ở một trang khác, hai bé gái song sinh bên hàng kẽm gai, đôi mắt đăm đăm nhìn ra bên ngoài, khuôn mặt trẻ thơ không thấy một nét cười. Và đây, một người bán dạo, ngồi bệt trên vỉa hè, trước mặt anh là tấm nhựa nilon, trên đó là những đôi dép cao su…vẻ mặt đầy khắc khổ chịu đựng.. Những đôi chân của người khách bộ đường vẫn vô tình bước qua.

Chẳng biết ngày hôm ấy, anh có bán được đôi dép nào không để có tiền thuê nhà, rồi còn mua gạo nuôi vợ, nuôi con? Rồi ở một tấm hình khác, một người đàn ông đầy vẻ bệnh hoạn, ngồi trên chiếc băng ghế ở làng Việt Nam, sau lưng cỏ dại và cây cối mọc um tùm…

Nụ cười méo mó trên khuôn mặt đầy vẻ mòn mỏi. Tấm hình được chú thích với hàng chữ: Ông Lê Văn Trung, một cựu quân nhân quân lực Việt Nam Cộng Hoà, sức khỏe rất yếu, không thể làm việc để mưu sinh, luôn hy vọng có ngày được định cư ở Mỹ để chữa bệnh và có được cuộc sống khá hơn.

"...quốc gia nào ghi nhận dấu chân tôi"

Bên cạnh những hình ảnh ở trại tị nạn cũ, ở làng Việt Nam, ở Manila, Brian Đoàn còn chịu khó lặn lội đến các đảo xa xôi, nơi đây có những chàng thanh niên, ngày rời gia đình vượt biên chỉ là những cậu bé thiếu niên, 16 năm qua, đành chấp nhận cuộc sống bấp bênh, và lập gia đình với các thiếu nữ bản xứ.

Thật buồn thay, khi có tin tái cứu xét, thì chính quyền Hoa Kỳ lại không cho những người có vợ hay chồng là người Phi được vào phỏng vấn. Chẳng biết rồi đây số phận họ sẽ ra sao?

Luật sư Trịnh Hội, một những người đã đổ bao công sức vận động cho những thuyền nhân được tái cứu xét, đã dùng cuốn sách hình này vào công việc đi tranh đấu, anh nói:

Mời bạn tham gia mục Câu Chuyện Hàng Tuần do Phương Anh phụ trách. Mọi email đóng góp xin gửi về Vietnamese@www.rfa.org

"Những hình ảnh Brian Đoàn chụp đã nói lên được nhiều hơn là những bài viết, một tấm hình nó có thể nói lên cả hàng ngàn chữ. Nhờ cuốn sách này ra vào đầu năm nay và sau đó Hội đã đem cuốn sách này, đầu tiên là sang bên Canada để trình bày với quốc hội của Canada, và đã phát cho tất cả các dân biểu, thượng nghị sĩ…

Sau đó thì cũng đem phát cho tất cả các dân biểu, thượng nghị sĩ, bộ ngoại giao và sở di trú Hoa Kỳ, và sau đó thì đem sang bên Úc, bên Phi Luật Tân. Nói chung, Trịnh Hội nghĩ là nó đã giúp được khá nhiều trong công cuộc vận động. Nó đã nói lên được phần nào cuộc sống cực khổ, cơ hàn, không quyền lợi, đã buộc người Việt Nam mình phải buôn gánh bán bưng…

Trong khi đang đi tranh đấu thì đã có một số tin tức nói người Việt Nam mình ở đây làm việc cũng OK, không bị gì hết, phần đông cuộc sống đều không gặp gì khó khăn và trở ngại. Cuốn sách này đã nói lên những điều đó đã không đúng và nó còn tệ hại hơn…

Đã có những người bị tâm thần, những người cho đến bây giờ tương lai họ không có gì sáng sủa sau 16 năm…Một trong những người đã đóng góp nhiều cho công cuộc vận động đó chính là Brian.

Ngoài ra, Brian còn bán sách gây quỹ và được số tiền là khoảng bảy ngàn đô gì đó và chuyển thẳng về để giúp cho đồng bào. Nếu có thể thay mặt cho những người ở đây để cám ơn một trong những người đã có công thì người đó chính là Brian Đoàn."

Những tấm hình xúc động lòng người

Thưa quí vị và các bạn, giờ đây, khi những người trong ảnh đã thực sự bước ra khỏi cuộc sống đầy khổ đau, được gặp lại người nhiếp ảnh gia chụp hình mình trên đất nước Hoa Kỳ, thực sự không có lời nào diễn tả cho bằng. Anh Lâm Kim Tài, chủ tịch cộng đồng người Việt ở Philippines nói:

"Cuốn sách đó rất quan trọng… vì nhờ nó mà các vị nghị sĩ, dân biểu Hoa Kỳ đã hiểu hoàn cảnh khổ cực, khó khăn của đồng bào…"

Và còn ông Trung, người cựu lính Việt Nam Cộng Hoà, trong bức hình trên băng ghế nơi làng Việt Nam, thì bày tỏ nỗi vui mừng khôn tả và cho rằng bức hình đó đã góp phần vào việc phái đoàn Mỹ chấp thuận cho ông định cư. Ông nói:

Khi em thấy hai tấm hình của hai cháu, em rất là cảm động và em khóc…Tụi em sống ở trại 16 năm khổ lắm… Năm vừa rồi các cháu nghỉ học rồi, vì phương tiện đi lại không có…Khi được nghe Mỹ chấp nhận, rất là mừng, y như là chết đi sống lại…

"Tấm hình đó làm tôi xúc động nhiều lắm…quan trọng lắm.. Tôi rất cám ơn các hội đoàn, đồng bào hải ngoại đã giúp đỡ chúng tôi."

Hai chị em song sinh, là hai bé gái trong bức hình bên hàng rào kẽm gai, thì nói: "Con tên là Ngân Tuyền, con sinh ra ở trại Philippines, Palawan, ba mẹ con đi bán kẹo...Con thích đi Mỹ để đi học."

Còn Kim Tuyền thì hồn nhiên kể lại dịp Tết Trung Thu vừa qua và mừng thay, đây là Tết Trung Thu cuối cùng của em nơi trại: "Con xách lồng đèn đi vòng vòng chơi một buổi tối… Con hát bài Trung Thu: Tết Trung Thu rước đèn đi chơi…(hát ) Con cũng thích đi Mỹ để được đi học"

Riêng mẹ của hai em thì tâm sự: "Khi em thấy hai tấm hình của hai cháu, em rất là cảm động và em khóc…Tụi em sống ở trại 16 năm khổ lắm… Năm vừa rồi các cháu nghỉ học rồi, vì phương tiện đi lại không có…Khi được nghe Mỹ chấp nhận, rất là mừng, y như là chết đi sống lại…"

Thưa quí vị và các bạn, theo lời nhiếp ảnh gia Brian Đoàn, vẫn còn một điều anh nuối tiếc là: một số những khuôn mặt mà anh đã ghi lại trong cuốn sách hình này vẫn chưa có cơ hội định cư vì họ là gia đình của những người con lai, hoặc đã lập gia đình với người bản xứ.

Cầu mong một ngày không xa, trên miền đất Hoa Kỳ, Brian Đoàn sẽ có niềm vui trọn vẹn là gặp lại tất cả những người mà anh đã khổ công ghi lại quãng đời đau thương của họ. Phương Anh xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ sau.

Thông tin trên mạng

- www.theforgottenones.org
Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.