Các nữ tu công giáo


2007.12.25

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Ngày mai là lễ Noel, hay đúng hơn là lễ Giáng Sinh. Đối với những người theo đạo Công Giáo, Tin Lành, đây là một ngày vô cùng trọng thể. Để đón mừng ngày đại lễ này, tất cả mọi giáo xứ, cộng đoàn đã chuẩn bị tổ chức từ cả tháng trước, từ việc trình diễn thánh ca, cho đến các hoạt cảnh giáng sinh, trang trí nhà thờ…

CATHOLIC-NUN-200.jpg
Photo: AFP

Thấp thoáng trong tất cả các hoạt động ấy, phải luôn kể đến bóng dáng của các nữ tu trong các nhà thờ Công Giáo. Ngoài giờ làm việc xã hội bên ngoài, sinh hoạt trong cộng đoàn của họ, thời gian này đều phải tất bật, đổ dồn vào việc chuẩn bị lễ Giáng Sinh. Hôm nay, nhân ngày lễ này, Phương Anh mời quí vị nghe một số thông tin liên quan đến những nữ tu Công Giáo ở Việt Nam.

Về mặt con số nhưng về nội dung thì khác

Để tìm hiểu tình hình các thiếu nữ muốn dâng hiến cuộc đời cho lý tưởng của họ hiện nay ra sao, Phương Anh đã liên lạc với Sister Trần Thị Yên, hiện là bề trên dòng Mến Thánh Giá Tân Lập ở Sàigòn, và được Sơ cho biết rằng tình trạng các em muốn đi tu có chiều hướng gia tăng nhưng việc tuyển lựa để phù hợp với cuộc sống tu trì thì lại khó khăn hơn trước, Sơ Yên nói:

“Có tăng về mặt con số nhưng về nội dung thì khác. Thí dụ, trước đây, ba chục em thì mình tuyển được 15, nhưng bây giờ bốn chục em thì cũng chỉ tuyển được cũng số ấy thôi.”

Sơ Yên cũng cho biết thêm rằng, phần lớn các em đi tu thì 2/3 là ở miền quê, thuộc các tỉnh miền Bắc, miền Trung. Nguyên nhân chính là các gia đình ở thành phố thì chỉ sinh 1, 2 con, cuộc sống đầy đủ, thoải mái hơn. Riêng với các em tập sinh, hiện đang sống một khu riêng biệt, ngay tại nhà dòng, được gọi là “nhà thanh tuyển” thì đang được các Sơ hướng dẫn và lo cho ăn học. Sơ cho biết:

“Những người ở ngoài thành phố thì cũng nghèo hơn, đông con hơn, nhưng vào nhà dòng thì việc đóng góp không đặt nặng …Nếu cha mẹ có thì cộng tác với mình, còn chúng tôi thì không đòi hỏi phải đóng góp. Các em đi học, phải đóng 5 triệu một năm ở đại học, gia đình khó khăn, nghèo thì chúng tôi cũng thông cảm và lo cho luôn.”

Có tăng về mặt con số nhưng về nội dung thì khác. Thí dụ, trước đây, ba chục em thì mình tuyển được 15, nhưng bây giờ bốn chục em thì cũng chỉ tuyển được cũng số ấy thôi.

Khi hỏi rằng, nếu sau 4 năm đại học, các em đổi ý hướng, không muốn đi tu nữa thì sao, Sơ cho hay:

“Không sao cả, nếu mà không phù hợp thì cũng không sao. Có những em chưa kịp thi tốt nghiệp thì chúng tôi cũng tạo điều kiện để các em thi xong rồi mới ra khỏi nhà dòng, rất thoải mái, không bắt cha mẹ đền bù gì cả, ngay cả 4 năm đại học. Vì không tu được thì về làm một người tốt cho xã hội, cũng tốt thôi.”

Tại một nhà dòng khác ở Cái Nhum, thuộc địa phận Mỹ Tho, thì việc các thiếu nữ tìm đến nhà dòng lại khác. Những em này được các dì phước giúp đỡ từ khi còn nhỏ vì hoàn cảnh gia đình thiếu thốn. Dì Tuyết Hồng, một nữ tu thuộc dòng Mến Thánh Giá Cái Nhum nói:

“Hiện nay, chúng tôi đang nuôi các em ở vùng sâu vùng xa, đi học, điạ phương thì không có trường học, ở tỉnh thì gia đình không có khả năng. Đó là các em từ lớp 6, lớp 7, lớp 8, đến lớp 12, sau này, nếu các em nào muốn đi tu thì ở lại, còn không thì thôi…Đa số còn lại ít lắm.

Bây giờ ở miền Trung, miền Bắc thì còn nhiều người đi tu, còn ở miền Nam này thì thiếu người đi tu…vì ở ngoài đó dân nghèo nhiều, nhất là miền Trung.., vô nhà tu thì phần nào cũng đỡ cực hơn ở ngoài.”

Linh mục Nguyễn Văn Đính, chánh xứ Cồn Cả, địa phận Vinh, miền Trung, cũng cho hay:

“Giáo phận Vinh, đa số là nông thôn cả…có thể là cũng có lý do nghèo. Thường, các em có hướng đi tu thì học hết cấp 3, có một số em cũng học xong đại học rồi vào tu. Các dòng tu ở ngoài này thì nhận các em hết lớp 12. So với 5 năm về trước thì con số tăng lên, như giáo xứ Cồn Cả của tôi chẳng hạn, số các em đi tu nhiều hơn. Tôi về đây năm 2002, và bây giờ là 2007, thì bây giờ các em đi tu nhiều, tăng khoảng 10 đến 20% .”

Thế nhưng, theo lời của Sister Thu Hương, ở Phú Nhai, Nam Định, miền Bắc thì hiện nay, chiều hướng đi tu của các thiếu nữ đã giảm, nguyên nhân chính là do các gia đình không còn sinh con nhiều như trước, cha mẹ sống cũng thực dụng hơn. Sơ nói:

“Mọi năm, mỗi mùa hè, chúng tôi nhận mấy chục em, năm nay thì không có nhiều nữa. Ngày trước vì người ta sinh nhiều con, có nhà sinh 5, 7 đưá, còn bây giờ chỉ có một, hay hai thôi…Ngoài Bắc đi tu nhiều nhất, nhiều hơn những nơi khác. Có em chỉ độ 8, 9 tuổi, có em 14, 15, có em 16, 17, 18…

Gia đình phải đóng tiền cho mình ăn học, đến hết lớp 12, nếu gia đình không đóng được thì sẽ tìm ân nhân để giúp. Nếu không tu nữa thì thôi, coi như về. Em nghĩ là chiều hướng sẽ giảm nhiều, vì bây giờ nó ảnh hưởng do con người, hưởng thụ nhiều hơn, trong nhà tu thì có sự kìm hãm.”

Tại Hoa Kỳ

Đó là tình hình chung ở một số nhà dòng tại Việt Nam. Thế còn ở Hoa Kỳ, nơi có đời sống vật chất cao, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại nhất thế giới, thì sao? Sister Martha Grace Lê thị Đức, thuộc dòng Mến Thánh Giá Los Angeles cho hay:

“Nếu so sánh khoảng 5 năm trước thì ơn gọi ngày càng khó, và lý do đặc biệt nhất là phụ huynh ở bên này khó cho con đi tu hơn, và có nhiều sự cám dỗ ở ngoài, cũng có nhiều vấn đề.

Nếu so sánh khoảng 5 năm trước thì ơn gọi ngày càng khó, và lý do đặc biệt nhất là phụ huynh ở bên này khó cho con đi tu hơn, và có nhiều sự cám dỗ ở ngoài, cũng có nhiều vấn đề.

Tôi cũng đã làm công việc “Ơn Gọi” này đã 6 năm và nói chuyện nhiều với phụ huynh của các em thì tôi có một nhận xét là: phụ huynh ở bên Mỹ này khác với Việt Nam, có nhiều tự do vật chất, cũng gây ra sự lo lắng cho tương lai nên phụ huyng bên này muốn cho con cái làm bác sĩ, kỹ sư…nên không muốn cho con đi tu để mai mốt có thể lo cho mình nữa. Hoặc là đời sống tu trì ở bên VN được kính trọng hơn, còn bên Mỹ này thì giảm đi nhiều.”

Ngoài ra, Sister Đức cũng cho hay rằng, thời điểm người Việt đến Mỹ theo diện H.O. thì có các thiếu nữ đi tu đông nhất. Trở lại với các nhà dòng ở Việt Nam, giữa cuộc sống phức tạp nơi thành phố, các thiếu nữ đang trong thời gian tìm hiểu đời sống tu trì cũng gặp nhiều khó khăn không kém.

Em Nguyễn thi Sim, năm nay 21tuổi, quê ở Hà Nam, hiện đang ở “nhà thanh tuyển” của dòng Mến Tháng Giá Tân Lập, là sinh viên đại học Đại Học Mở ở TPHCM, tâm sự:

“Em vô được 3 năm rồi, thích lắm. Có người giới thiệu vô. Gia đình em không cho đi tu, nhưng em cứ đòi đi, nhưng đến bây giờ, gia đình cũng vẫn chưa đồng ý, nhất là ông nội, vì sợ không được hạnh phúc như bạn bè của em ở ngoài.

Các bạn của em bây giờ đi làm ở thành phố, cái phong cách ăn mặc của các bạn khác với những người đi tu về. Nhiều khi, em về thăm nhà, ông nội em cứ bảo là “quê kệch”…bạn bè nó kiếm được tiền, còn tự nhiên nuôi lớn bao nhiêu năm trời mà đi không như vậy.”

Bên cạnh đó, khi đến trường đại học, tiếp xúc với các bạn sinh viên đồng lứa, cô đã phải cố gắng vượt qua cuộc sống quen khép kín của mình, cô nói:

“Ngay từ đầu em bị sốc lắm, vì ra ngoài các bạn sống khác lắm, cái phong cách ăn mặc, cách nói chuyện với thầy cô hay với bạn bè, nó khác lắm. Ở trong này, tụi em được giáo dục có khuôn khổ, nhưng khi ra ngoài, các bạn ăn nói không giữ gìn ý tứ, sống một cách nó thoáng lắm…nên không tiếp xúc nổi với các bạn, nhưng dần dần thì cũng nói chuyện.

Học hành thì Anh Văn và vi tính thì ngoài quê không được học nên không theo kịp các bạn, phải mất nhiều thời gian hơn. Các môn kia thì bình thường. Về tình cảm thì các bạn cứ đến nói chuyện, biết mình đi tu nhưng không tin, có bạn có tình cảm luôn, nhiều lúc như vậy khó xử lắm, nhưng em cũng không để ý đến vấn đề đó nên nói với các bạn là mình đi tu, rồi mặc kệ cho các bạn, từ từ thì các bạn sẽ hiểu ra thôi.!”

Em Nguyễn thị Hoàn, 22 tuổi, quê ở tỉnh Thái Bình thì cho hay là: “Em là con út nên gia đình em không thích lắm, vì muốn em ở nhà với bố mẹ, nhưng sau em thuyết phục thì bố mẹ cho em đi. Em đang học trường Đại Học Khoa học Xã hôi Nhân Văn, khoa báo chí truyền thông năm thứ 4.

Cũng như mọi người khác, vì em là dân Bắc nên trình độ tiếng Anh của em gặp khó khăn, còn những môn khác thì bình thường. Hội nhập với các sinh viên thì thời nay, đạo và đời phải hoà hợp, mỗi người đều có một hướng đi chọn lựa cho chính mình nên em cảm thấy thoải mái, không có gì trở ngại.”

Vừa rồi là một số chi tiết liên quan đến chuyện các phụ nữ muốn tận hiến cuộc đời cho tôn giáo của mình. Một điều không thể phủ nhận rằng: Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào đi chăng nữa, và ở bất cứ nơi nào, những thiếu nữ này đang phải cố gắng để vượt thắng chính bản thân mình.

Đồng thời vai trò của họ trong các họat động xã hội, công tác từ thiện không phải là nhỏ. Đó là điều vô cùng quan trọng và rất đáng khâm phục. Trang Phụ Nữ xin dừng nơi đây. Hẹn gặp quí vị và các bạn vào kỳ sau.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.