Lịch sử tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc

0:00 / 0:00

Nguyễn An, phóng viên đài RFA

Vấn đề chủ quyền trên các đảo Hoàng Sa và Trường Sa hiện đang gây sôi nổi đối với người Việt trong cũng như ngoài nước. Trong khi Việt Nam đã xác lập chủ quyền trên các quần đảo này từ lâu đời thì nhiều quốc gia khác cũng tuyên bố chủ quyền. Riêng Trung Quốc chẳng những dùng võ lực chiếm cứ dần một số đảo mà mới đây còn thành lập một đơn vị hành chính để quản lý các đảo ấy.

truongnhantuan150b.jpg
Nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn. file photo.

Nhằm góp phần tìm hiểu nguyên nhân đưa đến tình hình hiện nay, biên tập viên Nguyễn An của Ban Việt Ngữ có cuộc trao đổi ngắn với nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn. Ông Trương Nhân Tuấn, hiện đang sinh sống tại Pháp, là tác giả cuốn sách "Biên giới Việt - Trung, 1885-2000, lịch sử thành hình và những tranh chấp" do NXB Diễm Châu ấn hành năm 2005. Cuốn sách dày gần 860 trang đã được đánh giá là một công trình khảo cứu giá trị.

Vị trí địa dư và chủ quyền

Nguyễn An: Kính chào nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn. Thưa ông, có lẽ câu hỏi đầu tiên xin được đặt ra với ông là vị trí địa dư của Hoàng Sa và Tây Sa. Ở Biển Đông nhưng mà nó nằm ở khoảng nào so với Việt Nam, so với Trung Quốc và các nước đang tranh chấp chủ quyền?

Trương Nhân Tuấn: Trước hết tôi xin kính chào quý thính giả của đài phát thanh RFA. Khoảng cách từ trung tâm Hoàng Sa đến Hải Nam (Trung Quốc) và trung tâm Hoàng Sa đến Đà Nẵng (Việt Nam) cũng khoảng tương đương với nhau. Còn về Trường Sa thì tranh chấp với nhiều nước.

Trường Sa ở phía Nam của Hoàng Sa và là những đảo rất nhỏ nằm rải rác trên biển trên 500 cây số chiều rộng, và chiều Đông-Tây (chiều dài) hơn 1.000 cây số. Tức là chúng ta khó nói khoảng cách của quần đảo này với các nước, nước nào gần nước nào xa.

Nguyễn An: Vâng. Nó trải dài quá nhiều. Dẫu sao chăng nữa thì thưa anh, tức là khác với điều mà mọi người thường nghĩ, tức là không có vấn đề đảo nào gần nước nào thì thuộc về nước đó, phải không?

Trương Nhân Tuấn: Dạ thưa, điều đó mình cần phải khẳng định.

Nguyễn An: Dạ vâng. Thưa anh, bây giờ quay trở lại vấn đề chính bàn đến hôm nay, tức là vấn đề chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa. Hồi trước năm 1975 thì Việt Nam bị chia đôi tại vĩ tuyến 17. Phía Nam là Việt Nam Cộng Hoà và phía Bắc là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Thưa, vào cái thời trước năm 1975 thì chủ trương của hai phía Việt Nam khác nhau như thế nào đối với chuyện Trung Quốc tuyên bố chủ quyền cả Hoàng Sa lẫn Trường Sa?

Trương Nhân Tuấn: Vấn đề này có những điểm rất là mâu thuẫn mà sự mâu thuẫn đó nó tác hại đến Việt Nam ngày hôm nay. Có một lý thuyết là sự liên tục của quốc gia thì quốc gia Việt Nam mình đã khám phá, chiếm hữu và hành sử chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa từ rất là lâu.

TruongNhanTuan-book150.jpg
bìa cuốn "Biên giới Việt - Trung, 1885-2000, lịch sử thành hình và những tranh chấp", do NXB Diễm Châu ấn hành.

Những bộ sử cũng như nhiều bản đồ xưa của Việt Nam đã ghi nhận một cách rõ rệt là ngày xưa người ta gọi đó là "Bãi Cát Vàng" tức là Hoàng Sa, Vạn Lý Hoàng Sa hay là Đại Trường Sa hay là Vạn Lý Trường Sa tức là những tiếng này, những tên này là của Việt Nam. Và những địa phương, những đảo đó đã từ lâu là lãnh thổ của Việt Nam rồi.

Nếu mình nói về chủ quyền thì phải có những bằng chứng lịch sử để mình chứng minh, thì về lịch sử phải nói là Việt Nam mình có rất nhiều bằng chứng lịch sử. Nói ra đây sợ mình không có thì giờ để nói hết. Ví dụ những bộ sử từ thế kỷ 17 thì chúng ta đã bắt đầu có rồi, có những bộ sử nói về chủ quyền của Việt Nam ở tại Hoàng Sa.

Nguyễn An: Qua những bằng cớ lịch sử cho thấy là Việt Nam đã chiếm giữ, đã quản trị đảo này từ lâu đời?

Trương Nhân Tuấn: Dạ. Quản trị và khai thác từ lâu đời.

Tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc

Nguyễn An: Thế còn bên Trung Quốc cũng nói rằng họ có chủ quyền ở đó, nhưng mà họ có đưa ra được những bằng cớ giống như Việt Nam Cộng Hoà hay không?

Trương Nhân Tuấn: Vấn đề này có một điều hơi phức tạp một chút. Những bằng chứng của Trung Quốc đưa ra thì trước hết những bằng chứng đó do các viên chức dưới thời Hồ Chí Minh cung cấp, giả thử như những lời tuyên bố vô trách nhiệm mà...

Nguyễn An: Tức là quan niệm của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà hồi đó?

Trương Nhân Tuấn: Dạ. Ngoài cái đó là một bằng chứng nặng ký nhứt mà phía Trung Quốc dựa vào.

Nguyễn An: Ông có thể nói rõ hơn về mấy bằng chứng mà Trung Quốc lại được Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà cung cấp không?

Trương Nhân Tuấn: Dựa trên một số tài liệu của Bắc Kinh công bố thì có những dữ kiện như thế naỳ. Ngày 15-6-1956 ông Thư Trưởng Bộ Ngoại Giao VNDCCH tức là ông Ung Văn Khiêm khi tiếp đón Dại Sư Lâm Thời TQ tại Việt Nam thì ông Khiêm có tuyên bố rằng "Theo những tài liệu Việt Nam hiện có thì những đảo Tây Sa và Nam Sa, trên quan điểm sử học, thì thuộc về Trung Hoa".

Nguyễn An: Tây Sa và Nam Sa tức là Hoàng Sa và Trường Sa?

Trương Nhân Tuấn: Tức là Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng mình mở dấu ngoặc ở đây là mình không biết ông Ung Văn Khiêm đó đọc lịch sử nào, tại vì tất cả các bộ sử trước đó đều không có tên Xi Sa (Tây Sa) và Nan Sa (Nam Sa).

Trung Quốc cũng đưa ra những bằng chứng khác như vụ ông Lê Lộc (Chủ Tịch Lâm Thời Châu Á Sự Vụ) cũng có mặt lúc đó thì đã chêm thêm rằng "Trên quan điểm lịch sử, các quần đảo Xi Sa và Nan Sa (Tây Sa và Nam Sa) đã thuộc về Trung Hoa từ thời nhà Tống.

Nguyễn An: Thưa ông, ông Lê Lộc đó là người của Trung Quốc hay của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà?

Trương Nhân Tuấn: Là người của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Thành thử vấn đề mới là nặng, mới là rắc rối. Nhưng mà sau này các học giả Việt Nam mới nghiên cứu lại, tìm hiểu lại là sách nào của thời nhà Tống đã nói về chuyện đó, thì có cả một tập tài liệu được công bố và tập tài liệu đó thì sau này mình thấy là hoàn toàn không đúng sự thật, họ chỉ ghép, cắt đầu này dán vào đầu kia, hay là họ thay đổi nội dung của những tài liệu đó.

ThuGuiChuAnLai150.gif
Công hàm của Thủ tướng Phạm văn Đồng gởi Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai năm 1958. Xem công hàm bằng dạng pdf

Công hàm của ông Phạm Văn Đồng

Nguyễn An: Rồi sau đó thì có thêm bằng cớ nào của phía Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà cung cấp thêm cho Trung Quốc về chủ quyền của họ không?

Trương Nhân Tuấn: Dạ thưa có. Cái đó là bằng chứng nổi tiếng, đó là công hàm của ông Phạm Văn Đồng ngày 14-9-1958 thừa lệnh của Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Công hàm đó công nhận quyền lãnh hải của Băc Kinh vừa mới công bố mười ngày trước đó. Lời công bố đó là những đảo như Bành Hồ, Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa (Tây Sa tức Hoàng Sa, Nam Sa tức Trường Sa) là thuộc về Trung Hoa. Và họ tuyên bố lãnh hải của họ đó…

Nguyễn An: Tức là công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên những quần đảo đó?

Trương Nhân Tuấn: Thực sự nội dung của công hàm này không có cái gì rõ ràng mà nói là công nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa, tại vì nội dung của nó chỉ nói là "ghi nhận và công nhận tuyên bố về lãnh hải của Trung Hoa" chứ không nói về chủ quyền của Hoàng Sa và Trường Sa.

Nhưng mà tôi nghĩ cái sự phản biện đó rất là yếu ớt, tại vì trong thời chiến tranh, trong thời tháng 1-1974 khi mà Trung Quốc đem hải quân đến chiếm Hoàng Sa thì ở ngoài Bắc không có một lời lên tiếng nào hết. Và sự im lặng của họ lúc đó cũng là một bằng chứng, một bằng chứng rất là nặng để cho Trung Quốc tuyên bố là (VNDCCH) đã công nhận chủ quyền của họ ở Hoàng Sa và Trưòng Sa rồi.

Nguyễn An: Điều mà ông vừa mới trình bày là nguyên nhân khiến cho ông Tần Cương (phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc) nói rằng chủ trương của Việt Nam về vấn đề chủ quyền trên Hoàng Sa và Trường Sa thay đổi theo thời gian, có phải đó là nguyên nhân không?

Trương Nhân Tuấn: Dạ thưa, điều này là đúng. Nhưng mà ý nghĩa pháp lý của nó sẽ không đơn giản. Những lời tuyên bố của những viên chức của cộng sản Việt Nam ngày xưa có thể có và phía Bắc Kinh họ đưa ra mà phía Hà Nội không có phản biện lại, không có đính chánh lại, thì tôi nghĩ là đúng. Nhưng mà những điều đúng đó chưa chắc là đã chứng minh được chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa.

Vấn đề như thế này. Trong học thuyết về liên tục quốc gia, tức là vấn đề kế thừa thì mình cũng phải biết là sự kế thừa của Nam Cộng Hoà tức là Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam chứ không phải là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Tức là vào ngaỳ 5 và 6-4-1975 Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam công bố giải phóng Trường Sa.

Tới tháng 9-1975, Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam tại hội nghị về các trạm thời tiết tại Colombo thì cũng có tuyên bố rằng Hoàng Sa thuộc về Việt Nam và yêu cầu tổ chức này tiếp tục ghi nhận trạm thời tiết của Việt Nam tại Hoàng Sa.

Thành thử chính bởi những điểm này, đứng trên quan điểm kế thừa, đứng trên quan diểm liên tục quốc gia thì người thừa kế Việt Nam Cộng Hoà chưa bao giờ tuyên bố Hoàng Sa và Trưòng Sa thuộc về Tàu.

Trong khi đó những lời tuyên bố của các viên chức kia (VNDCCH) thì theo tôi nghĩ là khi họ không có thẩm quyền về vấn đề đó thì mình nói đó chỉ là ý kiến cá nhân của họ thôi chứ mình đâu có nói đó là một cái quan điểm của quốc gia Việt Nam được.

Địch thủ hiện nay rất là mạnh là Trung Quốc thì họ cứ dựa vào đó, họ cho đó là một bằng chứng. Mà khổ nỗi là chính quyền cộng sản Việt Nam hiện nay không làm cách nào để mà phản biện được. Theo tôi nghĩ thì cũng rất là khó nói, tức là họ đưa cấp lãnh đạo Việt Nam hiện nay vào tình trạng rất là khó xử, nhưng mà được hay không cũng còn tuỳ.

Nguyễn An: Xin cám ơn nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn.

(Ý kiến của tác giả Trương Nhân Tuấn không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.)

TruongNhanTuan-book75.jpg