Hạ viện Mỹ điều trần về tình hình tôn giáo tại Việt Nam


2007.12.07

Thanh Trúc, phóng viên đài RFA

Buổi điều trần về tự do tôn giáo ở Việt Nam tại Hạ viện Hoa Kỳ chiều thứ Năm là dịp để các dân biểu Mỹ chuyên tâm đến tự do tín ngưỡng và nhân quyền lắng nghe và chất vấn các thuyết trình viên về hiện trạng tôn giáo của Việt Nam. Thanh Trúc có mặt tại chỗ và tường trình.

JohnHanfordVnReligious200.jpg
Đặc sứ John Hanford trình bày trước tiểu ban nhân quyền Hạ Viện về vấn đề tự do tín ngưỡng ở Việt Nam hôm thứ Năm 6-12-2007. Photo RFA/Thanh Truc >> Xem hình lớn hơn

Việt Nam đã có nhiều tiến bộ, nhiều sự chuyển hứơng tích cực trong lãnh vực tự do tôn giáo, nhưng trên thực tế thì những hành động có tính cách kiểm soát, cấm đoàn và bắt bớ vẫn còn tồn tại mà nếu không cải thiện thì không thể gọi là có tự do tín ngưỡng hoàn toàn.

Đó là nội dung buổi điều trần do Nhóm Dân Cử Về Nhân Quyền tại Hạ viện, phối hợp cùng Uỷ Hội Quốc Tế Mỹ Về Tự Do Tôn Giao Thế Giới, sau chuyến đi thực tế của phái đoàn trong Uỷ Hội Quốc Tế Mỹ Về Tự Do Tôn Giáo đến Việt Nam từ ngày 23 tháng Mười đến ngày 2 tháng Mười Một.

Đại diện Uỷ Hội Quốc Tế Về Tự Do Tôn Giáo sẽ trình bày thực trạng tôn giáo ở Việt Nam là uỷ viên Leonard Leo, có mặt trong chuyến đi Việt Nam hồi tháng Mười.

Các thuyết trình viên khác gồm viên chức chuyên trách tự do tôn giáo thế giới trong bộ ngoại giao Hoa Kỳ, đặc sứ John Hanford, ông T Kumar thuộc Amnesty International, tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển, ông Serevuth Prak thuộc phái đoàn Kampuchia Krom, và ông Chris Seiple từ Viện Hổ Trợ Toàn Cầu.

Buổi điều trần còn có sự tham dự của ông Trần Manh Rinh, phụ trách phần kế hoạch của Liên Minh Khmer Krom, tháp tùng phái đoàn 12 người Việt gốc Khmer đến từ California, New Jersey, Philadelphia và Canada.

Quan điểm của Bộ ngoại giao

UsHearingSanchezVnReligious200.jpg
Dân biểu Loretta Sanchez, Chủ tọa và điều hợp buổi điều trần về tự do tôn giáo ở Việt Nam hôm thứ Năm 6-12-2007. Photo RFA/ Thanh Truc. >> Xem hình lớn hơn

Được hỏi ông sẽ trình bày điều gì trứơc tiểu ban nhân quyền ở hạ viện về vấn đề có hay không có trự do tín ngưỡng ở Việt Nam, đặc sứ John Hanford nói rằng ông biết buổi điều trần này phản ảnh sự quan tâm của các đại diện dân cử Mỹ về thực trạng tôn giáo cũng như tổng quát tình hình nhân quyền ở Việt Nam tính đến lúc này:

“Tôi sẽ trình bày là trong mấy năm qua tự do tôn giáo tại Việt Nam tiến triển một cách đáng kể. Tuy nhiên bộ ngoại giao vẫn quan tâm đến một số điều mà Việt Nam cần nổ lực hơn trong lãnh vực tôn giáo và nhân quyền.

Cho tới lúc này tôi thấy Việt Nam tiếp tục cải thiện tình hình tôn giáo, tôi tin rằng có sự nhận thức và nổ lực ở cấp cao trong chính quyền Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm tôn giáo chưa được công nhân trứơc kia nay có thể đăng ký để được sinh hoạt hợp pháp. Điều này tạo niềm tin tốt đẹp hơn nơi người dân đối với chính quyền của họ.”

Phát biểu với đài Á Châu Tự Do, ông T Kumar, thuyết trình viên của Amnesty International, tức Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế, nói rằng dù như có nhiều tiến bộ đáng nói trong tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng:

“Ân Xá Quốc tế vẫn thấy có sự giảm sút trong vài phương diện liên quan đến tín ngưỡng ở Việt Nam, Ấn Xá Quốc Tế mong chính phủ Hoa Kỳ chú ý đến thực trạng đó, nhất là trong lãnh vực an ninh quốc gia mà lập pháp Hoa Kỳ có thể tận dụng để lưu ý Việt Nam phải cải thiện tự do tôn giáo nhiều hơn.

Ân Xá Quốc Tế mong rằng chính sách và lập trường của chính phủ Hoa Kỳ trứơc vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam hiện nay phải thay đổi khác hơn, nghĩa là chuẩn mực, rõ ràng hơn, đồng thời gởi một thông điệp thẳng thắn của hành pháp và lập pháp Mỹ đến cho Việt Nam là phải trả tự do cho tất cả những tù nhân tôn giáo đang bị bắt giữ bằng cách này hay cách khác.

Đó là thử thách mà Hoa Kỳ đang đối diện , trong lúc Việt Nam bằng mọi cách che đậy và chỉ cho thấy những điều không thật mà họ nói là tự do tôn giáo ở trong nứơc họ.”

Những tù nhân về tôn giáo hay còn gọi là tù nhân lương tâm một lần nữa được ông T Kumar nhắc lại là Đại lão Hoà thượng Thích Huyền Quang và Hoà thượng Thích Quảng Độ thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất không được Hà Nội nhìn nhận, Linh mục Nguyễn Văn Lý đang bị giam cầm vì đòi hỏi tự do tôn giáo, tín đồ và các chức sắc đạo Hoà Hảo hay đạo Cao Đài, hai luật sư vừa bị nhà cầm quyền Việt Nam Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân vừa bị kêu án tù, những nhà truyền giáo người miền núi ở Tây Nguyên.

Sẽ tiếp tục tạo áp lực

UsHearingVnReligious200.jpg
Các thuyết trình viên khác gồm viên chức chuyên trách tự do tôn giáo thế giới trong bộ ngoại giao Hoa Kỳ, đặc sứ John Hanford, ông T Kumar thuộc Amnesty International, tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển, ông Serevuth Prak thuộc phái đoàn Kampuchia Krom, và ông Chris Seiple từ Viện Hổ Trợ Toàn Cầu. Photo RFA/ Thanh Truc >> Xem hình lớn hơn

Chủ tọa và điều hợp buổi điều trần về tự do tôn giáo ở Việt Nam hôm thứ Năm, dân biểu Loretta Sanchez, khẳng định:

“Tôi hiểu chính phủ Việt Nam nghĩ là tôi cố ý đả kích họ. Điều tôi muốn nói ở đây là chúng tôi phần nào yếu thế trứơc hành pháp khi mà Washington muốn Hà Nội gia nhập WTO cho bằng được hồi 2006. Điều này cho thấy hai phía chỉ nhắm đến mối lời về giao thương về kinh tế mà thôi.

Dù sao đi nữa chúng tôi ở Quốc hội vẫn tiếp tục tạo áp lực, buộc Việt Nam tôn trọng nhân quyền và tự do tôn giáo của người dân Việt Nam. Có những điều xảy ra ở Việt Nam mà người bên ngoài phải cảm phục, thí dụ những người dám ký tên vào bản tuyên ngôn dân chủ của một nhóm tranh đấu trong nứơc một năm trước, những người dám lên tiếng đòi đất và đòi quyền lợi của mình trong lúc này, hoặc những người đang biểu tình hoặc bãi công để đòi quyền lao độn, những trí thức trẻ Nguyễn Văn Đài Lê Thị Công nhân góp tiếng đòi dân chủ mà đã bị xét xử và bị cầm tù, thì đấy là những biểu hiện tốt vì thay đổi chỉ có thể xảy ra bên trong Việt Nam mà thôi.

Tuy nhiên những người ở bên ngoài có thể làm nhiều việc để hổ trợ như tổ chức những buổi điều trần để lưu ý về tình trạng thiếu tự do tôn giáo và thiếu nhân quyền tại Việt Nam.

Bất kể chính phủ Việt Nam gọi tôi là gì hoặc gán cho tôi thứ gì, bất kể báo chí Việt Nam viết về tôi như thế nào, tôi muốn mọi người hiểu là điều tôi đang làm cho Việt Nam cũng giống như điều tôi từng đòi hỏi cho Cuba, cho Iraq, hay ngay cả Hoa Kỳ mà điển hình là tôi đã chỉ trích Washington vi phạm nhân quyền tại nhà tù Guantanamo chẳng hạn.

Điều tôi đang làm là nguyên tắc dân chủ được quốc tế công nhận. Những quyền tự do căn bản được ghi trong hiến pháp Việt Nam, vấn đề là chính phủ đang cầm quyền không chịu thực hiện mà lại chà đạp nó. Việt Nam cần nâng chẩun mực tự do tôn giáo và nhân quyền của mình lên ngang tầm quốc tế.”

Danh sách CPC?

Trong phần chất vấn, câu hỏi mà dân biểu Loretta Sanchez nêu ra với đặc sứ John Hanford là dựa vào tiêu chuẩn nào mà Bộ Ngoại Giao rút tên Việt Nam khỏi danh sách CPC Những Quốc Gia Cần Quan Tâm Vì Thiếu Tự Do Tôn Giáo, ông John Hanford trình bày rằng dựa vào tiêu chuẩn là Việt Nam thức sự có tiến bộ từ năm 2004, không còn sự vi phạm hay chà đạp quyền tự do tín ngưỡng một cách có hệ thống như trứơc đó, giới chức Việt Nam chứng tỏ được thiện chí của họ bằng những pháp lệnh về tôn giáo đối với người miền núi:

“Bằng vào những điều đó tôi nhận thấy một cách không thể lầm lẫn là cần phải công bằng với Việt Nam, bởi trong bao nhiêu năm làm việc tôi ít thấy chính phủ nào đã đạt những bứơc tiến hay có thể nói sự chuyển hứơng khả quan như Việt Nam chỉ trong vòng hai năm vừa qua.

Hoa Kỳ dàn ra cho Việt nam thấy những trở ngại họ phải san bằng, Việt Nam đã làm được trong vòng hai năm, Hoa Kỳ phải công bằng đối với Việt Nam, trong lúc Bộ Ngoại Giao vẫn tiếp tục nhắc nhở Việt Nam phải cải thiện hơn nữa trong nhiều lãnh vực tự do tôn giáo mà tôi có thể nói không bao giờ và không nứơc nào dám gọi là hoàn chỉnh.”

Trong phần chất vấn dành cho thuyết trình viên Leonard Leo thuộc Uỷ Hội Quốc Tế Mỹ Về Tự Do Tôn Giáo Thế Giới, từng đi Việt nam hồi tháng Mười vừa qua, dân biểu Sanchez hỏi là tại sao nhà cầm quyền Việt Nam đến lúc này vẫn kiểm tra, cấm đoán và bắt buộc những tổ chức tôn giáo nào muốn sinh hoạt thì phải ở dứơi sự chi phối của Mặt Trận Tổ Quốc, tại sao Hà Nội tiếp tục buộc các tôn giáo phải ghi tên hay xin phép mới được hoạt động, uỷ viên Leonard Leo trả lời:

“Đó là chính sách của người cộng sản, đó là vấn đề kiểm soát hay chi phối. Người cộng sản không ạto điều kiện tự do cho tôn giáo vì họ không muốn tản quyền, không muốn có những tổ chức mà họ không biết rõ và không thể kiểm soát được. Vấn đề có hay không có tự do tôn giáo ở Việt Nam chính là vấn đề phải nắm bắt và kiểm soát được.”

Vẫn theo lời uỷ viên Leonard Leo, từ năm 2001 đến giờ, hàng trăm người sắc tộc Tây Nguyên còn bị giam giữ, về Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất không được nhìn nhận thì khoảng 12 tu sĩ đang bị giam cầm, trong đó có đại lão hoà thượng Thích Huyền Quang và hoà thượng Thích Quảng Độ, phía công giáo thì có nhiều người khác bị theo dõi hay bắt giữ ngoài linh mục Nguyễn Văn Lý đang ở tù.

Bên cạnh đó, uỷ viên Leonard Leo còn cho biết hàng chục tín đồ và chức sắc hai tôn giáo lớn ở miền Tây như Cao Đài và Hoà Hảo còn bị giam cầm. Ông nhấn mạnh chuyến đi Việt Nam vừa qua cho ông thấy rõ Việt Nam cần phải cải thiện và mở rộng chính sách tôn giáo để người dân được tự do hơn trong lãnh vực này.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.