BS Phạm Hồng Sơn: Đài và Nhân đại diện cho một thế hệ khát khao nhân quyền, dân chủ


2007.11.29

Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA

Hôm thứ Ba vừa qua, phiên tòa xử phúc thẩm hai Luật Sư Nguyễn Văn Ðài và Lê Thị Công Nhân đã kết thúc, với bản án giảm xuống còn 4 năm tù dành cho Luật Sư Ðài và 3 năm tù dành cho Luật Sư Công Nhân. Ban Việt Ngữ chúng tôi đã có dịp nói chuyện với Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn, một nhà tranh đấu cho dân chủ từng bị chính quyền Việt Nam kết án, để hỏi cảm nghĩ của ông về phiên tòa này.

NguyenVanDaiCongNhan200.jpg
Hai Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân tại phiên tòa phúc thẩm hôm 27-11-2007 ở Hà Nội. AFP PHOTO/hình chụp qua tivi.

Nguyễn Khanh: Bác sĩ nghĩ gì về phiên tòa mới kết thúc ngày hôm qua?

Phạm Hồng Sơn: Tôi nhìn một cách rộng hơn, tức là nhìn cả vụ án xét xử Luật Sư Nguyễn Văn Ðài và Luật Sư Lê Thị Công Nhân. Theo tôi, điều chúng ta cần phải khẳng định rằng đây là một vụ án chính trị, trong một thể chế chính trị độc đảng. Nhưng vụ án này cũng cho chúng ta những ghi nhận về những tiến bộ trong cách hành xử của chính quyền đối với những người bất đồng chính kiến.

Những ghi nhận mà tôi muốn đề cập đến là so với những vụ án chính trị tương tự cách đây năm bảy năm thì khó có trường hợp những người bị cáo buộc hay thân nhân được gặp luật sư trong quá trình điều tra, và quá trình điều tra có thể kéo dài cả hàng năm trời. Hiện nay, điều này đã có những tiến bộ nhất định và đặc biệt là chính quyền còn để cho những bị cáo gặp gỡ với các vị khách quốc tế ngay trong trại giam.

Trở lại với phiên tòa, cảm nhận của tôi là phiên tòa này dù vẫn đi theo chiều hướng là chính quyền tìm cách kéo dài thời gian cầm quyền theo thể chế chính trị độc tài, nhưng cũng đã phải có những nhượng bộ nhất định, bằng chứng là quyết định giảm án, cho dù mức giảm án đó không lớn.

Tôi coi đó là dấu hiệu chính quyền đã phải biết lắng nghe xu thế dân chủ đến từ quốc tế và đến ngay từ trong nội tình của nước Việt Nam, đến ngay từ những khát khao của người dân Việt Nam.

Nguyễn Khanh: Hôm qua Bác Sĩ có mặt trước cổng tòa án, lúc đó cảm nghĩ của ông như thế nào?

PhamHongSon150.jpg
Bác sĩ Phạm Hồng Sơn sau khi được ra khỏi nhà tù. RFA file photo.

Phạm Hồng Sơn: Tôi có đứng ở khu vực tòa án, chứ không phải là đứng ngay trước cổng tòa. Ðây là lần đầu tiên tôi có mặt quan sát vụ án chính trị mà những bị cáo là những người rất thân thiết của tôi. Tôi ghi nhận thấy một số lượng người rất đông, trong đó, nhân viên an ninh là một lực lượng lớn, có thể nói là trên cả hơn trăm người.

Nhưng đồng thời tôi cũng có cảm nhận rất vui là mặc dù lực lượng an ninh đông như thế, lại có những cử chỉ không thiện cảm, nhưng có rất nhiều người dân đến cổ vũ, đặc biệt tôi ghi nhận là có những ông lão khoảng bảy mươi, tám mươi, có những phụ nữ bồng con thơ đến. Tôi thấy dù lực lượng công an đông nhưng con số người dân đến cổ vũ rất lớn, và điều đó đủ để cho chúng ta thấy được thực tế của đất nước.

Nguyễn Khanh: Lúc đó, Bác Sĩ có nghĩ đến chuyện có lúc chính ông đã từng bị đưa ra tòa xét xử không?

Phạm Hồng Sơn: Tôi có nghĩ lại chuyện quá khứ, thời tôi phải đứng trước tòa và tôi nhớ lúc đó, không khí không được sôi động như bây giờ. Trong phiên xử tôi, không có sự hiện diện của luật sư đông như lần này, thứ hai, không có chuyện truyền hình ảnh sang phòng bên cạnh để cho báo chí trong nước cũng như quốc tế chứng kiến, và lúc đó tôi cũng không cảm nhận được sự tương tác giữa những người ủng hộ và người đang đứng trong phiên tòa một cách rõ rệt như lần này. Ðó là điều lần này tôi mới cảm nhận được.

Nguyễn Khanh: Cũng lúc đó, Bác Sĩ nghĩ gì về những người bạn không may của ông?

Phạm Hồng Sơn: Nếu dùng chữ không may thì tôi nghĩ rằng vẫn chưa đủ. Phải gọi họ là những con người rất đáng kính trọng và xứng đáng để tất cả chúng ta chia sẻ một tình cảm lớn hơn nữa, vì có thể nói những người đó là đại diện cho một thế hệ mới đang khát khao những giá trị nhân quyền, những giá trị dân chủ đa nguyên cho toàn thể cộng đồng Việt Nam.

Những giá trị đó không chỉ mang lại cho một đối tượng nào, mà cho tất cả mọi người Việt Nam chúng ta, kể cả những người đang tin tưởng vào chủ nghĩa cộng sản.

Nguyễn Khanh: Cám ơn Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.