Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA
Những nhà tranh đấu Tây Tạng dự tính sẽ tổ chức nhiều cuộc mít tinh rầm rộ trên khắp thế giới trong tuần này, để phản đối Trung Quốc đàn áp và vi phạm nhân quyền đối với người dân Tây Tạng đang sinh sống tại đất nước của họ.

Hôm thứ 2 vừa qua tại Bắc Kinh, RSF tức Tổ chức Các Nhà Báo Không Biên Giới đã bất ngờ căng một tấm biểu ngữ lớn, phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc không tôn trọng quyền tự do báo chí.
Tấm biểu ngữ được căng ngay bên ngoài trụ sở của Ủy Ban Tổ Chức Olympics Bắc Kinh 2008. Năm vòng tròn biểu tượng cho thể thao thế giới được vẽ bằng hình những chiếc còng số 8, ám chỉ nhà nước Hoa Lục vẫn chủ trương chính sách đàn áp người dân, và tiếp tục bắt giữ những người bất đồng chính kiến.
Cuộc tập hợp quy mô
Hiện đang có 14 nhân vật tranh đấu người Tây Tạng sống lưu vong ở nước ngoài đang tuyệt thực tại thủ đô Ấn Độ. Dự kiến vào những ngày tới số người Tây Tạng tham dự cuộc mít tinh sẽ lên đến hơn 20.000 người rải rác trên nhiều thành phố khắp thế giới, từ Âu sang Á và Mỹ.
Cuộc tập họp quy mô của người Tây Tạng sẽ được lần lượt tổ chức tại Nepal, Bhutan, Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ.

Ban tổ chức những cuộc mít tinh này là Đại Hội Thanh Niên Tây Tạng có trụ sở tại New Delhi Ấn Độ cho biết, cuộc mít tinh nhằm phản đối việc Trung Quốc đàn áp nhân quyền nghiêm trọng tại Tây Tạng và tổ chức này nói cũng rằng đây không phải là hoạt động chính thức của Đức Đạt Lai Lạt Ma hay chính phủ Lưu Vong Tây Tạng đặt tại Darhamsala.
Tin tức xuất phát từ Hồng Kông cũng nói là đã có sáu người Tây Tạng từ Anh Quốc, Canada và Hoa Kỳ bị công an Trung Quốc bắt giữ, vì họ căng một biểu ngữ trên đỉnh Vạn Lý Trường Thành mang nội bằng tiếng Anh và tiếng Hoa với giòng chữ “ Một thế giới, một ước mơ, tự do cho Tây Tạng năm 2008”
Ông Dorjee, một nhà đấu tranh cho dân chủ Tây Tạng cho biết, nhà nước Trung Quốc đang lợi dụng Olympics 2008 để tự tạo cho mình hình ảnh của một đại cường đối với công luận thế giới, nhưng từ Vạn Lý Trường Thành, biểu tượng của nước Trung Hoa, người dân Tây Tạng muốn gởi thông điệp để nói rõ cho họ biết là, Bắc Kinh không thể kéo dài mãi chính sách đô hộ khắc nghiệt của họ tại xứ sở bất khuất này:
Nhắc lại hoàn cảnh lịch sử khi quân đội Trung Quốc xua quân tấn công và chiếm đóng Tây Tạng cách đây đúng 56 năm, để đặt nền móng cai trị bằng sắt máu, giáo sư sử địa Đỗ Diễn Nhi kể lại những diễn tiến.
Trung Quốc bắt đầu đếm lui từng ngày
Trong một diễn biến khác liên quan đến thời sự tại Hoa Lục, hôm thứ tư, Trung Quốc bắt đầu tính ngày giờ, và đếm lui lại từng ngày, đúng một năm trước ngày khai mạc chinh thức Olympics Bắc Kinh 2008. Buỗi lễ được long trọng cử hành tại quảng trường Thiên An Môn.

Ông Jacques Rogge, chủ tịch ủy hội thế vận Olympics đến chủ tọa buổi lễ và tuyên bố, thế vận hội 2008 sẽ là cơ hội để giới thiệu với nhân loại về nền văn hóa, lịch sử và người dân Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết là ủy hội thế vận có thể hủy bỏ các cuộc tranh tài nếu Trung Quốc không giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, vì sức khỏe của vận động viên là điều quan trọng nhất cần phải được bảo đảm.
Theo dự kiến sẽ có trên 10 ngàn vận động viên từ khắp năm châu quy tụ về Hoa Lục tham dự Olympics 2008. Một số nhà đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền cũng đang kéo về Bắc Kinh trong những ngày gần đây để yêu cầu nhà nước trả tự do cho tù nhân lương tâm và cho phép báo chí được tự do sinh hoạt.
Lên tiếng với phóng viên Ban Việt Ngữ chúng tôi từ Bắc Kinh, ông Vincent Brossel, đại diện tổ chức Các Nhà Báo Không biên Giới, và là một trong những người hiện diện trong tóan biểu tình trước trụ sở của Uỷ Ban Tổ chức Thế Vận Hội 2008, sáng thứ 2 vừa qua, nhấn mạnh rằng thật là một chuyện hoàn tòan vô lý và không thể nào chấp nhận được khi đại hội thể thao tòan cầu sẽ diễn ra ở một đất nước là nơi hiện vẫn cầm tù trên một trăm nhà báo cùng nhân vật bất đồng chính kiến, đấu tranh ôn hòa.
Theo quy ước do Bắc Kinh thông báo hồi năm ngoái thì phóng viên quốc tế được phép tự do đi lại khắp nơi, được thực hiện các cuộc phỏng vấn mà không cần sự chấp thuận trước của nhà chức trách, trong khoản thời gian từ mồng một tháng giêng đến giữa tháng 10, năm 2008. Tuy nhiên, quy định vừa nói sẽ không được áp dụng đối với các nhà báo của Trung Quốc.