Làm cách nào khơi dậy nền âm nhạc dân tộc Việt Nam? (II)


2005.04.06

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Trong một chương trình trước, Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Khê, thành viên danh dự của Hội đồng Âm nhạc Quốc tế thuộc UNESCO, đã trình bày khái quát về những giá trị độc đáo của âm nhạc dân tộc Việt Nam.

Tiếp nối loạt bài chủ đề về nền âm nhạc truyền thống, kỳ này, mời quý vị nghe nhận định của giáo sư Khê về tình hình sinh hoạt âm nhạc dân tộc trong nứơc hiện nay.

Cuộc phỏng vấn do Trà Mi thực hiện.

Trà Mi : Thưa giáo sư, giáo sư có nhận xét gì về tình hình sinh hoạt âm nhạc dân tộc Việt Nam hiện nay tại quê nhà?

Giáo sư Trần Văn Khê: Âm nhạc Việt Nam truyền thống bây giờ đang bị trạng thái nguy hiểm, vì tất cả những chuyện toàn cầu hoá và mở rộng kinh tế thị trường đã tạo điều kiện cho các loại nhạc bên ngoài ồ ạt du nhập vào trong nứơc. Những loại nhạc này có cái mới, cái lạ, cái tiết tấu, cái sức sống thu hút được giới trẻ. Thành ra, giới trẻ bây giờ chỉ mở rộng tay mà đón các loại nhạc đó mà quên nhạc Việt Nam, mà nhạc Việt Nam đã trải qua nhiều khó khăn.

Tôi đã có viết một bài về căn bệnh mãn tính của âm nhạc dân tộc Việt Nam, bởi tôi thấy rất lo ngại vì âm nhạc dân tộc Việt Nam một mặt được chính quyền để ý, khuyên giải cho nó trở lại về nguồn, muốn làm sao cho âm nhạc tiên tiến mà có được bản sắc dân tộc. Thế nhưng, đường lối đưa ra thì rất đúng mà áp dụng đường lối thì chưa thật đúng.

Âm nhạc dân tộc Việt Nam một mặt được chính quyền để ý, muốn làm sao cho âm nhạc tiên tiến mà có được bản sắc dân tộc. Thế nhưng, đường lối đưa ra thì rất đúng mà áp dụng thì chưa

Cho nên, chúng ta gặp một nguy cơ mà không riêng gì nứơc Việt Nam mà các nứơc chậm tiến về mặt kinh tế thừơng bị những luồng nhạc Tây Âu xâm nhập, với những phương tiện truyền thông mãnh liệt, làm cho giới trẻ hướng về điệu nhạc phương Tây mà quên cả âm nhạc dân tộc Việt Nam.

Trà Mi : Vâng, nhưng âm nhạc dân tộc Việt Nam vốn được đánh giá là có giá trị nghệ thuật rất cao. Thế thì tại sao lại dễ dàng bị quên lãng như vậy thưa giáo sư?

Giáo sư Trần Văn Khê : Không phải dễ dàng bị quên lãng mà âm nhạc Việt Nam đã trải qua bao nhiêu khó khăn. Từ lúc bị thuộc địa thì đương nhiên bị văn hoá của dân tộc thống trị đẩy lùi văn hoá Việt Nam vào trong bóng tối.

Dân tộc Việt Nam đã bị mấy chục năm chiến tranh, trong lúc chiến tranh không thể nào nói chuyện tới âm nhạc, thành ra bị quên lãng. Có một cuộc thay đổi về nếp sống thì cái nếp sống ấy đã đẩy lùi âm nhạc dân tộc lần lần đi vào trong bóng tối.

Cho nên, đã có một giai đoạn rất dài, rất lâu, người thanh niên không được tiếp cận với âm nhạc dân tộc, và âm nhạc truyền thống không được người ta giảng dạy, không được người ta giải thích, không được người ta nói rõ ra nó hay ở chỗ nào. Thành ra có khi có cái hay mà không biết cái hay. Thừơng người ta ở trong rừng không bao giờ thấy rừng đẹp.

Có lẽ chúng tôi là người đã đi ra xa cái rừng, rồi thấy cái rừng ấy đẹp, và chúng tôi may mắn có dịp nghiên cứu, phân tích ra mới thấy trong đó có những cái hay, mà chưa có dịp nói hết cho những người thanh niên Việt Nam nghe để họ luôn có tự tin vào cái tiềm tàng của dân tộc Việt Nam.

Bạn nghĩ gì về vấn đề này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Điều đó là điều đáng tiếc. Tại hoàn cảnh về lịch sử đưa ra tới hoàn cảnh về tâm lý, tức là ngừơi bị trị luôn coi người thống trị là trên hết, thấy những cái hào nhoáng bên ngoài mà quên cái thâm thuý bên tron . Chẳng hạn như thấy cây đàn piano mấy chục dây thì hoan nghênh nó mà quên rằng cái đàn bầu 1 dây nhưng nói được biết bao nhiêu chuyện đến nỗi nhà thơ Văn Tiến Lê còn nói rằng "Một dây nũng nịu đủ lời, nửa bầu chứa cả một trời âm thanh" .

Như vậy mà không thương nó, không coi nó là trọng mà coi là tầm thường ,quên rằng nó có 1 tính chất nghệ thuật rất cao. Thì tại mình không hiểu nó mà mình không thương nó, chứ không phải nó không có đủ sức kháng cự, giống như ngừơi bệnh mà không được miễn dịch.

Tiếng hát ru cũng đã tắt trên môi các bà mẹ rồi. Thứ nhì mất tiếng đồng dao của trẻ em. Thứ ba là làm việc đồng áng không còn câu hò điệu lý, không còn đối ca nam nữ... mà thanh niên gặp nhau muốn ôm nhau nhảy theo điệu tango và bu-lê-rô, đi nghe thì không nghe hát chèo, hát bội, hay hát cải lương mà muốn đi coi nhạc trẻ, nghe nhạc kích động.

Điều kiện lịch sử, điều kiện kinh tế, điều kiện tâm lý đã khiến âm nhạc truyền thống Việt Nam bị quên lãng.

Cái nếp sống bây giờ thay đổi. Do hoàn cảnh bên ngoài xã hội và kinh tế: người nào đi học nhạc dân tộc thì không được trả thù lao hậu, mà nhạc mới thì trả thù lao hậu. Thành ra, điều kiện lịch sử, điều kiện kinh tế, điều kiện tâm lý đã khiến âm nhạc truyền thống Việt Nam bị quên lãng. Thanh niên không được hiểu biết tới nên mới hướng về cả bên phương Tây.

Trà Mi : Quý vị vừa nghe phần trình bày của giáo sư - tiến sĩ Trần Văn Khê về tình hình sinh hoạt âm nhạc dân tộc hiện nay trong nứơc. Làm thế nào để cứu vãn nền âm nhạc dân tộc đang ngày một thưa dần? Mời quý vị đón nghe phần 3 bài nói chuyện của giáo sư Trần Văn Khê trong một chương trình tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.