Chị Trần Thị Hằng, chuyện cổ tích giữa đời thường
2006.04.03
Phương Anh, phóng viên đài RFA
Kính chào quí vị thính giả, như thường lệ, vào mỗi sáng thứ hai hàng tuần, Phương Anh xin trở lại với quí vị trong chuyên mục Trang Phụ Nữ. Trong chương trình hôm nay, mời quí vị nghe câu chuyện của bà Trần Thị Hằng, một phụ nữ có lòng kiên cường, bất khuất, đã vượt lên những đau khổ ghê gớm và nghiệt ngã của cuộc đời, để xây dựng một cuộc sống mới.
Vào khoảng năm 1985, cuốn phim tài liệu “Chuyện Tử Tế” của đạo diễn Trần Văn Thuỷ ra đời. Trong phim, một hình ảnh vô cùng xúc động: một người phụ nữ chẳng may bị mắc bệnh phong, bị xã hội ruồng bỏ …đêm đêm lần mò đắp đất bằng hai bàn tay cùi cụt, co quắp, đóng gạch để xây nhà cho con.
Cậu bé lúc bấy giờ mới lên 10, gương mặt hết sức đĩnh ngộ, ban ngày ở nhà bà ngoại, ban đêm lại về với mẹ trong túp lều rách nát, xiêu vẹo bên bờ ao…Người phụ nữ ấy chính là bà Trần Thị Hằng cùng cậu con trai tên Nguyễn Tú Anh. Giờ đây, bà là chủ nhân của ngôi biệt thự trên mảnh đất 1000 mét vuông.
Còn cậu bé Nguyễn Tú Anh, đứa con trai của bà “hủi” năm xưa, từng bị người đời khinh khi, hắt hủi và xua đuổi, nay đã trở thành chủ nhân một công ty tư nhân đang làm ăn phát đạt. Chuyện xảy ra như trong chuyện cổ tích, phải không thưa quí vị và các bạn?
Ngược dòng thời gian
Ngược dòng thời gian, cô gái trẻ Trần Thị Hằng sinh năm 1944, sau khi tốt nghiệp Đại học Tài Chính Kế Toán vào năm 1967, cô được yêu cầu vào miền Nam công tác trong cuộc chiến. Trên đường đi, cô vướng phải mìn và suýt chết. Năm 1970, cô được ra Hà Nội và làm ở Bộ Tài Chính. Năm 1972, cô lại được điều về Hà Tây công tác.
Về nhà chồng thì tôi không thể có một cái gì nương tựa được cả.. Lúc đó thì không được giải quyết chế độ, hai bên thì đều có hai bà mẹ già. Cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, cơ cực…10 năm trời sống lang thang, ở quê chồng thì đẩy về quê mình…
Lúc này, cô đã lập gia đình và có đứa con đầu hai tuổi. Thời gian này, vì cuộc chiến tranh hai miền trở nên khốc liệt, trong một cuộc dội bom, chị Trần Thị Hằng thoát chết trong gang tấc, nhưng đứa con đầu lòng của chị không còn. Và sức khoẻ của chị từ đó cũng suy giảm dần, chị đành phải nghỉ việc và về quê chồng ở Bắc Ninh sinh sống. Vào đúng ngày 30 tháng 4 năm 1975, chị sinh đứa con thứ hai, Tú Anh.
Sau ngày chiến tranh chấm dứt, cuộc sống ngày càng rơi vào khó khăn, chị đành phải gửi Tú Anh về Thái Bình cho bà ngoại nuôi…Những tưởng cuộc sống nghèo khổ sẽ khiến cho vợ chồng thương yêu nhau hơn, nhưng người chồng đã bỏ bà đi theo một người đàn bà khác trong khi bụng chị đang có thai đứa thứ ba.
Trong thời gian này, bụng mang dạ chửa, ban ngày chị lang thang buôn gánh bán bưng trong các chợ ở Hà Nội, đêm thì lại đắp bao tải nằm trên vỉa hè, ngủ vạ vật ở các bến xe, bữa đói, bữa no…kiếm được đồng nào lại gửi về quê nuôi con.
Khi mang thai đến tháng thứ 8, một ngày nọ, bỗng dưng, chị bị lên cơn sản giật đau quằn quại…Một người phụ nữ thương tình đã đem chị vào bệnh viện cấp cứu. Các bác sĩ chỉ cứu được mẹ, còn đứa con 8 tháng tuổi đã chết khi chưa kịp thấy ánh sáng mặt trời.
Bị hắt hủi
Từ bệnh viện về nhà, chị bị gia đình chồng hắt hủi và đuổi đi vì cho là chị bị bệnh phong cùi. Từ đó, cuộc sống của chị càng ngày càng chồng chất đau thương. Chúng ta hãy nghe chị kể lại chuyện năm xưa:
“Sau khi được giải quyết chế độ tàn phế thì không nhập khẩu vào đâu được, vì sức khoẻ giảm sút, họ cứ nghĩ là tôi sẽ có những căn bệnh hiểm nghèo, nên không ai nhận, cứ hai quê đẩy qua đẩy lại..cứ chơi vơi…Cuối cùng thì về nhà mẹ, không có hộ khẩu nhưng không có gì là đảm bảo cuộc sống cả…
Về nhà chồng thì tôi không thể có một cái gì nương tựa được cả.. Lúc đó thì không được giải quyết chế độ, hai bên thì đều có hai bà mẹ già. Cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, cơ cực…10 năm trời sống lang thang, ở quê chồng thì đẩy về quê mình…
Họ nghĩ là lên cơn sản giật tức là trúng phong, họ không cho nhập khẩu, bệnh tật xã hội, thì họ đưa mình vào trại phong, nhưng khi vào trại phong thì lại thấy tôi trắng trẻo, không có một tì vết bệnh tật nào, thì lại cho ra… Cho ra thì tôi bị đầy đoạ quá, tức quá và nhẩy xuống sông tự vẫn.”
Năm 1978, bị cơn bão, không có gì để mà sống nữa, tôi xin cây chuối thì không cho, phải mua giá rất rẻ, chặt đôi rồi nhờ người khoẻ tay cắm thành bè, đêm đêm sợ hổ giun chết con, cứ đặt con trên ngực để nếu có chết mẹ thì vẫn bảo vệ được con… Sống cứ như thế, ngày thì đi thật sớm, đêm thì về thật khuya… Cách nhà khoảng 2 cây số, có đống đá người ta bỏ đó , đêm đêm tôi gánh đá đổ, ròng rã 5 năm trời vào cái ao hoang.
Vâng, đã có lúc chị Hằng viết những dòng chữ đau thương gửi về cho mẹ ruột: Con chết rồi,nếu mẹ không nuôi nổi thì mẹ gửi Tú Anh vào viện mồ côi, đừng gửi cho bố nó. Và sau đó, ra bãi sông Thái Hạc tự tử. Lúc bấy giờ, một ông lão thuyền chài đã nhanh tay kéo chị lên và sau khi nghe sự tình, ông giúp cho chị vốn làm ăn, tương đương với một tạ gạo thời bấy giờ. Chị kể tiếp:
“Lúc ông lão thuyền chài vớt lên và cho 1000 đồng, rồi đi bộ về đến nhà, phải nghỉ đến 8 chỗ mới về được đến nhà, nghĩ đến thân phận tiều tụy, quần áo không có, chỉ có mỗi bộ quần áo trên người, mặc cái quần gọi là “cá rô đớp” đến ngang đầu gối thôi…
Sau đó thì cứ mang con đi cầm nợ, cứ nói với họ là “cháu có chồng nhưng vì bị tai nạn nên chồng cháu bỏ đi, xin bà bán hàng cho cháu quả chanh, quả chanh, rồi cháu lấy lãi được thì nuôi con cháu, có vốn thì cháu lại về chuộc con”…Tôi cầm nợ Tú Anh mất 4 năm.
Năm 1978, bị cơn bão, không có gì để mà sống nữa, tôi xin cây chuối thì không cho, phải mua giá rất rẻ, chặt đôi rồi nhờ người khoẻ tay cắm thành bè, đêm đêm sợ hổ giun chết con, cứ đặt con trên ngực để nếu có chết mẹ thì vẫn bảo vệ được con… Sống cứ như thế, ngày thì đi thật sớm, đêm thì về thật khuya…
Cách nhà khoảng 2 cây số, có đống đá người ta bỏ đó , đêm đêm tôi gánh đá đổ, ròng rã 5 năm trời vào cái ao hoang. Khi Tú Anh được 7 tuổi, tôi nhập cháu vào hộ khẩu của bà mẹ tôi để cháu được đi học. Nhưng đi học thì cứ bị những đứa trẻ trong lành đánh, rạch mặt, vì chúng nó cứ bảo là tôi bị phong, cần phải diệt…nên cuối cùng phải mang cháu đi học xa.”
Lấp đất xây nhà cho con
Sau 11 năm trời lang thang, không nhà không cửa, dẫu cho chị từng là cán bộ, con liệt sĩ, hoàn cảnh vô cùng bi đát, chị quyết định phải tìm nơi dừng chân. Chị cố gắng dành dụm để mua lại cái ao mà trước đây thuộc quyền sở hữu của bố chị, nhưng nay đã hy sinh, và theo luật bấy giờ, mẹ chị không có quyền sở hữu nữa, phải trả lại cho xã. Sau khi có được cái ao, ngày ngày chị gánh đất đổ để lấp dần…Chị kể tiếp:
“Ban đầu đổ thì cứ trôi tuột đi, nhưng cứ đổ hoài, đổ mãi, dần dần thì lấp dược một góc và dựng lên túp lều ở đó. Cũng chẳng có cây cọc gì, chỉ dùng cành cây xoan, cây đào thôi, rồi lấy dây gai buộc, rồi những mảnh áo mưa, giấy xi măng, lá chuối…phủ lên mà ở. Tôi có làm một bài thơ như thế này:
“Túp lều nát rùng mình trong gió rét. Chiếc nôi nghèo run rẩy giữa đêm giông. Ai sẽ về chăm lo, chẳng còn ai nữa hết, tội nghiệp nỗi cô đơn trong đêm tối khóc thầm…”
“Túp lều nát rùng mình trong gió rét. Chiếc nôi nghèo run rẩy giữa đêm giông. Ai sẽ về chăm lo, chẳng còn ai nữa hết, tội nghiệp nỗi cô đơn trong đêm tối khóc thầm…”
nghĩa là không ai thừa nhận tôi nữa, chỉ biết khóc hết nước mắt, thì lại làm 24/24, để nếu chết thì sau này con có cái lều mà ở…”
Đêm đêm trong túp lều xiêu vẹo, trời muà đông giá lạnh rét căm căm… Chị nghĩ cách phải làm nhà cho con sau này. Thế là chị quyết định nặn gạch để xây nhà. Nhưng nặn gạch xong, cũng không có tiền để mua than, thế là chị đành phải bán gạch mộc cho người khác…Ban ngày đi kiếm sống, ban đêm về nặn gạch, cứ thế cho đến khi nặn và bán được 12 vạn gạch, kiếm đủ số tiền mua than, thì một ngày kia, chị thấy các ngón tay của mình bắt đầu nhức nhối.
Theo lời chị, vì hậu quả của nhiều ngày làm việc cật lực và thiếu ăn, kiếm được một bơ gạo thì phải chia làm 5 ngày, chỉ dành để nấu cho mẹ già và con thơ, rồi khi nặn gạch xong lại không có nước rửa, nên cuối cùng tay chị bị nhiễm trùng nặng. Vì vẫn chưa được nhập hộ khẩu, và không có tiền đi bệnh viện, chẳng còn cách nào khác, chị bỗng nghĩ ra cách điều trị vô cùng khủng khiếp: nung đỏ con dao sắt, kê ngón tay lên viên gạch, và nghiến răng chặt!
Các ngón tay trước làm kế toán thì nhỏ và đẹp, nhưng nay bị nhiễm trùng thì sưng tấy lên và đau, nên cứ cắt dần, cắt dần. Đầu tiên là cắt ngón tay cái của tay trái, thì chết lịm đi…
Mỗi lần đốt ngón tay lià khỏi bàn tay chị, lá nhọ nồi hoà với vôi đã chuẩn bị sẵn, chị run rẩy bôi vào vết chặt và ngất đi vì đau. Tỉnh lại, chị lại tiếp tục nhồi đất, rồi lại tiếp tục nặn gạch với hai bàn tay đã cụt hết các ngón để xây nhà cho con.
Năm 1985, chị bị cơn bệnh ngặt nghèo, liệt nửa người, chị đục một cái lỗ dưới nền nhà, chị rang lạc, ngô.. cho Tú Anh đi bán ở các rạp hát, bến thuyền. Hôm nào hàng ế, hai mẹ con ăn trừ bữa. Hai mẹ con chỉ duy nhất có bộ đồ trên người. Cuối cùng, chị càng ngày càng tiều tụy, chỉ còn da bọc xương, chị nằm đó không thể cựa quậy và nói được nữa … nhà chỉ có hai con gà là đáng giá.
Tú Anh đem hai con gà đưa cho người xích lô năn nỉ chở chị vào bệnh viện…Tại đây, vẫn không ai quan tâm vì không có hộ khẩu. Ngày ngày, chị cứ nằm đó, cấm khẩu, Tú Anh thì đi xin gạo ở các nhà quanh bệnh viện về nấu cháo đổ cho mẹ. Còn nhân viên của bệnh viện thì cứ bàn đem chôn chị…
May thay, một người trước là lính của bố chị, giúp can thiệp với bệnh viện để chữa chạy cho chị. Sau 4 tháng vật vã nơi bệnh viện, chị về lại ngôi nhà đang xây dang dở. Trong lúc bi đát đến như thế, chị mua chịu được một đôi lợn con… Đôi lợn như vị cứu tinh của hai mẹ con.
Tìm đủ mọi cách để nuôi thân và chăm sóc đôi lợn, đến khi lớn, bán phải chịu thiệt thòi vì thiên hạ xầm xì cho là “lợn hủi”…Có tiền, chị lại gầy dựng đôi lợn khác…rồi đến con heo nái…Cứ thế, ngày ngày tát ao, lội xuống bùn ngang ngực, cấy luá, còn trên bờ trồng rau muống…Và đến năm 1992, trong chuồng nhà chị đã có tới 75 con lợn.
Mời các bạn tham gia Trang Phụ Nữ do Phương Anh phụ trách. Xin email về Vietweb@rfa.org
Chuyện cổ tích
Nhưng không có gì vui cho bằng con trai chị, Tú Anh, học rất giỏi và đậu vào trường Đại học Kinh Tế Quốc Dân. Riêng chị, sau khi có ít vốn, chị lại đi buôn vàng, bất động sản… Còn Tú Anh thì ra trường, lấy vợ và sinh con… Có lẽ, ông Trời cũng phải mủi lòng trước người phụ nữ có sức sống kỳ lạ này.
Thưa quí vị, giờ đây, anh Nguyễn Tú Anh, nhìn lại thời thơ ấu của mình và những gì đang có, anh khiêm tốn nói:
“Ai cũng thế, đều có một tuổi thơ của mình, nhưng tôi lại khác với mọi người. Chung quanh bạn bè cùng trang lứa có những trò chơi, rất đơn giản và bình thường như đánh đáo, bắn bi...nô đùa, nhưng mà tôi lại không có được như thế, vì cha mẹ của các bạn bè cùng trang lứa cấm họ không được chơi với tôi…
Thế nên, tôi cảm thấy lạc lõng so với thế giới bình thường của mọi người chung quanh… Tôi lớn dần lên trong hoàn cảnh và điều kiện như thế. Mẹ tôi, bà tôi, dậy cho tôi và nhất là bà ngoại tôi hàng ngày đã kể cho tôi những câu chuyện cổ tích…Tôi lớn lên trong những lời dậy dỗ như thế và nhờ thế mà tôi vượt qua được. Cũng xin cám ơn là nhờ có tuổi thơ như thế nên tôi mới có được sự nghiệp như ngày hôm nay.”
Còn chị Trần Thị Hằng, nhìn lại những năm tháng qua của đời mình, chị nói: “Như một cái gì đó rất thần thoại, vì không bao giờ nghĩ được sẽ có như ngày hôm nay. Thực ra, tất cả chỉ phải là có tấm lòng nhân hậu và chịu đựng những vất vả, đau khổ, vùi dập, quá vùi dập, không thể nói ra được ở đây, vì khó nói lắm…
32 năm qua có những lúc như ở cõi chết nhưng rồi lại về cõi sống, nói chung là không thể tưởng tượng được có những cơn đói khát và những sự đày đọa. Giờ đây, mong ước của tôi chỉ là làm việc thiện, nuôi những đứa trẻ mồ côi đói khổ như con mình và như bản thân mình ngày xưa …”
Quí vị và các bạn vừa nghe câu chuyện về bà Trần Thị Hằng, một phụ nữ có lòng chịu đựng và nhẫn nại hơn ai hết. Phương Anh xin dừng nơi đây, hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ sau.
Những bài liên quan
- Quan niệm dạy con ngày nay
- Cuộc thi nhiếp ảnh Tôn Vinh Vẻ Đẹp Người Phụ Nữ Việt Nam
- Vai trò và trách nhiệm của người mẹ đi làm
- Tình trạng buôn bán phụ nữ Việt sang Cambodia lên tới mức báo động
- Chloe Đào, giấc mơ đã thành sự thật
- Hội nghị về phụ nữ do NGO tổ chức tại New York
- THÔNG BÁO
- Bạo lực gia đình, nguyên nhân của nhiều vụ ly hôn tại Việt Nam
- Tấm lòng bác ái của Sơ Mai Thị Mậu
- Ích lợi của việc cho Con bú sữa Mẹ
- Bà Correta Scott King, ý nghĩa của tình yêu
- Thực trạng các thẩm mỹ viện tư nhân hoạt động vượt các quy định cho phép
- Ngày Lễ Tình Yêu ở Việt Nam
- Vợ chồng cãi nhau: Hậu quả và ảnh hưởng
- Sinh hoạt của phụ nữ Việt Nam trong các ngày Tết
- Vấn đề xin con nuôi ở Việt Nam
- Cô Mukhtar Mai, người phụ nữ chiến thắng trong cuộc tranh đấu chống lại hủ tục
- Sự lựa chọn của phụ nữ ngày nay
- Sinh bao nhiêu con trong một gia đình là đủ?
- Nguyên nhân và kết quả của việc đi học thêm