Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Thời tiết giao mùa chuyển lạnh ở Việt Nam tạo điều kiện cho virus cúm gia cầm H5N1 bùng phát. Tình trạng lũ lụt gây ô nhiễm môi trường cũng thêm nguy cơ dịch bệnh lây lan. Việt Nam chuẩn bị những gì để đối phó với nguy cơ dịch cúm gia cầm tái bùng phát. Nam Nguyên tìm hiểu vấn đề này và được Tiến Sĩ Văn Đăng Kỳ, trưởng phòng dịch tễ Cục Thú Y giải thích.

Tiến sĩ Văn Đăng Kỳ: Họp giao ban Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm, Bộ trưởng NNPTNT cảnh báo rằng đã đến mùa, mùa đây là tháng 11 tới chỉ còn một khỏang thời gian rất ngắn, dịch cúm gia cầm nhiều nguy cơ tái phát. Có thể thấy rằng tỉnh Quảng Đông biên giới Trung Quốc cách Việt Nam không xa đang có dịch xảy ra, mầm bệnh tồn tại trong thời điểm mùa phát dịch xảy ra, cảnh báo dịch cúm gia cầm rõ ràng là có nguy cơ rất cao.
Bộ trưởng (Cao Đức Phát) cảnh báo rằng phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, công tác phòng chống dịch cúm gia cầm phải đưa lên hàng đầu. Ông rất quan tâm vấn đề phải chống tư tưởng chủ quan lơ là trong công tác phòng chống dịch.
Hai tháng vừa rồi không xảy ra dịch cúm trên đàn gia cầm cũng như trên ngừơi, điều chúng tôi quan tâm nhất là làm sao chỉ đạo tốt tổng tiêm phòng đợt 2, tiêm phòng là chìa khoá trong công tác phòng chống. Dịch có thể lây lan qua vấn đề vận chuyển, cần tạo miễn dịch cho đàn gia cầm nhất là đàn vịt, đàn thuỷ cầm.
Nam Nguyên: Thưa ông , tiêm phòng cúm gia cầm diễn ra hàng năm ở Việt Nam, triển khai lần này có gì đặc biệt?
Tiến sĩ Văn Đăng Kỳ: Khác với mọi năm, năm nay chúng tôi làm mạnh hơn, tiếp tục các đoàn kiểm tra đã lên danh sách trong tháng 10,11,12 kiểm tra liên tục về địa phương. Hơn nữa chúng tôi đã đưa thông tin tiêm phòng lên mạng, Bộ trưởng nhấn mạnh về việc này.
Ngoài ra các đoàn, các lãnh đạo ‘tư lệnh vùng’ chúng tôi có 7 vùng thú y họ phải kiểm tra đôn đốc, tham gia các đoàn của bộ liên ngành, để kiểm tra chỉ đạo công tác tiêm phòng, báo cáo đúng số lượng và chất lượng tiêm phòng, để gây miễn dịch cho đàn gia cầm nói chung và thuỷ cầm nói riêng.
Họp giao ban Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm, Bộ trưởng NNPTNT cảnh báo rằng đã đến mùa, mùa đây là tháng 11 tới chỉ còn một khỏang thời gian rất ngắn, dịch cúm gia cầm nhiều nguy cơ tái phát. Có thể thấy rằng tỉnh Quảng Đông biên giới Trung Quốc cách Việt Nam không xa đang có dịch xảy ra, mầm bệnh tồn tại trong thời điểm mùa phát dịch xảy ra, cảnh báo dịch cúm gia cầm rõ ràng là có nguy cơ rất cao.
Nam Nguyên: Đợt 2 này sẽ tiêm vaccine với số lượng như thế nào?
Tiến sĩ Văn Đăng Kỳ: Đợt vừa rồi chúng tôi phân phát 65 triệu liều, trong đợt 2 này chúng tôi dự trù khoảng 200 triệu liều vaccine ngừa cúm gia cầm.
Nam Nguyên: Vấn đề chăn nuôi tập trung để kiểm soát cúm gia cầm, rất khó thực hiện ở Việt Nam vì nông dân quen chăn nuôi nhỏ lẻ. Liệu Việt Nam sẽ phải chấp nhận thực tế này?
Tiến sĩ Văn Đăng Kỳ: Hướng chăn nuôi theo sản xuất tập trung thì chúng tôi đã khuyến cáo và giao cho Cục Chăn Nuôi để triển khai, Cục đã báo cáo là ở các tỉnh miền Nam đã nổi lên sự kiện nuôi vịt tập trung. Xin nhấn mạnh là tuy nuôi tập trung nhưng vẫn có lợi ích về kinh tế, giá cả thuỷ cầm nuôi theo điều kiện chăn nuôi này vẫn có lãi, ngừơi ta có xu hướng chuyển sang chăn nuôi qui mô tập trung, Nhà nước cũng có chính sách cho vấn đề chăn nuôi tập trung.
Tôi nghĩ là không phải ngày một ngày hai nhưng không phải là Việt nam không thể thực hiện được điều này. Tôi nghĩ là dần dần xu hướng chuyển đổi sẽ thành hiện thực, vì chăn nuôi nhỏ lẻ xảy ra dịch bệnh thường xuyên, nông dân bị thiệt hại kinh tế sẽ chuyển sang hình thức chăn nuôi khác.
Nam Nguyên: Lũ lụt ở miền Trung và miền Bắc vừa qua khiến môi trường bị ô nhiễm nặng nề, ở đây có thêm nguy cơ dịch bệnh gia súc gia cầm lây lan ?
Tiến sĩ Văn Đăng Kỳ: Chúng tôi đã cảnh báo việc này, trong công tác phòng chống lũ lụt chính phủ và bộ NN&PTNT đã có những chỉ thị liên quan đến việc môi trường sau lũ lụt bị ô nhiễm. Chúng tôi đã thực hiện những biện pháp tiêu độc khử trùng và yêu cầu địa phương làm tốt hơn về vấn đề này.
Phải thực hiện được tổng vệ sinh chuồng trại sau khi nước lũ đã rút để có thể chăn nuôi trở lại, để đối phó nguy cơ dịch bệnh chúng tôi phải đẩy mạnh công tác tiêm phòng tốt cho đàn gia cầm. Đối với gia súc như lợn thì tiêm phòng các bệnh đỏ…
Nam Nguyên: Cảm ơn Tiến sĩ Văn Đăng Kỳ.