Tổ chức Minh bạch Quốc tế: Việt Nam đã khá hơn
2005.03.16
Lê Dân, phóng viên đài RFA
Sáng hôm nay tại Luân Đôn, tổ chức Transparency International, tức Minh bạch Quốc tế, đã công bố bản phúc trình thường niên về tình trạng tham nhũng trên thế giới trong năm 2004. Qua đó, Việt Nam đã được ghi nhận là có một số thành quả tốt, nhưng chưa nhiều.
Từ mấy năm nay, kể từ khi tổ chức Transparency International bắt đầu nghiên cứu và công bố bản phúc trình thường niên của họ về tình trạng tham nhũng trên thế giới, các tổ chức quốc tế, cơ quan truyền thông và doanh nghiệp đều đánh giá cao và dùng bản phúc trình đó làm cơ sở mỗi khi họ cần nhận định về một quốc gia nào trên thế giới.
Chỉ số nhận thức cao hơn
Bản phúc trình năm 2004 của tổ chức này về phần Việt Nam cho thấy đã có một số thành quả tốt được ghi nhận. Từ vị trí 105 với chỉ số nhận thức về tham nhũng là 2,4 hồi năm 2003, Việt Nam đã lên vị trí 102 với chỉ số nhận thức cao hơn là 2,6 cho năm 2004.
Sự kiện này cho thấy là sự nhận thức về mối nguy hại do tham nhũng gây ra đã được dân chúng và chính phủ ngày càng quan tâm hơn.
Bản phúc trình của tổ chức Transparency International ghi nhận các sự thay đổi tích cực về pháp lý và định chế của Việt Nam là :
- Vào tháng Ba năm 2004, ban Thường trực Quốc hội đã ban hành nghị quyết buộc các ứng cử viên phải kê khai tài sản.
- Cũng trong tháng này, chính phủ ra nghị định về kiểm toán độc lập.
- Đến tháng Tư năm 2004, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đệ trình chính phủ dự thảo nghị định nhằm chống nạn rửa tiền và nạn tài trợ khủng bố.
- Quốc hội thông qua luật Thanh tra mới vào tháng Năm, nhằm tăng cường tính hiệu quả của các cơ quan thanh tra để ngăn ngừa và phát hiện các vụ tham nhũng.
Có nhiều tiến bộ
Đặc biệt, tổ chức Minh bạch Quốc tế ghi nhận vai trò mở rộng của Quốc hội Việt Nam, từ một cơ chế làm vì, chỉ gật đầu chấp thuận tất cả những gì chính phủ chuyển qua, nay đã có nhiều tiến bộ trong trách vụ đại diện dân của mình.
Đại biểu Quốc hội đã tổ chức chất vấn và quy trách nhiệm cho quan chức cấp cao. Điển hình như vụ tham ô tại bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, vụ tham ô có tổ chức tại bộ Bưu chính-Viễn thông, dù rằng vụ sau này cho tới nay là đã mấy năm mà vẫn chưa có thể đưa ra kết luận chính thức.
Nổi bật nhất là vụ Năm Cam. Tổ chức Transparency International cho kết quả vụ xử án này là lời cảnh cáo nghiêm khắc cho tất cả những quan chức khác. Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong lời phát biểu trước Quốc hội được nhiệt liệt tán thưởng là "tất cả các viên chức tham nhũng đều sẽ bị trừng trị nghiêm khắc, không ngoại lệ".
Thế nhưng bản phúc trình của Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho rằng quyết tâm đó đặt giới lãnh đạo Việt Nam vào thế tiến thoái lưỡng nan. Càng trừng trị nghiêm khắc không phân biệt đảng viên cao thấp bao nhiêu, thì càng mất lòng tin của dân bấy nhiêu. Do đó nỗ lực điều tra, phát hiện và trừng trị tham nhũng phải bị giới hạn ở một cấp nào đó mà thôi.
Bản phúc trình về tham nhũng trên thế giới năm 2004 của tổ chức Transparency International ghi nhận là sau vụ Năm Cam, ông Nguyễn Khoa Điềm, trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, đã chỉ thị cho giới truyền thông không được tự ý loan tin về vụ này. Ông nhấn mạnh rằng giới truyền thông không được tiết lộ bí mật nhà nước, gây chia rẽ nội bộ hoặc làm trở ngại công tác tuyên truyền của đảng và nhà nước.
Lòng tin của doanh nghiệp và giới đầu tư
Một vấn đề quan trọng khác mà bản phúc trình của tổ chức Minh bạch Quốc tế nêu lên là lòng tin của doanh nghiệp và giới đầu tư vào Việt Nam. Cuộc thăm dò ý kiến do tổ chức Tư vấn về Rủi ro Kinh tế và Chính trị của Hồng Kông thực hiện hồi cuối năm 2004 cho thấy Việt Nam xếp hàng thứ 3 về tham nhũng trong số 12 quốc gia Châu Á, chỉ sau Indonesia và Ấn Độ.
Chính quyền Việt Nam nhận thức được mối nguy hại này và đang tiến hành nhiều biện pháp đối phó. Bản phúc trình của Transparency International phần về Việt Nam kết luận rằng phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chuẩn bị cho áp dụng những biện pháp như phát triển hệ thống luật pháp nhằm cải thiện việc quản lý công quỹ, thiết lập một hệ thống tư pháp độc lập hơn, cải cách tiền lương công chức và mở những diễn đàn cho giới truyền thông và đại chúng bày tỏ quan điểm về các dự án đầu tư công cộng.
Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho là những việc đó lẽ ra phải được xúc tiến từ lâu rồi, nhưng do đảng Cộng sản quyết tâm nắm quyền lực, nên tiến trình cải tổ đó xem chừng khó đáp ứng được với sự mong đợi của giới đầu tư và cấp viện nước ngoài.
Thông tin trên mạng
Những bài liên quan
- Đọc giả nghĩ gì về chiến dịch chống tham nhũng ở Việt Nam?
- Nhật Bản sẽ là nước đầu tư lớn nhất tại TPHCM?
- Mặc cho chính sách chống tham ô, thị trường quà cáp vẫn nhộn nhịp
- Ông Phan Văn Khải: “cán bộ vô trách nhiệm, phải đuổi ngay ra khỏi bộ máy”
- Việt Nam cấm mua thêm ôtô cho cơ quan chính phủ
- Thành lập Câu Lạc Bộ Doanh nhân Việt Kiều tại Việt Nam
- Số vốn đầu tư vào Việt Nam trong năm 2004 đạt mức kỷ lục 4 tỷ đôla Mỹ
- Ông Phạm Quế Dương nhìn lại một năm qua về việc chống tham nhũng
- Bảng xếp hạng các nước tham nhũng trên thế giới năm 2004
- Việt Nam xúc tiến chiến dịch bài trừ tham nhũng