Minh Thùy, đặc phái viên đài RFA
Tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm môn Toán, chị Trịnh thị Mùi tưởng mình sẽ theo nghề giáo suốt đời, nhưng đến nay chị lại trở thành giám đốc trung tâm thương mại International Trade Center-Pacific, rộng đến 16.000 mét vuông, và là một doanh nhân châu Á khá nổi tiếng ở thủ đô Berlin.
Chúng tôi xin giới thiệu về chị Trịnh thị Mùi, một phụ nữ Việt Nam hoạt động trong ngành kinh doanh ở nước Đức. Bài do Minh Thuỳ thực hiện.
Từ tháng 8 năm 2004 trung tâm International Trade Center-Pacific (gọi tắt là ITC-Pacific) khai trương hoạt động. Ngày làm việc của chị Trịnh thị Mùi không phải chỉ 8 giờ, có khi là 12, 13 giờ, kể cả thứ bảy và chủ nhật. Là Giám đốc, nhưng chị ít khi có mặt ở văn phòng, dáng dấp nhỏ nhắn, chị đi lại như con thoi giữa trung tâm, bên khu vực buôn bán với 105 gian hàng, rổi đi giao dịch các Sở thuế, tài chánh, hành chánh để mở rộng thêm khu vực văn phòng.
Cuộc sống khó khăn ở Việt Nam đã đưa chị đến nước Đức, trở thành công nhân lao động của một nhà máy điện tử ở Dresden từ năm 1987, nhưng mới được hai năm thì bị thất nghiệp, chị phải đến Berlin bương chải kiếm sống từ hai bàn tay trắng.
Chị nói: "Lúc đó kinh tế Việt Nam vô cùng khó khăn, tiền lương không đủ sống, gia đình tan vỡ, phải ly hôn. Tôi chọn con đường xuất khẩu lao động để thoát khỏi cảnh ở Việt Nam, vừa giải quyết vấn đề kinh tế, sang làm việc ở nhà máy. Sau khi nước Đức thống nhất, hàng loạt người bên Đông Đức thất nghiệp, nên tôi phải bương chải, buôn bán kiếm sống, vô vàn khó khăn.''
Vào thời điểm năm 1990-91 làn sóng người tị nạn từ Đông Âu tràn qua Tây Đức quá đông, các trại tị nạn không đủ sức chứa, chính phủ Đức ban hành điều luật riêng cho những người đi lao động bên Đông Đức trước kia, nếu họ có việc làm hay buôn bán tự bảo đảm cuộc sống, không nhận trợ cấp xã hội thì được qui chế ở lại Đức.
Lúc đó kinh tế Việt Nam vô cùng khó khăn, tiền lương không đủ sống, gia đình tan vỡ, phải ly hôn. Tôi chọn con đường xuất khẩu lao động để thoát khỏi cảnh ở Việt Nam, vừa giải quyết vấn đề kinh tế, sang làm việc ở nhà máy. Sau khi nước Đức thống nhất, hàng loạt người bên Đông Đức thất nghiệp, nên tôi phải bương chải, buôn bán kiếm sống, vô vàn khó khăn.
Đa số công nhân như chị Mùi bắt buộc phải lao vào kinh doanh, vì tay nghề và tiếng Đức đều không biết, rất khó tìm được việc làm ở các hãng, xưởng Đức. Một số người Việt ở phía đông Berlin đi buôn lậu thuốc lá, mau chóng làm giàu nhưng gặp nhiều rủi ro, nguy hiểm, số khác mở nhà hàng ăn, cửa hàng Imbiss (bán Fast Food) hay đi buôn quần áo, đồ gia dụng.
Chị Mùi kể lại thời gian đầu đi buôn, phải đi lấy hàng tận Balan thật vất vả, đến xây dựng cơ ngơi buôn bán như hôm nay:
“Thời gian đầu tôi phải đi sang Balan lấy hàng, dù không biết tiếng nhưng nhờ người chỉ dẫn, cũng tìm đến tận nhà máy để lấy hàng, sau đó thì xoay sang nhập hàng từ Việt Nam. Nhập hàng từ Việt Nam phức tạp hơn, vốn phải nhiều hơn vì nhập theo từng container, nhưng nhờ quen biết, được “nhập chịu’’ nên vẫn lấy hàng, buôn bán được.’’
Thành lập được doanh nghiệp rồi, nhưng làm thế nào bà Trịnh Thị Mùi điều hành doanh nghiệp, và nhất là làm thế nào đối phó với những khó khăn trắc trở? Mời quý thính giả theo dõi tiếp trong kỳ tới.
Theo dòng câu chuyện:
- Chị Trịnh Thị Mùi, một phụ nữ Việt thành công trong ngành kinh doanh ở Đức (phần 2)