Phương Anh, phóng viên đài RFA
Tại miền quê nghèo ở Bình Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, có một cơ sở chuyên chăm sóc người bị tâm thần nặng do hai vợ chồng nông dân ngoài 50 tuổi tự lập nên. Đó chính là nhà bảo trợ mang tên Trọng Đức được thành lập cách nay gần một năm. Nơi đây, hiện có 72 bệnh nhân tâm thần, từ khắp nơi, được gia đình của họ gửi gấm chăm sóc.

Mục câu chuyện hàng tuần kỳ này xin gửi đến quí thính giả những chi tiết về cơ sở chăm sóc đặc biệt cho người tâm thần này.
Như bao người nông dân khác, vợ chồng ông bà Bùi Văn Thu cũng vất vả lắm mới có cái ăn, cái mặc. Sau khi hai người con gái đã xây dựng gia đình, cả hai ông bà tình nguyện theo các đoàn từ thiện đi giúp bà con xa gần.
Lấy tâm làm đầu
Trong những dịp như thế, chứng kiến nhiều người bị tâm thần nặng, gia đình không thể chăm sóc, có người bị nhốt, bị xiềng…cũng có khi gặp những người đi lang thang ngoài đầu đường xó chợ, quần áo dơ bẩn, ông bà Thu vô cùng xót xa. Thế là họ quyết định làm một điều gì đó cho những kẻ bất hạnh này. Ông Thu kể lại:
“Trước gia đình tôi làm nông, cây cầy và cây cuốc, trồng luá ngô, khoai mì để sinh sống, cuộc sống cũng đói khát chứ không phải sung sướng như người ta đâu, chạy bữa sáng lo bữa tối…Nhưng mình cảm thấy nỗi khổ, họ cũng giống như mình, nên thương yêu họ như mình thôi!
Thấy cảnh người ta lang thang ngoài đầu đường xó chợ, thấy thương người ta…Mục đích thì chỉ muốn giúp một hai người đó để họ bớt đi những sự kém may mắn hơn mình. Chúng tôi thương họ và chúng tôi muốn chỉ làm việc nhỏ nhoi để tạo cho họ niềm vui để họ bớt và có thể trở về gia đình của họ như mọi người.”
Thấy cảnh người ta lang thang ngoài đầu đường xó chợ, thấy thương người ta…Mục đích thì chỉ muốn giúp một hai người đó để họ bớt đi những sự kém may mắn hơn mình. Chúng tôi thương họ và chúng tôi muốn chỉ làm việc nhỏ nhoi để tạo cho họ niềm vui để họ bớt và có thể trở về gia đình của họ như mọi người.
Theo lời ông cho biết, lúc đầu chỉ dự định nuôi dưỡng một vài người trong nhà, nhưng tiếng lành đồn xa, càng ngày càng có nhiều gia đình đem bệnh nhân đến gửi. Thấy vậy, người chị vợ của ông cùng em trai cũng góp một tay. Thế là cả gia đình gồm 5 người thay nhau trông nom các bệnh nhân như người thân trong nhà. Ông nói tiếp:
“Trước ngày thành lập thì đã nuôi một hai người ở nhà, coi như con cái trong gia đình.. vì thấy họ bị nhốt trong cái cũi, mình hỏi nguyên nhân vì sao mà nhốt, thì người ta kể là bao nhiêu năm chữa trị không khỏi, nên mỗi lần lên cơn là hung hăng, phá phách cả nhà và cả người, nên phải nhốt lại, thậm chí người ta xích lại, mỗi lần cho ăn uống rất là khó…
Mình thấy cảnh đó thì mới xin người ta đem về. Trước khi họ cho mình nuôi thì phải làm giấy là cam đoan bảo quản cho họ thật tốt, cho gia đình họ yên trí, rồi phải đem ra chính quyền xác nhận để được đem về nhà nuôi dưỡng trong gia đình mấy tháng. Lúc đầu cũng khó khăn, nhưng rồi họ cũng quen dần với nếp sống của mình.”
Khi con số bệnh nhân đã tăng lên mấy chục người, căn nhà của ông càng ngày càng trở nên chật hẹp. Được sự giúp đỡ của bà con láng giềng, cùng với người nhà bệnh nhân, sẵn có đất trồng cà phê rộng rãi của mình, ông liền xây thêm phòng cho bệnh nhân ở. Được hỏi kinh phí từ đâu ra, ông cho hay:
“Lúc đầu chúng tôi rất lo nghĩ về chuyện này, nhưng rồi sau này được mọi người thương, người thì cho gạo, người thì cho rau, cho mắm…mọi người đều thông cảm, và nhìn thấy hoàn cảnh, chứng kiến, và hỗ trợ.
Chúng tôi mục đích lấy tâm làm đầu nên chúng tôi nói với người nhà của bệnh nhân mang đến là không đòi hỏi vật chất, của cải, tiền bạc..Hiện giờ nam là 44 người, nam và nữ chia ra làm hai khu, nữ 28 người. Gia đình thổ cư của tôi rất rộng, 7 sào tây, chúng tôi sẵn sàng đồng ý hiến đất để giúp mở mang cơ sở và được chính quyền đồng ý cho phép chính thức mở cơ sở vào ngày 16 tháng 10 năm 2006.
Khi chúng tôi có ý định như thế thì người cho tôn, người cho ximăng, cứ nối dần ra chứ một lúc thì không có…chúng tôi cứ làm dần ra, nay một phòng, mai lại nối thêm ra. Chúng tôi được chính quyền hỗ trợ, đến thăm và cho quà. Họ nói rằng việc này là việc xã hội, chính quyền phải làm, nhưng người dân đã gánh vác thì họ rất cảm phục…”
Thưa quí vị, cũng theo lời ông Bùi Văn Thu cho biết, sở dĩ cơ sở mang tên Trọng Đức vì: "Chúng tôi làm việc này lấy tâm làm đầu, trọng chữ "đức" nên mới đặt là Trọng Đức."
Thân nhân của bệnh nhân
Chúng tôi mục đích lấy tâm làm đầu nên chúng tôi nói với người nhà của bệnh nhân mang đến là không đòi hỏi vật chất, của cải, tiền bạc..Hiện giờ nam là 44 người, nam và nữ chia ra làm hai khu, nữ 28 người. Gia đình thổ cư của tôi rất rộng, 7 sào tây, chúng tôi sẵn sàng đồng ý hiến đất để giúp mở mang cơ sở và được chính quyền đồng ý cho phép chính thức mở cơ sở vào ngày 16 tháng 10 năm 2006.
Riêng về phần bệnh nhân cũng như người nhà của họ thì hết sức an tâm khi gửi con em tại cơ sở. Nhân đây, Phương Anh cũng gặp anh Trần Kim Điền, là bệnh nhân trước đây, được ông bà Thu chăm sóc, nay đã lành bệnh và chuẩn bị về với gia đình. Anh kể:
“Tôi tên là Trần Kim Điền, ở đây được 10 tháng rồi. Bây giờ khỏi rồi. Ttôi đi bệnh viện tâm thần chữa hai năm, về nhà chữa hai năm mà không khỏi, có bà chị ở trên này, giới thiệu cho trên này ở.
Ở đây đông người vui, có thể thao, có quần vợt, có đánh bóng. Bây giờ thì lo nấu cơm, ngày 3 bữa, phụ giúp bố Thu, nói chúng nó quét nhà, lau nhà…Mai mốt còn được phép ra ngoài đi làm sửa máy vì tôi có nghề sửa máy dầu, maý bơm…”
Một trường hợp khác, ông Nguyễn Văn Thái, cư ngụ ở Sàigòn, có con là Nguyễn Văn Chương, sinh năm 1985, hiện đang được cơ sở Trọng Đức chăm sóc, cho biết:
“Con tôi bệnh mấy năm nay, cháu tôi đi Lâm Đồng chơi, có người giới thiệu, tôi quản lý không được vì nó phá phách quá, tôi lên tham quan thấy vệ sinh sạch sẽ, và họ tận tâm nên tôi quyết định gửi cháu ở đó cho ông bà ấy trông coi.”
Khi được hỏi gia đình ông có phải đóng góp một khoản lệ phí nào không, ông cho hay: " Cái này tùy tâm thôi, có bao nhiêu đưa bấy nhiêu, gia đình họ không đòi hỏi. Tôi gửi được 13 tháng rồi. Cháu khá hơn ở nhà lắm, không đi lêu bêu ở ngoài đường la ó, tôi nhốt ở trong nhà nó leo tường té ngã mấy lần tưởng chết…Kỳ này nó biết nói chuyện, kỳ trước nói chuyện thì không nói được gì hết…Cháu tỉnh táo và mặt mũi ổn định hơn. Có thể nói là khá 50 đến 60%."
Riêng với ông Nguyễn Văn Thuận, có con trai tên Nguyễn Trọng Hoà, cũng gửi con tại cơ sở Trọng Đức một năm qua, cho hay:
“Hội từ thiện ở Bảo Lộc giới thiệu tôi lên đó. Bởi vì cháu bị gần 20 năm rồi, tôi đi Chợ Quán, Biên Hoà, ở đó cả năm mà không hết về còn nặng thêm…rồi đi chữa thầy bà, người ta chỉ đâu đi đó mà không khỏi, về nhà cháu quậy phá lắm, không thể giữ nó được, ở nhà cứ ngồi ôm đầu, cởi hết quần áo, phá phách, ăn uống dơ bẩn, thường bỏ nhà đi hai tháng, tôi phải đi tìm…không giữ được.
Bây giờ thì cháu khá rồi, mọi sinh hoạt của nó bình thường, tiếp xúc, nói chuyện với mình được, ăn uống khoẻ, biết tự tắm rửa cho mình…Chỗ này người ta chăm sóc kỹ, chế độ ăn uống rất vệ sinh, phòng ốc rất vệ sinh, lối sống rất đạo đức.”
Với thời buổi bây giờ, ở đây nhiều người cũng bị bệnh này, nhưng không có ai chăm sóc, gia đình coi bệnh lâu dài thì cũng có nhiều bức xúc, mệt mỏi, đuối sức, trong cơ sở nhà nước thì lại không có như thế, họ không chăm sóc như anh chị Thu được đâu, họ chỉ thuốc thang thôi…
Còn ông Trần Trung Tâm, hiện đang sinh sống tại Sàigòn, thì kể rằng: ông có cô em vợ, tên Hồ thị Hoàng, sinh năm 1976, phát bệnh năm 1994, cả nhà đã cố gắng chạy chữa nhiều nơi nhưng không có kết quả. Cuối cùng, nghe nói đến ông bà Thu nhận nuôi người tâm thần, nhiều bệnh nhân được lành bệnh. Thế là gia đình quyết định gửi gấm nơi đây. Ông kể lại:
“Đang đi học rồi bị tâm thần và cũng đưa đi nhiều nơi và cả Biên Hoà, người ta chuẩn đoán là tâm thần phân liệt. Gia đình cũng đi chữa nhiều nơi, đi cả thầy bà nữa, nghe đâu trị đó…Sau cùng có người giới thiệu tới chỗ cơ sở.
Hồi đó đập phá dữ lắm, trong nhà phải nhốt riêng lại, nhiều khi cởi quần aó, quăng cơm…cả bố mẹ cũng đánh luôn. Đi nhà thương điên một thời gian, không thấy bớt, rồi gia đình xin về nhà chăm sóc. Gửi cho ông Thu khoảng 2 năn thì bây giờ bớt được nhiều lắm, tới 80%. Hôm nay thì Hoàng biết làm việc nhà, biết đi chợ nấu ăn, nói chuyện rất bình thường, vui tính nữa.”
Tinh thần bác ái
Với tinh thần bác ái, đầy lòng vị tha, ông bà Bùi Trọng Thu cùng những người đang làm việc tình nguyện tại cơ sở Trọng Đức đã giúp cho nhiều bệnh nhân lành bệnh và trở về sống với gia đình của mình. Điều này khó có ai có thể thực hiện được, ngay cả các trung tâm nhà nước cũng vậy, như lời ông Trần Trung Tâm nhận xét:
“Với thời buổi bây giờ, ở đây nhiều người cũng bị bệnh này, nhưng không có ai chăm sóc, gia đình coi bệnh lâu dài thì cũng có nhiều bức xúc, mệt mỏi, đuối sức, trong cơ sở nhà nước thì lại không có như thế, họ không chăm sóc như anh chị Thu được đâu, họ chỉ thuốc thang thôi…”
Còn ông Nguyễn Văn Thái thì nói: " Tôi rất là hoan nghênh tinh thần lòng vị tha và bác ái của hai ông bà, rất cao. Tôi vẫn thường lên cám ơn ông bà. Vì xã hội Việt Nam chưa có chỗ nào có dịch vụ như thế. Nói chung, các cơ sở như thế rất hiếm.
Tôi đã đem con đi gửi ở Thủ Đức cũng không vô được, người ta không nhận…ở Biên Hoà người ta cũng không nhận, nói là quá tải rồi…Tôi đi các nơi hết mà người ta không nhận vì quá tải. Ở Thủ Đức cũng vậy, có nhà mấy chục mét mà nhốt tới 4, 5 chục người trong đó.”
Riêng ông Nguyễn Văn Thuận thì phát biểu: "Tôi thấy họ làm như thế rất tốt, đỡ gánh nặng cho nhà nước. Tôi thấy rất tin tưởng chỗ này vì họ có tình người vì phải có tình người làm mới được."
Qúi thính giả vừa nghe câu chuyện về ông bà Bùi Văn Thu, cặp vợ chồng nông dân nghèo khổ ở Đức Trọng, Lâm Đồng, đã tự động nhận nuôi dưỡng và chăm sóc những người bị tâm thần nặng. Một công việc đầy khó khăn và trên thực tế, ít có người làm công tác xã hội nào dám nhận. Phương Anh xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại qúi vị trong chương trình kỳ tới.