Câu chuyện về nhạc sĩ Tuấn Khanh và “Bụi đường ca”
2007.09.30
Thy Nga, phóng viên đài RFA
Cuối tháng 8 vừa qua, những người hay lên mạng xem bài vở, đọc thấy trên Blog của Tuấn Khanh, bài viết kèm theo một loạt những nhạc bản mà anh ghi là đăng cho người nghe miễn phí vì biết rằng cuốn album này của anh không thể nào qua kiểm duyệt để được phép phát hành.
Tuấn Khanh là một nhạc sĩ trong nước, được coi là phóng khoáng từ ý tưởng tới hành động và cách sống.
“Blog” là dạng nhật ký trên mạng, phổ biến tại Việt Nam mạnh mẽ từ năm ngoái. Đã có khá nhiều người đăng bài viết, văn, thơ, … nhưng nhạc thì có lẽ Tuấn Khanh là người mở đầu với các bản về xã hội, đề mục mà hiếm nhạc sĩ nào đề cập đến, nhất là trong khung cảnh ở Việt Nam hiện nay.
Để tác phẩm của mình có thể toàn vẹn đến với người nghe, (tức là không bị kiểm duyệt cắt xén, hoặc cấm) nhạc sĩ Tuấn Khanh bèn đăng lên Blog của anh. Ghé vào đọc, Thy Nga có ngay ấn tượng về cách trình bày và nội dung những trang nhật ký của Tuấn Khanh.
Kế đến, về các nhạc bản mà Tuấn Khanh đề là từ cuốn album “Bụi đường ca” anh vừa sáng tác, Thy Nga cảm nghĩ sâu sắc nên đã điện thoại về Saigon, hỏi chuyện người nhạc sĩ ấy. Cả nửa tháng mới “bắt” được Tuấn Khanh vừa mới đi tặng quà Trung Thu cho trẻ nghèo ở các nơi về. Anh vốn rất bận với những việc về nhạc, lại làm giám khảo cuộc thi Vietnam Idol đang vào vòng chung kết nữa.
Đường giây điện thoại của Thy Nga về trong nước, âm thanh không được rõ (lý do vì sao, chắc quý thính giả cũng đã hiểu) đặc biệt là với Tuấn Khanh, người đã ghi trong Blog những suy tư như sau:
“… giá tiền đi học, giá điện, giá đời đang tăng vùn vụt. Những đứa trẻ rời khỏi nhà trường để phụ mẹ cha trong thời đắt đỏ, những đứa trẻ nơi bão tố đi qua, những đứa trẻ theo cha mẹ đi đòi lại đất đai, những đứa trẻ có mẹ cha đang trong tù, những đứa trẻ bị bức hại từ nhà trường và đang bị lãng quên … tất cả những đứa trẻ đó đón Trung Thu như thế nào?”
Trường hợp gần đây về “trẻ bị bức hại từ nhà trường” mà người nhạc sĩ này ghi, là vụ một nữ sinh 10 tuổi làm mất 47 ngàn 800 đồng tiền quỹ lớp, đã bị các thày giáo của em đưa đến Công an khảo cung tới phát bệnh tâm thần.
Nghe tin tức, người nhạc sĩ ấy bất bình và cảm xúc viết nên nhạc bản “47.8” (tức là 47 ngàn 8)
“47.8” …
Tuấn Khanh đề trong Blog là “hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung” vì thế Thy Nga trích nguyên văn bài viết, cũng như những đoạn mà người nhạc sĩ này ghi cảm nghĩ cho từng sáng tác, như về nhạc bản “47.8” :
“Có lẽ, sẽ chẳng có chế độ kiểm duyệt nào hiện tại ở Việt Nam cho phép phát hành, nhưng sẽ là bài hát mở đầu cho một loạt các bài của tôi phát hành miễn phí dần dần theo hình thức từng album trên mạng ...”
Thể hiện bằng hành động, tính cách Tuấn Khanh là thế, anh đưa lên Blog bài nói đến album “Bụi đường ca” như sau:
“Tôi gửi CD đi duyệt, và lắng nghe những đề nghị ngớ ngẩn của ngành kiểm duyệt về bìa, về ca từ … và chợt nhận ra rằng không có gì hạnh phúc bằng được hát tự do, không phải nghe những điều không thể giải thích được trong nền văn minh loài người, về những rào cản, ... từ các viên chức kiểm duyệt văn hoá lắm ốm đau trong suy nghĩ và trách nhiệm với con người.
Thế là tôi làm một CD, tự mình design bìa, tự post lên mạng http://my.opera.com/buiduongca để người nào muốn nghe thì nghe, muốn down thì down, muốn duyệt thì cứ lên Net mà duyệt. Và có lẽ từ nay trở đi, tôi sẽ không bao giờ phát hành bài hát, hay CD theo lối trình - duyệt - cho - làm - bán như thông lệ nữa.”
Nhạc sĩ Tuấn Khanh viết tiếp: “Bụi đường ca” chỉ là sự khởi đầu, sự tiếp nối còn đó, một khi thân phận con người vẫn còn những điều cần được âm nhạc tỏ lộ giùm, và tôi tin rằng bắt đầu từ hôm nay, không chỉ có một mình tôi, mà nhiều tiếng hát cho đời Việt Nam đã bắt đầu vang lên ở mọi nơi.”
Cuốn CD mang tên “Bụi đường ca” gồm 10 nhạc bản, chịu ảnh hưởng của phong trào nhạc trẻ miền Nam hồi thập niên 1960 sang đầu các năm 70. Những khắc khoải về đời sống con người làm gợi nhớ đến ban nhạc Phượng Hoàng thời đó. Tuấn Khanh bày tỏ nỗi suy tư:
“Có những lúc dừng lại, nhìn quanh, tôi tự hỏi "Thế giới chung quanh chúng ta quá lớn, hay những số phận con người li ti đã nhẫn nại gộp lại, tạo nên thế giới cay đắng, vĩ đại này?”
Sinh tại Saigon, lên 7, Nguyễn Tuấn Khanh chứng kiến biến cố tháng Tư 1975 kéo theo sự đổi thay to tát trong cuộc sống gia đình mình và xã hội chung quanh.
“Ngày tôi chưa biết” …
“Cũng như nhiều bạn trẻ khác, tôi lớn lên và nhìn cuộc đời thật lý tưởng khi được dạy dỗ cách sơn, phun màu hồng lên tất cả mọi thứ. Tới khi mở cánh cửa sổ, nhìn cuộc đời thật, tôi rùng mình trước những cơn gió lạnh và thấu hiểu thân phận …”
“Bắt đầu” …
“Bắt đầu” là tựa đề một trong các ca khúc trong cuốn “Bụi đường ca” mang âm hưởng nhạc Phượng Hoàng.
“Thuở nghèo hèn vẫn mơ giấc mơ làm hiền nhân; nhưng sớm mai nọ, khi nhận được quyền chức, danh lợi ... đã đột trở mình thành kẻ vô lại. Điều này không khó tìm trong xã hội Việt Nam ngày nay. Ứa nước mắt. Lúc đó, ngôn ngữ con người hoá ra bất lực, chỉ còn biết bật lên tiếng hát ...”
Và trong âm thanh ca khúc “Nếu có yêu nhau”, Thy Nga xin tạm ngưng câu chuyện về nhạc sĩ Tuấn Khanh. Mời quý vị và các bạn đón nghe tiếp vào kỳ tới …