Mức phát triển con người tại các quốc gia trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương


2005.09.07

Thanh Trúc, phóng viên đài RFA

Sáng hôm nay tại New York, Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc cho phổ biến bản phúc trình hàng năm nói về mức phát triển của con người toàn cầu. Thanh Trúc của Ban Việt Ngữ chúng tôi có bài trình bày những điểm đáng chú ý trong phần nói về tình hình phát triển của các quốc gia trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương.

Những nước lớn ở Châu Á không có chương trình y tế tốt cho dân chúng, trong khi những nước nhỏ lại cải tiến nhiều về mặt quan trọng này. Bản phúc trình hàng năm nói về mức phát triển của con người do Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc phổ biến sáng nay tại New York cho biết như vừa nói.

Phúc trình viết rằng tỷ lệ trẻ em Nam Á thiếu dinh dưỡng cao hơn trẻ em một số khu vực ở Châu Phi tới 20%, và số trẻ thiếu cân ở Châu Á chiếm phân nửa các em ở trong tình trạng này trên toàn thế giới.

Phúc trình cũng cho thấy trong khi Việt Nam và Bangladesh thành công ở kế hoạch giảm tỷ lệ trẻ tử vong thì không may, tỷ lệ này lại tăng cao ở Trung Quốc và Ấn Độ.

Theo phúc trình, nếu Ấn Độ thực hiện được điều Bangladesh làm thì năm nay có ít nhất 730,000 trẻ được cứu sống, và nếu Trung Quốc làm được điều Việt Nam đang làm, năm nay sẽ có thêm ít nhất 276,000 trẻ người Hoa chạy nhảy trên mặt đất.

Được phổ biến và gửi đến cho lãnh đạo cùng chính phủ các nước đúng một tuần lễ trước khi Thượng Đỉnh Liên Hiệp Quốc khai diễn, phúc trình dày hơn 400 trang của Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc nhắm vào mục đích kêu gọi các nước phát triển thực hiện đúng lời cam kết đã đưa ra ở Thượng Đỉnh Thiên Niên Kỷ 2000, là giúp dân chúng những quốc gia nghèo có cơ hội sống đời sống tốt hơn và ngay cả những quốc gia đang phát triển cũng cần phải khôn khéo hơn khi hoạch định chính sách quốc gia, để dân chúng khắp nơi đựoc hưởng lợi đồng đều.

Ông Hakan Bjorkman, Phó Trưởng Phòng Đại Diện Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc tại Bangkok đưa ra thí dụ: “20% người giầu ở Thái Lan chiếm đến một nửa lợi tức cả nước; 20% người nghèo ở Thái lợi tức chỉ bằng 6% lợi tức cả nước. Vì thế dù Thái là một quốc gia rất thành công về nhiều phương diện kể cả phương diện cải thiện đời sống của người dân, tỷ lệ người nghèo giảm, hệ thống y tế công cộng rất tốt, nhưng chúng ta thấy là các chương trình phát triển kinh tế của Thái không được phân chia đồng đều, dẫn đến tình trạng mức phát triển của người dân cũng không đồng đều. Thí dụ như ở những vùng phía Bắc và phía Nam Thái số người nghèo vẫn còn nhiều, nhất là ở những cộng đồng người thiểu số.”

Ông Arunabha Ghosh, một trong những chuyên gia của Liên Hiệp Quốc góp phần thực hiện phúc trình nói rõ hơn: “Tăng trưởng không thôi sẽ không giải quyết được tất cả mọi vấn đề liên hệ đến phát triển của con người. Điều quan trọng là các chính phủ phải biết sử dụng mức tăng trưởng của quốc gia mình để giúp người dân cơ hội phát triển về giáo dục, không còn phân biệt giới tính, và cải tiến mực sống của người dân.”

Phúc trình cũng đặc biệt nói đến sự kiện nhiều quốc gia không tôn trọng cam kết khi gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới WTO, nên tình trạng phân biệt đối xử về thuế nhập khẩu vãn xảy ra, và bảo hộ mậu dịch cũng vẫn còn.

Phúc trình đưa ra những thí dụ cho thấy mức thuế mà Việt Nam và Bangladesh phải đóng khi đưa hàng nhập vào thị trường Mỹ cao gấp 10 lần mức thuế Hoa Kỳ đánh trên hàng nhập khẩu từ EU; chính sách bảo hộ mậu dịch khiến giá thành của 1 tấn gạo ở Mỹ lên đến 415 đô la, nhưng được bán ra với giá chỉ có 275 đô la, nên các nhà xuất khẩu gạo của Thái Lan và Việt Nam bị buộc phải giảm giá để có thể cạnh tranh.

Một số chuyên gia hoạt động với các tổ chức NGO quốc tế khi được hỏi nói rằng những quốc gia đang được cấp viện không thể chỉ trông chờ vào nước ngoài, mà phải tự đổi mới, sử dụng các khoản tiền được giúp đỡ và phải hoạch định chính sách sao cho hữu hiệu.

Ông Brad Larson, từng giúp hoạch định chiến lược dài hạn cho những nước đang phát triển tại Châu Á và Châu Phi nói: “Ai cũng bảo cộng đồng quốc tế phải làm nhiều hơn nữa, phải tăng thêm tiền viện trợ, trong khi một trong những nguyên nhân khiến con người không thể phát triển đúng mức chính là vì các chính quyền địa phương, chính các nước được hưởng cấp viện đã không làm tròn trách nhiệm. Đã đến lúc chúng ta phải nói thẳng điều đó. Chẳng hạn như ở Miến Điện, chúng ta nên bảo thẳng lỗi là lỗi ở chính phủ chứ không phải lỗi ở ai cả.”

Bản phúc trình còn cho thấy dựa theo 3 tiêu chuẩn về điều kiện học vấn, mức thu nhập bình quân và tuổi thọ trung bình, Việt Nam đứng hạng 108 trong số 177 nước trên toàn cầu. Theo phúc trình của Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc, 90,3% người Việt biết đọc biết viết, mức thu nhập trung bình mỗi năm là 2,490 đô la Mỹ, tức khoảng 4 triệu đồng nếu tính ra tiền Việt Nam. Về tuổi thọ, phúc trình viết rằng người Việt trung bình thọ 70 tuổi 6 tháng.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.