Nhã Trân, phóng viên đài RFA
Tai nạn giao thông là một trong những vấn đề xảy ra thường ngày ở Việt Nam từ nhiều năm nay và ngày càng gia tăng. Liên Hiệp Quốc mới đây ra phúc trình về tệ trạng này trên toàn thế giới. Nhã Trân tường trình tình hình của Việt Nam trong báo cáo đó và trao đổi với chính quyền trong nước về vấn đề an toàn giao thông tại Việt Nam hiện nay.

Hôm Chủ nhật 18 tháng 11, Liên Hiệp Quốc tổ chức Ngày thế giới tưởng nhớ các nạn nhân tai nạn giao thông. Được quốc tế nhìn nhận kể từ năm 2005, ngày Chủ nhật thứ ba của tháng 11 từ đó tới nay đuợc dành để ghi nhớ những người bị tổn thương, thiệt mạng vì các tai nạn lưu thông đồng thời nhắc nhở toàn cầu về tầm quan trọng của giao thông an toàn.
Theo phúc trình của LHQ, 90% nạn nhân thuộc các nước thế giới thứ ba. Lượng tai nạn giao thông ngày càng gia tăng ở các nước này, trong đó có Việt Nam, và trở thành một trong những khủng hoảng của quốc gia.
Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho biết mỗi năm toàn cầu có khoảng 1 triệu 200 ngàn người thiệt mạng và khoảng 50 triệu người khác bị thương tật hoặc tàn phế vĩnh viễn vì tai nạn lưu thông.
Việt Nam tuy không thuộc một trong các quốc gia hàng đầu về số lượng tai nạn, nhưng lâu nay tai nạn giao thông vẫn là một vấn đề nghiêm trọng, gây thiệt mạng hoặc thương tích cho hàng ngàn người mỗi năm.
Hàng ngàn người thiệt mạng
Theo báo cáo mới nhất của chính quyền, đưa ra hồi tháng 7 năm nay tại hội nghị sơ kết công tác bảo đảm an toàn, trật tự giao thông 6 tháng đầu năm 2007, chỉ trong nửa đầu năm nay cả nước có hơn 7 ngàn 600 tai nạn. Hậu quả là gần 7 ngàn người phải thiệt mạng oan uổng và gần 6 ngàn người khác bị thương, trong đó có nhiều trường hợp tàn phế vĩnh viễn.
Trao đổi với Viện Nghiên cứu-Phát triển-Xã hội, trụ sở tại Hà Nội, chúng tôi được nghe Viện trưởng Lê Bạch Dương xác nhận tình trạng tai nạn giao thông ở Việt Nam hiện giờ:
“Vấn đề tai nạn giao thông ở Việt Nam hiện nay vẫn hết sức trầm trọng. Nhà nước có thống kê, và qua các tin hàng ngày từ báo chí, truyền hình và dư luận thì nó tăng lên và ở mức trầm trọng. Ngày nào cũng có người chết hoặc bị thương.”
Nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc cho biết tai nạn giao thông của thế giới nói chung bắt nguồn từ việc ngày càng có nhiều người sử dụng xe máy trong khi vấn đề an toàn lưu thông không được quan tâm đúng mức.
Ở Việt Nam công luận cho rằng nguyên nhân của tai nạn giao thông trong nước lâu nay bắt nguồn từ những lý do như ý thức chấp hành luật lệ lưu thông của quần chúng còn kém, tình trạng mua bán bằng lái, điều kiện của nhiều con đường tệ hại, và giới trẻ thường bất chấp luật, chưa kể không quan tâm đến an toàn của người khác.
Để biết ý kiến của giới thẩm quyền chúng tôi đặt câu hỏi và được vị đại diện Viện Nghiên cứu-Phát triển Xã hội phân tích:
“Vấn đề là người lái xe không theo đúng luật lệ giao thông. Ý thức chấp hành luật giao thông thì nhìn chung hầu hết ngừơi đi đừơng đều rất là kém. Sự quản lý, đầu tư và giám sát đường cũng còn kém. Ngày xưa vấn đề mua bằng giả phổ biến, nhưng bây giờ đã đỡ. Những hiện tượng tiêu cực khác vẫn có thể xảy ra, tuy nhiên điều đáng mừng là các điều ấy ngày càng khó thực hiện hơn, cho nên người ta cũng bớt làm các việc đó.
Đây là một vấn đề hết sức phức tạp, bắt nguồn từ vấn đề cơ sở hạ tầng - đường sá, rồi phương tiện. Nhưng chính yếu vẫn là cái ý thức chấp hành luật lệ giao thông của mình còn yếu.”
Bàn về hậu quả của tai nạn giao thông, trước giờ các nhà xã hội đồng ý rằng vấn đề này gây nhiều hệ luỵ. Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới trong thời gian gần đây cho biết các nước đang mở mang bị tổn hại rất nhiều vì tai nạn giao thông. Tổng cộng các tốn kém, thiệt hại như phí tổn y tế, mất mát lực lượng lao động và những chi phí khác, gây ra bởi các vụ đụng xe, vượt quá những tài trợ mà những quốc gia này nhận được từ thế giới.
LHQ nhận xét rằng loại tai nạn này gây hậu quả không khác gì các loại bệnh truyền nhiễm. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, nữ bác sĩ Margaret Chan, từ tuần lễ tưởng nhớ nạn nhân tai nạn giao thông tổ chức lần đầu, tuyên bố tai nạn giao thông là một tai họa cho con người trong thời đại này:
“Mỗi ngày tại mỗi châu lục, tai nạn giao thông gây tử vong và thương tật cho con người. Mỗi ngày có hơn 1 ngàn gia đình nhận được tin đau đớn, rằng con họ đã chết trong một vụ đụng xe. Nhiều gia đình khác được cho hay là con trai hoặc con gái họ đã bị thương trầm trọng hay đã trở thành tàn phế vĩnh viễn cả đời.
Ngoài những bi kịch khủng khiếp đó các gia đình này còn phải đối mặt với các hậu quả về kinh tế: các phí tổn y tế cao ngất, phí tổn tái tạo, chỉnh hình, hoặc họ bị mất đi người kiếm cơm chính, lao động chủ lực của gia đình.
Tai nạn giao thông gây tổn thất to lớn về tài chính cho các quốc gia có mức thu nhập thấp và vừa, tác động nghiêm trọng đến phát triển kinh tế và đến sức khoẻ quần chúng.”
Giải pháp cho Việt Nam?
Tại Việt Nam, nhận thức rằng tai nạn giao thông là một vấn nạn của xã hội, trong thời gian gần đây chính quyền cho rằng cần áp dụng nhiều biện pháp như thúc đẩy công tác tuyên truyền, khai triển giáo dục, xử lý nghiêm các vi phạm và tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng.
Nói về các nỗ lực của giới thẩm quyền nhằm cải thiện tình trạng trong nước, Viện trưởng Viện Nghiên cứu-Phát triển Xã hội Lê Bạch Dương nhận định:
“Nhà nứơc đang cố gắng hết sức để giảm thiểu tai nạn giao thông bằng nhiều hình thức. Chẳng hạn khuyến khích ngừơi dân đội mũ bảo hiểm, sử dụng các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt.
Việt Nam cũng đang xây các tuyến tàu điện ngầm ở TP HCM. Rồi có những yêu cầu như không cho đăng ký hoặc tăng giá xăng. Tất cả những nỗ lực này đều nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, giảm lượng xe máy lưu thông trên đừơng, vì tai nạn chủ yếu là do xe máy gây ra.
Sáng kiến đưa giáo dục giao thông vào học đường cũng sắp được bắt đầu. Thật ra ngay bây giờ các em nhỏ cũng đã được học các bài về giao thông, tuy chưa chính thức nhưng thầy cô đã hướng dẫn rồi. Và trên tivi cũng có những chương trình ngắn, giới thiệu về đi đường như thế nào, đi thế nào là đúng, thế nào là sai, rồi đặt ra những câu hỏi có thưởng cho người dân trả lời v.v....
Tất cả những điều này nằm trong một chương trình giáo dục tổng thể để có thể nâng cao sự hiểu biết của ngừơi dân về luật lệ giao thôn.”
Từ năm 2004 LHQ đã ấn hành Bản báo cáo về ngăn ngừa tai nạn giao thông tại các quốc gia đồng thời thảo luận về tình trạng khủng hoảng về an toàn giao thông của toàn cầu trong hiện tại.
LHQ cho biết hiện nay, thanh thiếu niên của hơn 100 nước đã chấp nhận Bản Tuyên ngôn về Giao thông An toàn, tại hội nghị về Tuần lễ Giao thông An toàn cho Toàn cầu, diễn ra tại Geneve hồi tháng 4 năm nay do cơ quan này tổ chức.
Hơn 400 đại biểu của nhiều quốc gia đã cùng thảo luận và nhìn nhận bản tuyên ngôn đó. Những người trẻ cũng cam kết thực hiện các biện pháp cải thiện tình hình giao thông đồng thời lên tiếng kêu gọi giới phụ huynh làm gương.
Lý do tuổi trẻ được quan tâm là vì từ trước tới giờ tai nạn giao thông là nguyên nhân gây tử vong lớn nhất cho các thanh thiếu niên. Đó là bởi các tài xế trong độ tuổi này chiếm phần lớn trong việc để xảy ra tai nạn khi lái xe, dẫn theo hậu quả cho người đi cùng, chưa kể những người chung quanh. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, nữ bác sĩ Margaret Chan, từng xác nhận điều này:
“Mỗi ngày tại mọi quốc gia, tai nạn giao thông gây tử vong và thương tật cho con người. Hiện nay tai nạn giao thông là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết cho giới trẻ trong độ tuổi từ 10 đến 24.”
Ở Việt Nam, lâu nay dư luận thường phản ánh về tình trạng tuổi trẻ, thường tại những thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM, chạy xe bất tuân luật lệ hoặc tổ chức các cuộc đua tốc độ không kể đến nguy hiểm cho người chung quanh. Rất nhiều khách đi đường đã trở thành nạn nhân của những vụ đụng xe gây ra vì vô ý thức này.
Cho rằng tai nạn giao thông, phần lớn gây ra bởi những tài xế trẻ, có thể ngăn ngừa, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới đã phát biểu:
“Nhiều sinh mạng trẻ có thể được bảo vệ bởi những điều đơn giản. Đeo dây an toàn trong xe hơi, đội mũ bảo hiểm khi lái xe máy, giảm tốc độ lái và không uống rượu lái xe, tất cả những điều này đều giúp tránh các vụ đụng xe.”
Trở lại với Việt Nam, vấn đề tai nạn giao thông của Việt Nam rồi có được cải thiện hay không, Viện trưởng Viện Nghiên cứu-Phát triển Xã hội tỏ ra lạc quan trước các cố gắng của chính quyền qua các kế hoạch ngăn ngừa:
“Tôi nghĩ là những chương trình [phòng chống tai nạn giao thông] sẽ có tác dụng. Tác dụng đến đâu thì còn phải chờ thời gian. Cần một thời gian lâu, kéo dài 5, 7 hoặc 10 năm thì cái văn hoá đi lại của mình nó mới khá lên được. Dù sao vẫn cứ phải làm, chứ không vì biết là lâu như vậy mà không làm. Đó là một nỗ lực tốt, đáng khích lệ.”
Tin tưởng này có thành hiện thực hay không còn phải đợi tương lai cho biết. Một điều chắc chắn là ý thức chấp hành luật lệ và sự hợp tác của quần chúng sẽ là nhân tố thứ hai bên cạnh nỗ lực của giới thẩm quyền trong việc tiêu trừ tai nạn giao thông.