Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam xây nhà máy điện nguyên tử đầu tiên

0:00 / 0:00

Lê Dân. phóng viên đài RFA

Một trong các mối bận tâm mà Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush mang theo trong chuyến viếng thăm Việt Nam hồi tháng Mười Một năm ngoái, là chuyện Việt Nam sử dụng nhiên liệu hạt nhân tinh luyện cao do Nga cung cấp, dù nói là để thử nghiệm. Lê Dân trình bày một số chi tiết mới về việc này như sau.

BushVietnamAPec200.jpg
Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush chúc mừng Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết tại buổi tiệc tối tại Trung tâm Hội nghị Quốc Tế ở Hà Nội hôm 17-11-2006. AFP PHOTO

Trong mỗi chuyến viếng thăm chính thức ở cấp cao, giữa hai quốc gia thường vẫn có nhiều thỏa thuận được giàn xếp và thông qua.

Cho tới nay, lúc nào Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush cũng cho nhiệm vụ hàng đầu của ông là phòng và chống nạn khủng bố. Ngay khi đến Việt Nam hồi cuối năm ngoái, ông cũng không quên nhiệm vụ đó, dù Việt Nam vẫn được xem là một nước ổn định, ít liên hệ đến các tổ chức khủng bố, và dù có muốn thì họ cũng khó có đất dụng võ tại Việt Nam.

Cơ quan An ninh Nguyên tử Quốc gia Hoa Kỳ NNSA đặc biệt chú ý tới khả năng khủng bố có thể tiếm đoạt các nhiên liệu hạt nhân để chế vũ khí, nhiều khi chỉ là các loại "bom bẩn" chỉ để gây tiếng vang mà thôi.

Nguồn tin ngoại giao từ Hà Nội cho hãng thông tấn AFP biết rằng Chính phủ Hoa Kỳ không bao giờ muốn có thêm một trường hợp Bắc Hàn xảy ra trong vùng châu Á-Thái Bình Dương.

Sản xuất năng lượng dân sự

Điều đó thể hiện trong nội dung cuộc nói chuyện giữa Ngoại trưởng Mỹ Condoleeza Rice với phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Gia Khiêm hồi tuần qua tại Washington, theo tin tức mà các hãng thông tấn quốc tế thu thập được.

Hãng AFP cho hay phía Việt Nam đã đề nghị và được Hoa Kỳ đồng ý trợ giúp xây nhà máy điện nguyên tử đầu tiên, do Việt Nam hiện đang và sẽ thiếu năng lượng trầm trọng cho việc phát triển kinh tế.

Một viên chức sứ quán Mỹ tại Hà Nội nói rằng đã có nhiều cuộc thảo luận về các vấn đề hạt nhân, về sự trợ giúp và về mối cộng tác với Việt Nam, nhưng cho tới nay chưa đạt một thỏa thuận nào chính thức.

Nhân chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của ông Phạm Gia Khiêm, Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Việt Nam đã ký kết với Cơ quan An ninh Nguyên tử Quốc gia Hoa Kỳ NNSA một thỏa thuận, qua đó phía Hoa Kỳ trợ giúp Việt Nam chuyển đổi lò phản ứng hạt nhân tại Đà Lạt từ sử dụng nhiên liệu Uranium tinh luyện ở mức cao HEU, sang dùng loại tinh luyện ở mức thấp LEU.

Tiến sĩ Dalton West, chuyên gia nghiên cứu vấn đề năng lượng châu Á cho biết nếu thật sự là cần sản xuất năng lượng dân sự thì không bao giờ phải dùng đến các loại nhiên liệu tinh luyện cao độ.

Nhiên liệu nhẹ

Do lò phản ứng này của Việt Nam được Nga cung cấp, kể cả nhiên liệu, nên một hợp đồng khác cũng đã được ký kết hôm thứ Năm giữa tổ hợp nhiên liệu hạt nhân Nga TVEL, bộ Năng lượng Hoa Kỳ, và Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt của Việt Nam.

Loại nhiên liệu mới sẽ được Nga cung cấp mang tên VVR-M2, có độ tinh luyện thấp, chỉ 20% so với loại Uranium 235 có khả năng chế vũ khí. Phía Việt Nam cũng cam kết với Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế IAEA tái xuất về Nga số nhiên liệu Uranium tinh luyện cao. Sự thỏa thuận này được Hà Nội đưa ra với ông Mahamed ElBaradei, tổng giàm đốc Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế khi ông đến thăm Hà Nội hồi cuối năm ngoái.

Về loại nhiên liệu nhẹ, ông Lê Ngọc Bội, một chuyên viên Việt Nam làm việc tại Ủy ban Kiểm sóat Hạt nhân NRC Hoa Kỳ giải thích: "Nhiên liệu người ta bỏ trong controlled-sealed rod thì nó có bao nhiêu phần trăm của Uranium,ít hơn thì đõ tốn hơn trong khâu tinh luyện."

Hiện nay, mức tăng trưởng kinh tế hàng năm của Việt Nam vào loại cao nhất khu vực là trên dưới 8%, nhưng muốn giữ vững mức đó thì nhu cầu năng lượng cũng phải tăng gấp đôi mỗi năm. Vì vậy mà Việt Nam loan báo sẽ xây nhà máy điện nguyên tử đầu tiên vào năm 2015 để bắt đầu sản xuất năng lượng vào năm 2020.

Theo các thông tin đã được công bố thì nhà máy đầu tiên đó sẽ được đặt tại miền Trung và đã có nhiều quốc gia ngỏ ý trợ giúp Việt Nam trong việc này. Trong số đó có Hoa Kỳ, Nga, Pháp, Nhật Bản và Canada.