Hoa Kỳ sẽ không tương nhượng các đòi hỏi của Bắc Hàn
2005.09.13
Nguyễn Khanh tường trình từ Bangkok
Trong vòng vài giờ đồng hồ nữa, tại Bắc Kinh, cuộc đàm phán nhằm tìm một giải pháp tạo ổn định cho bán đảo Triều Tiên sẽ tiếp diễn. Câu hỏi đang được nói đến là liệu vòng thảo luận mới có đem lại kết quả mọi người mong đợi từ nhiều tháng qua hay không? Từ Bangkok, Nguyễn Khanh đặc phái viên Châu Á của chúng tôi gửi về bản tường trình sau đây.
Lên tiếng với báo chí ngay sau khi đặt chân đến Hán Thành thảo luận với chính phủ đồng minh trước khi sang Bắc Kinh phó hội, ông Christopher Hill, trưởng đoàn đàm phán Hoa Kỳ dự báo cuộc thảo luận sẽ diễn ra trong vòng ít giờ đồng hồ nữa vẫn tiếp tục là cuộc đàm phán đầy cam go, đồng thời khẳng định Washington sẽ không tương nhượng các đòi hỏi mà phía Bắc Hàn đưa ra.
Lời tuyên bố của ông Hill không gây ngạc nhiên cho mọi người vì trước đó, trong một cuộc họp báo tại Washington, ông nói rõ các vấn đề sẽ được đặt ra trên bàn hội nghị vẫn là những điểm đã được Hoa Kỳ đưa ra ở những vòng đàm phán trước đó.
"Điều đáng chú ý là Bình Nhưỡng hiểu rằng họ phải hủy bỏ tất cả mọi chương trình có liên hệ đến hạt nhân."
Vị trưởng đoàn đàm phán Hoa Kỳ giải thích thêm rằng ngay cả chuyện Bình Nhưỡng lên tiếng đòi phải được quyền sử dụng các nhà máy điện nguyên tử chạy bằng nước nhẹ cũng không được Hoa Kỳ chấp nhận, nhất là sau khi Nam Hàn vừa đồng ý cung cấp điện lực cho nước anh em thù nghịch miền Bắc.
Ông Hill nói tiếp: "Vấn đề nhà máy điện nguyên tử chạy bằng nước nhẹ sẽ không được đặt ra ở bàn hội nghị, vì thế, tôi không hiểu làm sao chuyện này có thể đưa ra thảo luận được."
Vòng đàm phán lần trước kết thúc hôm mùng 7 tháng Tám, sau khi Hoa Kỳ bác bỏ đòi hỏi phải được quyền có nhà máy điện nguyên tử chạy bằng nước nhẹ để có điện sử dụng mà phía Bình Nhưỡng đưa ra. Theo lời ông trưởng đoàn thương thuyết Hoa Kỳ, quan điểm của Washington là không thể tin vào lời của Bắc Hàn, bằng chứng là hồi 1994 Bình Nhưỡng đã từng ký kết hiệp ước đình chỉ tất cả mọi hoạt động chế tạo võ khí hạt nhân, nhưng sau đó đã bội ước.
Ông Hill và các viên chức Mỹ nhắc lại võ khí hạt nhân cũng như mọi chương trình năng lượng hạt nhân là điều không thể có ở một quốc gia mang nhiều tham vọng như Bắc Hàn. Như vậy, theo phía Hoa Kỳ, đề tài của cuộc thảo luận vẫn là Bắc Hàn phải đình chỉ các chương trình chế tạo võ khí, phải cho quốc tế vào giám sát, để đánh đổi lấy viện trợ kinh tế và trao quan đổi quan hệ ngoại giao với Mỹ.
Liệu Hoa Kỳ có giữ lập luận cứng rắn như vậy mãi hay không? Đối với các viên chức của Washington, câu trả lời là lập trừong của Mỹ đối với Bắc Hàn sẽ không thay đổi và coi đó là con đường duy nhất để bảo đảm ổn định tương lai cho bán đảo Triều Tiên.
Nhưng trong một bản tin đánh đi từ Bắc Kinh, hãng thông tấn Reuters lại trích dẫn lời của một nhà ngoại giao Á Châu yêu cầu được dấu tên nói rằng có thể vào giờ chót Hoa Kỳ sẽ đồng ý cho Bắc Hàn được quyền có nhà máy điện chạy bằng nước nhẹ, để đánh đổi lấy lời cam kết sẽ tuân thủ trở lại các điều khoản được ghi trong bản hiệp ước cấm phổ biến võ khí hạt nhân, và cho thanh tra quốc tế đến kiểm soát các chưong trình có liên quan đến võ khí hạt nhân mà Bắc Hàn đã đeo đuổi từ nhiều năm qua.
Một lý do khác nữa cũng được nói đến là mới tháng trước, chính đồng minh Nam Hàn cũng từng lên tiếng bày tỏ ý kiến ủng hộ đòi hỏi của Bình Nhưỡng, và có thể chính điều này có thể là sức ép, đẩy Hoa Kỳ đến chỗ phải nhượng bộ.
Sáng nay, hai ông trưởng đoàn đàm phán Hoa Kỳ và Nam Hàn sẽ lên đường đi Bắc Kinh, và vòng đàm phán thứ 5 nhằm tìm giải pháp chấm dứt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sẽ chính thức bắt đầu, vãn với sự hiện diện của Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Nam-Bắc Hàn và Nhật Bản.
Hỏi: Trong những vòng đàm phán trước đây cũng như qua những cuộc thảo luận bên lề, có khi nào vai trò của những nước khác được nói đến hay không?
Đáp: Đã từng có lúc vai trò của những nước khác, thí dụ như của EU từng được nói đến, đặc biệt là khi cuộc đàm phán 6 bên gặp bế tắc. Mới gần đây, cũng đã từng có dư luận cho rằng ASEAN nên đóng một vai trò tích cực hơn, vì là tổ chức có liên hệ khá tốt với Bắc Hàn. Dư luận được nói đến sau khi chính phủ Bình Nhưỡng chọn Thái Lan để thông báo thời điểm sẽ trở lại dự vòng thảo luận mới, tức là vòng thảo luận bắt đầu sáng nay ở Bắc Kinh.
Hỏi: Thế quan điểm của ASEAN như thế nào?
Đáp: Tôi có đặt vấn đề này với ông Sihasak Phuangketkeow, là người phát ngôn của chính phủ Thái, và được ông giải thích rằng ngay từ đầu, mô thức đàm phán đã được các nước liên hệ đồng ý như vậy và không có lý do gì phải thay đổi cả, và không có lý do gì ASEAN phải trực tiếp liên hệ.
Nhưng người phát ngôn của chính phủ Thái Lan cũng nói Bangkok và những nước ASEAN sẵn sàng đóng vai trò hỗ trợ để cuộc thảo luận diễn ra tại Bắc Kinh đạt được kết quả.
Những bài liên quan
- Một tháng 9, đầu thu với nhiều biến cố quan trọng
- Ảnh hưởng của bão Katrina đối với nền kinh tế nước Mỹ
- Đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Bắc Hàn sẽ tái tục vào ngày 12-9
- Bắc Hàn không tham dự vòng đàm phán 6 bên dự trù tái tục vào ngày mai
- Lời kêu gọi ám sát Tổng thống Venezuela lại nâng cao uy tín của ông
- Vẫn còn nhiều khác biệt trong đàm phán 6 bên về khủng hoảng hạt nhân Bắc Hàn
- Tổng Thống Bush chọn ông Jon Bolton làm Ðại Sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc.
- Ngày càng nhiều người ngoại quốc đầu tư vào thị trường bất động sản Hoa Kỳ
- Vì sao Việt Nam cần đến một nhà máy điện nguyên tử?
- Mỹ và đồng minh tìm cách giảm nhẹ ảnh hưởng của việc Bắc Hàn bắn thử tên lửa
- Liên minh Mỹ-Nhật không chỉ nhắm vào Trung Quốc và Bắc Hàn
- Chính sách ngoại giao của Mỹ đối với Châu Á trong nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Bush (II)
- Chính sách ngoại giao của Mỹ đối với Châu Á trong nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Bush (I)
- Lễ quốc táng ông Nicola Calipari hy sinh tại Iraq
- Iran sẽ được hưởng quyền lợi kinh tế nếu ngưng chương trình hạt nhân