Trẻ em bị lây nhiễm HIV/AIDS cũng là một con người như tất cả các trẻ khác

Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA

“Tất cả chúng ta phải dành tất cả mọi nỗ lực để giúp những em không may đang vướng HIV/AIDS ở Việt Nam”, đó là lời kêu gọi mà mà Nữ Bác Sĩ Luisa Brumana, người đang thực hiện chương trình dinh dưỡng trẻ em và giúp các trẻ em nhiễm HIV/AIDS tại Việt Nam nói với chúng tôi.

HIVChilldren200.jpg
Hai em bé Cambodia 8 tháng tuổi đã bị ba mẹ bỏ rơi sau khi phát hiện bị lây nhiễm virus HIV. AFP PHOTO

Sau đây, mời quý thính gia nghe những điểm chính trong cuộc phỏng vấn của Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do với vị Bác Sĩ chuyên gia của Quỹ Nhi Đồng Quốc Tế UNICEF ở Hà Nội. Cuộc phỏng vấn do Nguyễn Khanh thực hiện qua điện thoại từ Bangkok.

Nguyễn Khanh: phúc trình của UNICEF cho thấy 63% những người không may bị HIV/AIDS ở Việt Nam ở tuổi từ 30 trở xuống. Liêu tôi có thể gọi đó là tiếng chuông cảnh báo đáng sợ hay không?

Bác Sĩ Luisa Brumana: điều đó phản ánh rõ chủ đề của Chương Trình Vận Động Cho Trẻ Em Toàn Cầu, qua đó UNICEF muốn tất cả mọi người quan tâm đến trẻ em và các thanh thiếu niên không may bị HIV/AIDS.

Quả đúng như ông vừa nói, tại Việt Nam, phần đông những người mắc bệnh là những người thuộc thành phần trẻ, và đã đến lúc chúng ta phải quan tâm đến họ nhiều hơn nữa và về nhiều lãnh vực khác nhau.

Nguyễn Khanh: theo Bác Sĩ, chúng ta phải làm gì?

Bác Sĩ Luisa Brumana: Chương Trình Vận Động Cho Trẻ Em Toàn Cầu có đưa ra những kế hoạch hành động cụ thể, dĩ nhiên là việc thực hiện sẽ tùy thuộc vào từng khu vực, từng quốc gia và tình trạng dịch bệnh đang xảy ra. Nhưng nói chung thì mục tiêu chung là làm sao bảo vệ, làm sao giúp đỡ cho các em không may.

Tại Việt Nam, phần đông những người mắc bệnh là những người thuộc thành phần trẻ, và đã đến lúc chúng ta phải quan tâm đến họ nhiều hơn nữa và về nhiều lãnh vực khác nhau.

Ở Việt Nam cũng như tại những nước khác, UNICEF không phải là tổ chức duy nhất thực hiện công tác này, và chính phủ Việt Nam cũng không phải là chính phủ duy nhất tham gia vào chương trình này. Cuộc vận động được mở rộng ở cấp toàn cầu, với sự tham dự của các chính phủ và của các tổ chức, trong đó có những tổ chức thuộc Liên Hiệp Quốc.

Vai trò của UNICEF là bênh vực cho các trẻ em không may, để mọi người hiểu rằng các em cũng được hưởng tất cả các quyền lợi như những trẻ bình thường, như phải được chăm sóc, đi học, dinh dưỡng. Chúng ta đều có trách nhiệm phải phòng chống dịch bệnh, và cũng có trách nhiệm phải giúp đỡ cho trẻ em, thanh thiếu niên không may.

Nguyễn Khanh: thưa Bác Sĩ, có phải là nếu người mẹ bị nhiễm HIV/AIDS, đứa bé khi mở mắt chào đời cũng đương nhiên mang bệnh không?

Bác Sĩ Luisa Brumana: đây là một điều rất đáng chú ý và tôi rất mừng khi nghe ông đặt câu hỏi này vì vẫn có nhiều người không rõ nếu mẹ bị nhiễm HIV/AIDS, đứa con có đương nhiên mang bệnh hay không. Câu trả lời là dù người mẹ bị HIV/AIDS đi chăng nữa, không phải là đứa con sinh ra sẽ bị bệnh như mẹ.

Ngay cả trường hợp không biết trước để phòng ngừa thì cũng chỉ có từ 30% đến 40% các em sơ sinh bị lây nhiễm truyền từ mẹ sang con lúc chuyển dạ hay vì bú sữa mẹ. Hiện nay, có thể làm giảm tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con còn có 15% bằng cách cho thai phụ uống thuốc kháng retrovirus.

Tiện đây, tôi cũng muốn nói rõ là chính phủ Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều để thực hiện các chương trình thí điểm, nhằm giảm tối đa tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con.

Nguyễn Khanh: theo Bác Sĩ biết thì số trẻ em Việt Nam bị nhiễm HIV/AIDS là bao nhiêu?

Bác Sĩ Luisa Brumana: tôi ước gì có thể trả lời câu hỏi mà ông vừa đặt ra. Tin tức mà tôi nhận được không thật chính xác, và đây là điều mà UNICEF, Bộ Y Tế Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hợp tác khác phải giải quyết. Năm ngoái, chúng tôi biết có khoảng 2,500 em từ sơ sinh đến 14 tuổi bị nhiễm bệnh, nhưng đó là những trường hợp chúng tôi biết được chứ không hẳn là con số thực tế.

AidCondom150.jpg
Ngày AIDs Thế giới ở Hà Nội hôm 1-12-2002. AFP PHOTO

Chúng tôi cũng biết có hơn 25,000 trẻ mồ côi vì cha mẹ các em chết vì bệnh AIDS và cũng có dự đoán cho rằng số trẻ em bị lây nhiễm HIV/AIDS ở Việt Nam lên đến 250,000 em. Tôi xin nói rõ đây chỉ là con số dự phỏng, chứ không phải là con số chính xác.

Theo quan điểm riêng của tôi, làm sao để biết được con số người bị HIV/AIDS là một trong những vấn đề phải giải quyết ngay, vì khi biết được số người mắc bệnh, chúng ta cũng sẽ biết được con số trẻ em có thể bị lây nhiễm hay đã bị lây nhiễm, đồng thời cũng khiến cho các cơ quan, tổ chức phải chú ý đến hơn.

Nguyễn Khanh: thế còn giới thanh thiếu niên Việt Nam thì sao? Ý tôi muốn hỏi là làm sao hướng dẫn thành phần này về giáo dục giới tính, tình dục?

Bác Sĩ Luisa Brumana: tôi có thể cho ông biết những gì UNICEF đã làm tại Việt Nam, để góp phần giúp hướng dẫn thanh thiếu niên về giáo dục giới tính và tình dục. Cách đây vài năm, chúng tôi tham gia vào một số chương trình do Bộ Giáo Dục Và Đào Tạo Việt Nam thực hiện để trình bầy cho thanh thiếu niên Việt Nam biết nhưng điều họ cần phải biết liên quan đến vấn đề giới tính và tình dục, nhất là làm sao để phòng chống HIV/AIDS.

Chương trình này được thực hiện ở học đường lẫn ở ngoài xã hội. Tôi cũng xin được nhấn mạnh HIV/AIDS là một hiểm họa, do đó, phải cung cấp cho các học sinh những điều các em cần biết. Hiện tại, chúng tôi cũng đang hợp tác với Bộ Giáo Dục Và Đào Tạo để xem làm sao có thể đưa vấn đề vào trong học trình hướng dẫn cho học sinh cấp 3, và nếu có thể được, trong tương lai, chúng tôi sẽ thực hiện các đề án hướng dẫn học sinh cấp thấp hơn.

Nguyễn Khanh: theo Bác Sĩ, liệu có nên phát miễn phí bọc cao su cho các thanh thiếu niên Việt Nam không?

Bác Sĩ Luisa Brumana: đây là một vấn đề đấy tế nhị, đã được nói đến ở mọi nơi. Nhưng với cương vị một chuyên gia về dịch bệnh và với tư cách một vị bác sĩ, tôi nghĩ rằng nên phát bọc cao su hay có chương trình bán bọc cao su với giá rẻ cho thanh thiếu niên, nhưng –tôi xin nhấn mạnh- nhưng với điều kiện phải hướng dẫn cho các em biết những điều các em cần phải biết, chứ không thể cứ phát mà không hướng dẫn gì các em cả.

Nguyễn Khanh: Bác sĩ đang ở Hà Nội. Ví dụ hôm nay khi đi làm về, có một bé gái nắm áo của Bác Sĩ và nói rằng Bà ơi, cháu muốn đi học, cháu muốn có bạn chơi chung nhưng cháu lại bị lây nhiễm HIV/AIDS. Lúc đó, Bác Sĩ nghĩ mình phải làm gì?

Bác Sĩ Luisa Brumana: ông biết không, lúc đó chắc tôi buồn lắm. Nhưng tôi cũng biết trong thực tế, điều đó có khả năng xảy ra. Hiện nay, điều đáng tiếc là những người bị HIV/AIDS, kể cả trẻ em, đang bị đối xử bất công và phải mất một thời gian nữa tình huống mới thay đổi.

Đó là lý do tại sao UNICEF phải là thật to cho mọi người biết rằng trẻ em dù bị lây nhiễm HIV/AIDS vẫn được quyền cắp sách đến trường, vẫn được bảo vệ và được hưởng quyền lợi như các em khác.

Trở lại với ví dụ ông đưa ra, nếu điều đó xảy đến với tôi, tôi sẽ làm những gì có thể làm để giúp cho em đó, nhưng nếu muốn giúp cho tất cả mọi em khác không may có cùng hoàn cảnh, chúng ta phải cùng nhau kêu gọi tất cả mọi người, từ những nhà hoạch định chính sách cho đến người dân ở Việt Nam hiểu rằng những đứa trẻ bị lây nhiễm HIV/AIDS cũng là một con người như tất cả các trẻ khác.

Và đó chính là mục tiêu mà chúng tôi muốn nhắm tới qua Chương Trình Vận Động Cho Trẻ Em Toàn Cầu.

Nguyễn Khanh: xin cám ơn Bác Sĩ.