Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Tính từ đầu vụ dịch đến hết ngày 12/11, tổng số bệnh nhân nhập viện vì tiêu chảy cấp đã lên tới 1.661 người trong đó có 204 trường hợp xác nhận bị bệnh tả. Liệu bản đồ vùng dịch có tăng hơn con số 14 tỉnh thành hiện nay hay không?

Xem xét sử dụng vắcxin ngừa tả
Sáng sớm ngày 13/11/2007, Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga Cục Trưởng Cục Y Tế Dự Phòng xác định với chúng tôi là đang xem xét để sử dụng vắc xin ngừa tả loại uống cho các vùng có nguy cơ. Ông nói:
“Những vùng lũ lụt có nguy cơ cao, thiếu nứơc sạch vệ sinh thực phẩm không đủ an toàn. Chúng tôi đang xem xét vấn đề này nhưng chúng tôi phải theo khuyến cáo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới WTO để thực hiện theo hướng dẫn chung của quốc tế.”
Đáp câu hỏi của chúng tôi về khả năng lập hàng rào y tế kiểm dịch các vùng có dịch, ông Cục Trưởng Y Tế Dự Phòng nói rằng điều này không nằm trong kế hoạch của ngành y tế:
“Đây là vụ dịch do thực phẩm, có thể có nhiều người nhưng người mình gọi là xôi đỗ. Người ở chỗ này chỗ kia chứ không phải là một vụ dịch tập trung như ngày xưa do nguồn nước. Đây có thể bảy, tám, chín, huyện những người ở đó ăn cùng một nguồn thực phẩm rồi bị bệnh.
Việt Nam không áp dụng biện pháp hạn chế đi lại. Nói rộng hơn, Tổ chức Y tế Thế giới WHO khuyến cáo không một nứơc nào áp dụng quarantine, không hạn chế đi lại không áp dụng hạn chế thương mại với bất kỳ quốc gia nào”.
Theo thông tin chúng tôi ghi nhận thì trong ngày 12/11 ở miền Bắc có thêm 86 ca tiêu chảy cấp nhập viện và Thái Nguyên là tỉnh thứ 14 được ghi tên vào bản đồ vùng dịch. Số ngừơi lành bệnh được xuất viện lên tới con số 520.
Dân chúng tự phòng vệ
Điểm đáng lưu ý là gần 3 tuần bùng phát dịch tiêu chảy độc lực cao hoặc dịch tả nhưng không có ca tử vong nào được chính thức xác nhận. Người dân nói chung đã tự phòng vệ cho bản thân và gia đình như lời một bạn trẻ ở Hà Nội nói với chúng tôi:
“Tránh ăn uống không sạch ngoài quán xá, trứơc đây tụi em hay ăn bún phở ngoài đường hay ăn rau sống, bây giờ phải hạn chế. Ở nhà thì rác thải các thứ phải dọn dẹp sạch sẽ vệ sinh…Nói chung phải cảnh giác.”
Ở nơi rất xa về phía Nam là Sài Gòn, một thành phố 8 triệu dân chính quyền địa phương tích cực đề phòng dịch tả lây lan, bởi vì vệ sinh thực phẩm từ lâu vẫn là vấn đề nan giải. Ngừơi dân Sài Gòn cũng phần nào ý thức vấn đề vệ sinh phòng dịch như phát biểu của một phụ nữ làm nghề gia sư:
“Nhà nước tuyên truyền là có dịch tả ở nơi này nơi kia, không nên ăn uống bừa bãi không nên ăn rau sống phải ăn chín uống sôi… không dám ăn mắm nữa.”
Cục trưởng Cục Y Tế Dự Phòng Nguyễn Huy Nga đánh giá cao nỗ lực toàn dân đối việc bứơc đầu khống chế được dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm. Ông nói:
“Hành động được đánh giá cao nhất là đã nâng cao được ý thức người dân, ăn chín úông sôi rửa tay bằng xà phòng. Tức là ngừơi dân đã cảnh giác rất cao. Thứ hai là đã kịp thời hứơng dẫn vệ sinh an toàn thực phẩm, loại bỏ những nguồn thực phẩm nghi ngờ hoặc hạn chế sử dụng.
Hành động được đánh giá cao nhất là đã nâng cao được ý thức người dân, ăn chín úông sôi rửa tay bằng xà phòng. Tức là ngừơi dân đã cảnh giác rất cao. Thứ hai là đã kịp thời hứơng dẫn vệ sinh an toàn thực phẩm, loại bỏ những nguồn thực phẩm nghi ngờ hoặc hạn chế sử dụng.
Tóm lại điều quan trọng là sự cam kết của chính quyền và tất cả xã hội đã vào cuộc, mọi người mọi tổ chức xã hội, mọi người dân cũng như những người lãnh đạo chính quyền cơ sở, những người ở xã thôn phường họ đã hành động quyết liệt.”
Cảnh giác nguy cơ đại dịch
Tuy vậy nhiều chuyên gia y tế cho rằng không nên lạc quan quá sớm vì dịch tả có nguồn lây rất đa dạng, nếu việc phòng chống không tích cực thì một đại dịch sẽ bùng phát nhanh chóng.
Ngày 12/11 trong phiên họp ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch tiêu chảy cấp, thứ trưởng y tế Trịnh Quân Huấn nhấn mạnh rằng, trong khi dịch chưa bùng phát ở những vùng lũ lụt có nguy cơ cao về vệ sinh môi trường, thì chính tại thủ đô Hà Nội lại là địa phương phát dịch với số người mắc bệnh nhiều nhất cả nứơc.
Theo lời ông Huấn, chính quyền và ngừơi dân phải đặc biệt lưu tâm vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông thứ trưởng cũng cho biết Bộ Y Tế đã đề nghị Tổ Chức Y Tế Thế Giới giúp đỡ Việt Nam phân lập vi khuẩn tả cũng như những vi khuẩn đường ruột khác trong nhóm thực phẩm có nguy cơ cao, để chính quyền Việt Nam có biện pháp đối phó hữu hiệu.