Liệu cuộc đấu tranh chống tiêu cực trong ngành giáo dục Việt Nam có kết quả tốt?


2006.09.25

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Ngành giáo dục Việt Nam trong những tháng qua có một số khởi động tích cực trong đấu tranh chống tiêu cực. Đó là sự lên tiếng của các thầy giáo như Đỗ Việt Khoa, Lê Đình Hoàng... Cũng như sau khi ngành có tân bộ trưởng phát động phong trào chống tiêu cực, thì nhiều người đã mạnh dạn theo gương tố cáo những vụ việc khuất tất mà họ phải chịu trong nhiều năm trời.

ExamStudent200.jpg

Tuy nhiên, tình hình có thuận lợi như suy nghĩ của một số người hay không? Liệu có phải toàn bộ những thầy cô giáo trong ngành đều toàn tâm toàn ý chống lại những sai trái. Và rồi chính các cơ quan chủ quản trong ngành có triệt để đối với các cá nhân bị phát hiện có tiêu cực hay không?

Gia Minh điểm qua một số biểu hiện gần đây để giải đáp phần nào cho vấn nạn vừa nêu.

Điểm nóng của ngành giáo dục Việt Nam hiện nay không phải ở các vấn đề lớn như chuyện thi cử, sách giáo khoa, dạy thêm, học thêm tràn lan; mà nay truyền thông trong nước hầu như đang tập chú đến diễn tiến sau vụ chạy trường vở lở tại THPT Lê Quý Đôn ở thành phố Hồ Chí Minh, và chuyện kỷ luật giám thị Lê Đình Hoàng ở Nghệ An người đã dùng điện thoại di động khi coi thi để ghi lại cảnh loạn thi và đưa lên mạng Internet.

Những phản ứng bất lợi

Trường THPT Lê Quý Đôn, một ngôi trường có bề dày lịch sử ở ngay tại trung tâm thành phố, nơi có nhiều thành phần ưu tú của cả nước từng xuất thân từ đó, trong những năm tháng qua bị một người hiệu trưởng là bà Trần Thanh Vân khuynh đảo như chốn riêng của bà.

Thầy giáo Võ Hải Bình kể lại những chuyện trù dập mà bà Nguyễn Thanh Vân từng tự tung tự tác. Vì sao mà các giáo viên chịu những sự bất công như thế vẫn phải im lặng ? Thầy Võ Hải Bình giải thích: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Sau khi vụ việc chạy trường tại THPT Lê Quý Đôn bị phanh phui, và Sở Giáo dục vào cuộc, buộc lòng phải có hình thức kỷ luật ngưng chức của hiệu trưởng và hiệu phó. Nhưng rồi không phải hai ngừời đứng đầu đó ra đi là mọi kỷ cương nhà trường được lập lại, mà chính người được Sở Giáo dục cử về để điều hành nhà trường, ngay buổi đầu làm việc lại có những phát biểu làm giáo viên bất mãn như lời ông cảnh cáo là mọi người đừng có thái độ 'giậu đỗ, bìm leo'.

Và rồi chính những giáo viên lên tiếng tố cáo cũng gặp phải phản ứng bất lợi từ những đồng nghiệp trong trường của họ, chưa nói đến những cán bộ từ cơ quan cao hơn là Sở Giáo Dục.

Mạng Tin Nhanh Việt Nam số ra ngày 20 tháng 9 vừa qua thông tin nói là chính các giáo viên tố cáo tiêu cực phải làm đơn tố cáo tiếp là một số giáo viên trong trường THPT Lê Quý Đôn bắn tin đe doạ sẽ cho xã hội đen xử đẹp những người dám tố cáo sai phạm.

Các giáo viên không đứng về phía những người chống tiêu cực sai trái còn sử dụng ảnh hưởng của họ trên học sinh là cho viết tường trình liên quan đến vụ việc nộp cho hiệu phó nhà trường.

Cô giáo Nguyễn Thanh Hằng nói về tình hình này: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Đó là vụ việc ở thành phố Hồ Chí Minh, nơi tai mắt của báo chí và công luận còn mạnh. Ở một tỉnh thuộc miền Trung là Nghệ An, nơi thầy giáo Lê Đình Hoàng khi làm nhiệm vụ giám thị thấy cảnh trường thi quá loạn đã dùng máy điện thoại để quay và đưa lên mạng, chuyện cũng đang diễn tiến bất lợi cho người dám làm chuyện mà lâu nay chưa có ai làm.

Sở Giáo dục Nghệ An, sau một thời gian thuyết phục người quay hình ảnh loạn trường thi ở Nam Đàn công khai danh tánh, thì hội đồng thanh tra của Sở đã họp và ra quyết định kỷ luật trong đó có bản thân giáo viên dám làm chuyện 'vạch áo cho người xem lưng đó với kết lụân 'vi phạm qui chế thi nghiêm trọng'.

Đến nay thì hình thức kỷ luật chưa được công bố nhưng người thầy muốn đưa những hình ảnh đáng xấu hổ đó ra trước ánh sáng công luận hiện đang trong tâm trạng lo lắng. Tâm trạng đó cũng là của chính các thầy cô đang tố cáo tiêu cực tại trường THPT Lê Quý Đôn.

'Đấu tranh' là 'tránh đâu'

Chiêu bài sử dụng 'xã hội đen' để đe doạ, hành hung những người ngay thẳng dám công khai lên tiếng tố cáo những sai trái trong xã hội đang trở thành một biện pháp phổ biến ở Việt Nam.

Tuy sợ, nhưng các giáo viên đã dám nói lên sự thật còn có chút tin tưởng vào tình thế hiện nay, như lời của cô giáo Nguyễn Thanh Hằng. Thầy Võ Hải Bình thì chỉ ra nơi mà các người ngay có thể nương dựa: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Anh Trần Hữu Đạt, một cựu học sinh THPT Lê Quý Đôn, người đã cùng nhiều cựu học sinh khác ký vào bản kiến nghị gửi cho Bộ Giáo Dục Đào tạo về tình hình ngôi trường mà anh từng theo học, cho biết sẽ ủng hộ những người đấu tranh cho lẽ phải.

Đối với kết luận về trường hợp thầy giáo Lê Đình Hoàng thì dư luận báo chí và cả một viên chức cao cấp của ngành giáo dục cũng vừa lên tiếng. Đó là ý kiến của ông Bành Tiến Long, thứ trưởng Bộ giáo dục- Đào tạo cho rằng trường hợp của thầy Lê Đình Hoàng không thể xếp vào mức độ vi phạm nghiêm trọng qui chế thi. Hành động của thầy Hoàng là kết quả của một định hướng, một ý thức tốt, một mục tiêu tốt trước đó. Lâu nay tại Việt Nam người dân thường có câu 'đấu tranh' là 'tránh đâu' để mai mỉa tình hình đi kiện chẳng những không thắng mà còn bị trù dập, khó dễ muôn phần.

Hẳn những người khi lên tiếng đấu tranh cho lẽ phải không nghĩ rằng đoạn kết của bao công sức đấu tranh của họ lại rơi vào trường hợp đó. Mà chắc phải có kết quả thật có hậu như trong các chuyện cổ tích của Việt Nam: sau bao gian nan đi tìm công lý thì chính nghĩa cuối cùng rồi cũng phải chiến thắng gian tà.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.