USCIRF lên tiếng về phiên phúc thẩm 2 luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân
2007.11.24
Trà Mi, phóng viên đài RFA
Trong buổi phát thanh trước, chúng tôi đã gửi đến qúy vị bài ghi nhận quan điểm của đại diện các tổ chức nhân quyền có uy tín trên thế giới kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho hai tù nhân lương tâm là luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân trong phiên phúc thẩm vào ngày 27 tháng này tại Hà Nội.
Liên quan đến đề tài này, Trà Mi có cuộc phỏng vấn đặc biệt với ông Michael Lewis Cromartie, Chủ tịch Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, người vừa có dịp vào trại giam gặp gỡ trực tiếp luật sư Đài và Công Nhân nhân chuyến đi thực tế của phái đoàn Ủy ban đến Việt Nam hồi cuối tháng 10 vừa qua. Phần chuyển ngữ do Nguyễn Khanh thực hiện:
Trà Mi: Cảm ơn ông dành thời gian cho cuộc trao đổi này. Trong chuyến đi Việt Nam vừa rồi, phái đoàn của Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế do ông dẫn đầu đã có dịp vào trại giam gặp gỡ trực tiếp hai luật sư dân chủ là Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân. Xin hỏi Ủy ban có kế hoạch gì nhằm bênh vực cho họ trong phiên phúc thẩm sắp diễn ra vào thứ ba, 27/11, hay không?
Ông Michael Lewis Cromartie: Có, chúng tôi đã làm rồi. Khi gặp phía Việt Nam, chúng tôi đã nêu vấn đề. Trong cuộc tiếp xúc với ông Thứ Trưởng Bộ Công An, Nguyễn Văn Hưởng, phái đoàn chúng tôi đã trình bày rất rõ rằng chúng tôi tin rằng các bản án này phải được hủy bỏ, và chúng tôi cũng kêu gọi ông Thứ Trưởng dùng quyền hạn của mình để trả tự do ngay lập tức cho họ.
Phiên xử phúc thẩm sẽ diễn ra vào tuần tới, và chúng tôi hy vọng các bản án sẽ được huỷ, như chúng tôi đã từng thúc đẩy phía Việt Nam làm điều này và chúng tôi cho rằng chính phủ Việt Nam nên làm điều này.
Trà Mi: Trước đề nghị đó, Thứ Trưởng Bộ Công An hồi đáp ông như thế nào?
Ông Michael Lewis Cromartie: Ông ta chỉ lắng nghe chúng tôi trình bày một cách rất lịch sự, nhưng không hề đưa ra lời cam kết nào cả. Ông ta không hứa hẹn gì hết, chỉ ngồi nghe, không hứa hẹn gì cả.
Nhân đây, tôi cũng xin bày tỏ sự cảm kích đối với chính phủ Việt Nam vì đã tạo điều kiện cho chúng tôi gặp Luật Sư Ðài và Luật Sư Công Nhân. Chúng tôi được tiếp xúc với cả hai người này, mỗi người chừng 1 tiếng đồng hồ, và hơn nữa, chúng tôi còn được đi thăm phòng giam của họ. Những điều này rất có ích.
Trà Mi: Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo có dự tính cử quan sát viên vào Việt Nam để quan sát phiên xử phúc thẩm này không, thưa ông?
Ông Michael Lewis Cromartie: Không. Chúng tôi mới từ Việt Nam về, và trong thời gian có mặt ở Việt Nam chúng tôi đã gặp hầu hết các nhân vật có thẩm quyền để trình bày với họ những vấn đề chúng tôi quan tâm tới.
Hiện giờ chúng tôi cũng chưa quyết định là tuần tới, có nên phổ biến một thông cáo nhắc lại yêu cầu mà chúng tôi đã trình bày với chính phủ Việt Nam hay không. Tôi xin được nhắc lại là trong thời gian đến Việt Nam, chúng tôi đã trình bày rất rõ quan điểm của chúng tôi với chính phủ Việt Nam.
Nhân đây, tôi cũng xin bày tỏ sự cảm kích đối với chính phủ Việt Nam vì đã tạo điều kiện cho chúng tôi gặp Luật Sư Ðài và Luật Sư Công Nhân. Chúng tôi được tiếp xúc với cả hai người này, mỗi người chừng 1 tiếng đồng hồ, và hơn nữa, chúng tôi còn được đi thăm phòng giam của họ. Những điều này rất có ích.
Trà Mi: Trong các buổi tiếp xúc với Anh Ðài và Chị Công Nhân, đoàn có được hoàn toàn tự do không?
Ông Michael Lewis Cromartie: Có. Chúng tôi yêu cầu nhân viên trại giam ra khỏi phòng tiếp tân, để chúng tôi đựơc tiếp xúc riêng với cả Đài và Nhân, và phía Việt Nam đồng ý. Chúng tôi cũng yêu cầu trại giam cho đến quan sát phòng giam hai người này, thoạt đầu thì họ ngần ngại, nhưng sau đó họ đồng ý đưa chúng tôi đến phòng giam của Luật Sư Ðài và Luật Sư Công Nhân. Bây giờ chúng tôi chỉ biết hy vọng và cầu nguyện cho họ được trả tự do.
Trà Mi: Dịp đó, luật sư Ðài và Công Nhân có nhắn gửi gì với phái đoàn không?
Ông Michael Lewis Cromartie: Không. Chúng tôi chỉ hỏi thăm xem tình trạng của họ trong nhà giam như thế nào, và cả hai đều khẳng định rõ với chúng tôi là họ đang bị tù oan.
Trà Mi: Tại sao các tổ chức quốc tế, đặc biệt là đoàn quan sát đại diện cho Ủy Ban Hoa Kỳ Về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, không nghĩ đến chuyện yêu cầu được cử người đến quan sát các vụ xử án những nhà tranh đấu ở Việt Nam?
Ông Michael Lewis Cromartie: Không. Tôi không biết là đưa người sang Việt Nam quan sát các vụ xử có lợi hay không. Khi có mặt tại Việt Nam, chúng tôi đã trình bầy rất rõ quan điểm của chúng tôi với các viên chức chính quyền. Như lúc nãy tôi đã nói, có thể tuần tới chúng tôi sẽ ra thông cáo nhắc lại những điều này.
Trà Mi: Nhưng chắc ông cũng đồng ý với tôi là nên nỗ lực hơn nữa?
Ông Michael Lewis Cromartie: Tôi nghĩ rằng không chỉ riêng chúng tôi mà tất cả mọi người đều phải nỗ lực hơn, điều này sẽ giúp ích cho các nạn nhân.
Trà Mi: Và lời kêu gọi ông muốn gửi đến phiên tòa phúc thẩm lần này là gì?
Ông Michael Lewis Cromartie: Chúng tôi muốn nói là hai luật sư Ðài và Công Nhân không hề làm gì để gây nguy hại cho chính quyền, họ đã bị tù oan, và không có lý do gì để tiếp tục giam cầm họ cả. Luật Sư Ðài và Công Nhân không đe dọa ai hết, và Việt Nam nên chứng tỏ cho thế giới thấy là một quốc gia có luật pháp công minh và nhân quyền được tôn trọng, theo đúng như các công ước về quyền làm người mà Việt Nam đã ký kết với thế giới. Tòa án Việt Nam nên coi trọng những lời bào chữa mà các luật sư đại diện đưa ra trong phiên xử phúc thẩm, và trả tự do cho hai người này.
Bạn nghĩ gì về phiên toà sắp tới này? Xin email về Vietweb@rfa.org , hoặc tham gia Diễn đàn RFA
Trà Mi: Trong trường hợp phiên xử phúc thẩm không đem lại kết quả như Ủy Ban mong đợi, biện pháp kế tiếp của Ủy Ban là gì?
Ông Michael Lewis Cromartie: Nếu điều đó xảy ra, chúng tôi sẽ xem xét lại tình hình và thử các phương cách khác. Nhưng chúng tôi không thể có quyết định trước khi có kết quả phiên xử phúc thẩm.
Trà Mi: Có phải đó là lý do tại sao Ủy Ban chưa công bố thông cáo về chuyến đi Việt Nam?
Ông Michael Lewis Cromartie: Chúng tôi chưa công bố kết quả chuyến đi, nhưng chúng tôi sẽ làm điều này. Cần phải có thời gian.
Trà Mi: Trở lại với phiên xử phúc thẩm tuần tới, cộng đồng quốc tế mong đợi gì? Có phải là quý vị đang chờ đợi, hy vọng một dấu hiệu tích cực đến từ phía Việt Nam chăng?
Ông Michael Lewis Cromartie: Đương nhiên chúng tôi trông chờ một tín hiệu đến từ Việt Nam. Tín hiệu đó là hai luật sư Ðài và Công Nhân được trả tự do, để chứng tỏ là Việt Nam tôn trọng luật pháp, tôn trọng quyền làm người theo đúng các tiêu chuẩn của quốc tế.
Chúng tôi hy vọng sẽ nhận được những tín hiệu như thế. Ðây là 2 người không hề phạm pháp, không đe dọa bất cứ ai, và đang bị giam cầm một cách oan uổng. Chúng tôi mong rằng thay vì bị lãnh những bản án nặng nề, cả hai luật sư Ðài và Công Nhân đều được trả tự do ngay tức khắc.
Trà Mi: Ông có cơ hội tiếp xúc với các nhà tranh đấu ở Việt Nam, tiếp xúc với những người đang bị cầm tù, và đến tận phòng giam thăm họ. Cảm tưởng chung của ông như thế nào?
Ông Michael Lewis Cromartie: Cảm tưởng chung của tôi là đời sống của họ rất khổ cực. Ðôi khi, họ bị giam chung phòng với 20 -30 tù nhân khác.
Trà Mi: Họ được đối xử thế nào? Tốt hay xấu?
Ông Michael Lewis Cromartie: Chúng tôi không ở lâu để biết họ được đối xử ra sao. Nhưng hy vọng là họ không bị ngược đãi, và chúng tôi không thấy có dấu hiệu họ bị ngược đãi. Nhưng chúng ta biết là chẳng mấy dễ thở khi bị nhốt chung với 20-30 người khác.
Trà Mi: Xin cảm ơn ông cám ơn ông Michael Lewis Cromartie, Chủ tịch Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn này.
Các tin, bài liên quan
- Quốc tế kêu gọi Việt Nam trả tự do cho 2 luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân
- Việt Nam đối diện với hình thức vận động dân chủ mới
- Quan điểm bào chữa của Luật sư Trần Lâm cho 2 Luật sư Lê Thị Công Nhân và Nguyễn Văn Đài (phần 2)
- Quan điểm bào chữa của Luật sư Trần Lâm cho 2 Luật sư Lê Thị Công Nhân và Nguyễn Văn Đài (phần 1)
- Liên đoàn Luật sư Quốc tế không nhân được hồi âm từ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
- Trao đổi thư tín với thính giả (ngày 15-11-2007)
- Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê thị Công Nhân sẽ ra toà phúc thẩm vào ngày 27-11 tới đây
- Phản ứng của chính phủ Việt Nam về chuyến viếng thăm của phái đoàn USCIRF
- Quan điểm của Dân biểu Ed Royce về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam