Thành phần nhân sự Ban chấp hành Trung Ương đảng CSVN khóa 10


2006.05.02

Việt Long, phóng viên đài RFA

Thành phần nhân sự trong Ban chấp hành Trung Ương đảng Cộng Sản Việt Nam khóa 10 có nhiều đặc điểm được giới quan sát lưu ý, như số ủy viên quân đội gia tăng, các thứ trửơng ngoại giao không có tên, ba thứ trưởng công an đều vào Trung Ương, tướng công an Lê Hồng Anh xếp hạng nhì danh sách bộ chính trị, nhiều Bộ trưởng không được vào Trung Ương đảng.

LeHongAnh200.jpg
Bộ trưởng Bộ Công An Lê Hồng Anh phát biểu tại một hội nghị ở Hà Nội hôm 23-9-2003. AFP PHOTO

Nhà phân tích thời cuộc ở Việt Nam, ông Hoàng Thanh Phong, nêu những nhận định của ông về sự kiện này trong cuộc phỏng vấn với Việt Long sau đây.

Việt Long: Sự sắp xếp nhân sự ĐH 10 cho thấy số uỷ viên Ban chấp hành Trung Ương đang công tác trong chính phủ giảm từ 34 người trong khoá 9 còn 28 người, trong Quốc hội giảm từ 6 còn 3, trong khi uỷ viên từ quân đội tăng từ 5 người thành 18, khối địa phương vẫn giữ nguyên tỉ lệ 43. Sự kiện này có ý nghĩa gì?

Hoàng Thanh Phong: Trong thực tế thì tổng số uỷ viên Ban chấp hành Trung Ương không có thay đổi đáng kể, và vì hiện nay bộ máy chính quyền đang trong thời gian chuyển tiếp, nhiều người tới đây sẽ được bổ nhiệm các vị trí mới, cho nên ngay lúc này chúng ta chưa thể nói là số uỷ viên Trung Ương đảng có chân trong chính phủ sẽ bị giảm đi.

Tôi xin nói với ông là về nguyên tắc, thì tất cả các vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước, tức là bao gồm các vị trí trọng yếu từ hệ thống chính quyền Trung Ương xuống đến các địa phương, thì đều phải do các uỷ viên Trung Ương đảng nắm giữ. Tuy nhiên ngay lúc này thì chúng tôi có thể khẳng định là số uỷ viên Trung Ương từ quân đội đã tăng lên vì hai lý do:

1) Theo báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung Ương mới, thì tình hình trong nước và quốc tế trong những năm tới đây sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, trong khi Việt Nam tăng cường phát triển kinh tế, thì đất nước cũng phải tăng cường khả năng quốc phòng, cũng có nghĩa là tăng cường công tác giám sát của các uỷ viên Trung Ương của ngành quân đội, và

Bạn nghĩ gì về nhận định này? Xin email về Vietweb@rfa.org

2) Quân đội vốn có truyền thống là trong sạch và có kỷ luật, đang đòi hỏi họ có vị trí lớn hơn trong việc tăng cường công tác đấu tranh chống tham nhũng, một công tác đang có nhiều thách thức và không dễ thực hiện.

Có một lý do nữa cho sự tăng cường vai trò của phe quân nhân là vì tới đây trong quân đội Việt Nam cũng có các thay đổi quan trọng: đó là sau nhiều năm áp dụng chế độ lãnh đạo một thủ trưởng, theo mô hình có thể nói là của Liên xô trước đây hay Nga hiện nay, thì từ nay các đơn vị quân đội Việt Nam sẽ trở lại cơ chế có chính trị viên, có nghĩa là có hai thủ trưởng - thủ trưởng hành chính và thủ trưởng chính trị, từ các cấp đại đội trở lên.

Đây sẽ là sự thay đổi rất quan trọng, cho thấy là đảng cộng sản đã nhận ra điểm yếu của giáo dục chính trị trong quân đội. Trong các thảo luận tại đại hội đảng vừa qua thì cũng có ý kiến là kể từ nay thì Việt Nam nên áp dụng nghiêm ngặt chế độ nghĩa vụ quân sự 18 tháng, để có thể đưa càng nhiều càng tốt thanh niên qua huấn luyện và giáo dục quân sự, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến giáo dục ý thức chính trị cộng sản.

Việt Long: Tại sao ba thứ trưởng của bộ Công An được bầu vào Trung Ương, trong khi bộ ngoại giao không có ai được vào Trung Ương mới, cả 8 người được Trung Ương 9 đề cử trong đó có 3 thứ trưởng ngoại giao đều về vườn hết?

Hoàng Thanh Phong: Lý do ba ông thứ trưỏng công an được bầu là vì tới đây sẽ có thể thành lập thêm bộ an ninh, và như vậy một ông thứ trưởng - ông Nguyễn Văn Hưởng – có khả năng lên làm bộ trưởng, và một trong hai ông thứ trưởng Nguyễn Khánh Toàn hay Lê Thế Tiệm thì sẽ lên vị trí bộ trưởng công an.

Việc có thêm một hay hai vị trí từ ngành công an không phải là yếu tố quan trọng. Vấn đề là chúng ta thấy bộ máy Trung Ương có sự hiện diện lớn của phe quân dội trong khi phía công an thì ít hơn nhiều. Điều này phản ánh một thực tế là lực lượng quân đội ở Việt Nam có vị trí rất trung tâm, tất cả mọi sắp đặt nhân sự ở Việt Nam vẫn đều do các lãnh đạo cao cấp dàn xếp, và trong đó thì quân đội vân luôn dành được các vị trí chủ chốt nhất.

Còn việc các ông thứ trưởng ngoại giao đều không được bầu vào Trung Ương thì có lý do chính là các đại biểu đã đưa ra tiêu chuẩn về tuổi, có nghĩa là ai quá tuổi thì không được chọn. Vì tiêu chuẩn tuổi này thì Ban chấp hành Trung Ương khoá 10 đã không thể đề cử được ai trong ba ông thứ trưởng được coi là có kinh nghiệm hiện nay là Lê văn Bàng, Nguyễn Phú Bình và Lê Công Phụng, trong đó ông Phú Bình được coi là trẻ nhất thì cũng đã 56 tuổi, quá tuổi quy định để được chọn vào Trung Ương lần đầu là 55.

Một lý do cho sự sắp xếp nhân sự cho ngành ngoại giao là Việt Nam sẽ đổi mới nội dung hoạt động ngoại giao với định hướng từ nay ngoại giao sẽ gắn liền với phát triển kinh tế và thương mại, có nghĩa là sẽ có một sự thay đổi rất cơ bản về tiêu chuẩn cán bộ ngoại giao. Chính bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Dy Niên mới đây đã thừa nhận ông ta là một nhà ngoại giao mang nặng bản tính văn hoá, không phải kinh tế, là điều mà Việt Nam sẽ rất cần khi đất nước hội nhập sâu hơn với hệ thống kinh tế thế giới qua WTO.

Việt Long: Các bộ trưởng bưu chính viễn thông, thuỷ sản, nội vụ cũng đểu không được bầu lại. Tại sao?

Hoàng Thanh Phong: Các ông bộ trưởng Bưu chính viễn thông là Đỗ Trung Tá, bộ Thủy sản là Tạ Quang Ngọc, và bộ Nội vụ là Đỗ Quang Trung thì cả ba đều đã quá tuổi quy định là 60 đối với người muốn tiếp tục tái cử, vì ông Tá thì nay 61 tuổi, ông Ngọc thì 62 và ông Trung thì vừa bước sang tuổi 61 vì ông ta sinh tháng Giêng năm 1946.

Party10Leaders200.jpg
Ông Nông Đức Mạnh (giữa), Trần Đức Lương (trái) và Phan Văn Khải (phải) tham dự buổi khai mạc Đại hội 10 tại Hà Nội hôm 18-4-2006. AFP PHOTO/HOANG DINH NAM

Trường hợp ông Đỗ quang Trung thì còn có lý do là khi bỏ phiêu tín nhiệm thì ông không đạt số quá bán vì có nghi vấn ông ta đã dính dáng đến chuyện chạy chức quyền trong thời gian vừa qua. Theo sự đánh giá của ông Phạm Thế Duyệt, hiện là chủ tịch Mặt trận Tố quốc, thì đại hội nên chọn những người còn trẻ vì họ còn có thể làm việc được lâu dài.

Việt Long: Ít ai dự kiến ông Lê Hồng Anh sẽ làm chủ tịch nước, nhưng tại sao ông Anh lại ở vị trí thứ nhì trong danh sách bộ chính trị, chỉ sau TBT Nông Đức Mạnh?

Hoàng Thanh Phong: Đối với ông Lê Hồng Anh, thì sự sắp đặt vị trí thứ 2 trong danh sách công bố sau đại hội không có nghĩa là ông ta sẽ giữ vị trí chủ tịch nước. Như có lần tôi đã nói, vị trí của các quan chức an ninh cao cấp như ông Lê Hồng Anh hiện vẫn chưa rõ ràng, vì Bộ chính trị mới chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Hiện Bộ chính trị đang xem xét khả năng thành lập một cơ quan có chức năng tương tự như một Uỷ ban an ninh nhà nước, để phối hợp các thông tin của cả hai ngành an ninh quân đội và công an.

Việt Long: Cuối cùng, ông vui lòng cho biết sau đại hội 10 người dân trong nước có suy nghĩ gì? Có không khí phấn khởi về việc vị trí TBT được giao cho ông Nông Đức Mạnh không, như báo chí trong nước tường trình?

Hoàng Thanh Phong: Kết quả của đại hội đã mang lại một sự hụt hẫng đối với nhiều người. Mặc dù tiêu để của đại hội là Dân chủ và Đổi mới, nhưng sự hụt hẫng lớn nhất chính là sự thiếu dân chủ của đại hội. Công chúng cũng đã thất vọng vì trong thành phần Bộ chính trị không có gương mặt nào đã biểu lộ khả năng sẽ đáp ứng được các thách thức của Việt Nam trong thời gian tới.

Trong Bộ chính trị, thì nay ông Mạnh có vị trí rất nổi bật, khác hẳn với khóa trước trong đó ông Mạnh có vị trí khiêm tốn bên cạnh các vị như Nguyễn Văn An, Phan văn Khải hay Phan Diễn. Với rất ít thành tích trong thời gian vừa qua, nay ông Mạnh lại đứng ở vị trí cao nhất, thì việc công chúng trong nước ít có hy vọng là ông Mạnh có thể tạo ra các bước tiến đột phá trong thời gian tới là điều có thể hiểu được.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.