Trà Mi, phóng viên đài RFA
Trong thông cáo báo chí phát hành hôm qua, Tổ chức Giám sát Nhân quyền quốc tế tức Human Rights Watch lên án và kêu gọi chính quyền Việt Nam phải ngưng ngay các cuộc tấn công theo kiểu “cách mạng văn hoá” ở Trung Quốc những năm 1960 đối với nhà đấu tranh dân chủ Hoàng Minh Chính. Nội dung chính của bản thông cáo là gì?

Tổ chức phi chính phủ này dự định sẽ có những hành động gì kế tiếp để bảo vệ cho ông Chính cùng nhiều nhà bất đồng chính kiến khác đang bị sách nhiễu tại Việt Nam? Trà Mi trao đổi với ông Brad Adams, giám đốc chuyên trách bộ phận Châu Á trong tổ chức này để tìm hiểu thêm. Trước tiên, ông Adams nêu lên nhận xét của mình.
Brad Adams: Chẳng lý do gì phải e ngại 1 người đàn ông đã 83 tuổi chỉ vì ông ta nêu lên quan điểm của mình. Chẳng có lý gì phải điều động đám đông tới quấy phá nhà cửa và hành hung để đe doạ gia đình ông ta.
Ông ta chỉ suy nghĩ và nói lên những điều mà hầu như mọi người Việt Nam đều thừa nhận là sự thật. Đó là những vấn đề cũng như tình trạng tham nhũng nghiêm trọng trong nội bộ đảng cộng sản. Đó là ở Việt Nam không có tự do chính trị vì đảng cộng sản Việt Nam không muốn chia sẻ quyền lực với bất kỳ đảng phái nào.
Chính phủ Việt Nam cho tới thời buổi này vẫn còn những hành động như hồi 1975 khi họ mới lên nắm quyền, chứ không phải là 2005 nữa. Đã 30 năm nắm chính quyền rồi, lẽ ra họ không nên lo sợ trước những lời lẽ của một cụ già cao tuổi mới phải.
Trà Mi: Nhưng điều gì khiến Tổ chức Giám sát nhân quyền nghĩ rằng những hành động quấy rối, sách nhiễu đối với gia đình ông Hoàng Minh Chính là do chính quyền gây nên?
Chẳng lý do gì phải e ngại 1 người đàn ông đã 83 tuổi chỉ vì ông ta nêu lên quan điểm của mình. Chẳng có lý gì phải điều động đám đông tới quấy phá nhà cửa và hành hung để đe doạ gia đình ông ta.
Brad Adams: Nếu ai hiểu rõ về Việt Nam sẽ biết rằng không thể nào có chuyện để cho đám đông hàng trăm người xúm vào đập phá nhà cửa và hành hung người ta trong khi lực lượng công an lại thản nhiên đứng xem như thế, trừ khi đám đông đó được chính quyền chính thức điều động và cho phép.
Chẳng có lý gì lực lượng an ninh lại để cho cả trăm người ngang nhiên hành xử bạo động như thế mà không mảy may can thiệp. Thông thường là họ đã xông vào ngăn cản và bắt giữ người ta rồi.
Trà Mi: Thế nhưng ông có nghĩ là sự quan tâm và những lời cảnh cáo từ cộng đồng quốc tế sẽ có tác dụng gì chăng?
Brad Adams: Theo tôi thì có tác động chứ, nhưng tôi không nghĩ là những phản ứng từ cộng đồng quốc tế đã đủ mạnh mẽ, nhất là từ những quốc gia ủng hộ Việt Nam. Năm ngoái, các nhà tài trợ song phương và đa phương đã dành cho Việt Nam 3,4 tỷ mỹ kim viện trợ, và khoản cam kết năm nay đã vượt cao hơn mức đó.
Các nước ấy để tâm đến lĩnh vực dân sinh, xoá đói giảm nghèo cho Việt Nam nhưng lại không chú tâm đến vấn đề nhân quyền tại đây. Lẽ ra họ nên hiểu rằng tất cả các sự ủng hộ và giúp đỡ phải dựa trên nền tảng rằng quốc gia ấy có chịu trở thành một hội viên của cộng đồng quốc tế và đáp ứng đúng những chuẩn mực cần thiết tối thiểu hay không.
Tôi muốn nói rằng những gì các quốc gia tiên tiến không chấp nhận ở xứ họ thì cũng không nên chấp nhận cho nó xảy ra ở Việt Nam. Ví dụ như các nước Châu Âu. Họ không chấp nhận cách hành xử bạo ngược như thế xảy ra tại Bỉ, Anh, hay Pháp. Thế nhưng tôi không hiểu vì sao họ lại không gióng tiếng lớn hơn khi điều này diễn ra tại Việt Nam.
Những gì đã xảy ra với ông HMChính, theo tôi, là điều đáng xấu hổ không những cho Việt Nam mà cho cả những quốc gia ủng hộ và bè bạn. Và tôi mong rằng quốc tế sẽ tiếp tục tranh đấu và phản ứng trước sự việc này.
Người đàn ông lớn tuổi đáng thương ấy chỉ nói lên những điều không hợp ý với chính phủ Việt Nam mà bị quy tội là kẻ phản quốc. Những người cầm quyền Việt Nam bực tức và lo sợ rằng ông ấy bêu xấu hình ảnh Việt Nam với quốc tế, nhưng sự thật, chính họ tự làm xấu hình ảnh của mình qua những gì đã đối đãi với ông ta.
Trà Mi: Tổ chức Giám sát nhân quyền dự định sẽ làm gì để bảo vệ ông HMChính và những nhà đấu tranh dân chủ khác tại Việt Nam?
Những gì đã xảy ra với ông HMChính, theo tôi, là điều đáng xấu hổ không những cho Việt Nam mà cho cả những quốc gia ủng hộ và bè bạn. Và tôi mong rằng quốc tế sẽ tiếp tục tranh đấu và phản ứng trước sự việc này.
Brad Adams: Chúng tôi sẽ tiếp tục nêu lên vấn đề và gióng tiếng lớn hơn nữa. Dĩ nhiên, chúng tôi không thể trực tiếp bảo vệ những nhà bất đồng chính kiến, nhưng với cách hành xử vi phạm nhân quyền của chính phủ Việt Nam như thế, Tổ chức Giám sát nhân quyền quốc tế sẽ có những phản ứng khiến cho giới hữu trách Việt Nam không hài lòng.
Nhà nước Việt Nam nên hiểu rằng bản thông cáo của chúng tôi đã tới tay rất nhiều thành viên trong quốc hội Mỹ và quốc hội Châu Âu, và họ xem xét vấn đề rất nghiêm túc.
Trà Mi: Ông nghĩ chuyến thăm Việt Nam của dân biểu Hoa Kỳ Chris Smith có tác động như thế nào đối với những sự việc như thế này?
Brad Adams: Tôi nghĩ là lời phát biểu của dân biểu Smith rất mạnh mẽ và thực tế rằng tình trạng nhân quyền tại Việt Nam rất tệ. Khi chính phủ Việt Nam nghĩ tới những sự ủng hộ, viện trợ mọi mặt từ nước ngoài, thì hãy xem xét việc cải thiện nhân quyền trong nước trước đã.
Trà Mi: Phía Việt Nam vẫn không thừa nhận những lời lên án vi phạm nhân quyền, thế thì những sự chỉ trích, tố cáo từ bên ngoài liệu sẽ gây biến chuyển gì chăng, thưa ông? Brad Adams: Dĩ nhiên không thể qua 1 đêm mà đảng cộng sản Việt Nam thừa nhận những sai trái của mình và chấp nhận đa nguyên đa đảng. Biến chuyển hay không tùy thuộc vào chính những áp lực bên trong nội bộ, hoặc từ người dân Việt Nam, hoặc từ những đảng viên nhìn ra những sai lầm, tiêu cực của đảng mà đấu tranh để thay đổi.
Hầu hết những người Việt Nam mà tôi có dịp trò chuyện đều tỏ ra không hài lòng với bộ máy chính trị trong nước và mong muốn có sự thay đổi, nhưng họ chẳng có quyền hạn gì để làm được điều đó cả.
Trà Mi: Chân thành cảm ơn thời gian ông đã dành cho cuộc phỏng vấn hôm nay.
Quý vị vừa nghe cuộc trao đổi giữa Trà Mi với ông Brad Adams, giám đốc phụ trách bộ phận Châu Á trong tổ chức Giám sát Nhân quyền Quốc tế tức Human Rights Watch, liên quan đến lời tố cáo của tổ chức này trước việc chính phủ Việt Nam sách nhiễu nhà đấu tranh dân chủ Hoàng Minh Chính khi ông từ Mỹ trở về.