Ý nghĩa của những hoạt động nội bộ và ngoại giao của Việt Nam trong tháng qua


2005.12.18

Việt Long, phóng viên đài RFA

Tin tức từ Việt Nam cho hay những hoạt động nội bộ và ngoại giao của Việt Nam trong tháng qua còn mang những ý nghĩa quan trọng về nhân sự và kinh tế. Mời quý vị nghe thêm chi tiết qua cuộc phỏng vấn của Việt Long với ông Hoàng Thanh Phong, một chuyên viên kinh tế đang làm vịêc trong nước, và là người am tường thời cuộc ở Việt Nam.

VoVanKiet200.jpg
Những nhân vật hàng đầu của đảng CSVN. AFP PHOTO

Việt Long: Trong những ngày gần đây Nhà nước Việt Nam đang có nhiều hoạt động mà có thể nói là khá quan trọng, như tổng kết các kế hoạch phát triển kinh tế, tổ chức các đại hội đảng bộ ở các địa phương và tham gia một loạt các hội nghị quốc tế, như Hội nghị Thượng đỉnh Asean cộng ba và sau đó là thuợng đỉnh Đông Á, rồi phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại đi Singapore. Ông vui lòng cho biết có vấn đề gì đáng chú ý qua những hoạt động đó?

Hoàng Thanh Phong: Thưa ông, như ông đã thấy, cuối năm thì thường là thời điểm quan trọng để dành cho các hoạt động tổng kết. Nhất là đây lại là thời điểm của cả một kế hoạch 5 năm, cho nên chính quyền Việt Nam chắc chắn là rất bận rộn. Tuy nhiên, hiện đang có một số diễn biến khác rất đáng chú ý ở Việt Nam, không chỉ nằm trong những sự kiện mà ông đã nêu ra.

Thứ nhất, đó là toàn bộ hệ thống chính trị ở Việt Nam đang tập trung cao độ cho việc lựa chọn nhân sự. Việc lựa chọn này cho đến nay vẫn chưa kết thúc vì vẫn còn phụ thuộc vào một số yếu tố mà không hoàn toàn nằm ở ngay Hà Nội.

Thứ hai, dù cho Việt Nam có lựa chọn một ban lãnh đạo thế nào, thì Chính quyền Việt Nam cũng đang phải cố gắng để đưa nền kinh tế tiếp tục phát triển theo chiều hướng mà Nhà nước sẽ tiếp tục nắm giữ và hoàn toàn kiểm soát được các hoạt động kinh tế.

Và thứ ba là Chính quyền Việt Nam đang cố gắng xây dựng các quan hệ đối ngoại mới để có thể tiếp tục tiến trình mở của kinh tế trong trường hợp Việt Nam sẽ không thể sớm gia nhập WTO trong 2006.

Cuối năm thì thường là thời điểm quan trọng để dành cho các hoạt động tổng kết. Nhất là đây lại là thời điểm của cả một kế hoạch 5 năm, cho nên chính quyền Việt Nam chắc chắn là rất bận rộn. Tuy nhiên, hiện đang có một số diễn biến khác rất đáng chú ý ở Việt Nam, không chỉ nằm trong những sự kiện mà ông đã nêu ra.

Việt Long: Xin đi vào chi tiết ?

Hoàng Thanh Phong: Về điểm thứ nhất, thì việc quyết định nhân sự chủ chốt sẽ phải được quyết định do Hội nghị trung ương 13 mà dự kiến sẽ họp trong tháng giêng tới đây. Theo như dự kiến trước đây thì ông Nguyễn Minh Triết có thể là một ứng cử viên vào vị trí Tổng bí thư, nhưng Đại hội đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh tuần trước đã tái bầu ông ta là Bí thư thành uỷ, như vậy vị trí tổng bí thư cho đến nay vẫn chưa quyết định được.

Trong khi đó thì vị trí Thủ tướng thì vẫn chưa ngã ngũ. Dư luận trong nước thì cho rằng ông Nguyến Tấn Dũng, mà có lập trường được coi là thân Trung Quốc, thì đang thắng thế, vì gần đây ông Dũng đã thường xuyên xuất hiện tại các vị trí quan trọng. Trong khi ông Vũ Khoan, mà cũng là một khuôn mặt rất sáng giá, lại chỉ xuât hiện tại một diễn đàn quan trọng duy nhất là Hội nghị của các nhà tài trợ nước ngoài mà rất thành công về phương diện thu hút sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Như vậy, ai trong số hai ông này sẽ thắng thế vẫn chưa xác định.

Việt Long: Như vậy liệu việc lựa chọn này có phải hoàn toàn do Hà Nội quyết định không?

Hoàng Thanh Phong: Tất nhiên là Hà Nội quyết định nhưng không phải là không có thêm những yếu tố từ bên ngoài. Chính quyển ở Hà Nội cũng nhận thức được là họ cần sự ủng hộ của quốc tế, trong đó Trung Quốc và Mỹ là hai đối tác quan trọng, cho nên việc ông Tấn Dũng hay ông Vũ Khoan lên rõ ràng là có sự tác động của Bắc Kinh hay Washington.

Một chỉ dấu là trong hai tuần qua thì đã có hai đoàn dân biểu Mỹ đến Việt Nam – đoàn do ông hạ nghị sĩ Smith đến thì nhấn mạnh đến chuyện nhân quyền, với tuyên bố ràng buộc việc Việt Nam vào WTO với các vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo, trong khi một đoàn khác gồm 7 ông thượng nghị sĩ đến Hà Nội tuần này – đây là đoàn quốc hội Mỹ lớn nhất thăm Việt Nam từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao từ 1995 - thì lại nhấn mạnh đến thương mại và tuyên bố sẽ ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO.

Như vậy có thể thấy là thông điệp cây gậy và củ cà rốt của phía Mỹ đang được phía Việt Nam nghiên cứu, và nếu Việt Nam không muốn loại bỏ các ảnh hưởng quan trọng của Mỹ ở Việt Nam thì Việt Nam sẽ phải có tín hiệu rất cụ thể trong thời gian tới.

Việt Long: Thế về điểm thứ hai, là đưa nền kinh tế phát triển nhưng Nhà nước sẽ tiếp tục nắm giữ và hoàn toàn kiểm soát?

Hoàng Thanh Phong: Thưa ông, Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đi Singapore trong ba ngày 5-6-7 tháng 12 để ký một văn kiện hết sức quan trọng với tên gọi là Thoả thuận khung cho kết nối hai nền kinh tế. Thực chất thì đây là một bước mở cửa một số khu vực kinh tế quan trọng của Việt Nam cho các nhà đầu tư Singapore, thí dụ như mở cửa ngành dịch vụ viễn thông, hàng không và ngân hàng cho các công ty ở Sing, trong đó chủ yếu là với tập đoàn Temasek của Chính phủ Sing.

Trong hai tuần qua thì đã có hai đoàn dân biểu Mỹ đến Việt Nam – đoàn do ông hạ nghị sĩ Smith đến thì nhấn mạnh đến chuyện nhân quyền, với tuyên bố ràng buộc việc Việt Nam vào WTO với các vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo, trong khi một đoàn khác gồm 7 ông thượng nghị sĩ đến Hà Nội tuần này – đây là đoàn quốc hội Mỹ lớn nhất thăm Việt Nam từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao từ 1995 - thì lại nhấn mạnh đến thương mại và tuyên bố sẽ ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO.

Việt Long: Có điều gì đặc biệt trong sự việc này, trong khi Việt Nam không chịu mở của cho các công ty Mỹ theo như họ hứa hẹn trong các cuộc hội đàm gia nhập WTO với Mỹ, mà lại nhân nhượng với Singapore ?

Hoàng Thanh Phong: Thưa ông, đây không hẳn là sự nhân nhượng về kinh tế đâu. Việt Nam lâu nay rất muốn tìm kiếm một mô hình phát triển kinh tế trong đó phải bảo đảm được quyền lợi lâu dài của cơ chế một đảng, và trong trường hợp này thì mô hình Singapore là khá lý tưởng cho họ thưa ông. Thêm vào đó việc mở một số khu vực kinh tế có thể nói là quan trọng cho phía Sing cũng có thể được coi là một tín hiệu cho cả Trung Quốc lẫn Mỹ là Việt Nam vẫn chưa để cho Mỹ vào lúc này.

Việt Long: Thế ngoài các quan hệ với Mỹ và Trung Quốc thì Việt Nam sẽ có các nỗ lực gì?

Hoàng Thanh Phong: Thưa ông, sau khi không thể gia nhập WTO trong năm nay, mà Việt Nam thì đã công khai đổ lỗi cho phía Mỹ, thì Việt Nam không còn thấy sự khích lệ để đẩy mạnh các nỗ lực với phía Mỹ. Đặc biệt, với chuyến thăm Việt Nam của ông dân biểu Smith, thì đã có sự phản ứng rất mạnh trong chính giớI Việt Nam.

Tôi được biết rằng ban lãnh đạo Việt Nam thấy cần phải có sự chuẩn bị tốt hơn để có thể vựơt qua các khó khăn nếu Việt Nam không vào được WTO, và đó chính là lý do phía Việt Nam đã tận dụng tối đa các cơ hội ở các Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN trong tuần qua để xây dựng các quan hệ kinh tế thương mại với các nước trong khu vực.

Cần phải nhấn mạnh là nếu Việt Nam không gia nhập được WTO trong năm 2006 thì theo ước tính của Bộ thương mại ở Hà Nội, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ cũng sẽ vẫn chiếm tỷ trọng khoảng 1/7 của tổng xuất khẩu của Việt Nam, tức là không thay đổi so với năm nay, cũng có nghĩa là quan hệ thương mại song phương sẽ không tụt lùi.

Việt Long: Những điều ông vừa trình bày cho thấy dừờng như giới lãnh đạo Việt Nam dọn đường cho phía thân Trung Quốc nắm quyền, hay đó là những tín hiệu để phía Mỹ nhân nhượng hơn?

Hoàng Thanh Phong: Các phe phái ở Việt Nam vẫn đang chờ một hành động cụ thể hơn của phía Mỹ trước khi họ thoả thuận xong việc phân chia quyền lực, và họ muốn thấy sự ủng hộ của Mỹ bằng việc làm cụ thể, vì nếu như phía Mỹ trao cho VN quy chế thương mại bình thường vĩnh viển để mở đường cho Việt Nam gia nhập WTO trong nửa đầu 2006, thì có thể sẽ có một sự thay đổi rất lớn trong nhân sự của Đại hội đảng, mà dự kiến sẽ họp trong tháng 5 hay tháng 6, thưa ông.

Việt Long: Vậy là vấn đề nhân sự còn có thể có thay đổi vào phút chót?

Hoàng Thanh Phong: Thực tế là như vậy. Phe thân Mỹ ở Việt Nam vẫn còn mạnh, và họ còn đang chờ một tín hiệu thụận lợi để có thể giành được những vị trí xứng đáng hơn trong các chức vụ lãnh đạo ở Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.