Nông dân Nam bộ đòi lũ


2005.10.28

Lê Dân, phóng viên đài RFA

Chuyện chính quyền trung ương ra lệnh cho các địa phương ở Nam Bộ phải nhanh chóng xây bờ bao kiên cố giúp dân tránh lũ lụt xem chừng rất hợp lý. Tuy nhiên có nhiều trường hợp người nông dân lại không đồng tình với giải pháp đó.

FarmerWatering150.jpg
Nông dân tưới bón phần ruộng của mình. AFP PHOTO

Mùa lúa vừa rồi, một nông dân trong vùng bờ bao kiên cố ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, đã lén khui đê xả nước lũ vào ruộng của mình để lấy phù sa.

Chỉ trong một đêm, sức nước quá mạnh đã làm ngập trắng nhiều vùng đất khác tại các xã An Thạnh Trung, Mỹ Luông, Hòa An....khiến chính quyền các cấp địa phương phải cuống quít chống lụt.

Nghịch lý nhưng lại "thuận nhĩ"

Chuyện nghe có vẻ nghịch lý nhưng lại "thuận nhĩ" hàng chục, hay có khi hàng trăm ngàn người dân Nam Bộ vì họ sinh ra và lớn lên trên vùng đất mỗi năm lụt lội. Họ đã quen với nhà sàn, với lúa xạ, hễ nước dâng cao đến đâu thì cây lúa vươn cao đến đó.

Không những các nông gia từng nhiều năm miệt mài trên đồng lúa mới trân quý giá trị của giòng nước lụt hàng năm do sông Cửu Long mang lại, mà ngay các em học sinh miền Nam cũng nhận thức được điều này. Một nữ sinh tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, khi được chúng tôi hỏi về sản lượng lúa trong vùng bờ bao càng năm càng xuống thấp thì em cho biết lý do: "Tốt thì không tốt gì mấy, vì không bằng lúc có nước, có phù sa vô."

Nhiều người dân miền Nam phải sống trong vùng đê bao chống lũ đã bặm gan len lỏi ra ngoài đê nhằm tìm cách mưu sinh. Phổ cập nhất là quây lưới làm vèo nuôi cá giống. Một vèo rộng mấy chục mét vuông cũng có thể làm ra hơn 3 triệu đồng một vụ cá. Họ khẳng định là nuôi cá trong giòng nước lũ đã ít bệnh, mà lại còn đỡ tốn thức ăn.

Dân trồng lúa cũng ngậm ngùi kể lại là sống trong đê bao, chi phí phân bón, thuốc sâu rầy cho lúa mỗi năm tăng càng nhiều, trong khi sản lượng lại giảm. Mùa lũ Nam Bộ cũng là thời vụ phát đạt của các nghề đóng xuồng, đan lợp, lưới cá, làm mắm, làm khô......

Khi còn nước lụt, nông dân Nam Bộ trồng lúa đạt năng suất xấp xỉ 350 giạ mỗi hếcta một vụ, thậm chí còn được tới 400 giạ trong vụ Đông-Xuân. Bây giờ có bờ bao, khỏi lụt lội, nhưng năng suất chỉ còn hơn 200 giạ là đã mừng lắm, vì chuột bọ phá nhiều, mà sâu rầy cũng tung hoành hơn trước.

Một nông dân trong huyện Chợ Mới tỉnh An Giang cho biết khi còn làm hai vụ chỉ với một công ruộng trong vùng lũ lụt có phù sa, ông chỉ cần bón hơn nửa bao phân và hầu như không phải xịt thuốc trừ sâu rầy gì.

Năng suất giảm, chi phí tăng

Bây giờ cũng một công ruộng, nhưng trong vùng có đê bao, mỗi vụ ông phải bón ít nhất trên một bao phân, tốn 260 ngàn đồng, 3 lần xịt thuốc trừ ốc tốn 50 ngàn, 2 lần xịt thuốc trừ sâu lá 15 ngàn, 3 lần xịt dưỡng tốn 80 ngàn, 2 lần xịt cỏ tốn 20 ngàn và 2 lần cày xới tốn 60 ngàn.....

Kết quả cuộc nghiên cứu của viện đại học An Giang cho thấy từ khi có đê bao thì sau hai năm năng suất lúa Đông-Xuân giảm trên 7 tạ một hếcta, vụ Hè-Thu giảm trên 3 tạ. Sau bốn năm năng suất vụ Đông-Xuân giảm gần 11 tạ và vụ Hè-Thu giảm gần 2 tạ rưỡi một hếcta.

Những con số đó còn giảm không ngừng, cộng thêm chi phí bảo dưỡng đất mỗi năm càng tăng theo. Tình trạng đó cho thấy chủ trương xây dựng đê bao kiên cố chống lũ lụt tại miền Nam nếu thiếu nghiên cứu thì không mang lại lợi ích mong muốn.

Trong khi đó, đê bao chống lũ cũng làm tăng tình trạng ô nhiễm do đất không được nước lụt cải tạo, bồi đắp. Từ năm 2001 tại huyện Chợ Mới, chỉ tiêu Ammoniac đã lên cao gấp 10 lần tiêu chuẩn môi trường. Một số vi sinh, cùng các chất đạm, phosphore tổng hợp cũng ngày một tăng cao do nhu cầu tưới bón của nông dân trong vùng không còn bị lũ lụt.

Tình trạng đó chắc chắn sẽ kéo theo hiện tượng phú dưỡng khiến các loài tảo phát triển mạnh làm nước bị hôi thối, giảm chất lượng nước cần để sinh hoạt và tác động tiêu cực đến các loài tôm cá.

Bà Phan Bạch Tuyết, trưởng phòng Nông nghiệp huyện An Phú, cho báo chí biết "lũ là đặc sản trời cho. Năm nào không có lũ thì dân sinh xìu lắm, chợ búa ế ẩm, vụ lúa kế tiếp sẽ khó trúng....."

Vấn đề khắc phục đã được chính quyền các địa phương nêu lên, chẳng hạn như sẽ đưa nước lũ lụt trở lại đồng ruộng như cũ, khai thác tài nguyên nước nổi với sự hỗ trợ của ngân hàng....Vấn đề gây bức xúc là khi mới phát động làm đê bao triệt để chống nước lụt, dân được hô hào đóng góp hàng chục tỷ đồng và vô số ngày công. Giờ đây ai sẽ chịu trách nhiệm khi "mèo lại hoàn mèo"?

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.