Trà Mi, phóng viên đài RFA
Trong buổi điều trần về tình hình tự do tôn giáo và nhân quyền của Việt Nam diễn ra tại Hạ Viện Hoa Kỳ hồi tuần trước, các diễn giả tham dự đều chia sẻ một nhận định chung rằng mặc dù có nhiều tiến bộ, nhưng chính quyền Hà Nội vẫn chưa hoàn toàn thực hiện các cam kết với quốc tế hầu tích cực cải thiện hai lĩnh vực này.

Trong thời gian tới, Việt Nam cần phải làm gì để chứng tỏ những nỗ lực của mình hơn nữa? Và Hoa Kỳ dự tính sẽ tiếp tục thúc đẩy chính quyền Hà Nội thực hiện các cam kết về nhân quyền như thế nào?
Mời quý vị theo dõi cuộc trao đổi giữa Trà Mi với một chuyên gia về tự do tôn giáo cho Việt Nam xung quanh đề tài này. Đó là ông Scott Flipse, nhà phân tích chính sách, kiêm giám đốc các chương trình Đông Á thuộc Ủy ban của Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế. Ông Flipse đưa ra quan điểm của mình.
Scott Flipse: Cho tới khi nào Việt Nam chưa thực hiện đầy đủ cam kết chấm dứt sách nhiễu, đàn áp tôn giáo; chưa ban hành những luật lệ rõ ràng xét xử giới chức các cấp vi phạm nhân quyền; cũng như chưa mở rộng công nhận pháp lý đối với các tổ chức tôn giáo ở khu vực Tây nguyên và các tỉnh phía Tây Bắc thì chúng ta hãy nên giữ nguyên tên Việt Nam trong danh sách CPC của năm nay cùng với các nước cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo khác.
Mặc dù có đôi nét tiến bộ, một số cam kết ngoại giao, và một vài dấu hiệu khích lệ chẳng hạn như vài sắc lệnh về tôn giáo được ban hành, song, tất cả những điều này đều diễn ra một cách từ từ. Hoa Kỳ và quốc tế không muốn nghe những lời hứa hảo mà cần thấy những cam kết thực thụ. Nếu chính phủ Việt Nam làm được như vậy thì tôi tin rằng một thời điểm nào đó không xa, Hoa Kỳ sẽ bỏ tên Việt Nam ra khỏi danh sách CPC.
Trà Mi: Nhưng thưa ông nhiều người đặt ra câu hỏi rằng vì sao Hoa Kỳ luôn coi trọng vấn đề tự do tôn giáo và nhân quyền trong mối quan hệ với Việt Nam trong khi nhiều quốc gia khác dường như không mấy quan tâm khi bang giao với Hà Nội? Có ý kiến còn nói đây là một trong những dấu hiệu cho thấy Mỹ muốn chứng tỏ quyền lực trên thế giới bằng cách tạo áp lực và can thiệp vào chuyện nội bộ của các nước khác. Ông nghĩ sao về điều này?
Cho tới khi nào Việt Nam chưa thực hiện đầy đủ cam kết chấm dứt sách nhiễu, đàn áp tôn giáo; chưa ban hành những luật lệ rõ ràng xét xử giới chức các cấp vi phạm nhân quyền; cũng như chưa mở rộng công nhận pháp lý đối với các tổ chức tôn giáo ở khu vực Tây nguyên và các tỉnh phía Tây Bắc thì chúng ta hãy nên giữ nguyên tên Việt Nam trong danh sách CPC của năm nay cùng với các nước cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo khác.
Scott Flipse: Có nhiều vấn đề quan trọng khác trong mối quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ như hợp tác an ninh, kinh tế và trao đổi mậu dịch. Riêng về lĩnh vực nhân quyền, khi Việt Nam đang tìm cách gia nhập Tổ chức mậu dịch thế giới và trở thành một thành viên bình đẳng trong cộng đồng quốc tế thì cần phải coi trọng việc này.
Muốn vào WTO phải tuân theo những quy định đề ra, phải chấp hành những luật chơi công bằng của quốc tế.
Muốn hội nhập với cộng đồng quốc tế cũng vậy, phải tuân thủ công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã tham gia ký kết, trong đó có việc bảo vệ quyền tự do tôn giáo và các quyền cơ bản của con người.
Cho nên, vấn đề đặt ra ở đây không chỉ riêng đối với 1 quốc gia nào cả, mà các nước đều phải có trách nhiệm tuân thủ.
Tôi hy vọng mối quan hệ song phương Việt-Mỹ sẽ được cải thiện tốt đẹp hơn nữa. Chúng ta cần phải vượt qua những trang lịch sử đau thương, nhưng không phải bằng cách bỏ qua các khuyết điểm, đặc biệt là vấn đề vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo trầm trọng tại Việt Nam.
Tóm lại, Washington có rất nhiều mối quan tâm khác trong quan hệ với Hà Nội chứ không phải chỉ riêng về nhân quyền. Thế nhưng, nếu Việt Nam muốn có một mối quan hệ chặt chẽ hơn, tăng cường hợp tác song phương về kinh tế và an ninh hơn nữa thì cần phải nghiêm túc xem xét tới việc cải thiện nhân quyền.
Trà Mi: Hoa Kỳ và quốc tế nhiều lần tố cáo Việt Nam một mặt cam kết sẽ mở rộng tự do tôn giáo và nhân quyền, nhưng mặt khác lại vẫn cứ tiếp tục siết chặt kiểm soát các lĩnh vực này. Cũng như có ý kiến cho rằng nhà cầm quyền Việt Nam chỉ chứng tỏ một vài nỗ lực khi cần thiết để đổi lấy một lợi ích gì đó, hoặc trước 1 sự kiện đặc biệt quan trọng nào đó mà thôi. Thế thì hướng sắp tới, Hoa Kỳ dự định sẽ làm gì nhằm thúc đẩy hơn nữa quá trình cải thiện nhân quyền thực thụ ở Việt Nam? Scott Flipse: E rằng những bước cải thiện nhân quyền và tự do tôn giáo cũng như những cam kết ngoại giao của chính quyền Hà Nội là chỉ nhằm xoa dịu dư luận quốc tế, để Việt Nam dễ dàng bước vào WTO mà thôi. Còn việc thúc đẩy cải thiện nhân quyền tại Việt Nam, tôi nghĩ không chỉ riêng Hoa Kỳ mà cả đôi bên phải cùng nhau quan tâm.
WTO dĩ nhiên sẽ là yếu tố giúp cải thiện quan hệ kinh tế song phương, nhưng quá trình bình thường hoá quan hệ một cách toàn vẹn sẽ dựa vào những tiến bộ trong lĩnh vực nhân quyền và tự do tôn giáo của Việt Nam. Không riêng với Việt Nam mà đối với tất cả các nước trên thế giới Hoa Kỳ đều áp dụng đường lối như vậy.
Trà Mi: Với tư cách là một chuyên gia cao cấp về phân tích chính sách của Ủy ban về Tự do Tôn giáo quốc tế, ông có đề nghị một bản lộ trình khả thi giúp cải thiện tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo của Việt Nam không?
Bạn nghĩ gì về ý kiến này? Xin email về Vietweb@rfa.org
Scott Flipse: Tôi chưa nghĩ đến một lộ trình cụ thể nào. Có nhiều nguyên nhân khiến Việt Nam bị liệt kê vào danh sách CPC, trong đó có việc bắt bớ, giam cầm các tín đồ tôn giáo, sách nhiễu các sinh hoạt tín ngưỡng, từ chối không công nhận quyền tự do thờ phượng, hành đạo của rất nhiều tín đồ Phật giáo, Công giáo, Hoà Hảo, Cao Đài..v..vv…Tất cả những điều này vẫn còn tiếp diễn. Vì vậy, tôi không nghĩ là nên có một bản lộ trình từng điểm, từng điều kiện một, mà điều chắc chắn là Hoa Kỳ không thể bỏ tên Việt Nam ra khỏi danh sách CPC cho tới khi nào các vấn đề nghiêm trọng này được giải quyết và Hà Nội tuân thủ đúng tinh thần Công ước nhân quyền quốc tế đã ký kết.
Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn thời gian ông dành cho buổi nói chuyện ngày hôm nay.
Quý vị vừa nghe cuộc trao đổi giữa Trà Mi với ông Scott Flipse, chuyên gia cao cấp về phân tích chính sách, kiêm giám đốc các chương trình Đông Á, thuộc Ủy ban của Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế. Phần chuyển ngữ do Nguyễn An trình bày.