Việt Nam là một trong 12 nước cải tổ nhanh nhất trong năm qua


2005.09.15

Lê Dân, phóng viên đài RFA

Hôm thứ Ba, Ngân hàng Thế giới công bố kết quả cuộc nghiên cứu thường niên, nhan đề "Kinh doanh vào năm 2006". Điểm đáng chú ý nhất là Việt Nam được nhắc tới rất nhiều lần bởi chủ nhiệm cuộc nghiên cứu, ông Michael Klein, phó chủ tịch Tổ hợp Tài chánh Quốc tế, vốn là tổ chức ngoại vi của Ngân hàng Thế giới.

FordVnInvest150.jpg
Phòng trưng bày xe Ford ở TP. HCM. AFP PHOTO

Tuy là cuộc nghiên cứu của tổ chức ngoại vi thuộc Ngân hàng Thế giới, nhưng kết quả thường được doanh giới quốc tế rất tín nhiệm. Lý do là nó có thể giúp vào phần quyết định trong việc có nên đầu tư vào một nước nào hay không, do môi trường kinh doanh tại đó đang và sẽ ra sao trong thời gian tới.

Nắm bắt được các dự báo đó một cách chính xác, thì công cuộc đầu tư-kinh doanh xem như sẽ thắng lợi hơn một nửa. Nếu không, thứ tưởng tượng là bạn làm ăn tại Sierra Leone và trả đầy đủ các sắc thuế, thì món tiền đó bằng 164% toàn bộ lợi nhuận của công ty. Hay tại Syria, bạn sẽ phải ký quỹ 61,000 đôla để đươc đăng ký kinh doanh, là một món tiền gấp 51 lần lợi tức bình quân của người dân địa phương.

Tệ hơn nữa, tại Mozambique, một doanh nhân phải trải qua 14 tiến trình khác nhau trong 153 ngày thì mới đăng ký kinh doanh được. Tại Lào, thủ tục đó mất 198 ngày, trong khi tại Australia chỉ mất 2 ngày là xong.

Cuộc nghiên cứu do Ngân hàng Thế giới chủ trì cho thấy hiện có rất nhiều nước đã nhìn ra những thiệt hại do nạn quan liêu gây ra, nên đã nỗ lực cải tổ hành chánh và pháp lý. Điển hình nhất là Serbia-Montenegro, một doanh nghiệp mới đã có thể hoạt động chỉ sau 15 ngày nộp đơn xin phép.

Điều đó đã giúp xứ này đứng đầu trong số 12 quốc gia cải tổ nhanh nhất thế giới. Cũng được khen ngợi là Việt Nam, đứng hàng thứ 3 trong danh sách này, chỉ sau Serbia-Montenegro, Gruzia, trên cả những nước thịnh vượng như Đức, Phần Lan và Hà Lan.

Điều này, theo ông Michael Klein, chủ nhiệm cuộc nghiên cứu thăm dò, cho biết không phải là kinh doanh tại Việt Nam thuận lợi hơn là tại Hà Lan. Ông lấy thí dụ như Pháp đứng hàng thứ 93, trong khi Jamaica chiếm hàng 92.

Ông nói: "Không phải như vậy. Tôi khẳng định rõ là một doanh nhân sinh sống và làm ăn tại Pháp vẫn hơn là tại Jamaica. Tuy nhiên điều này có nghĩa là ở Pháp, hệ thống pháp lý và doanh nghiệp còn những điểm cần cải thiện, mà tốc độ thực hiện của họ chậm hơn là của Jamaica..." Cuộc nghiên cứu "Kinh doanh vào năm 2006" đặt căn cứ trên nhận xét của hơn 3,500 chuyên gia, là những nhà tư vấn doanh nghiệp, luật sư, kế toán, giới chức nhà nước và các học giả hàng đầu trên thế giới.

Các lãnh vực được nghiên cứu để dự liệu môi trường kinh doanh ở một nước gồm: khởi sự làm ăn, thuê và đuổi công nhân viên, quá trình thực thi hợp đồng, đăng ký quyền sở hữu, xin tín dụng, bảo vệ nhà đầu tư và đóng cửa doanh nghiệp. Cuộc nghiên cứu được thực hiện ở 155 quốc gia và tăng thêm 3 tiêu chí khác là đăng ký doanh nghiệp, mậu dịch xuyên quốc gia và thuế má.

Những chỉ số mới của năm nay cho thấy nhu cầu cấp thiết phải cải tổ, đặc biệt là ở những nước nghèo. Lý do là các nước này thường có mức thuế và chi phí cao nhất thế giới để tăng thu cho ngân sách. Thế nhưng chủ trương đó thường tạo hiệu ứng ngược, là khiến thêm nhiều doanh gia trốn tránh nghĩa vụ đóng thuế, hoặc quay sang kinh doanh ngầm, và làm chính quyền thất thu thêm.

Liên quan đến Việt Nam, bản nghiên cứu "Kinh doanh vào năm 2006" cho thấy Việt Nam là một trong những nền kinh tế Đông Á đã nỗ lực:

-Bảo vệ đầu tư nước ngoài, cũng giống như Hồng Kông, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia. Thái Lan và Philippines.

-Việt Nam áp dụng việc xác minh điện tử, cắt ngắn thời gian đăng ký kinh doanh được 1 tuần lễ, trong khi Philippines bắt đầu cho đăng ký trên mạng Internet.

-Việt Nam và Indonesia thông qua luật về Phá sản, minh định những quy tắc để đóng cửa các doanh nghiệp thua lỗ, và tái cấu trúc các doanh nghiệp còn có thể cứu chữa được.

-Việt Nam giống Philippines cũng rút ngắn quá trình thực thi hợp đồng qua việc giới hạn thời lượng mà Tòa án phân xử.

Riêng tại vùng Đông Á, ông Michael Klein, chủ nhiệm cuộc nghiên cứu cho biết là ngoài những nước vốn đã có môi trường kinh doanh tiên tiến như Singapore, Hồng Kông, Malaysia và Nam Hàn, còn có những nước cải tổ cũng nhanh không kém như Trung Quốc và Việt Nam.

Cuộc nghiên cứu còn cho thấy cải tổ hành chánh có thể gỡ bỏ nhiều khó khăn, trở ngại trong việc xuất-nhập khẩu. Nhiều người thường cho là hạ tầng cơ sở như bến cảng, cầu đường, yếu kém là trở ngại lớn nhất cho nền thương mại của một quốc gia, nhưng thực tế cho thấy sự yếu kém trong hạ tầng cơ sở "cứng" đó chỉ chiếm chưa tới một phần ba các khó khăn.

Còn trở ngại trong hạ tầng cơ sở "mềm" thì chiếm đa số. Đó là các thủ tục hành chánh quan liêu, rườm rà, quy trình thông quan chậm chạp và sự vòi vĩnh của các "quan tham", mới làm một nền kinh tế trì trệ thật sự.

Điển hình như tại Lào, các nhà nhập khẩu phải mất 78 ngày và 28 chữ ký để hàng của họ từ điểm nhập khẩu về đến trụ sở của doanh nghiệp. Trong khi đó, trung bình trên thế giới, con số này chỉ là 14 ngày mà thôi.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.