Tổng kết tình hình kinh tế Việt Nam năm 2005 (phần 1)

Hoàng Thanh Phong & Việt Long, RFA

Tiếp tục loạt bài nhận định về nền kinh tế Việt Nam trong năm qua, mới qúy vị nghe ý kiến của ông Hoàng Thanh Phong, một chuyên viên kinh tế đang làm việc trong nước. Cuộc phỏng vấn do Việt Long thực hiện.

0:00 / 0:00
moneyEconomic200.jpg
AFP PHOTO

Việt Long: Nền kinh tế Việt Nam được mô tả là thành công trong năm qua. Ông vui lòng cho biết những số liệu tổng quát có thể chứng minh được sự thành công đó?

Hoàng Thanh Phong: Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới và của các chính phủ gần với Việt Nam công bố mới đây, thì với mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến khoảng 8.4%, so với 7.7% năm ngoái. Tổng sản lượng nội địa GDP lên tới $49 tỷ đô la. Ta cần đối chiếu với khu vực, như Philippines có mức tăng trưởng khoảng 5% và GDP khoảng $90 tỷ đô, Malaysia tăng trưởng 5.3%, GDP khoảng $125 tỷ, Thai lan tăng 6.5%, GDP $174 tỷ, riêng Trung Quốc thì tăng 9.3% và GDP tới $1,940 tỷ.

Như vậy so sánh thu nhập bình quân đầu người hằng năm có đìều chỉnh theo giá sinh hoạt ở từng quốc gia, thì hiện người Việt Nam hưởng khỏang $590 đô la, so với Philippines là $1,100, TrungQuốc là $1,380, Thai là $2,630 và Malaysia $5,170/năm.

Việt Long : Kinh tế Việt Nam trong năm qua có đặc điểm nào mà ông cho là đáng lưu ý, mà các nước láng giềng không có?

Hoàng Thanh Phong: Theo tôi thì nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam có mấy con số đáng lưu ý:

- Lượng kiều hối chuyển về được coi là lớn nhất từ trước đến nay, đạt khoảng $4 tỷ, tương đương 8% tổng thu nhập của cả nước.

- Việt Nam bị thâm hụt thương mại khoảng $4.6 triệu đô la, nhưng nhờ có thu nhập ngoại hối cao từ kiều hối và đầu tư nước ngoài, cùng với khu vực dịch vụ thu ngoại tệ được gọi là xuất khẩu tại chỗ, như ngành du lịch và hàng không chẳng hạn, nên năm qua lần đầu tiên Việt Nam có số thặng dư trong cán cân thanh toán thương mại khoảng $1.9 tỷ đô la. Nói đến cán cân trong thị trường vốn thì Ngân hàng Nhà nước cho biết VN có số dư tới $3 tỉ đô la, một con số cao nhất từ trước tới nay.

Việt Long: Những sự kiện nào mà ông cho là quan trọng, có ảnh hửơng quyết định đến nến kinh tế Việt Nam trong năm qua?

Hoàng Thanh Phong: Theo tôi thì những sự kiện đó gồm 6 việc tích cực và 4 sự thất bại. Nêu theo thứ tự thời gian thì có thể lược kê như sau:

1- Thứ nhất là ngay trong tuần đầu tiên của năm 2005, thì các sản phẩm tôm xuất khảu của Việt Nam đã bị bộ Thương mại Mỹ bỏ phiếu đưa vào diện bị áp thuế chống bán phá giá, với thuế suất cao gấp hơn 2 lần trước đó. Mặc dù con số thiệt hại của ngành tôm là không lớn, áp dụng cho cả 2 năm 2004 và 2005 thì ước tính không đến $100 triệu đô la, nhưng đây là sự báo hiệu là từ nay các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối đầu với nhiều vụ kiện khi họ muốn gia tăng xuất khẩu hàng hoá đi Mỹ và các nước khác. Các doanh nghiệp Việt Nam phải chuẩn bị thật đầy đủ về pháp lý khi đất nước muốn gia tăng hội nhập trong kinh tế thế giới. Tương tự, trong năm 2005 các doanh nghiệp Việt Nam còn bị các nước tố cáo là bán phá giá bật lửa (ở EU), xe đạp (ở Canada và EU), đèn huỳnh quang (ở Ai cập) dày dép da (ở EU). Mới đây thì quốc hội Mỹ đã biểu quyết bỏ luật chống phá giá, nhưng diễn tiến còn mới quá, chưa biết được kết quả.

2- Sang tuần thứ 2 của năm, thì Tổ chúc Y tế thế giới bắt đầu cảnh báo là dịch cúm gà sẽ lan rộng ở Việt Nam và Việt Nam cần phải tích cực chuẩn bị để đối phó với một đại dịch mà có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Trong suốt năm qua dịch cúm gà đã hoành hành và gây ra tổng thiệt hại ước tới $250 triệu đô la, bao gồm chi phí cho Nhà nước $150 triệu và thiệt hại của nhân dân $100 triệu.

3-Sự kiện thứ 3 là việc xăng dầu liên tục tăng giá trên thị trường thế giới và đã gây áp lực đẩy giá xăng dầu trong nước lên theo, và đến tháng 3 năm 2005 thì chính phủ VN đã bắt đầu lên giá xăng bán lẻ, gây ra các phản ứng tăng giá nhiều mặt hàng trong nhiều tháng. Chính phủ chịu thiệt hại hơn 20 nghìn tỉ đồng gồm tiền thất thu thuế nhập khẩu xăng dầu và thuế doanh nghiệp cộng với tiền bù lỗ cho các công ty kinh doanh xăng dầu, tức gần bằng 10% tổng chi ngân sách nhà nước, trong khi các doanh nghiệp và dân chúng cũng chịu thiệt hại rất lớn, và tính tổng cộng thì xăng dầu lên giá gây thiệt hại tương đương khoảng 1.5% đến 2% của GDP cả nước.

4- Đầu tháng 6/2005, Việt Nam khánh thành đường hầm qua đèo Hải vân dài 12 kilomét tính cả đường hầm dẫn, sau 5 năm xây dựng, được coi là một sự kiện rất quan trọng vì từ nay thì việc thông thương giữa bắc và nam qua con đèo hiểm trở đã được giảm xuống còn khoảng 10 phút trong an toàn so với mất cả giờ đồng hồ trong nguy hiểm trước đây. Với chi phí đầu tư $150 triệu đô la đây cũng là hầm đèo lớn nhất ở Đông Nam Á.

5- Cũng trong tháng 6, Thủ tướng Phan Văn Khải lần đầu tiên đến Mỹ trong một chuyến thăm lịch sử có nhiều ý nghĩa, với tổng giá trị hợp đồng kinh tế được ký kết giữa Việt Nam và Mỹ đạt tới $1.32 tỉ đô la, cũng là chuyến đi có giá trị hợp đồng kinh tế cao nhất từ trước đến nay của một lãnh đạo Việt Nam. Có hai nội dung có ý nghĩa về kinh tế được hai phía thoả thuận mà vẫn chưa được thực thi, đó là phía Mỹ thì nói sẽ ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO nhưng Việt Nam thì vẫn chưa biết khi nào đạt được, và phía Việt Nam thì cũng chưa tổ chức được các cuộc họp mặt giữa các thành viên của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh Cao cấp của cả doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ như ông Khải đã hứa với tổng thống Bush là sẽ có họp 6 tháng một lần.

6- Cuối tháng 9, thủ tướng Việt Nam công bố quyết định cho phép nâng mức sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài trong các công ty cổ phần của Việt Nam từ 30% lên 49%, và đây là quyết định giúp củng cố lòng tin của các nhà đầu tư nước ngòai là Việt Nam sẽ quyết tâm theo đuổi chính sách kinh tế mở cửa, tạo cơ hội dần dần xoá bỏ đi sự phân biệt đối xử bất lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Kẻ từ khi có quyết định đó, các nhà đầu tư nước ngòai đã tăng cường mua cổ phiếu của nhiều công ty Việt Nam và giá trị thị trường chứng khoán chính thức của Việt Nam đã tăng khoảng 24%, tương đương với khoảng 2 nghìn tỷ đồng, còn nếu tính cả thị trường vốn của các công ty chưa lên sàn thì quyết định số 238 đó của Thủ tướng Phan văn Khải đã giúp thị trường tăng giá trị thêm hơn một tỷ đô la.

Việt Long: Cám ơn ông Hoàng Thanh Phong, tôi e rằng thì giờ của ta hôm nay đã hết, vậy còn bốn sự kiện nữa, ông vui lòng giới thiệu qua để sẽ trình bày vào kỳ phát thanh sau.

Hoàng Thanh Phong: Đó là việc phát hành trái phiếu đầu tư, hai công tác xây dựng có tính cách đầu tư lâu dài cho kinh tế, và sự không may của Việt Nam không vào được Tổ Chức thương mại thế giới.

Việt Long: Mong quý thính giả đón nghe trong buổi phát thanh sau phần tiếp theo của bài tổng kết kinh tế Việt Nam của chuyên viên Hoàng Thanh Phong, hiện đang làm việc trong nước.