Việt Nam sẽ áp dụng mức lương tối thiểu chung cho cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước


2006.03.15

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Vừa chữa cháy vừa hội nhập, chính phủ Việt Nam ráo riết chuẩn bị dự thảo luật về mức lương tối thiểu, áp dụng chung cho cả hai khu vực doanh nghiệp đầu tư nứơc ngoài và nội địa. Liệu khi luật này ra đời vào năm 2007, có giúp chấm dứt làn sóng đình công trái pháp luật hiện nay hay không. Nam Nguyên tường trình.

Tiền lương hay thu nhập nói chung của người lao động là một trong các nguyên nhân khiến công nhân ở Việt Nam liên tiếp đình công trong mấy năm nay.

Gần đây tình trạng này trở nên nghiêm trọng với thực tế đình công xảy ra ở cả doanh nghiệp có yếu tố nứơc ngoài cũng như doanh nghiệp trong nước.

dinhcong200.jpg
Mức lương quá thấp là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng đình công hàng loạt tại các công ty đầu tư ngoại quốc ở Việt Nam thời gian gần đây. Photo courtesy of Nguoi Lao Dong.

Hệ thống 2 mức lương

Hiện nay, nhà nước Việt Nam ấn định hai hệ thống mức lương tối thiểu, áp dụng cho khu vực đầu tư nước ngoài gọi là doanh nghiệp FDI và khu vực doanh nghiệp vốn nội địa 100%. Hai hệ thống về mức lương tối thiểu vừa nói, cách biệt nhau tới gần hai lần rưỡi.

Cụ thể thì ở các doanh nghiệp vốn nước ngoài, mức lương tối thiểu của ngừơi lao động được ấn định theo khu vực, trong khoảng từ 710 ngàn tới 870 ngàn đồng một tháng. Mức lương tối thiểu này được sắp xếp theo giá sinh hoạt đắt đỏ của từng địa phương một.

Thí dụ nội ô Hà Nội-TP.HCM áp dụng mức 870 ngàn đồng, các huyện ngoại thành thì đồng hạng 790 ngàn, tương tự với các quận ở Hải Phòng, thành phố Hạ Long tỉnh Quảng Ninh và các địa phương ở miền đông Nam bộ như, Biên Hoà, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương.

Ở các địa phương khác mức lương tối thiểu của khu vực FDI được ấn định là 710 ngàn một tháng. Qui định vừa nói áp dụng từ ngày 1/2/2006, trên thực tế đây là lần điều chỉnh đầu tiên sau 7 năm kể từ năm 1999.

Trong khi đó mức lương tối thiểu áp dụng cho các doanh nghiệp vốn nội địa là 350 ngàn đồng, lần điều chỉnh vừa rồi vào ngày 1 tháng 10 năm 2005.

Nói chung, tiền công lao động ở Việt Nam quá thấp, công nhân lao động làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài còn sống ngắc ngoải, nói chi khu vực vốn nội địa.

Tình trạng đình công, lãn công

Hồi đầu tháng Ba, báo chí trong nước trích đăng lời ông Mai Đức Chính, phó chủ tịch Liên Đoàn Lao Động TP.HCM nhận định về tình hình lãn công, đình công, ông phê bình chính sách tiền lương của Nhà nứơc chậm cải thiện.

Câu chuyện ở công ty Huê Phong TP.HCM với 100% vốn trong nước, là một minh chứng về sự bất cập của hệ thống phân biệt mức lương tối thiểu, giữa hai khu vực đầu tư nứơc ngoài và nội địa.

Ngày 13/2/2006, sáu ngàn công nhân sản xuất giày ở công ty Huê Phong đình công, đòi được nâng mức lương tối thiểu lên 860 ngàn một tháng, ngang bằng công nhân doanh nghiệp nước ngoài.

Họ cho rằng không có lý do gì mà cùng làm một công việc, lại chịu mức lương tối thiểu thấp hơn bè bạn bên công ty chủ nứơc ngoài tới hai lần rưỡi.

Vào thời điểm xảy ra đình công, người lao động ở Huê Phong phải chấp nhận ký hợp đồng lao động với các mức lương cơ bản là 330 ngàn, 350 ngàn hoặc cao nhất là 400 ngàn một tháng. Với lương cơ bản như thế thì có thể xem là tương tự như mức lương tối thiểu của khu vực nội địa.

Ngày 8/3/2006, phát biểu trên báo chí bà Nguyễn Thị Dân, cán bộ Sở Lao Động Thương Binh và Xã Hội TP.HCM cho rằng, chính phủ cần ban hành chính sách tiền lương áp dụng chung cho các doanh nghiệp, không phân biệt FDI hay nội địa. Bà Dân cho rằng đây chính là nguyên nhân then chốt dẫn tới đình công hàng loạt.

Cần một chính sách tiền lương hợp lý

Theo các nhà quan sát, nhà nước Việt Nam thường có những biện pháp chữa cháy trong quá trình tham gia hội nhập, chuyện bất cập trong chính sách tiền lương đã tồn tại từ lâu, nhưng vẫn chậm giải quyết. Lý do giá lao động rẻ là một yếu tố hấp dẫn đầu tư.

Ngược lại đình công nhiều sẽ tạo bất ổn làm nản lòng nhà đầu tư. Nỗ lực chữa cháy lần này, cũng là lúc Việt Nam gần như đặt được một chân qua khung cửa hẹp của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO.

Ngày 14/3, Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội loan báo ở Hà Nội là một dự án luật về tiền lương tối thiểu, sẽ được chuyển qua quốc hội trong năm 2007.

Bạn nghĩ gì về vấn đề này? Hãy gửi đến Ban Việt Ngữ ý kiến của bạn. email: vietweb@rfa.org

Điểm đáng chú ý nhất, là bản dự luật được xây dựng song hành với việc chính phủ VN thực hiện một lộ trình cụ thể, nhằm thống nhất các mức lương tối thiểu, hiện được áp dụng khác nhau giữa hai khu vực vốn đầu tư trong nước và nứơc ngoài.

Lộ trình tiến tới một hệ thống chung về lương tối thiểu, được báo chí mô tả là có thể chấp nhận được vì ấn định năm 2008 là thời điểm bắt đầu chấm dứt phân biệt đối xử, trong chính sách lao động tiền lương ở VN.

Theo lộ trình này, Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội đề xuất là, vào ngày 1/10 mỗi năm công nhân doanh nghiệp trong nứơc được điều chỉnh mức lương tối thiểu, sao cho đến năm 2008 khu vực trong nước cũng có mức lương tối thiểu khoảng 870 ngàn một tháng.

Và như thế một luật về tiền lương tối thiểu chung cho doanh nghiệp trong nứơc và đầu tư nứơc ngoài sẽ là một hiện thực.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.