Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
6 ngày sau đêm lũ quét kinh hoàng, người dân ở các nơi bị thiệt hại nặng ở tỉnh Yên Bái chia xẻ hoạn nạn với nhau để cùng xây dựng lại cuộc sống. Nam Nguyên trình bày thông tin này.

Địa danh Yên Bái
Người Việt Nam biết tới Yên Bái trong sử sách qua cuộc khởi nghĩa chống Pháp năm 1930 của nhà cách mạng Nguyễn Thái Học. Nhưng Yên Bái giờ đây được nhắc tới nhiều, vì trận lũ quét chỉ 15 phút rạng sáng 28/9 đã cướp đi sinh mạng 49 người dân các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu.
Yên bái là một tỉnh miền núi, toạ lạc như một vùng đệm giữa miền tây bắc và trung dung bắc bộ, diện tích của tỉnh chưa tới 7 ngàn kilômét vuông, nằm trải dọc hai bên sông Hồng.
Yên Bái được bao bọc bởi các tỉnh Tuyên Quang Hà Giang ở phía đông bắc, Phú Thọ ở phía đông nam, Lai Châu và Lào Cay ở phía tây bắc và tây nam là Sơn La. Tỉnh Yên bái ở trên độ cao 600 mét so với mực nứơc biển với địa hình có độ dốc rất lớn.
Toàn tỉnh Yên bái có 9 đơn vị hành chánh, trong số đó huyện Văn Chấn là nơi trận lũ gây nhiều tai hoạ nhất. Gần một tuần sau trận lũ quét nghiệt ngã, tang tóc vẫn phủ trùm nhưng cuộc sống đang khởi sự trở lại từ hoang tàn đổ nát.
Gượng dậy sau bão lũ
Người dân Cát Thịnh Nghĩa Tâm đang giúp nhau cùng gượng dậy như lời một nữ công nhân viên ở Cát Thịnh nói với chúng tôi vào ngày 4 tháng 10:
“Hôm nay thấy học sinh bắt đầu đi đến trường, giờ này đang về chắc là đi lao động. Bộ đội làm cây cầu tạm cho học sinh sang bên trường cấp ba. Nói chung tình hình cũng đỡ rồi, nhưng những người mất hết nhà cửa ở khu Ngã Ba vẫn phải sống trong lều bạt…”
Trong khi đó Nghĩa Tâm xã láng giềng cách Cát thịnh 12 km cũng chịu nhiều thiệt hại vật chất như lời một cư dân trẻ ở xã kể cho chúng tôi:
“Nghĩa Tâm thiệt hại nhiều về hoa màu và một số nhà bị sập… nhưng không bị mất người chỉ có khu trèm trong Hải Tâm bị 8 người thôi. Thôn này chỉ có ruộng lúa, cây cam và chè thôi. Cam đáng lẽ tháng 10 thu hoạch nhưng thiệt hại hết rồi, cả xã chắc cũng mất hai ba ngàn cây. Chè thì cũng bị sạt hết nhiều.
Tới nay người ta cho những hộ bị sập nhà một thùng mì tôm và 500 ngàn đồng, cũng chẳng có gì nhiều. Bây giờ bắt đầu lại thì dân tự giúp dân thôi, tiền bạc không có thì giúp một hai công dựng lại nhà.”
Trợ giúp từ chính quyền
Theo thông tin của báo Yên Bái Điện tử đưa lên mạng ngày 4/10, Trong bão số 7 cả nứơc có 63 ngừơi chết, nhưng riêng tỉnh Yên Bái chịu thiệt hại nặng nhất về nhân mạng với 49 người chết và mất tích, cho đến ngày 3/10 đã tìm được 35 xác.
Thiệt hại mùa màng, hạ tầng cơ sở đường xá cầu cống lên tới 120 tỷ đồng. Tính đến chiều 3/10, Mặt Trận Tổ Quốc Yên Bái đã nhận được tiền và phẩm vật cứu trợ trị giá 1 tỷ đồng quyên góp từ trong ngoài tỉnh.
Ngày 3/10, Chủ tịch UBND tỉnh Yên bái ông Phùng Quốc Hiển cam kết là ngoài cứu trợ khẩn cấp, chính quyền sẽ giúp mỗi gia đình mất trắng nhà cửa tài sản 6 triệu đồng. Nạn nhân mất nhà nhưng còn tài sản được giúp 2 triệu đồng, nhà hư hỏng vì lũ được cấp 500 ngàn đồng.
Ông Hiển cho biết sẽ tổ chức tốt việc họp dân để bình xét mức độ thiệt hại, lập danh sách thông qua Mặt trận Tổ Quốc và Sở Lao Động Thương Binh Xã Hội để phân phát tiền trợ cấp và cứu trợ cho ngừơi dân.
Ông chủ tịch tỉnh yên Bái cũng hứa là sẽ cứu đói nạn nhân trận lũ quét mỗi người 10kg gạo mỗi tháng trong vòng 3 tháng.