Hoa Kỳ và Việt Nam đẩy mạnh quan hệ thương mại nhân chuyến công du của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết

0:00 / 0:00

Nguyễn Quốc Khải & Việt Long, RFA

Trị giá tổng số thương vụ giữa hai nước Việt Mỹ đã tăng hơn sáu lần trong 6 năm qua, từ 1.5 tỉ Mỹ kim vào năm 2001 lên đến 9.7 tỉ Mỹ kim vào năm 2006 theo giá FOB, tức là giá hàng không tính tiền chuyên chở. Và mục tiêu chính của chuyến công du của chủ tịch nước Việt Nam sang Mỹ lần này là để tăng tiến quan hệ thương mại giữa Việt-Nam và Hoa-Kỳ.

Tin tức quốc tế cho hay trong số những đề án thương mại hai bên sẽ thảo luận là việc Việt-Nam đặt mua một số phi cơ Boeing 777 và 787 tổng cộng trị giá 1 tỉ Mỹ kim, xây cất một nhà máy nhiệt điện và một nhà máy sản xuất năng lượng đầu tiên chạy bằng nguyên tử lực.

BushApecVietnam200.jpg
Chủ tịch VN Nguyễn Minh Triết tiếp đón Tổng thống Bush tại Hà Nội hôm 18-11-2006. AFP PHOTO.

Thêm nữa, theo tin tức chúng tôi thu thập được thì Hoa-Kỳ và Việt-Nam có thể sẽ thương thuyết về một thỏa hiệp về cơ cấu thương mại và đầu tư, tiếng Anh là Trade & Investment Framework Agreement – gọi tắt là TIFA, một bước đầu quan trọng để tăng cường sự hợp tác giữa hai nước về hai lãnh vực này và tiến tới một thỏa hiệp về thương mại tự do.

Đồng thời hai nước sẽ thảo luận về điều kiện cho Việt-Nam hưởng Hệ Thống Ưu Đãi Tổng Quát của Hoa-Kỳ, dịch từ câu Generalized System of Preferences – gọi tắt là GSP.

Vậy TIFA và GSP là gì? Chúng tôi tham khảo ý kiến của Giáo sư Nguyễn Quốc Khải để trình bày cùng quý vị đề tài này. Giáo sư Nguyễn Quốc Khải nguyên là chuyên viên của Ngân hàng Thế Giới, từng giảng dạy tại trường Cao học quốc tế vụ của đại học Johns Hopkins.

Thoả hiệp thương mại & đầu tư Việt-Mỹ

Việt Long: GS vui lòng thuật lại sơ lược tiến trình làm việc về thỏa hiệp về cơ cấu thương mại và đầu tư, tức là TIFA, giữa Việt Nam với Hoa Kỳ?

Nguyễn Quốc Khải: Hoa-Kỳ và Việt-Nam đã bắt đầu thảo luận về TIFA kể từ đầu năm 2007, sau khi quy chế hội viên của Việt-Nam đã được Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế (WTO) chấp thuận. Một phái đoàn của Văn Phòng Đại Diện Thương Mại của Hoa-Kỳ đã đến Việt-Nam vào tháng 2-2007 để bắt đầu cuộc thương thuyết này. Tiếp theo là phái đoàn Việt-Nam do Phó Thủ Tướng Phạm Gia Khiêm hướng dẫn đã đến Hoa-Kỳ vào giữa tháng Ba vừa qua để tiếp tục cuộc thương thuyết. Người ta dự đoán rằng hai nước sẽ đạt được một thỏa hiệp TIFA trong thời gian ông Nguyễn Minh Triết có mặt tại Hoa-Kỳ.

Việt Long: TIFA đóng vai trò như thế nào trong mối quan hệ kinh tế giữa hai nước?

Nguyễn Quốc Khải:TIFA tạo dựng một nền tảng để hai nước có thể phát triển quan hệ thương mại đầu tư sâu rộng hơn qua WTO và Thỏa Hiệp Song Phương Việt-Mỹ (BTA), và giải quyết những tranh tụng về mua bán giữa hai quốc gia. TIFA sẽ trở thành một diễn đàn để hai nước theo dõi việc thi hành quy chế WTO và BTA, đặc biệt việc thực hiện những cam kết về việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, mở rộng thị trường dịch vụ, và minh bạch về hành chánh và luật pháp.

Việt Long: Những dự án nào sẽ được hai nước thảo luận?

Nguyễn Quốc Khải:Hoa Kỳ đã ký kết với khối ASEAN một TIFA vào tháng 8-2006. TIFA với Việt-Nam cũng sẽ nằm trong khuôn khổ TIFA - ASEAN này. Do đó, thỏa hiệp của Hoa-Kỳ với Việt-Nam cũng sẽ bao gồm ba dự án liên quan đến những lãnh vực sau đây:

BushSaigonApec200.jpg
Trong chuyến viếng thăm lần đầu tiên đến VN, Tổng thống Bush cũng đã vào Sài Gòn và đi ăn tối với Thủ tướng Úc. AFP PHOTO

(1) Thiết lập một hệ thống đồng nhất cho việc nhập cảng hàng hoá, giản dị hóa việc mua bán giữa Hoa-Kỳ và Việt-Nam cũng như giữa Hoa-Kỳ với những nước ASEAN khác. (2) Thỏa hiệp về vệ sinh và vệ sinh thực vật để phát triển thương mại về các nông phẩm. (3) Thiết lập thủ tục và tiêu chuẩn để đăng ký và phê chuẩn dược phẩm. Vấn đề này sẽ giúp cho các loại thuốc mới nhanh chóng đến với bệnh nhân. (4) Phối hợp để giải quyết những vấn đề đa phương và trong vùng, bao gồm vòng thương thuyết Doha nhắm cải tổ WTO, hiện nay đang bế tắc về lãnh vực nông phẩm và việc xin gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới của Lào.

Sau khi đạt được TIFA rổi, Hoa-Kỳ và Việt-Nam có thể tiến tới để thương thuyết về hai thỏa hiệp về đầu tư song phương (Bilateral Investment Agreement – BIT) và ưu đãi thương mại (Preferential Trade Arrangement – PTA) và sau đó mới tiến tới một Thỏa Hiệp Thương Mại Tự Do (Free Trade Area – FTA). Hiện nay tại Á châu, Hoa-Kỳ đã đạt được FTA với Singapore, Thái Lan, Malaysia và Nam Hàn và TIFA với Brunei, Indonesia, Phi-Líp-Pin, và gần đây với Campuchia.

PTA, FTA và GSP?

Việt Long: Sau TIFA, thì Thoả hiệp ưu đãi thương mại PTA với thoả hiệp thương mại tự do FTA có những điểm căn bản ra sao?

Nguyễn Quốc Khải:Trong PTA, các nước liên hệ dành sự dễ dàng cho một số sản phẩm từ một số nước bằng cách giảm bớt nhưng không loại bỏ hẳn thuế nhập cảng. Trong FTA, các nước hôi viên đồng ý loại bỏ thuế nhập cảng, hạn ngạch, và chế độ ưu đãi đối với hầu hết nếu không nói là tất cả các sản phẩm.

Tuy nhiên mỗi hội viên có quyền áp dụng chính sách thương mại riêng rẽ đối các nước không phải là hội viên. Mục đích của FTA là để giảm các hàng rào ngăn cản sự phát triển thương mại giữa các nước hội viên và khuyến khích vấn đề chuyên môn hóa, phân công lao động, và quan trọng nhất là khai thác lợi điểm của mỗi hội viên.

Việt Long: Còn Hệ Thống Ưu Đãi Tổng Quát GSP của Mỹ là gì?

Nguyễn Quốc Khải:GSP là một chương trình của Hoa-Kỳ để giúp kinh tế tại các nước đang phát triển. Chương trình này miễn thuế nhập cảng cho khoảng 3,400 sản phẩm nhập cảng từ 134 nước và lãnh thổ, bao gồm cả 43 nước chậm tiến nhất. Hoa-Kỳ dành thêm 1,400 sản phẩm cho những nước này. Danh sách sản phẩm được hưởng quy chế GSP có thể thay đổi, thêm hoặc bớt hàng năm và đối với từng quốc gia. Thời gian được hưởng quy chế GSP không phải vĩnh viễn, trái lại có thời hạn.

Không phải sản phẩm nào cũng có thể xin được hưởng quy chế GSP. Hoa-Kỳ ấn định từ 1995 một số sản phẩm sau đây không được nằm trong quy chế này: hầu hết các hàng dệt, đồng hồ, giầy dép, túi cầm tay, đồ đựng hành lý, khăn giải bàn, găng tay để làm việc, và quần áo bằng da. Ngoài ra một số sản phẩm nhập cảng có tính cách nhậy cảm cũng không được bao gồm trong danh sách GSP như thép, kính, và đồ điện tử.

Việt Long: Ngoài những món đó ra thì các nước có được xuất miễn thuế sang Mỹ những sản phẩm nằm trong danh sách không?

Nguyễn Quốc Khải:Không phải nước nào cũng được xuất cảng miễn thuế vào Hoa-Kỳ tất cả những sản phẩm trong danh sách GSP. Một số giới hạn được áp dụng trong lãnh vực này. Sau đây là ba thí dụ. Thứ nhất, trị giá xuất cảng đối với một sản phẩm từ một nước vào Hoa-Kỳ không được chiếm 50% hay hơn tổng số trị giá hàng này nhập cảng vào Hoa-Kỳ. Thứ hai, trị giá nhập cảng một món hàng không được quá một mức tối đa ấn định. Thứ ba, sản phẩm xuất cảng không hội đủ tiêu chuẩn về trị giá gia tăng.

BushCheneyVnOversea200.jpg
Tổng thống Bush tiếp chuyện các nhà tranh đấu cho dân chủ nhân quyền VN trước chuyến thăm của ông Triết. AFP PHOTO

Chương trình GSP bắt đầu từ năm 1976 và được tái tục theo định kỳ kể từ năm 1986. Chương trình GSP hiện nay hiệu lực cho đến cuối năm 2008. Tuy khác biệt với TIFA, nhưng GSP được thương thuyết cùng lúc với TIFA.

Chuyến viếng thăm của ông Nguyễn Minh Triết

Việt Long: Chúng tôi được biết là phái đoàn của ông Nguyễn Minh Triết đến Hoa Kỳ vào cuối tháng này sẽ đề cập đến quy chế hệ thống ưu đãi tổng quát GSP với chính quyền Bush. Nhưng theo luật của Hoa Kỳ thì những nước Cộng Sản không được hưởng quy chế GSP. Việt Nam là nước Cộng Sản thì tại sao lại muốn nói chuyện về quy chế ấy?

Nguyễn Quốc Khải:Việt-Nam là một nước Cộng Sản, nhưng may mắn là đã được đặc cách cho hưởng quy chế Thương Mại Bình Thường Vĩnh Viễn (PNTR) và đã trở thành hội viên của WTO, nên điều khoản đó được miễn áp dụng.

Việt Long: Vậy thì hẳn nhiên Việt Nam sẽ bị ràng buộc một số điều muốn được hưởng quy chế này?

Nguyễn Quốc Khải:Việt-Nam sẽ phải cam kết và thi hành những biện pháp hợp lý và hiệu quả để bảo vệ quyền lợi của công nhân, quyền sở hữu trí tuệ, và những quan tâm khác.

Tiêu chuẩn GSP đòi hỏi quốc gia được hưởng GSP đã hoặc đang áp dụng những biện pháp công nhận quyền lợi của công nhân bao gồm:

(1) Quyền lập hội. (2) Quyền tổ chức và thương lượng giao kèo tập thể (collective bargaining). (3) Không cưỡng ép lao động. (4) Ấn định tuổi tối thiểu của trẻ em lao động. (5) Môi trường làm việc có thể chấp nhận được về phương diện lương tối thiểu, số giờ làm việc, an toàn lao động và sức khỏe. (6) Phải thực hiện lời cam kết loại bỏ những hình thức trẻ em lao động tồi tệ nhất.

Việt Long: Thế thì Việt Nam dường như chưa đủ tiêu chuẩn nào trong các tiêu chuẩn đó?

Nguyễn Quốc Khải:Hiện nay Việt-Nam đang vi phạm tất cả những tiêu chuẩn này, rõ rệt nhất và không thể chối cãi được là điều (1) và (2) vì Việt-Nam không cho phép thành lập các công đoàn độc lập. Tất cả các công nhân đều phải nằm trong Tổng Liên Đoàn Lao Động của Đảng CSVN. Mới đây chính quyền Hà Nội đã bắt giam chín người lãnh đạo và thành viên của Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông.

Ngoài ra, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ không được thi hành nghiêm chỉnh. Mặc dù đã vào WTO, Việt-Nam vẫn bị xếp vào một trong những quốc gia trên thế giới vi phạm tác quyền về phần mềm nhiều nhất. Vào khoảng 90% phần mềm trên toàn quốc được sử dụng bất hợp pháp theo cuộc điều nghiên vào đầu năm 2007 của công ty International Data Corporation, so với Zimbabwe là 90%, Nam Dương 87%, và Pakistan 86%. Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ rất thịnh hành ở Việt-Nam mà không có sự can thiệp của chính quyền.

Việt Long: Hoa Kỳ dường như đang coi Việt-Nam là một nước có giá trị chiến lược về nhiều mặt trong vùng Đông Á, vậy liệu ông Nguyễn Minh Triết có thể thành công trong cuộc thương thuyết về các hịêp ước đó trong chuyến đi này không?

Nguyễn Quốc Khải:Việt Nam không phải là nước độc nhất có vị thế đó và mong muốn được hưởng những ưu đãi thương mại như thế. Trước Việt-Nam, Brunei, Campuchia, Malaysia, Nam Hàn, Philippines, Singapore và Thái Lan đã ký kết với Hoa-Kỳ những thỏa hiệp FTA hoặc TIFA. Ngoài ra Hoa-Kỳ đã hoàn tất thỏa hiệp thương mại song phương với cả trăm nước khác trên thế giới.

Trong lãnh vực song phương, Việt-Nam chỉ mới đạt được một thỏa hiệp BTA với Hoa-Kỳ và đang thương thuyết với nước này và Nhật Bản một thỏa hiệp về đầu tư và thương mại sâu rộng hơn là BTA và WTO. Việt-Nam cần hiểu rõ như thế để biết vị thế của mình trong các cuộc thương thuyết.

Dù sao thì chuyến đi của ông Triết cũng sẽ đánh dấu một quan hệ thương mại chặt chẽ hơn giữa Hoa-Kỳ và Việt-Nam. Nhưng quan hệ này đòi hỏi Việt-Nam phải cải tổ mạnh mẽ những khu vực như thị trường lao động, luật pháp, và thuế vụ./.