Việt Nam thành lập thêm 3 cơ quan kiểm soát báo chí

0:00 / 0:00

Mặc Lâm, phóng viên đài RFA

Bộ Trưởng Bộ Thông Tin & Truyền Thông Việt Nam, ông Lê Doãn Hợp mới đây, trong một tuyên bố với báo chí, cho biết sẽ thành lập thêm 3 cơ quan mới trực thuộc Bộ Thông Tin & Truyền Thông với mục đích giúp cho bộ này làm việc hiệu quả hơn trứơc đà tăng trưởng của báo chí Việt Nam trong những năm gần đây.

newspaper200.jpg
Việt Nam lại tìm cách kiểm soát báo chí chặt hơn nữa. RFA file photo.

Theo ông Hợp, ba cơ quan này sẽ quản lý các tin tức từ trong nước sao cho phù hợp và không sai định hướng của nhà nước.

Đi theo lề bên phải

Vài tháng trước, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp tuyên bố với báo chí rằng Bộ Thông Tin & Truyền Thông chủ trương giúp đỡ các cơ quan truyền thông trong nước hoạt động hữu hiệu hơn bằng cách nhà nước sẽ dành sẵn một con đường trơn tru cao ráo để các cơ quan này hoạt động thoải mái mà ông Bộ Trưởng Lê Doãn Hợp dùng danh từ rất ấn tượng là "đi theo lề bên phải".

Ông Hợp cho rằng, báo chí sẽ phát triển tốt hơn, đúng hướng hơn trong hành lang này và các tờ báo tốt sẽ được tôn vinh, tờ báo nào còn hạn chế sẽ được góp ý chấn chỉnh.

Trong khi hơn 700 tờ báo tại Việt Nam chưa có một phản ứng gì thì hai ngày trước đây ông Hợp lại cho biết Bộ Thông Tin & Truyền Thông sẽ thành lập thêm ba cơ quan mới là Cục Thông Tin Đối Ngoại phụ trách các thông tin từ Việt Nam đưa ra bên ngoài, Cục Phát Thanh - Truyền Hình & Thông Tin Điện Tử để quản lý các đài phát thanh, truyền hình và thông tin trên mạng internet, cuối cùng là Cục An Toàn Thông Tin phụ trách nội dung thông tin cũng như có biện pháp đối phó với những cơ quan hay ký giả nào đưa tin "không trung thực".

Phản ứng của giới làm báo

Trước sự việc này ông Bùi Chí Vinh, một nhà báo kỳ cựu trong nước, cho biết cảm tưởng của mình như sau:

Ông Bùi Chí Vinh: "Có thể là thăm dò hay là, về mặt chính trị, khó hiểu lắm. Có thể cái này là bỏ con tép bắt con tôm, hoặc cách nào đó như là họ nắn gân, hay là qua cái này như một thứ test để coi ra sao sự phản ứng trong báo giới. Người viết người ta sẽ có cái lùi cái tiến đối với cái chính sách, cái chủ trương mới. Thành ra không phải văn bản ra là không thể thu hồi được. Nếu cảm thấy không phù hợp thì vẫn có thể làm chuyện đó. Cái này thuộc về chính trị.

Ký giả với nhà báo Việt Nam họ có cách để mà họ luồn lách và họ linh hoạt được. Bởi vậy khi người ta có bản lĩnh để viết thì người ta luôn luôn có phương pháp để người ta đạt hiệu quả cao khi công bố về mặt truyền thông. Thành ra không có bất kỳ một cái trở ngại nào do văn bản nào đó.

Ký giả với nhà báo Việt Nam họ có cách để mà họ luồn lách và họ linh hoạt được. Bởi vậy khi người ta có bản lĩnh để viết thì người ta luôn luôn có phương pháp để người ta đạt hiệu quả cao khi công bố về mặt truyền thông. Thành ra không có bất kỳ một cái trở ngại nào do văn bản nào đó.

Đối với những người có nhiệt tâm, có tâm huyết, có tấm lòng đối với bài viết mà mình có trách nhiệm đó thì họ vẫn có phương pháp riêng, cái lối thoát riêng. Còn đối với những người đã không có dũng khí, đã là đối lập cuội, dã là cơ hội trục lợi, thì không có văn bản họ cũng vẫn đóng kịch được như thường, diễn xuất được như thường.

Bất kỳ văn bản nào khi đẩy người ta vô đường cùng thì người ta càng công phá hơn nữa. Còn nếu mà không có văn bản, tạo thênh thang đó, mà hèn đó thì nó vẫn có thể mặc áo đánh lừa được. Đó là cái nghề viết bây giờ, nó rất là trục lợi và thủ đoạn.”

Nếu ông Bùi Chí Vinh không tin rằng nhà nước có thể quản lý được những nhà báo yêu nghề, có tấm lòng thiết tha với sự thật thì ông Lã Mạnh Hùng, một ký giả của tờ báo điện tử Đàn Chim Việt có văn phòng tại Ba Lan, lại cho rằng quyết định này cho thấy nhà cầm quyền Việt Nam xác định lại một lần nữa việc họ không hề xem trọng tự do ngôn luận từ bấy lâu nay. Ông Hùng cho biết:

Ông Lã Mạnh Hùng: "Những người làm báo ở các xứ sở tương đối là những quốc gia dân chủ có những quy ước sinh hoạt trong xã hội dân sự thì rất là bình thường. Cái quyền được suy nghĩ và cái quyền được nói và quyền được viết là quyền của tất cả mọi người trong xã hội dân sự. Thì cái quyền này ở Việt Nam ngày xưa đã bị giới hạn, bị giới hạn rất nhiều.

Việc ông Lê Doãn Hợp khi ổng đưa ra cái lề đường bên phải và buộc báo chí Việt Nam phải đi theo thì đó là điều khó khăn hơn cho những người cầm bút ở Việt Nam hay là những người làm cho Đài Tiếng Nói Việt Nam hay Đài Truyền Hình Việt Nam. Bây giờ ổng lại đưa thêm 3 cái bộ phận khác ở trong cái cơ chế của nhà nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam thì tôi nghĩ nó không có giúp gì cho việc phát triển tự do ngôn luận và tự do báo chí ở Việt Nam.

Hơn nữa chúng ta biết rằng Việt Nam đến giờ phút này họ nhât định không cho có cơ quan truyền thông tư nhân nào cả. Tất cả những điểm đó rõ ràng là nhà nước CHXHCN Việt Nam, hay nói một cách khác là Đảng Cộng Sản Việt Nam, vẫn ngăn chận và đàn áp tiếng nói trung thực và tiếng nói tự do của người Việt trong nước.”

Trong hoạt động mới nhất nhằm chấn chỉnh hoạt động báo chí mà dư luận quan tâm rất nhiều là việc thay đổi hai phó tổng biên tập của tờ báo Tuổi Trẻ vào hai ngày trước đây. Báo Tuổi Trẻ có lẽ là tờ báo dám đặt nhiều vấn đề gai góc nhất trong nhiều năm qua và các bài viết gây dư luận cũng là nguyên nhân dẫn đến sự ra đi của nguyên tổng biên tập Kim Hạnh.

Nhà báo Bùi Chí Vinh, một trong những ký giả tiên phong thành lập tờ Tuổi Trẻ cho biết nhận định của ông trước việc tờ báo thay hai phó tổng biên tập mới như sau:

Ông Bùi Chí Vinh: "Ở đó thì tôi biết được hai con người có tâm huyết mà tôi đã từng giao du và có những cuộc họp mặt với hai nhân vật đó. Thứ nhất là Bùi Thanh, đây là thế hệ sau của tôi, khi tôi rời báo Tuổi Trẻ thì mới về nhưng mà phụ trách mục Chuyện Thường Ngày của báo Tuổi Trẻ, tức mục xã luận đó, ký tên Bút Bi, là dám ăn dám nói dám làm nhiều cái mà những tờ báo khác không dám làm.

Những bài viết của Bùi Thanh chứng minh điều đó. Và bây giờ Bùi Thanh có một cương vị cao hơn, tôi rất mừng, và tôi chúc mừng và bắt tay điều đó. Tôi hy vọng Bùi Thanh sẽ góp phần cải tổ đưa tờ báo phát triển hơn.

Bên cạnh đó có một đồng nghiệp cũ của tôi là Dương Thành Truyền bây giờ cũng được giữ lại làm Phó Tổng Biên Tập. Dương Thành Truyền trước đó viết nhiều bài ký tên là Dương Trường, nhưng viết về đề tài xã hội, du lịch, hay những đề tài bên lề nhiều hơn, hướng về mặt văn hoá nhiều hơn, nhưng mà bây giờ khi giữ lại như thế thì chắc có một cương vị trọng trách cao hơn.

Thì Dương Thành Truyền qua những hiểu biết của tôi thì đây cũng là người tâm huyết như Bùi Thanh và có sự thông minh lại có tầm nhìn. Tôi hy vọng sự kết hợp giữa hai người này và về mặt văn hoá xã hội mà thậm chí mặt chính trị, tờ báo sẽ được đẩy lên cao hơn và đứng về phía nhân dân nghèo nhỉều hơn.”

Bước sang năm 2008 Việt Nam chính thức ngồi vào ghế thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc dư luận cho rằng liệu việc thành lập thêm ba cơ quan kiểm soát báo chí có cần thiết hay không khi mà dưới mắt các quan sát viên quốc tế thì Việt Nam đã ít nhiều hội nhập vào dòng chảy chính trị chung của thế giới và Việt Nam sẽ tận dụng những lá phiếu của mình vào các quyết định có tính cách dân chủ mà tự do ngôn luận luôn luôn được xếp hàng đầu?