Thuyền nhân Việt Nam trở về thăm chốn cũ ở đảo Bidong
2005.04.26
Thanh Quang, phóng viên đài RFA
Trong những năm xưa thì hàng trăm ngàn người khác gạt nước mắt lặng lẽ rời xa quê hương. Một quê hương có những người nắm quyền sinh sát không chấp nhận họ như những con người được quyền sinh sống bình thường, không biểu lộ một chút tình yêu thương đùm bọc. Hàng trăm ngàn người đã vùi thây dưới lòng đại dương bất trắc.
Trước đây, Thanh Quang thuật lại chuyến đi biển cầu kinh cho những người không may mắn. Hôm nay, mời quý vị nghe tiếp tâm tư của những thuyền nhân trở về thăm chốn cũ ở đảo Bidong với lòng thương tiếc không nguôi những đồng bào đã bỏ mình khi tìm đường qua bờ bến tự do.
Ngày trở lại thăm đảo Bidong lịch sử và đong đầy kỷ niệm cũng là ngày có nhiều nước mắt nhỏ xuống cho bi cảnh thuyền nhân. (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Vừa rồi là tỉnh cảnh đau buồn khôn nguôi của chị Liên đến từ Los Angeles, tiểu bang California, Hoa Kỳ. Chị Liên vượt biển tới Bidong hồi năm 1978.
Một thuyền nhân khác từ Sydney tới, là chị Hoa, từng tạm cư ở đảo Bidong hồi 1981, cũng bùi ngùi tâm sự ngay trước giây phút cùng đòan cựu thuyền nhân bước lên tàu trở lại thăm Bidong. (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Sau vài giờ chờ cho nước lớn, mấy chiếc tàu biển rời bến Merang để đưa đòan cựu thuyền nhân hướng tới đảo Bidong, vượt qua một thủy lộ mà nhiều người trong đòan kể lại là đã từng chứng kiến rất nhiều thây người cùng đủ thứ tư trang trôi bồng bền trên biển cách nay khoảng 2 thập niên.
Có một số kể lại là cũng ở vùng biển này, khi thuyền vượt biên của họ đang cố vượt qua những đợt sóng khổng lồ để tới nơi muốn tới, thì bổng dưng vang vọng nhiều tiếng kêu cứu thất thanh của mấy chiếc thuyền chung quanh, trước khi sóng dữ dìm họ xuống lòng biển cả.
Sau khi tàu chạy qua một số đảo nhỏ xa xa màu xanh thẩm nằm im lìm trên biển trời mênh mông, đảo Bidong đã rõ dần, với núi đồi xanh tươi, hùng vĩ.
Đòan cựu thuyền nhân trở lại Bidong hôm thứ Hai đã chứng kiến cảnh hoang tàn đổ nát, vắng lắng, cây cỏ um tùm chằng chịt giăng kín hầu như mọi nơi trên đảo. Mặc dù vẫn bãi cát trắng thơ mộng trải dài trên bãi biển Biđong, nhưng cầu Jetty rộn rịp tàu bè cắp bến, người lên kẻ xuống ngày nào giờ chỉ còn trơ mấy cây cột cầu. Đòan người trở về thăm phải theo một cây cầu mới xây bên cạnh để đổ bộ lên đảo.
Khi thật sự đặt chân lên Bidong lần đầu tiên kể từ mười mấy, hai chục năm nay, nơi đong đầy những kỷ niệm buồn vui, điều trước tiên mà mọi người nôn nóng, hồi hộp thực hiện là lần theo lối món để tìm lại ngôi nhà xưa cùng cảnh vật chung quanh.
Nhưng hình ảnh kỷ niệm ấy giờ chỉ là một cảnh hoang phế, cỏ cây um tùm che kín, khiến họ không nhận ra đâu là những nơi tạm trú ngày nào như khu A, khu B, khu C, khu D, khu E, khu F. Những cơ sở công cộng từng tận tình giúp đỡ thuyền nhân ngày nào, như bệnh viện Sick Bay nối liền cầu Jetty, trường học và khu Cao ủy xa bên trên, giờ hầu như mất dấu.
Bạn nghĩ gì về sự kiện này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org
Khi hỏi một căn nhà hoang phế trên lưng đồi, mới biết ra đó là Chùa Cao Đài dạo nào. Xa hơn, trên đồi, Chùa Từ Bi sập mái, trống vách; nhưng đau thương nhất là Tượng Phật Thích Ca ở Chánh Điện và Tượng Phật Quán Thế Âm tại sân trước công Chùa hướng ra biển Đông đã bị những kẻ địa phương vô tâm chặt phá mất đầu. Lên xa hơn nữa – trên đồi Công Giáo, ngôi Giáo đường Thuyền nhân cũng cùng chung số phận của cảnh biển dâu.
Hai bên lối mòn dẫn lên đồi cao cũng không còn thấy hoa rừng khoe sắc như dạo nào.
Trước “cảnh đấy người đây luống đọan trường đó, một cựu thuyền nhân Bidong, từ California, Hoa kỳ, tới, đã bày tỏ xúc động của mình: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Vào quá trưa, các buổi cầu nguyện đã diễn ra tại Chùa Từ Bi, dưới sự chủ trì của Hòa Thượng Thích Giác Nhiên, Pháp Chủ Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Khất Sĩ Thế Giới; tại Nhà Thờ trên Đồi Công Giáo, do Linh Mục Nguyễn Hữu Quảng, từ Melbourne, chủ lễ; cũng như tại nghĩa trang thuyền nhân.
Cảnh tử biệt sinh ly ở Bidong đã được Thượng Tọa Thích Quảng Ba, đến từ Canberra, nhắc tới. (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Chiều đến, Bia Tưởng Niệm hàng trăm ngàn thuyền nhân đã bỏ mình trên đường tìm tự do đã được khánh thành bên cạnh Nhà Thờ trên Đồi Công Giáo, với sự chứng kiến của Hòa Thượng Thích Giác Nhiên, Thượng Tọa Thích Quảng Ba, Linh Mục Nguyễn Hữu Quảng, nhà từ thiện Mã Lai, ông An-Ko-Won, ông Trần Đông, trưởng ban tổ chức chuyến “Về bến tự do: Bidong/Galang 2005", cùng tất cả những người trong đòan. Hòa Thượng Thích Giác Nhiên cho biết: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Vào cuối ngày, đòan cựu thuyền nhân bùi ngùi rời đảo Bidong lịch sử, kỷ niệm bị hoang phế theo thời gian mà chưa có nỗ lực trủng tu bảo tồn nào cả.
Thưa qúy vị, hiện có một hy vọng mong manh cho Bidong là ,tại bửa tiệc BBQ về đêm được tổ chức cùng ngày ở khu nghỉ mát Sutra Beach thuộc bang Terenganu, nơi đòan cựu thuyền nhân lưu trú, một viên chức du lịch cao cấp của Terenganu cho biết là thủ hiến của bang này đang có kế họach trùng tu, phát triển Bidong thành địa điểm kỷ niệm của thuyền nhân VN.
Hòa Thượng Thích Giác Nhiên đã lên tiếng tán thành kế họach ấy: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Và Linh mục Nguyển Hữu Quảng cũng có cùng quan điểm: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Vấn đề trùng tu đảo Bidong như vừa nói hiện còn đang trong vòng bàn thảo.
Thanh Quang tường thuật từ Terenganu, Malaysia.
Những bài liên quan
- Thuyền nhân Việt Nam trở lại thăm đảo Galang, Indonesia
- Giới trẻ Việt Nam nghĩ gì về ngày 30 tháng 4 năm 1975?
- Cuộc chiến Việt Nam dưới cái nhìn của sử gia Tạ Chí Đại Trường (phần I)
- Câu chuyện của Trung tá Hạnh Nhơn, cựu nữ quân nhân VNCH
- Sinh hoạt ca nhạc hải ngoại, tưởng niệm 30 tháng 4
- 98 trong số 2,000 thuyền nhân Việt ở Philippines được tái định cư tại Na Uy
- Ba mươi năm kinh tế học
- Hai mươi năm thành lập Phong Trào Hưng Ca Việt Nam
- Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt: biến cố 30-4 đã gây đau khổ cho hàng triệu người VN
- Thuyền nhân Việt Nam trở về thăm lại đảo Bidong
- Những thuyền nhân Việt Nam nào ở Philippines sẽ được sang Canada tị nạn?
- Những biến cố lịch sử trong ngày cuối tháng Tư năm 1975
- Hành trình biển Đông
- 'My Journey Home', cuộc hành trình về thăm quê hương của ký giả Andrew Lam
- Những ngày cuối tháng Tư