Mối liên hệ giữa việc gia nhập WTO và nhân quyền tại Việt Nam
2005.12.06
Nguyễn Quốc Khải - Ðỗ Hiếu
Trong cuộc phỏng vấn tại Hà Nội mới đây với phóng viên AFP, dân biểu Chris Smith, chủ tịch tiểu bang Nhân Quyền Hạ Viện Hoa Kỳ tuyên bố rằng, phải nối kết chuyện Hà Nội gia nhập WTO với vấn đề nhân quyền tại Việt Nam.
Ông Smith mới hoàn tất chuyến đi Việt Nam kéo dài bốn hôm. Dịp này, ông đã đến gặp một số vị lãnh đạo tinh thần, những nhân vật bất đồng chính kiến và thảo luận với các quan chức Hà Nội về vấn đề tự do tôn giáo và nhân quyền.
Đề tìm hiểu thêm sự liên hệ giữa sự gia nhập WTO với nhân quyền, đài chúng tôi có cuộc trao đổi với giáo sư Nguyễn Quốc Khải, cựu chuyên Ngan Hàng Thế Giới.
Đỗ Hiếu: Thưa Giáo Sư, mới đây Phó Thủ Tướng của Việt-Nam là ông Vũ Khoan có nói rằng, năm nay Việt-Nam chưa có thể gia nhập Cơ Quan Thương Mại Thế Giới (World Trade Organization – WTO), vì những lý do mà ông Khoan gọi là ngoài tầm kiểm soát, xin ông cho biết ý kiến về việc này?
Gs Nguyễn Quốc Khải: Theo thiển ý của tôi, có những yếu tố trong và những yếu tố ngoài tầm kiểm soát của Việt-Nam.
Những yếu tố trong vòng kiểm soát của Việt-Nam:
a. Việt-Nam nộp đơn gia nhập WTO từ năm 1995, nhưng để mãi đến 2002 mới thật sự nghiêm chỉnh chuẩn bị các cuộc thương thuyết. Trung bình các quốc gia cần 5 năm mới hoàn tất mọi thủ tục để vào tổ chức này. Trong trường hợp Trung Quốc thời gian đòi hỏi là 14 năm. Việt-Nam mới chuẩn bị 3 năm.
b. Trên thực tế Việt-Nam chưa tỏ ra sẵn sàng để gia nhập WTO về nhiều phương diện như (1) hoàn tất đàm phán song phương với sáu nước còn lại; (2) cải tổ về luật pháp cho phù hợp với tiêu chuẩn của WTO; (3) làm sáng tỏ một số vấn đề như bao cấp, môi trường đầu tư, chính sách thuế khóa, và đặc biệt là quyền thương mại, cách vận hành và địa vị của những doanh nghiệp nhà nước; (4) thương thuyết về việc mở rộng các khu vực viễn thông, dịch vụ nhập cảng, phân phối, ngân hàng, cải tổ môi trường đầu tư và ngoại thương; (5) Thực hiện những cam kết về việc ngăn cấm vi phạm những tài sản trí tuệ; (6) Cải tiến khả năng cạnh tranh. Lơ là trong bẩy năm rồi quyết định chạy nước rút trong ba năm để vội vã vào WTO. Đó là một chọn lựa hoàn toàn của Việt-Nam.
c. Việt-Nam không tiến hành việc cải tổ khu vực quốc doanh một cách nhanh chóng. Vào đầu thập niên 1990, Việt-Nam có khoảng 6,000 doanh nghiệp nhà nuớc (DNNN), nay con số là 4,500. Trong đó có một số công ty nhập lại thành công ty lớn. Số DNNN thật sự được cổ phần hoá không nhiều.
Việt-Nam không thi hành đầy đủ những cam kết về việc thi hành Hiệp Định Thương Mai Mỹ Việt mà hai bên đã ký kết vào tháng 7, 2000. Do đó Hoa-Kỳ trở nên thận trọng hơn khi thương thuyết với Việt-Nam về một thỏa hiệp mới.
d. Việt-Nam không thi hành đầy đủ những cam kết về việc thi hành Hiệp Định Thương Mai Mỹ Việt (U.S. – Vietnam Bilateral Trade Agreement - BTA) mà hai bên đã ký kết vào tháng 7, 2000. Do đó Hoa-Kỳ trở nên thận trọng hơn khi thương thuyết với Việt-Nam về một thỏa hiệp mới.
e. Việt-Nam muốn tự do xuất khẩu sách báo văn hoá phẩm và gửi các đoàn văn nghệ đi khắp mọi nơi, nhưng lại muốn kiểm soát chặt chẽ những sản phẩm và dịch vụ này. Điều này trái với nguyên tắc thương mại hai chiều và công bằng
Những yếu tố ngoài vòng kiểm soát của Việt-Nam:
a. Trung Quốc gia nhập WTO với những hứa hẹn và họ đã không thực hiện những hứa hẹn này. Tất cả những nước đang muốn vào WTO, kể cả Nga, đang chịu ảnh hưởng về kinh nghiệm xấu của WTO đối với Trung Quốc. kinh nghiệm đối với Trung Quốc làm Hoa-Kỳ cẩn thận hơn.và đòi hỏi Việt-Nam thực hiện nhiều cam kết trước khi trở thành hội viên WTO.
b. Việc cải tổ luật pháp cho hợp với tiêu chuẩn của WTO vược quá khả năng của Quốc Hội Việt-Nam. Vào đầu năm 2005, ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám Đốc Viện Nghiên Cứu Kinh Tế và Chính Trị Quốc Tế của Việt-Nam, cho biết thủ tục làm luật hiện nay rất rườm rà và những giới chức có thẩm quyền cần trên 5 năm mới có thể soạn và phê chuẩn các luật mới cho phù hợp với điều kiện để vào WTO.
c. Điều kiện gia nhập WTO ngày càng khó khăn hơn. Việc xin vào WTO trong thập niên 1990 tương đối rất dễ dàng. nhưng Việt-Nam đã để lỡ cơ hội này. Thậm chí nhiều quốc gia trước đây là thành viên của Tổng Thỏa Hiệp về Thuế Nhập Cảng và Mậu Dịch (General Agreement on Tariffs and Trade - GATT) đương nhiên trở thành hội viên của WTO khi WTO thành lập để thay thế GATT, trong đó bao gồm hầu hết các nước Đông và Nam Á. Nhưng những nước muốn gia nhập WTO sau này phải mở rộng thị trường, giảm thuế nhập cảng dưới mức thuế của những đương kim hội viên, và phải chấm dứt bao cấp nông nghiệp hầu như lập tức.
d. May mắn cho Việt-Nam là vòng đàm phán Doha không hoàn tất vào cuối năm 2004 như dự liệu. Nó còn đang tiếp tục trong năm nay và năm 2006. Do đó, luật lệ và điều kiện của vòng đàm phán Uruguay hiện vẫn áp dụng. Luật lệ và điều kiện mới khó khăn hơn. Việt-Nam cần phải vào WTO trước khi vòng đàm phán Doha kết thúc.
Đỗ Hiếu: Thưa Giáo Sư, cũng tại Diễn Đàn Doanh Nghiệp diễn ra ở Hà Nội, ông Klaus Rohland, đại diện Ngân Hàng Thế Giới tiên đoán là đến tháng 12 năm tới Hà Nội có thể được kết nạp vào WTO, thì chuyện này theo ông có thể trở thành hiện thực hay không?
Gs Nguyễn Quốc Khải: Việt-Nam có nhiều triển vọng gia nhập WTO vào năm 2006. Cho tới nay Việt-Nam đã hoàn tất 11 cuộc thương thuyết đa phương và các cuộc thương thuyết song phương trong khuôn khổ WTO với 22 nước và lãnh thổ, kể cả Đài Loan. Trong 6 nước còn lại Việt-Nam cần phải tiếp tục thương thuyết bao gồm Hoa-Kỳ, Úc, Tân Tây Lan, Mễ Tây Cơ, Honduras, và Dominican Republic. Từ nay đến giữa năm 2006, Việt-Nam có triển vọng hoàn tất thương thuyết với 6 nước này.
Vòng đàm phán Doha đang bị bế tắc, không có cơ hội kết thúc trong năm 2005 nhưng có ít nhiều hi vọng hoàn tất trong năm 2006. Vậy Việt-Nam hãy tận dụng 12 tháng tới để kết thúc những cuộc thương thuyết song phương còn lai đồng thời tiếp tục cải tổ hệ thống pháp lý, các khu vực quốc doanh và ngân hàng, đồng thời phát triển khu vực tư doanh cho mạnh hơn. Năm 2006 là năm kỷ niệm 20 năm về chính sách “cởi trói kinh tế” của Việt-Nam.
Tuy nhiên tất cả vẫn tùy thuộc vào việc Việt-Nam có chịu thỏa thuận những đòi hỏi của các đối tác thương mại hay không, đặc biệt là về khu vực viễn thông, ngân hàng, phân phối, bán lẻ, dịch vụ và sản phẩm văn hóa.
Đỗ Hiếu Thưa GS, tin tức từ Hà nội cho hay là dân biểu Chris Smith, chủ tịch tiểu bang Nhân Quyền tại Hạ Viện Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng, phải nối kết vấn đề Việt-Nam gia nhập WTO với vấn đề nhân quyền, điều đó có hữu lý không?
Gs Nguyễn Quốc Khải: Tôi có tham dự cuộc điều trần về vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt-Nam tại Hạ Viện Hoa-Kỳ vào tháng 10, 2005 vừa qua. Vấn đề này đã được đặt ra. Một số dân biểu thuộc hai nhóm Congressional Human Rights Caucus và Congressional Vietnam Caucus không hài lòng về tình trạng nhân quyền tại Việt-Nam.
Quốc Hội Hoa-Kỳ có thể không chấp thuận cho Việt-Nam hưởng quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn. Và nếu trường hợp này xẩy ra, Việt-Nam sẽ không thể ký kết thỏa hiệp song phương với Hoa-Kỳ trong khuôn khổ WTO và do đó không thể vào được WTO.
Do đó họ muốn có những biện pháp hữu hiệu để áp lực Việt-Nam thay đổi. Quốc Hội Hoa-Kỳ có thể không chấp thuận cho Việt-Nam hưởng quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (permanent normal trade relation status – PNTR), một điều kiện tiên quyết để hai nước có thể ký hiệp định song phương trong khuôn khổ WTO.
Nếu trường hợp này xẩy ra, Việt-Nam sẽ không thể ký kết thỏa hiệp song phương với Hoa-Kỳ trong khuôn khổ WTO và do đó không thể vào được WTO. Việc cải thiện nhân quyền hoàn toàn nằm trong vòng kiểm soát của chính phủ Việt-Nam. Ngoài ra, Việt-Nam ở trong danh sách những nước được lưu tâm đặc biệt (country of particular concern – CPC). Hành pháp của Hoa-Kỳ, theo luật Tự Do Tôn Giáo, có thể trừng phạt Việt-Nam về phương diện kinh tế, ngoại giao, v.v…
Trên chính trường quốc tế, các quốc gia liên kết nhiều lãnh vực khác nhau để trao đổi và thỏa hiệp với nhau là chuyền rất thường. Điều này có hữu lý hay không tùy thuộc vào quyền lợi và chính sách của mỗi quốc gia mà thôi.
Đỗ Hiếu: Vậy, theo ông, một khi Hà Nội đuợc gia nhập WTO thì tình trạng nhân quyền, tự do tôn giáo sẽ sớm được cải thiện hay không?
Gs Nguyễn Quốc Khải: Người ta hi vọng Việt-Nam cải thiện tình trạng nhân quyền trước khi Việt-Nam vào WTO. Một khi trở thành hội viên của WTO rồi thì quốc tế mất đi một phương tiện để áp lực Việt-Nam. WTO không có một luật lệ nào buộc một nước hội viên phải cải thiện tình trạng vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo.
Ngay cả vấn đề tiêu chuẩn lao động như mức lương tối thiểu, quyền thành lập tổ chức công nhân, quyền đình công, an toàn nghề nghiệp, nhân công vị thành niên, dùng tù nhân vào việc sản xuất, v.v. không nằm trong trách nhiệm của WTO mà thuộc vào lãnh vực của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (International Labor Organization – ILO).
Những bài liên quan
- Dân biểu Chris Smith: phải nối kết chuyện Việt Nam gia nhập WTO với vấn đề nhân quyền
- Vụ ông Hoàng Minh Chính bị hành hung qua sự trình bày của nhân chứng và công an
- Phỏng vấn Dân biểu Graham Watson về Quyết nghị vừa mới được Quốc Hội Châu Âu thông qua
- Quốc Hội Châu Âu thông qua quyết nghị về tình trạng nhân quyền tại Cambodia, Lào và Việt Nam
- Tìm hiểu thêm về tin gia đình ông Hoàng Minh Chính bị sách nhiễu khi vừa về đến Hà Nội
- Thực trạng phát triển kinh tế Việt Nam hiện nay
- Dân biểu Christopher Smith: Quốc hội Mỹ sẽ theo dõi sát tình hình tôn giáo tại Việt Nam
- Quốc hội Châu Âu lên án tình trạng nhân quyền tại Việt Nam, Lào, Campuchia
- Ông Hoàng Minh Chính và gia đình bị xách nhiễu, hành hung ngay khi vừa đặt chân đến Hà Nội
- Việt Nam và WTO (VI)
- Việt Nam và WTO (V)
- Việt Nam và WTO (IV)
- Việt Nam và WTO (III)
- Việt Nam và WTO (II)
- Việt Nam và WTO (I)