Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Công nghiệp sản xuất giấy ở Việt Nam đang đứng trứơc một bài toán khó giải, đó là làm thế nào để tồn tại trong giai đoạn Việt Nam hội nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO. Nam Nguyên trình bày vấn đề này.
Sau ba mươi năm thống nhất, Việt Nam vẫn chưa tự túc được nhu cầu về giấy các loại. Sản lượng toàn quốc mỗi năm hiện nay hơn 800 ngàn tấn, mới chỉ đáp ứng thị trường khoảng 60% phần còn lại là phải nhập khẩu.

Công nghệ lạc hậu
Theo Hiệp Hội Giấy Việt Nam thì ngành giấy duy trì công nghệ lạc hậu, cho ra những sản phẩm dưới mức trung bình so với các nứơc trong khu vực. Các nhà máy chỉ làm ra được các loại giấy in báo, giấy in và viết, giấy lụa, giấy bao bì không tráng. Còn giấy tráng thì hầu như phải nhập khẩu toàn bộ.
Những nhược điểm của ngành sản xuất giấy Việt Nam được ông Vũ Ngọc Bảo, Tổng Thư ký Hiệp Hội Giấy Việt Nam trụ sở ở Hà Nội mô tả: "Thiếu vốn, công nghệ lạc hậu sự hợp tác và liên kết trong ngành yếu, trình độ quản lý yếu, công nhân có giới hạn."
Người phát ngôn của Hiệp Hội Giấy thêm rằng, trình độ quản lý cũng là một vấn đề, cơ sở lớn thì vẫn mang dáng dấp kế hoạch hoá của thời kỳ bao cấp. Trong khi các cơ sở nhỏ thì nặng tính cách xí nghiệp gia đình.
Một trong thực tế chua chát được nói tới, đó là trả công lao động rẻ, nhưng năng suất lao động lại quá thấp. Tính trung bình trong thời gian một năm, công nhân làm giấy của VN làm ra sản phẩm ít hơn đồng nghiệp của họ bên Nhật khoảng gần 6 lần.
Chừng như ngành giấy Việt Nam chưa có một chính sách phát triển đứng đắn. Điểm nghịch lý là Việt Nam thừa nguyên liệu làm bột giấy nhưng lại phải xuất khẩu gỗ dăm, còn tự mình sản xuất bột giấy thì chỉ đáp ứng 4 phần, 6 phần còn lại là phải nhập khẩu của nước ngoài.
Lượng gỗ dăm xuất khẩu mỗi năm là một con số khá lớn như lời ông Vũ Ngọc Bảo cho biết: "Nguyên liệu để làm bột giấy thì dư thừa cho nên phải xuất khẩu dăm với số lượng 1 triệu rưởi tấn mỗi năm. Trong khi đó lại không có vốn để đầu tư làm bột giấy."
Yêu cầu của hội nhập
Tại sao các doanh nghiệp trong nước không đầu tư vào công nghệ làm bột giấy. Hiệp Hội giải thích là có độ vênh về phân bổ nguồn lực, vốn đầu tư vào các nhà máy làm bột giấy rất thiếu, nếu có khoảng 500 triệu đô la để thành lập các nhà máy chế biến bột giấy an toàn về xử lý nước thải công nghiệp, thì VN có thể chủ động nguồn nguyên liệu cho toàn bộ ngành sản xuất giấy của mình.
Qua tháng 11 sắp tới, chính phủ sẽ công bố mọi cam kết mở cửa thị trường mà VN thoả thuận để được kết nạp vào WTO. Trong tương lai rất gần, ngành giấy VN sẽ mất nhiều thị phần vào tay sản phẩm nứơc ngoài.
Bởi vì lúc ấy những rào cản thương mại mang tính bảo hộ sẽ bị dỡ bỏ, thị trường sẽ chọn lựa những mặt hàng giấy ngoại nhập khẩu, phẩm chất tốt mà giá cả lại rẻ.
Đó là chưa kể việc doanh nhân nứơc ngoài có khả năng đầu tư mạnh vào ngành giấy với những nhà máy công suất 100 ngàn tấn mỗi năm, với vùng rừng nguyên liệu, nhà máy bột giấy và nhà máy sản xuất giấy chung trong một môi trường sản xuất khép kín.
Giải pháp nào cho ngành giấy?
Vậy thì để tồn tại ngành giấy Việt Nam sẽ phải làm gì? Ông Vũ Ngọc Bảo, tổng thư ký hiệp hội giấy Việt Nam đưa ra giải pháp cấp thời:
“Chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp phải tìm ra giải pháp sáng tạo, để có thể tiếp tục phát triển. Chúng tôi dự báo năm vào năm 2010 toàn bộ ngành giấy quốc doanh sẽ được cổ phần hoá. Hiện nay chỉ còn 4 doanh nghiệp 100% vốn quốc doanh, những doanh nghiệp này sẽ được cổ phần hoá cho đến 2010, số vốn của 4 công ty này chỉ còn chiếm 19% sản lượng toàn ngành.
Chúng tôi khuyến cáo các doanh nghiệp là phải tận dụng khai thác mọi nguồn vốn hiện có. Đồng thời nhanh chóng tham gia vào thị trường chứng khoán. Đó là giải pháp, ngoài ra phải tìm các đối tác liên doanh liên kết và kêu gọi đầu tư.”
Những gì người phát ngôn của Hiệp Hội Giấy Việt Nam vừa nói là một báo động đỏ cho các doanh nghiệp ngành giấy VN, họ phải cấp thời đổi mới tư duy quản lý, kêu gọi đầu tư liên kết, canh tân công nghệ, có kế hoạch đào tạo chuyên viên và thợ lành nghề.
Dù muốn dù không, những nhà máy giấy nhỏ lẻ sẽ có nguy cơ bị xoá tên trên bản đồ ngành giấy.