Dân oan tỉnh Tiền Giang lại biểu tình trước trụ sở Ủy ban Nhân dân


2007.10.25

Thanh Quang, phóng viên đài RFA

"Chuyện dài quê hương" – tức vấn đề khiếu kiện về đất đai – lại tái diễn, khi hôm qua 24 tháng 10, những người dân bị mất nhà, mất đất một cách bất công lại biểu tình ở tỉnh Tiền Giang. Dựa theo Website truyền thông "Vietnamexodus" và ý kiến của một số cư dân Tiền Giang, Thanh Quang trình bày diễn tiến này sau đây.

TienGiangProtest200b.jpg
Cuộc biểu tình liên tiếp trong hơn 20 ngày qua của đồng bào các tỉnh miền Nam đã bị công an giải tán hôm 18-7. Hình do Người đưa tin từ Sài Gòn cung cấp.

Bắt đầu từ sáng hôm qua, bà con dân oan từ nhiều địa phương trong tỉnh Tiền Giang lại biểu tình trước trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh để tiếp tục phản đối vấn đề đất đai của họ bị tước đoạt bất công, và đòi giới cầm quyền phải giải quyết ngay bức xúc của họ.

Tiếng hô vang dội của đoàn biểu tình :

Đả đảo bọn phản chủ ức hiếp công dân! Đả đảo toà án tỉnh Tiền Giang ... hành hạ người dân phải đi kiện cáo! Đả đảo toà án tỉnh Tiền Giang ... bao che cho bọn ác! Đả đảo!

Không có gì quý hơn độc lập tự do, đả đảo bọn tham nhũng cướp đất của dân! Yêu cầu đoàn thanh tra chính phủ liên lạc giải quyết dứt điểm cho dân Tiền Giang!

Như quý vị vừa nghe, những khẩu hiệu của dân oan nhằm mạnh mẽ phản đối tình trạng họ bị đàn áp. Một cư dân ở Phường 1, TP Mỹ Tho, cho biết có khiếu kiện trong ngày thứ Tư:

“Hôm qua cũng rầm rang dưới Mỹ Tho. Người ta cũng đi vòng vòng, cũng đi theo tốp tốp vậy.”

Thì ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ổng tốt ổng hứa cho dân, nhưng ở đây nó không giải quyết thì dân phải đi.

Một cư dân khác ở Trung An, TP Mỹ Tho, cũng xác nhận điều này: “Hồi trước giờ cũng có dân khiếu nại thôi chứ đâu thấy biểu tình gì.”

Vào lúc cao điểm có thể có tới hằng trăm người tham gia khiếu kiện, theo lời của một số người tham dự biểu tình, như chị Dương Thị Đẹp, chị Ánh:

“Đông lắm anh ơi, cỡ mấy trăm người à. Cũng cỡ năm trăm, tại vì đủ dân hết chứ không phải một mình dân mình ở đây không. Tân Hương không cũng khoảng ba trăm mấy. Miệt Tân Hương mình đó.

Hiện giờ dân của Tiền Giang đi trên đường Lê Lợi. Tổng số hiện giờ là năm trăm. Riêng khu công nghiệp Tân Hương không là ba trăm rưỡi. Còn dân hết của Tiền Giang là năm trăm, kể cả Gò Công. ”

Chị Dương thị Đẹp giải thích lý do dân oan lại phát động biểu tình như sau:

“Thì ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ổng tốt ổng hứa cho dân, nhưng ở đây nó không giải quyết thì dân phải đi. ”

Vẫn theo lời người biểu tình, cuộc khiếu kiện lần này quy tụ dân oan từ nhiều địa phương trong tỉnh Tiền Giang, như cư dân ở xã Tân Hương bị lấy đất làm khu công nghiệp, dân từ khu vực "Lộ cao tốc", số dân oan từ Gò Công, Cai Lậy…

Khi đoàn người biểu tình đang trên đường tới Tòa Án Nhân dân tỉnh Tiền Giang, vừa đi vừa hô to khẩu hiệu đả đảo chánh án của tòa này, thì những người tham dự cho biết có nhiều mật viên trà trộn trong đòan biểu tình để theo dõi, trong khi công an thì bao quanh họ.

TienGiangProtest200b.jpg
Công an đã dùng đến hơi cay và nhiều biện pháp trấn áp để giải tán cuộc biểu tình khiếu kiện của đồng bào trước Văn phòng 2 Quộc hội. Hình do Người đưa tin từ Sài Gòn cung cấp.

Phụ nữ dân oan vừa nói, tức chị Ánh, quả quyết rằng: “Có bọn đi theo cướp giật băng rôn đó. Nó đi theo là công an chính trị đó. Công an chính trị nó đi theo nó giựt băng rôn. Công an chìm thanh tra tỉnh Tiền Giang. Họ là công an thanh tra tỉnh Tiền Giang, công an chìm đó. Giưt băng rôn là công an chìm. ”

Trong thời gian gần đây, Tiền Giang là một trong những trung tâm khiếu kiện khá thường xuyên, quanh vấn đề đất đai.

Hôm 20 tây tháng 9 vừa rồi, có khoảng 200 người từ nhiều xã, huyện của Tiền Giang cũng phát động cuộc biểu tình khiếu kiện đất đai trước trụ sở UBND tỉnh, đòi Chủ tịch tỉnh phái ra tiếp dân oan để giải quyết nỗi bức xúc của họ.

Nhưng nguyện vọng của họ vẫn không được ai đáp ứng, vì, theo lời dân oan, cơ quan này đùn đẩy trách nhiệm cho cơ quan kia, trung ương đùn đẩy dân oan trở lại địa phương…để trải qua rất nhiều năm rồi, và cho tới giờ, người dân oan tiếp tục lâm cảnh gần như "màn trời chiếu đất".

Gần đây nhất, tức hồi đầu tháng 10 này, cũng phát xuất từ "chuyện dài quê hương" vấn đề đất đai, mà đông đảo bà con dân oan từ 8 tỉnh thành vùng ĐBSCL – ở Long An, Tiền Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang và, xa hơn nữa, từ Bà Rịa-Vũng Tàu hay tận Đà Lạt – đã kéo về Saigòn để biểu tình trước Văn phòng Quốc Hội 2 và Ủy ban TP đòi giải quyết vấn đề đất đai của họ bị tước đoạt bất công, trước sự chứng kiến của cư dân TP và nhiều du khách nước ngòai.

Lần đó, giới cầm quyền cũng sử dụng nhiều xe tải trực chờ tống khứ họ trợ lại địa phương, nhưng bà con dân oan nhất định không lên xe như lần biểu tình hồi tháng Sáu để rồi lâm tình trạng "cơ quan này đùn đẩy trách nhiệm cho cơ quan kia".

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.