Ước mơ mua nhà trong nước của Người Việt hải ngoại vẫn còn nhiều trở ngại


2005.09.22

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Sau bao nhiêu lời hứa hẹn, chuyện về nước để sở hữu một căn nhà của Việt Kiều, xem chừng vẫn là chuyện khó, so với quan điểm của Cục Quản Lý Nhà thuộc Bộ Xây Dựng. Nam Nguyên trình bày thông tin này. Câu chuyện cho Việt kiều mua nhà trong nước có lẽ là một đề tài dài muôn thuở.

EconomyHouse200.jpg
Mua nhà mà không có đất làm sao dám nghĩ tới tương lai. AFP PHOTO

Ba năm sau nghị quyết 36 của Bộ Chính Trị, mở hướng cho chính phủ thu hút tài năng và vốn liếng của người Việt ở nước ngoài, những cánh cửa chỉ hơi hé mở cùng với sự chậm chạp và quan niệm chưa thoáng của các bộ ngành Nhà nước.

Văn bản luật không rõ ràng

Theo báo Pháp Luật, dự thảo sửa đổi nghị định 81 của Bộ Xây Dựng được soạn thảo theo quan điểm là không mở rộng đối tượng được mua nhà so với Điều 121 Luật Đất Đai năm 2003. Tờ báo trích lời ông Vũ Mạnh Cường, giới chức Cục Quản Lý Nhà, Bộ Xây Dựng, xác nhận rằng dự thảo chỉ qui định cụ thể hơn về đối tượng gọi là ‘người có nhu cầu về sống ổn định tại Việt Nam’.

Theo ông Cường trước đây văn bản luật không rõ ràng khiến cho những Việt kiều thuộc đối tượng vừa nói khi xin mua nhà bị từ chối. Tuy vậy dự thảo cũng có một nét mới là một số thành phần Việt kiều được ưu đãi có thể mua nhiều căn nhà thay vì chỉ một căn duy nhất.

Theo dự thảo sửa đổi nghị định 81 của Bộ Xây Dựng, Việt kiều được mua nhà thì cũng sẽ được cấp sổ đỏ, giấy hồng, như người trong nước. Số lượng ít ỏi 50 Việt kiều từng mua được nhà, tới đây cũng có quyền xin cấp sổ đỏ giấy hồng, tức là có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận sở hữu nhà.

Có quyền sử dụng đất không có nghĩa là được quyền sở hữu đất đai vì luật pháp Việt Nam qui định đất đai là sở hữu nhà nước. Dù thêm giấy đỏ sổ hồng là một bước mới đối với Việt kiều, nhưng đây vẫn là khúc mắc liên quan tới quyền tư hữu khiến cho không ít Việt kiều cảm thấy không thoải mái:

“Qui định nhà cửa cho Việt kiều thật là hạn chế, mua nhà mà không có đất làm sao dám nghĩ tới tương lai.”

Quan điểm không mở rộng

Do quan điểm không mở rộng đối tượng Việt kiều được phép mua nhà trong nước, như vậy dự thảo sửa đổi nghị định 81 chỉ có sự tiến bộ là, giải quyết một số thủ tục hành chánh để thực hiện quyền mua nhà của Việt kiều. Một giới chức Uỷ Ban Về Người Việt Nam ở Nước Ngoài cho biết: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Trong tương lai, khi nghị định 81 của chính phủ được sửa đổi, việc mua bán nhà ở giữa Việt kiều với nhau, hoặc giữa Việt kiều và người trong nước, không còn phải sử dụng mẫu hợp đồng dành riêng như trước.

Thay vào đó chỉ cần thiết lập hợp đồng mua bán nhà có chứng nhận của phòng Công chứng, hoặc Uỷ ban Nhân dân cấp huyện nơi căn nhà toạ lạc. Đây là thủ tục thông thường áp dụng chung cho người trong nước.

Theo báo Thanh Niên dự thảo nghị định 81 sửa đổi qui định diện Việt kiều được mua và sở hữu một căn nhà, xin nói rõ là chỉ một căn nhà mà thôi, diện này gồm các thành phần như là, kiều bào có nhu cầu sống ổn định tại Việt Nam được các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, hoặc bộ công an chấp thuận bằng văn bản; người cao tuổi có giấy tờ chứng nhận được hưởng chế độ hưu trí hoặc chế độ bảo hiểm xã hội do chính phủ nước ngoài cấp; hoặc kiều bào được phép về Việt Nam từ 6 tháng trở lên và tạm trú liên tục từ 3 tháng trở lên.

Điểm thay đổi so với trước kia là có một số thành phần Việt kiều được quyền mua và sở hữu nhiều căn nhà, giống như người trong nước. Các thành phần này gồm kiều bào về đầu tư lâu dài ở Việt Nam; người có công với đất nước ; nhà văn hoá nhà khoa học có nhu cầu về hoạt động thường xuyên tại Việt Nam.

Thưa quí thính giả, cánh cửa được mô tả là rộng mở để đón kiều bào về nước có vẻ như còn nhiều lớp cửa khác ở phía sau chưa thực sự mở. Để mở hết những khung cửa hẹp, theo các Việt kiều nhiều kinh nghiệm làm ăn ở Việt Nam thì, có lẽ sẽ phải mất nhiều thời gian hơn nữa.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.