Tiểu thương Việt Nam sửa soạn lên đường đi Mỹ


2006.04.14

Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA

Ðoàn tiểu thương đầu tiên của Việt Nam đang sửa soạn lên đường sang Hoa Kỳ, trong chuyến đi nhằm mục đích tìm hiểu thị trường và học hỏi cơ hội để có thể phát huy một trong những khu vực thương mại được coi là nồng cốt của quốc gia.

PhuongThao150.jpg
Cô Michelle Phương Thảo, Chủ Tịch Vietransimex. Hình do cô Phương Thảo cung cấp.

Chuyến đi thành hình sau hai cuộc hội thảo do công ty Vietransimex -một công ty tư vấn thương mại do người Việt thành lập- thực hiện tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh hồi tháng trước, quy tụ hàng trăm doanh gia hoạt động trong ngành tiểu thương.

Trong những buổi nói chuyện, đại diện của giới tiểu thương Việt Nam cho biết nguyện vọng của họ là làm sao tiếp cận được với giới tiểu thương và thị trường của nước ngoài để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và nếu có thể được, mở rộng thị trường hoạt động.

Tiếp xúc với Ðài Á Châu Tự Do sau khi về lại Hoa Kỳ, Cô Michelle Phương Thảo, Chủ Tịch Vietransimex nói rằng dù tiểu thương là khu vực đóng góp rất lớn cho nền kinh tế của quốc gia, nhưng trong những thập kỷ qua, hầu như ngành tiểu thương Việt Nam không được chú ý đến đúng mức.

Cô Phương Thảo đưa dẫn chứng “không một quốc gia nào có nhiều nhà buôn lẻ như Việt Nam” và chính người ngoại quốc khi đến thăm Việt Nam cũng phải ngạc nhiên, không thể ngờ “bất cứ một căn nhà nào ở mặt đường hay trong ngõ hẽm đều có thể là một cửa tiệm”.

Ngay chính các viên chức của Việt Nam cũng nhìn nhận các cơ sở thương mại cỡ nhỏ và cỡ trung “đang nắm cốt lõi của nền kinh tế quốc gia”, và chính những bản phúc trình của Ngân Hàng Thế Giới cũng xác nhận “không thể loại bỏ vai trò của tiểu thương” khi nói đến tốc độ phát triển kinh tế mà Việt Nam đạt được trong những năm sau thời đổi mới.

Tháng trước, phúc trình của công ty tư vấn kỹ thuật Tekrati cho thấy chỉ có 11% cơ sở tiểu thương Việt Nam (từ 1 đến 99 nhân viên) “có máy vi tính” và số tiền bỏ ra để mua máy lên đến hơn 263 triệu USD. Các con số được đưa ra xác nhận giới tiểu thương Việt Nam vẫn chưa sử dụng kỹ thuật tin học đúng mức để phát triển cơ sở kinh doanh của mình, nhưng về mặt tích cực vẫn chứng tỏ được các nhà hoạt động tiểu thương tại Việt Nam “muốn biết chuyện gì xảy ra ở thế giới chung quanh họ”.

Mặc dù nguyên tắc căn bản thường hay được nói đến là phải có những đại công ty nếu muốn trở thành một nước phát triển, nhưng với cái nhìn của một người đã từng nhiều năm sinh hoạt trong lãnh vực tư vấn thương mại, cô Phương Thảo nhấn mạnh thành công trên thương trường “không tùy thuộc ở chỗ công ty lớn hay nhỏ” mà ở sự hiểu biết để nắm bắt thị trường, và học hỏi kinh nghiệm của những người khác. Vì thế, mục đích chuyến đi của đoàn “nhằm giới thiệu với các thành viên trong đoàn những cơ hội giúp phát triển cơ sở thương mại của mình” với thị trường Hoa Kỳ rộng lớn, “vẫn còn quá nhiều cơ hội cho giới tiểu thương Việt Nam”.

Theo chương trình, đoàn tiểu thương đầu tiên của Việt Nam sẽ đặt chân đến Mỹ vào cuối tháng này. Ðịa điểm đầu tiên của đoàn là khu vực Little Saigon ở bang California, khu vực có đông người Việt định cư nhất. Ðoàn cũng sẽ được đại diện của Bộ Thương Mại Mỹ trình bầy về luật lệ mua bán hàng hóa từ Việt Nam sang Hoa Kỳ và ngược lại, cũng như những trợ giúp mà giới tiểu thương Việt Nam có thể mong đợi từ Chính Phủ Mỹ.

Cô Michelle Phương Thảo cho biết trở ngại lớn nhất của các nhà tiểu thương Việt Nam muốn tham gia trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ “không phải là chuyện tài chánh, mà là làm sao xin được visa để nhập cảnh vào Mỹ”. Cô nêu ra một vài thí dụ cho thấy một số người ghi tên tham gia, có đủ tiền để trả cho chuyến đi nhưng vì những lý do khác nhau, trượt phỏng vấn visa.

(Xin theo dõi toàn bộ cuộc phỏng vấn cô Michelle Phương Thảo trong phần âm thanh bên trên)

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.