Nguyễn Bình, đặc phái viên RFA tại Phnom Penh
Hôm nay, phóng viên Nguyễn Bình của Ban Việt ngữ Đài RFA, từ Phnom Penh có bài tường trình vì tình hình giáo dục trẻ em của cộng đồng người Việt sống trên biển Hồ, bên nước láng giềng Campuchia như sau.

Đa số trẻ em của trên 1000 hộ gia đình người Việt sống trên Biển Hồ thuộc địa phận tỉnh Kampong Chhnang đều có cơ hội đến trường. Nhưng hầu hết không được học đến nơi đến chốn, và không có bằng cấp vì không có khai sanh như lời nhận định của Mục sư Nguyễn Văn Lâm.
Nguyên nhân vẫn là do không được nhập quốc tịch. Mục sư Lâm cũng có con học đến lớp 11, do không có khai sanh nên không thể học tiếp lên 12 để thi tốt nghiệp.
Còn gia đình ông Huỳnh Văn Thiện có con đang học chữ Việt trong lớp học tình thương của đạo Tin Lành và học trường tiểu học của Campuchia. Do không có khai sanh, nên ông phải đút lót cho các thầy cô để con được học.
Lớp học tình thương của đạo Tin Lành dành cho người Việt trên Biển Hồ có duy nhất một phòng, được dựng trên bè, nổi lênh đênh trên mặt nước. Bàn ghế phải nghiên qua nghiên lại mỗi khi có sóng lớn.
Có khoảng 50 học sinh đang theo học ở đây. Buổi sáng dạy tiếng Việt, chiều dạy tiếng Khmer và tiếng Anh.

Cô Nguyễn Thị Diệu Hiền là giáo viên dạy tiếng Khmer và tiếng Anh vào buổi chiều cho biết dạy lớp tình thương ở đây cô không có lương, chỉ nhận được tiền trợ cấp mỗi tháng 20 đô la từ tổ chức đạo Tin Lành ở Hàn Quốc, nhưng cô rất vui khi được đứng lớp.
Gần đường lộ đang ngập nước, bên cạnh trụ sở Hội Việt kiều và chùa Vạn An Tự cũng có một ngôi trường. Được biết trường này cũng để dạy chữ Việt cho con em người Việt ở đây do dân làng dựng lên. Nhưng nay đã rách rới, bàn ghế xiêu quẹo. Hòa thượng Thích Lệ Thành cho biết trường này không còn hoạt động nữa.
Mục sư Lâm cho biết cả tỉnh Kampong Chhnang hiện có 4 lớp tình thương dạy chữ Việt cho con em người Việt ở đây. Trong đó có 3 lớp do đạo Tin Lành mở, còn 1 lớp do đạo Công Giáo mở.
Theo dòng câu chuyện:
- Cuộc sống của người Việt trên Biển Hồ (phần 2)