Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA
Cách đây đúng một năm, Việt Nam được kết nạp vào Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO tại buổi lễ long trọng, diễn ra ở trụ sở trung ương, bên Geneve, Thụy Sĩ. Hôm nay, báo chí trong nước đều có bài nhắc lại sự kiện lịch sử này. Sau một năm hội nhập nền kinh tế tòan cầu, Việt Nam đã đạt thành quả gì và cần phải tiến bước ra sao trong thời gian trước mắt? Đỗ Hiếu hỏi chuyện Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên cố vấn cao cấp của nhà nước Việt Nam, hiện sinh sống tại Hà Nội.

Đỗ Hiếu: Trước hết chúng tôi xin cảm ơn Tiến sĩ Lê Đăng Doanh từ Hà Nội đã dành cho phóng viên RFA cuộc trao đổi hôm nay để nói về đề tài "Việt Nam-WTO: một năm nhìn lại". Thưa Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, hôm nay báo chí trong nước đều nói đến sự kiện này và có nói tới một điểm nổi bật là nền kinh tế thị trường Việt Nam ngày càng được khẳng định. Chúng tôi xin Tiến Sĩ cho biết ý kiến của ông về những điều mà báo chí Việt Nam nói tới nhiều nhứt ngày hôm nay.
TS Lê Đăng Doanh: Từ ngày 7 tháng 11 năm 2006 khi Đại Hội Đồng của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới bỏ phiếu thông qua và ta trở thành thành viên thứ 150, thì trong một năm qua Việt Nam đã có nhiều thay đổi và trong việc cải cách kinh tế thị trường Việt Nam đã cam kết và thực thi được nhiều cam kết đối với Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Việt Nam đã thực hiện nguyên tắc đối xử quốc gia, tức là bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và ngoài nước.
Đối với doanh nghiệp trong nước - doanh nghiệp nhà n ước và doanh nghiệp tư nhân cũng là bình đẳng. Việt Nam đã cho phép các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài được quyền xuất nhập khẩu như là các doanh nghiệp Việt Nam. Việt Nam đã có giảm thuế. Việt Nam đã có tái cấu trúc các ngân hàng, trong đó đặc biệt là các ngân hàng thưong mại cổ phần tư nhân ở thành phố Hồ Chí Minh chẳng hạn, thì tỷ trọng tín dụng của các ngân hàng thương mại tư nhân bây giờ đã bắt đầu lớn lên nên là dẫn đầu trong các loại hình ngân hàng ở thành phố Hồ Chí Minh. Đó tín hiệu rất là đáng mừng. Chính phủ cũng đã có đẩy mạnh nhiều công cuộc về cải cách hành chính, đã có bảng phân cấp về, quyết định về đầu tư nước ngoài.
Tuy vậy, sau một năm hội nhập thì chúng ta có thể thấy Việt Nam cũng đã tự phát hiện ra được là có những hạn chế. Hạn chế thứ nhất, tức là luật pháp được ban hành nhưng việc thực thi thì ta phải có nỗ lực nhiều. Việc thứ hai là kết cấu hạ tầng đang bị quá tải. Hiện nay, bến cảng, đường cao tốc, rồi thì điện.... Nếu mà nền kinh tế cứ tiếp tục tăng trưởng như thế này thì tình trạng kẹt xe, tình trạng là không lưu thông được, phải chờ lâu mới có thể giải quyết được. Và nếu như vậy thì việc thực thi các dự án đầu tư nước ngoài có thể không đạt được cái tiến độ như là mong muốn.
Vấn đề nữa về kết cấu hạ tầng tức là điện. Hiện nay có nhiều nhà máy thép đang muôn đầu tư vào Việt Nam. Nếu tất cả các nhà máy thép ấy mà hoạt động thì tình trạng thiếu điện sẽ còn trầm trọng hơn.
Khó khăn thứ hai là vấn đề về lao động. Các nhà đầu tư nước ngoài đang cần rất nhiều lao động có tay nghề, như là công ty Hồng Hải của Đài Loan đầu tư ở Bắc Ninh và Bắc Giang, họ cần tất cả là 300.000 công nhân, trong đó họ cần ngay lập tức là khoảng hơn 1.000 kỹ sư. Và hiện nay họ đang phải ký hợp đồng với đại học Việt Nam có thể đào tạo cho họ. Cho nên là tỷ lệ những người được đào tạo hiện nay của Việt Nam đang còn thấp, đặc biệt là Việt Nam rất thiếu những nhân công có trình độ chuyên môn cao có thể làm giám đốc các doanh nghiệp lớn. Ấy là điểm thứ hai.

Đỗ Hiếu: Thưa Tiến Sĩ, các báo hôm nay cũng đề cập tới sự phát triển của thị trường chứng khoán trong khoảng một năm trở lại đây và cho đó là biểu hiện của sự hình thành một thị trường vốn lớn. Cũng vẫn theo các báo, điều đó bắt nguồn từ việc Hà Nội đã trở thành thành viên chính thức WTO. Vậy theo Tiến Sĩ, thị trường chưng khoán sẽ có dấu hiệu khả quan nào không trong những ngày tới đây?
TS Lê Đăng Doanh: Thị trường chứng khoán tăng trưỏng trong thời gian qua có thể rất là nhanh nhưng mà đầu năm 2006 có lẽ là đã đạt mức độ 44-45% GDP rồi. Và ngoài ra Việt Nam tiếp tục hoàn chỉnh tính công khai minh bạch về sự chính xác của thông tin. Tất cả những vấn đề đó thì Việt Nam đã phát hiện và sẽ cố gắng hoàn chỉnh tiếp.
Đỗ Hiếu: Tiến Sĩ có nói tới vấn đề thị trường Việt Nam trong độ tuổi lao động chưa khai thác nhiều hoặc là không cung ứng đủ số kỹ sư đạt tiêu chuẩn để có thể làm việc cho các công ty nước ngoài tới Việt Nam kinh doanh, thì theo Tiến Sĩ, biện pháp khắc phục là như thế nào ạ?
TS Lê Đăng Doanh: Ở Việt Nam hiện nay nguồn lao động dồi dào nhưng tỷ lệ đựơc đào tạo lại thấp thì vẫn là phải phát triển mạnh mẽ hệ thống giáo dục đào tạo và phải có cải cách chế độ giáo dục đào tạo, và phải bảo đảm là mọi người nghèo đều phải được đi học, và nhà nước sẽ có chính sách bảo đảm cho những người nghèo được đi học, và bảo đảm cho những người nào học rồi đi học nghề, học nghề rồi được đi học đại học, tức là thay cho cái việc học theo bằng cấp thì học theo tín chỉ và học suốt đời, nâng cao cái tỷ lệ đào tạo lên và sẽ nâng cái chất lượng đào tạo lên để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài.
Tôi nghĩ rằng người Việt Nam chúng ta thường là khéo tay, nếu mà được đào tạo tốt thì nguời Việt Nam không phải chỉ có thành công ở nước ngoài mà người Việt Nam sẽ thành công ở ngay trong nước và đóng góp vào việc xây dựng đất nước Việt Nam.
Đỗ Hiếu: Thưa Tiến Sĩ Lê Dăng Doanh, nhiều báo có nói như thế này: Một năm WTO với Việt Nam như là chuiyến đi đầu tiên ra biển lớn, thì thưa Tiến Sĩ, ra biển lớn thì cũng có nhiều điều hay nhưng mà bên cạnh đó cũng sẽ có ít nhiều sóng gió, thì theo Tiến Sĩ, sóng gió là những điều gì và có cách nào để vượt qua những cơn sóng gió đó không ạ?
TS Lê Đăng Doanh: Theo tôi thì sóng gió là điều cần thiết và Việt Nam sẽ phải cạnh tranh bằng việc đổi mới công nghệ, bằng việc nâng cao năng suất lao động, bằng việc đưa ra các mặt hàng hấp dẫn, các dịch vụ hấp dẫn hơn lên. Và tôi tin rằng nước Việt Nam sắp tới đây sẽ lớn lên trong khu vực cạnh tranh đó.
Dĩ nhiên là trong cạnh tranh như vậy thì không phải mọi người đều thắng, cũng có thể có người thắng có người thua, có thể có lúc thắng có lúc thua, thì tôi nghĩ đấy cũng là điều bình thường.
Trong một năm đầu tiên thì sự cạnh tranh đó cũng đã có thể rõ rệt trên một số mặt hàng như là hàng nông sản. Năm đầu thì kết quả là tưong đối khả quan. Thế thì chúng ta trong năm thứ hai sẽ hội nhập sâu hơn nữa, mở cửa tiếp tục sâu rộng hơn nữa. Và lúc bấy giờ chúng ta sẽ có thể có được thông tin đầy đủ hơn và chúng ta sẽ cùng nhau phân tích một lần nữa.
Đỗ Hiếu: Chúng tôi xin được thay mặt quý thính giả RFA và anh chị em Ban Việt Ngữ của Đài Á Châu Tự Do cám ơn tiến sĩ Lê Đăng Doanh đã dành thời giờ cho cuộc trao đổi để nói về đề tài "Việt Nam-WTO: Một năm nhìn lại."
Tiến Sĩ Doanh: Xin cám ơn Đỗ Hiếu.