Lê Dân, phóng viên đài RFA
Nạn dầu loang tại Việt Nam, bắt đầu từ miền Trung hồi tháng trước, nay đã vào tới miền Nam, trong lúc các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra nguyên do và thủ phạm. Sự việc đó thực sự ra sao, Lê Dân tìm hiểu thêm và trình bày như sau.

Những ngày vừa qua, tình trạng dầu loang đã được nhận thấy ở vùng duyên hải miền Nam, xa nhất là ra tới ngoài Côn Đảo. Cho tới chiều thứ Năm, toàn đảo đã phải tạm ngưng công tác thu gom dầu do sóng to, thủy triều lớn.
Dù vậy, dân huyện đảo cũng đã thu gom được khoảng 80% tổng khối lượng dầu ước tính khoảng 50 tấn, gồm cả dầu nguyên và dầu lẫn vào cát.
Bức xúc
Điều gây bức xúc là ngoài các mảng dầu lớn, còn có nhiều bao nilông trôi dạt vào bờ có chứa dầu bên trong. Trước đó, trong đợt dầu tấp vào làm ô nhiễm bờ biển Vũng Tàu cũng có nhiều bao nilông dính đầy dầu.
Hiện tượng đó khiến nhiều người, kể cả những người trách nhiệm, ngờ rằng các bao nilông chứa dầu đó là "sản phẩm" của các tàu vận chuyển dầu thải xuống biển, thay vì phải vào bờ giao nhiệm vụ súc rửa các khoang chứa dầu và xử lý chất thải đúng quy cách cho các doanh nghiệp chuyên trách, dĩ nhiên là tốn kém cao.
Sự ngờ vực đó đã từng được nêu lên từ lâu tại các nước quanh các hải lộ chủ yếu trên thế giới. Mới và gần nhất là hồi tháng Hai vừa qua, Hiệp hội Các Doanh nghiệp Xử lý chất thải và Rác Aspel lên tiếng báo động về tình trạng các tàu dầu tự súc rửa và xả dầu nhớt trên vùng biển giữa Indonesia và Singapore kéo dài đã lâu và hiện đang gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Trong quá trình khoan, khai thác, chế biến...đều có thể gây ảnh hưởng đến môi trường. Hiện nay không chỉ riêng nước mình, mà còn các nước chung quanh như Trung Quốc, Mã Lai...họ cũng khai thác rất nhiều. Thế thì những sự cố về giếng khoan có thể xảy ra, rồi dầu phát tán theo gió, theo thủy triều. Năm nay hướng gió vào nước mình nên dầu trôi về.
Chủ tịch hiệp hội Aspel nói các chủ tàu để tiết kiệm chi phí súc rửa đã tự làm lấy việc này, bất chấp gây ô nhiễm lâu dài. Họ thường mua bình chứa bằng nilông, plastic để đựng dầu cặn bã rồi lén lút đổ xuống biển.
Cụ thể là tỉnh trưởng Batam Bappedal của Indonesia hồi tháng trước tố cáo là có hàng trăm bình chứa dầu cặn bã trôi dạt vào bờ của tỉnh này và còn tại nhiều vết dầu loang lớn ngoài khơi Indonesia.
Dầu loang ngoài biển thường chủ yếu gồm hai loại. Một là dầu thô chưa qua chế biến, thường do các mỏ dầu rò rỉ, hoặc từ các tàu dầu gặp nạn khi vận chuyển. Dạng thứ hai là dầu đã qua chế biến, có hình thức dầu FO hoặc DO hay cặn bã hơn.
Ông Trần Hồng Hà, cục trưởng Cục Bảo vệ Môi trường Việt Nam, cho biết cùng là dầu loang, nhưng dầu thu được ở miền Trung sau khi phân tích thì thấy là có thành phần khác với dầu loang ở miền Nam. Dù vậy, hiện vẫn chưa thể kết luận dầu có nguyên nhân và nguồn gốc phát xuất từ đâu.
Ảnh hưởng đến môi trường
Tiến sĩ Nguyễn thị Bình, trưởng bộ môn Lọc Hóa Dầu thuộc đại học Mỏ-Địa chất Hà Nội, nhận định:
“Trong quá trình khoan, khai thác, chế biến...đều có thể gây ảnh hưởng đến môi trường. Hiện nay không chỉ riêng nước mình, mà còn các nước chung quanh như Trung Quốc, Mã Lai...họ cũng khai thác rất nhiều. Thế thì những sự cố về giếng khoan có thể xảy ra, rồi dầu phát tán theo gió, theo thủy triều. Năm nay hướng gió vào nước mình nên dầu trôi về.”
Theo ước lượng của quốc tế thì trong toàn bộ ô nhiễm quả đất do dầu gây ra thì từ việc khai thác rò rỉ chiếm khoảng 2%, dầu tràn do tai nạn hàng hải chiếm khoảng 5% và do rò rỉ tự nhiêm chiếm trên 8%. Thế nhưng dầu gây ô nhiễm từ khâu súc rửa giàn khoan và các kho chứa, khoang tàu chiếm tới gần 20%.
Nạn dầu loang đã xuất hiện trên diện rộng tại vùng duyên hải miền Trung từ hai tháng trước và nay đã lan đến các bờ biển miền Nam, tác hại cho ngư nghiệp và ngành nuôi trồng thủy hải sản.
Hôm thứ Hai tại Hà Nội, đại diện các ban ngành môi trường, quốc phòng, ngoại giao và của cả khu vực dầu khí đã họp nhằm tìm nguyên do và phương thức đối phó với dầu loang. Cuộc họp được đặt dưới sự chủ trì của Ủy ban Tìm kiếm và Cứu hộ Quốc gia và chưa một phương án nào được chính thức áp dụng.
Trước đây, khi nạn dầu loang mới xảy ra tại miền Trung, đã có những đề nghị như nhờ Hải quân Hoa Kỳ trợ giúp bằng không ảnh chụp từ trên vệ tinh để khoanh vùng dầu phát xuất, xem đó là từ giếng khoan, hay từ một tàu chở dầu nào xả bừa bãi.
Nếu là dầu thô thì việc phân chất có thể xác định dầu thô đó có gốc gác từ mũi khoan nào, lý do là thành phần hóa hợp của quặng dầu mỗi nơi một khác, không có hai nơi hoàn toàn giống nhau.
Tuy nhiên cho tới hiện giờ, các mẫu dầu thu nhặt được chỉ vẫn còn trong vòng thử nghiệm và chưa kết quả phân chất nào được chính thức công bố. Do đó, nạn nhân của dầu loang chỉ đành chịu thiệt thòi một mình. Kỹ nghệ du lịch mất khách, kỹ nghệ nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản thất thu....