Ý kiến của một sinh viên về nền giáo dục Việt Nam hiện nay
2006.04.09
Việt Long, phóng viên đài RFA
Trong những buổi hội luận gần đây, quý vị đã nghe nhận xét của một số nhà giáo dục trong và ngoài nước về vấn đề giáo dục ở Việt Nam. Đó là phía những người thầy, thế còn chính những học sinh sinh viên trong nước là các bạn trẻ trực tiếp thụ hưởng nền giáo dục đó thì suy nghĩ ra sao? Từ Hà Nội, bạn Lê Phương bày tỏ ý kiến trong cuộc phỏng vấn do Việt-Long thực hiện mới đây.
Việt Long: Thưa bạn Lê Phương. Trải qua mấy năm đại học, bạn thấy nền giáo dục ngày nay ở Việt Nam có những đặc điểm gì?
Lê Phương: Nhìn chung giáo dục không sát thực tế là một, thứ hai là học sinh sinh viên phải học những thứ mà bất kể kiến thức đó là gì, cần thiết hay không cần cũng phải học, chứ không được phê phán. Trường hợp bài văn lạ năm ngoái của bạn học sinh lớp 11 Nguyễn Phi Thanh là một ví dụ. Bạn này mới chỉ nêu ý kiến khác với cái khung đã được trên định sẵn, lập tức bị quy chụp là đốt đền thiêng văn học.
Việt Long: Như thế có phải là vì bị hạn chế những suy nghĩ độc lập và sáng tạo, mà sinh viên học sinh Việt Nam bị chê là thụ động không?
Lê Phương: Theo em thì không phải hoàn toàn như vậy. Sinh viên học sinh ta thụ động thì quá đúng, nhưng chỉ một phần là do sự kiềm tỏa của định chế xã hội, phần khác là do thói quen của chính họ. Phía Nhà nước thì trước một cái mới mà người dân nghĩ ra, giới chức năng động viên thì ít, mà phản ứng đầu tiên thường là hạn chế, ngăn cấm.
Tất nhiên về một số mặt chính quyền họ cũng khuyến khích và tạo cơ hội. Chẳng hạn như là những cuộc thi robot mà sinh viên Việt Nam tham gia và cũng đã đạt giải cao, nhưng em nghĩ từng đó chưa đủ. Cần phải có sự thông thoáng hơn nữa để học sinh, sinh viên nói riêng, và mọi công dân nói chung có thể phát huy khả năng của mình.
Phía học sinh sinh viên thì vì chưa thông thoáng nên cũng không dám phát huy những suy nghĩ độc lập, rồi thì nhũn ra, bảo sao làm vậy, không còn tinh thần đấu tranh cho những suy nghĩ đúng của mình nữa, đó chính là thói quen của nhiều người như em mới nói.
Việt Long: Ngoài ra thì có ý kiến là ngân sách dành cho giáo dục chưa tương xứng, vì Nhà nước chưa quan tâm đúng mức, bạn nghĩ sao?
Lê Phương: Nói vậy cũng có phần khắt khe, vì những năm gần đây ngân sách cho giáo dục liên tục tăng và luôn ở mức cao hàng tỉ đô la. Đầu tư vào giáo dục cũng lớn, nhưng thực ra cái cần nhất là phải thay đổi tư duy về giáo dục vì nó chính là cái gốc để từ đó xây dựng nên chương trình học tập và phương pháp giảng dậy. Mà như ta thấy cả chương trình học lẫn cách giảng dậy ở Việt Nam hiện nay không gọi là tốt được. Nhồi nhét và ít tính thực tế.
Việt Long: Tôi cũng được biết là ngành giáo dục Vịêt Nam cũng đã tiếp thu nhiều cái mới. Ví dụ cuối năm ngoái bộ giáo dục ký thỏa thuận để từ nay có thể sử dụng học liệu mở của MIT, là một trường đại học kỹ thuật hàng đầu thế giới của Mỹ. Bạn thấy thế nào?
Lê Phương: Đúng là có tiếp thu cái mới. Nhưng về sự kiện học liệu mở, thật ra nếu không ký thỏa thuận thì sinh viên và dân trong ngành IT vẫn đã lên mạng kiếm tài liệu và chia sẻ cho nhau. Như thế càng thấy là những quyết định cải cách thực chất vẫn chỉ là chạy theo sau tình hình thực tế. Ngành giáo dục của mình ít có khả năng dự báo và đưa ra các quyết sách đón đầu.
Việt Long: Nhưng Việt Nam hẳn cũng phải có những nhà giáo dục có thực tài và giàu tâm huyết chứ?
Lê Phương: Cái chính là do cơ chế trói buộc. Chứ lãnh đạo ngành giáo dục nhiều người rất giỏi và cũng có tâm huyết. Nhưng còn chuyện được sử dụng học liệu mở của MIT thì đúng là chính sách giáo dục không đi trước được tình hình. Nhưng dù sao thì muộn còn hơn không; vịêc ký thỏa thuận sẽ gíup chương trình được hệ thống và đầy đủ hơn so với sự chia sẻ tài liệu học tập thông qua mạng internet mang tính tự phát hiện nay ở một số dân IT.
Việt Long: Một ví dụ khác cũng nghe nói tới, để chứng minh là Nhà nước quan tâm nâng cấp giáo dục, là vịêc chính phủ ra chỉ thị tiến tới xây dựng đại học mang đẳng cấp quốc tế ở Việt Nam. Bạn thấy sao?
Lê Phương: Sự quan tâm như thế là điều rất đáng mừng. Nhưng dường như có vội vã. 1 trường đại học như thế là việc không thể làm trong thời gian ngắn. Bởi vì nó đòi hỏi một nền tảng giáo dục phổ thông có phẩm chất thật sự. Điều này Việt Nam chưa có, chất lượng giáo dục 3 cấp phổ thông hiện nay nhìn chung là rất tệ.
Rồi nói đến đại học đẳng cấp thì đội ngũ giảng viên và các chuyên viên nghiên cứu cũng phải giỏi theo tiêu chuẩn quốc tế. Và phải có môi trường sư phạm tốt, môi trường xã hội tôn trọng suy nghĩ độc lập để người học có thể phát huy tối đa khả năng.
Bạn nghĩ gì về ý kiến này? Xin email về Vietweb@rfa.org
Việt Long: Thế là lại quay lại vấn đề lúc nãy.
Lê Phương: Thì em đã nói đó là cái gốc của mọi vấn đề đấy thôi.
Việt Long: Vậy thì cá nhân bạn cho rằng giải pháp nào là khả thi?
Lê Phương: Trước hết phải chấm dứt được tình trạng chạy theo thành tích ở 3 cấp phổ thông như hiện nay. Và các trường đại học ở Việt Nam phải được hòa nhập thực sự để có thể học hỏi những cái hay của các viện đại học trên thế giới. Bây giờ chương trình tuy cũng có những cải cách, như là cách học theo tín chỉ chẳng hạn, rồi cho thành lập đại học tư thục, đấy những là tiên tiến của nước ngoài, nhưng nhìn chung vẫn rất gò bó. Một số trường đại học quốc tế ở đặt tại Việt Nam mà cũng vẫn bị chính trị hóa bằng một số môn bắt buộc, em cho là việc làm đó không thật sự cần thiết.
Việt Long: Môn nào mà cho là chính trị hóa cả các trường quốc tế? Bạn nói cụ thể được không?
Lê Phương: Thì sinh viên hiện nay còn phải dành quá nhiều thời gian cho những môn triết học Mác-Lê Nin, chủ nghĩa khoa học xã hội, kinh tế chính trị và đủ thứ khác kiểu như thế nữa. Thời gian dành cho mấy môn ấy có thể chiếm từ 1/8 thậm chí tới 1/6 thời gian học. Đầu tư thời gian không đem lại nhiều hiệu quả, tức là phí phạm.
Phí phạm thời gian lại phát sinh tiêu cực, vì người học không đủ giờ và không được học những môn thiết thực cho kiến thức và ngành nghề của họ, nên dễ sinh hành động tiêu cực. Báo chí Việt Nam cũng đã nhiều lần phản ánh tệ nạn xin điểm, mua điểm ở một số trường đại học.
Rồi thì công chức viên chức thì đem tiền chạy bằng giả để mưu cầu quan tước... Nói ra thì nhiều chuyện xấu hổ lắm. Đến nỗi có doanh gia nước ngoài bảo là lúc gặp gỡ sơ bộ, cứ xem danh thiếp thì rất kính phục người Việt Nam, ra ngõ là gặp tiến sĩ, nhưng khi hợp tác làm ăn hay giáo dục thì mới ngã ngửa ra.
Việt Long: Nhưng đó là ở cấp lãnh đạo cơ sở và địa phương, còn những cấp chuyên viên trẻ?
Lê Phương: Lấy ngay như ngành công nghệ thông tin, theo thống kê sơ bộ mỗi năm các hệ đào tạo đại học, cao đẳng ở Việt Nam cho ra lò khoảng 5 ngàn kỹ sư, cử nhân tin học nhưng chỉ vài chục % trong số đó là có thể xin được việc làm với mảnh bằng của mình. Mà khi được nhận đa số vẫn phải cần được đào tạo lại trong vài ba tháng mới có thể làm việc thực sự.
Việt Long: Lý do tại sao vậy?
Lê Phương: Thì em đã nói, chương trình giáo dục Đại học ở Việt Nam không sát nhu cầu thực tế cuộc sống. Lại thiếu thảo luận tự do, nên khả năng diễn đạt của học sinh sinh viên Việt Nam cũng kém đi. Thế nên kém cả về marketing và đi phỏng vấn kiếm vịêc làm cũng kém.
Việt Long: Thì thế mới nói chuyện cải cách.
Lê Phương: Nhưng cải cách thì cần đầu tư xứng đáng, và đừng phí phạm kiểu như mình đã nói. Mà không phải cứ rót nhiều tiền vào mà được. Cái chính là người cầm quyền họ phải thay đổi tư duy về giáo dục.
Việt Long: Vậy tư duy đó thế nào?
Lê Phương: Thì tư duy giáo dục hiện nay nó đóng khung cả nền giáo dục trong vòng kim cô màu đỏ chứ sao nữa.
Việt Long: Cám ơn bạn Lê Phương.
Những bài liên quan
- Trao đổi thư tín với thính giả (Ngày 5-5-2006)
- Sinh viên Mỹ bị hành hung ngay thủ đô Hà Nội
- Bi quan hay lạc quan trước tương lai giáo dục Việt Nam (bài 4)
- Tại sao Việt Nam có nhiều tiến sĩ giả? (Bài 3)
- Những điều cần làm ngay nhằm cải thiện ngành giáo dục Việt Nam (Bài 2)
- Nhận xét chung về nền giáo dục hiện nay ở Việt Nam (bài 1)
- Các thủ đoạn gian lận trong phòng thi ngày càng tinh vi hơn
- Phòng trọ cho sinh viên liên tục tăng giá
- Những bước cần chuẩn bị khi đi du học Mỹ (phần 3)
- Những bước cần chuẩn bị khi đi du học Mỹ (phần 2)
- Du học sinh Việt Nam ở Anh quốc (phần 3)
- Những bước cần chuẩn bị khi đi du học Mỹ (phần 1)
- Du học sinh Việt Nam ở Anh quốc (phần 2)
- Du học sinh Việt Nam ở Anh quốc (phần 1)
- Trao đổi thư tín với thính giả (ngày 9-3-2006)
- Phỏng vấn Tiến sĩ triết học Trần Văn Ðoàn (phần 3)
- Phỏng vấn Tiến sĩ triết học Trần Văn Ðoàn (phần 2)
- Cơ quan nào chịu trách nhiệm trong vụ SITC?
- Nạn mua bán bằng cấp giả phổ biến tại Việt Nam
- Lớp học tình thương ở Vạn Đò, Kim Long, Huế