Việt Nam sẽ thiếu nước trầm trọng trong 5 năm tới

0:00 / 0:00

Thanh Quang, phóng viên đài RFA

Một cuộc nghiên cứu mới đây của bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy Việt Nam sẽ thiếu nước trầm trọng trong 5 năm tới. Mời quý vị theo dõi chi tiết về vấn đề này qua cuộc trao đổi sau đây giữa Thanh Quang và Thạc sĩ Hồ Long Phi, chuyên gia về tài nguyên nước có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh. Thạc sĩ Hồ Long Phi giải thích.

HongRiverDrought150.jpg
Dòng nước sông Hồng bị thu hẹp. Photo courtesy of VnExpress.

Thạc sĩ Hồ Long Phi: Vấn đề về nước liên quan tới chuyện phân bổ không đều, tức nguồn nước ở Miền Nam so với Miền Trung và Miền Bắc thì mức độ phong phú không giống nhau. Thành ra vấn đề ở đây là có những vùng sẽ thiếu nước trước. Hiện nay cũng đã có những vùng thiếu nước rồi, như ở Tây Nguyên chẳng hạn.

Còn thiếu nước theo diện lâu dài như dự báo thì thứ nhất là sự phát triển về kinh tế đòi hỏi có thêm nguồn nước sạch, trong khi nguồn nước của chúng ta càng lúc càng ít dần đi vì bị ô nhiễm hay không đủ cung lượng để cung ứng đều đặn. Do đó người ta phải nghiên cứu các biện pháp, công trình để điều tiết lại.

Nguồn nước ở ĐBSCL thì không phải là ít. Chỉ có điều là trong tương lai, những vấn đề liên quan lưu vực sông Mekong, thì không biết cuối cùng người ta giải quyết vấn đề đó, về mặt phân chia quyền lợi, như thế nào. Bởi vì nhiều quốc gia trên thượng nguồn có khuynh hướng thích làm hồ trữ nước lại, còn chúng ta ở dưới hạ lưu thì sẽ bị ảnh hưởng.

Tóm lại có nhiều vấn đề mà hiện nay chúng ta khó có thể nói trước được nó sẽ diễn biến như thế nào.

Yếu tố ảnh hưởng

Thanh Quang: Thạc sĩ vừa đề cập tới việc phân bổ nước không đều. Chẳng hạn như 60% nguồn nước tập trung ở vùng ĐBSCL, nơi có sông ngòi chằng chịt, trong khi 40% nguồn nước còn lại ở những nơi khác trong nước mà lại phải cung cấp tới 80% dân số. Như vậy giới hữu trách hay các chuyên gia có giải pháp như thế nào không ?

Còn thiếu nước theo diện lâu dài như dự báo thì thứ nhất là sự phát triển về kinh tế đòi hỏi có thêm nguồn nước sạch, trong khi nguồn nước của chúng ta càng lúc càng ít dần đi vì bị ô nhiễm hay không đủ cung lượng để cung ứng đều đặn. Do đó người ta phải nghiên cứu các biện pháp, công trình để điều tiết lại.

Thạc sĩ Hồ Long Phi: Đó là thuộc tài nguyên tự nhiên, như sông ngòi, nên vấn đề chuyển nước không dễ như chuyển điện. Vấn đề ở đây là cơ cấu nền kinh tế thôi. Thí dụ nơi nào nước nhiều thì phải tập trung phát triển ở đó nhiều hơn.

Còn nơi nào thiếu nước, không thuận lợi thì phải bớt phát triển ở vùng đó,bởi vì trong tương lai sẽ không đủ nước để phục vụ. Những hoạt động công nghiệp cần rất nhiều nước, chẳng hạn, thì không thể phát triển được ở vùng thiếu nước.

Trong tương lại Miền Nam rõ ràng sẽ tập trung sự phát triển kinh tế là chủ yếu, vì nguồn nước nằm ở đó.

Thanh Quang: Thế còn những yếu tố thiên nhiên, như khí hậu, thời tiết…có ảnh hưởng gì tới viễn tượng khan hiếm nước ở Việt Nam ?

Thạc sĩ Hồ Long Phi: Vấn đề này khó mà đánh giá lắm. Sự thay đổi khí hậu mang tính chất phân cực, tức nóng thì nóng hơn, lạnh thì lạnh hơn, mưa nhiều hơn mà khô hạn cũng nhiều hơn.

Nhưng nếu chúng ta có cách điều tiết lại thì tình trạng phân cực này cũng không trầm trọng lắm. Tức là mình trữ và rồi sử dụng lại. Thứ hai là giải pháp tiết kiệm nước trong tương lai. Thí dụ nguồn nước mình hiện giờ chủ yếu phục vụ cho nông nghiệp, nhưng trong tương lai nó sẽ phải là công nghiệp.

Và khi đó nước dùng cho nông nghiệp càng lúc càng ít dần đi, giảm bớt nhu cầu nước cho nông nghiệp đi, bởi vì nước nông nghiệp hiện nay người ta xài thỏai mái lắm, không có chú trọng tới việc tiết kiệm đâu. Nhưng trong tương lai thì phải tiết kiệm để điều phối qua chỗ khác.

Do đó những tác động có tính chất vừa tự nhiên, vừa nhân tạo như vậy nó làm cho nguồn nước trong tương lai không đến nỗi là không có cách giải quyết.

Nước công nghiệp

Tôi nghĩ vấn đề khan hiếm nước là chuyện lâu dài. Các khu công nghiệp phải được người ta lựa chọn ở vị trí trước tiên thuận lợi về nước. Thành ra khi phát triển có định hướng như vậy thì việc khan hiếm nước trước mắt chưa xảy ra đâu.

Thanh Quang: Thạc sĩ vừa nhắc tới nước công nghiệp. Hiện nay, Việt Nam hiện nay đã gia nhập WTO, nên các họat động công nghiệp, sản xuất kinh doanh càng ngày càng tiêu thụ lượng nước đáng kể. Thì cái đà tiêu thụ nước này có thể ảnh hưởng ra sao tới nguồn nước dành cho người dân ?

Thạc sĩ Hồ Long Phi: Tôi nghĩ vấn đề khan hiếm nước là chuyện lâu dài. Các khu công nghiệp phải được người ta lựa chọn ở vị trí trước tiên thuận lợi về nước. Thành ra khi phát triển có định hướng như vậy thì việc khan hiếm nước trước mắt chưa xảy ra đâu.

Tức những trung tâm công nghiệp lớn nhất nước hiện nay đều xoay quanh các nguồn nước lớn như sông Đồng Nai, sông Sàigòn, sông Mekong…còn ở những nơi khác, nguồn nước khan hiếm hơn thì trước mắt những nhà đầu tư không dại gì mà nhảy vào đó. Thành ra việc sử dụng nước cho công nghiệp không gây khó khăn.

Thanh Quang: Được biết nhiều mạch nước ngầm ở trong Nam lẫn ngòai Bắc đang bị nhiễm arsen, tức thạch tín. Vấn đề này có gây khó khăn về nguồn nước cho dân chúng không ?

Thạc sĩ Hồ Long Phi: Tôi nghĩ trên thực tế người ta có thể dễ xử lý vấn đề này. Hiện nay người ta đã có biện pháp khử arsen mà không bị tốn kém hay khó khăn lắm. Chỉ có điều ảnh hưởng là do dân trí. Tức người ta thiếu thông tin, không biết, nên cứ sử dụng nước bị nhiễm arsen.

Đa số những giếng bị nhiễm arsen là giếng của dân, không phải giếng công nghiệp. Họ tự khoan khỏang sâu 30-40 mét, nơi bị nhiễm nhiều hơn. Còn giếng công nghiệp, do các công ty nhà nước khai thác, thì khoan sau hơn nữa nên chưa thấy có dấu hiệu bị nhiễm arsen.

Thanh Quang: Cảm ơn Thạc sĩ Hồ Long Phi rất nhiều.