Việt Nam tăng cường đào tạo đội ngũ nhân viên có năng lực cả về CNTT và ngoại ngữ
2006.12.21
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
Nguồn lao động giá rẻ của Việt Nam là một yếu tố thuận lợi để kêu gọi đầu tư nước ngoài, thế nhưng nguồn lợi này rất hạn chế cho chính người lao động vì họ chỉ là lao động phổ thông. Việt Nam đang hướng về một mục tiêu khác để thay đổi tình trạng này bằng cách đào tạo lại đội ngũ lao động có tay nghề cao trong lãnh vực công nghệ thông tin.
Nếu Trung Quốc đem những người dân không được huấn luyện gì về khoa học kỹ thuật để làm lao động cho doanh nghiệp ngoại quốc thì người láng giềng khổng lồ của họ là Ấn Độ lại nhận ra rằng lao động trong lãnh vực công nghệ thông tin mang lại thu nhập cho quốc gia họ cao hơn gấp 10 lần thậm chí hàng trăm lần so với lao động phổ thông trong nhà máy.
Nhận thức này sau khi trở thành hiện thực đã biến Ấn Độ trở thành quốc gia có nguồn lao động tại chỗ cho nước ngoài (Outsource) trong lĩnh vực CNTT lớn nhất thế giới hiện nay.
Thế mạnh của Ấn ở chỗ vừa đào tạo nguồn nhân lực qua các trường đại học trong nước vừa có một vốn liếng Anh ngữ rất phong phú vì là nước có dân số nói tiếng Anh rất cao. Chỉ trong vài thập niên, Ấn nhanh chóng dẫn đầu trong việc xuất khẩu lao động làm việc tại chỗ.
Công ty FPT
Còn Việt Nam thì sao? Liệu đất nước chúng ta có thể theo kịp Ấn hay không? Mới đây, một bài viết trên tờ Business Week của Frederik Balfour viết về khả năng của Việt Nam trước việc đào tạo một đội ngũ nhân viên có năng lực cả về CNTT cho đến ngoại ngữ để làm việc cho các công ty nước ngoài.
Bài báo đánh giá cao hai công ty Glass Egg's của Mỹ và Crosstown rival Alive Interactive của Canada là hai công ty do Việt Kiều làm chủ đã về Việt Nam thu nhận và đào tạo nguồn lao động tại chỗ để làm vệc cho họ và số doanh thu trong năm ngoái của công ty Glass Eggs tăng 50% ước tính khoảng 5 triệu đô la.
FPT hiện đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực và một trong những lĩnh vực đó có Outsource.
Bài báo cũng nhắc đến một nguồn đào tạo khác thuộc về công ty FPT một công ty tiên phong của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin và hiện nay đang dẫn đầu về doanh thu trong các lĩnh vực dịch vụ và đào tạo.
Chúng tôi đã liên lạc với ông Nguyễn Khắc Thành hiện đang là Hiệu phó trường Đại Học FPT tại Hà Nội để tìm hiểu thêm về vấn đề này sau đây:
Mặc Lâm: Thưa ông xin ông cho biết về hoạt động của FPT?
Ông Nguyễn Khắc Thành: FPT hiện đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực và một trong những lĩnh vực đó có Outsource.
Mặc Lâm: Trường Đại Học FPT theo chỗ chúng tôi đựơc biết đã được thủ tướng chính phủ phê duyệt và sắp đi vào hoạt động trong một ngày gần đây, xin ông cho biết những lĩnh vực đào tạo của trường và dự kiến trong tương lai trường có chú trọng đến việc đào tạo cho một nguồn nhân lực CNTT để xuất khẩu tại chỗ hay không?
Ông Nguyễn Khắc Thành: Lĩnh vực outsource là hướng chủ lực của công ty song song với việc đào tạo sinh viên cho mục tiêu này.
Mặc Lâm: Hiện nay trường có bao nhiêu địa điểm và đã tuyển sinh được bao nhiêu?
Ông Nguyễn Khắc Thành: Hiện tại 1 trường tại Hà Nội và có khoảng 300 sinh viên cho khóa đầu tiên.
Sinh viên Việt Nam vốn được tiếng là thông minh và chịu khó, hy vọng rằng với chủ trương đúng đắn của FPT không những công nghệ thông tin của Việt Nam có cơ hội cọ sát với thế giới mà còn đào tạo được một nguồn trí thức trong lĩnh vực này hầu tiếp tay đẩy sự phát triển của Việt Nam lên một tầm cao hơn trong tương lai.
Thông tin trên mạng:
- Vietnam's Growing Role in Outsourcing
Những bài liên quan
- 89% sinh viên Việt Nam gian lận trong thi cử
- Những ý kiến về vấn đề dạy thêm, học thêm
- Việt Nam có khả năng chấp nhận thị trường giáo dục
- Các công ty tại Việt Nam và việc hợp pháp hóa những phần mềm đang xử dụng
- Việt Nam xem xét lại tình trạng vi phạm bản quyền hiện nay
- Mức độ hiệu quả của dự án cổng thông tin hai chiều trên mạng Internet cho nông dân
- Tình trạng phá thai ở tuổi vị thành niên
- Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân trình bày các vấn đề cấp bách của ngành giáo dục VN
- Chính phủ Việt Nam cho phép thành lập thêm nhiều trường đại học