Ngành nông nghiệp Đồng bằng Sông Cửu Long trước thềm hội nhập WTO


2006.06.06

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Đồng bằng Sông Cửu Long được ví như vựa lúa chính của Việt Nam. Mặt hàng gạo xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu do vùng này làm ra. Bên cạnh đó rất nhiều lọai trái cây và nông phẩm khác của Việt Nam cũng có xuất xứ từ Đồng bằng Sông Cửu Long. Tuy nhiên, khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Mậu Dịch Thế giới WTO thì ngành nông nghiệp sẽ là ngành gặp nhiều thách thức nhất.

FarmerRice150.jpg
Khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Mậu Dịch Thế giới WTO thì ngành nông nghiệp sẽ là ngành gặp nhiều thách thức nhất. AFP PHOTO

Nhân dịp Hà Nội và Washington ký kết thỏa thuận về việc gia nhập WTO của Việt Nam vào cuối tháng qua, Gia Minh hỏi chuyện ông Võ Hùng Dũng, giám đốc Phòng Thương Mại Công Nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ về một số thông tin liên quan. Trước hết ông đưa ra nhận định.

Ông Võ Hùng Dũng: Một trong những thách thức là giá cả nông sản tại ĐBSCL sẽ cao so với mặt hàng nhập. Thứ hai là đầu tư chưa đủ nên số lượng không đủ để cạnh tranh.

Gia Minh: Lâu nay cũng có thấy nhưng sao vẫn chưa thực hiện được?

Ông Võ Hùng Dũng: Thấy thì thấy ở một bề mặt nào đó nhưng do có những đầu tư lâu rồi; do vậy những nhận thức gần đây chưa thể giúp thay đổi đưa ra những quyết định đầu tư mới.

Gia Minh: Vậy cần phải làm gì thưa ông?

Ông Võ Hùng Dũng: Đang có những động thái chuyển hướng, giúp giảm nhẹ chi phí cho nông dân. Thứ hai là giới khoa học và nhà nước có đầu tư thêm; nhưng nhận thức chưa đồng đều.

Gia Minh: Vốn có phải là trở ngại lớn nhất không?

Ông Võ Hùng Dũng: Vốn cũng là một trở ngại nhưng đầu tư cho nguồn lực cần thêm nữa. Cũng như cho khoa học.

Gia Minh: Nông dân vẫn tự bơi, vậy việc phối hợp giữa các đơn vị liên quan, mà người ta thường gọi là 'bốn nhà' thì ra sao?

Ông Võ Hùng Dũng: Nếu nói tự bơi thì không thực đúng; nhưng yếu tố bốn nhà liên kết vẫn chưa chặt chẽ. Điều lớn là đầu tư cho cơ sở hạ tầng để chi phí giảm đi.

Gia Minh: Sản xuất hiện đang manh múm, làm sao để sản xuất lớn hơn. Mô hình hợp tác xã thì thế nào?

Ông Võ Hùng Dũng: Người ta bị ám ảnh bởi mô hình hợp tác xã cũ; ngoài ra chưa có mô hình mới giúp cho hợp tác xã hiệu quả hơn.

Gia Minh: Theo ông bức thiết nhất hiện nay là điều gì?

Ông Võ Hùng Dũng: Phải tăng cường huấn luyện cho nông dân để họ chịu trách nhiệm về sản phẩm của họ. Nông dân vẫn còn tâm lý ỷ lại; vì họ cho rằng nhiệm vụ phân phối là của ai đâu đó.

Gia Minh: Vậy phải mất thời gian bao lâu?

Ông Võ Hùng Dũng: Bình thường thì thời gian sẽ dài nhưng nếu có áp lực như thế này thì mọi người sẽ cùng chạy và sẽ nhanh hơn. Qua những vụ kiện bán phá giá thì người ta thay đổi rất nhanh.

Gia Minh: Vừa qua do những vụ kiện bán phá giá thì có những thay đổi thế nhưng lại gây tác dụng ngược?

Ông Võ Hùng Dũng: Thường phản ứng do áp lực thị trường mà chưa có sự ngồi lại nên có những cái gấp rút.

Gia Minh: Chương trình chung nhất từ trên, hay gọi là vĩ mô, vì sao vẫn chưa đạt?

Ông Võ Hùng Dũng: Dù sao đi nữa bối cảnh sản xuất hiện nay, với tâm lý ỷ lại và áp lực thay đổi chưa đến nên làm vẫn từ từ; khi có áp lực thực sự thì mọi người sẽ phải thay đổi nhiều lắm.

Gia Minh: Cám ơn ông Võ Hùng Dũng, giám đốc phòng Thương Mại Công nghiệp tại Cần Thơ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.